Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-09-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-09-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Anh   
Thứ Bảy, 15 Tháng 9 Năm 2012 17:12

 Pháp thiếu phương tiện để bảo vệ các di sản kiến trúc


 

Biệt thự Majorelle, tại thành phố Nancy (Office de Tourisme Nancy)

 

Trong hai ngày cuối tuần, thứ bảy 15/09 và chủ nhật 16/09, hơn 15 ngàn trên tổng số 44 ngàn địa điểm và công trình kiến trúc lịch sử sẽ mở cửa tự do cho công chúng Pháp, nhân ngày Di sản châu Âu cuối tuần này.

 Thế nhưng, vào thời điểm khủng hoảng kinh tế, Nhà nước buộc phải cắt giảm các khoản tài trợ dành để bảo vệ các di sản đặt nước Pháp vào một tình thế khó khăn.

Về chủ đề này, báo Le Figaro có bài phóng sự điều tra đề tựa « Pháp thiếu phương tiện để duy trì các Di sản của mình ».

 Mở đầu bài viết, le Figaro đặt câu hỏi : « Liệu chính phủ và các chính quyền địa phương sẽ có đủ phương tiện để bảo dưỡng 44 000 điểm được xếp hạng công trình lịch sử ? ».

Theo nhận định của Bộ trưởng Văn hóa Pháp, bà Aurélie Filippetti, vào thời điểm khủng hoảng « mạnh mẽ chưa từng có » thì không có gì là chắc chắn cả.

Các hiệp hội bảo tồn các di sản văn hóa cũng hiểu rõ rằng cuộc chiến bảo vệ các di sản đang bước vào giai đoạn khó khăn. Nếu như năm 2013 có vẻ như được cứu vãn, thì những năm sau đó như treo mành chỉ.

Tại Pháp hiện nay, khoảng vài trăm ngàn các tòa nhà, tháp, lâu đài, cầu hay các ngọn hải đăng có giá trị. Lượng di sản bao la đó khiến cho công tác trùng tu giống như là một cái giếng không đáy. Trong số đó, có khoảng 44 ngàn cơ sở được chính phủ xếp hạng và được hưởng một chế độ bảo trì đặc biệt, nghĩa là được hưởng một ngân sách trùng tu tương xứng.

Chú trọng đến vấn đề bản sắc dân tộc và nhận thức về khả năng du lịch tiềm tàng của các di sản, chính phủ Pháp đã xếp hạng và công nhận ngày càng nhiều địa điểm mới. Từ phong cảnh, ngọn hải đăng hay các khu công nghiệp cổ xưa lần lượt được thêm vào trong danh mục vốn đã dài dằng dặc. Vì vậy, chi phí bảo dưỡng cho thật tốt giống như là một vực, vốn đã sâu giờ lại càng sâu thêm.

Vào năm 2008, các hiệp hội đã ước tính rằng để duy tu tất cả các điểm, chính phủ cần phải chi ra 7 tỷ euro trong vòng 10 năm. Một con số khó có thể nào đạt được. Năm hơn bù năm kém, khoảng từ 300 và 370 triệu euro tín dụng được giải ngân để giải quyết trước các trường hợp cấp bách hay những điểm ưu tiên hàng đầu.

 Cuối cùng, Le Figaro kết luận « Có quá nhiều tòa nhà, nhưng lại không đủ tiền. Phải chăng đây là một phương trình quá khó ? »

Thế giới Hồi giáo tiếp tục phẫn nộ về bộ phim báng bổ đạo Hồi

Về thời sự quốc tế, các báo Pháp hôm nay tiếp tục đưa tin về vụ bộ phim báng bổ đạo Hồi đang gây ra làn sóng bất bình tại nhiều nước Ả Rập Hồi giáo.

Theo các báo Pháp, xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình đã xảy ra ở một số nước như Tunisia, Liban và Yemen, gây thương tích và tử vong cho nhiều người trong khi những người biểu tình tìm cách xâm nhập vào Đại sứ quán Mỹ.

« Ngày phẫn nộ từ Tunis đến Khartum », « Tại Tunis, Obama : chúng tôi tất cả đều là Oussama » và « Các nhà lãnh đạo Ả Rập cố gắng kiềm hãm sự nổi giận chống bộ phim báng bổ đạo Hồi » lần lượt là các bài viết trên các báo Le Figaro, Libération và Le Monde.

 Riêng nhât báo Le Monde còn chạy tít lớn trên trang nhất « Sự giận dữ của thế giới Hồi giáo sẽ còn đi đến đâu ? ».

Le Figaro cho biết, tại Khartoum, thủ đô của Sudan, cuộc biểu tình đã biến thành bạo động dữ dội.

 Những người biểu tình Hồi giáo cực đoan đã châm lửa đốt Đại sứ quán Đức. Theo tờ báo, vụ việc đã gợi nhắc lại một vụ xung đột khác xảy ra vào năm 2010.

 Vào năm đó, bà Angela Merkel, thủ tướng Đức đã trao huân chương cao quý cho tác giả người Đan Mạch của những bức tranh biếm họa về Mohamed. Vụ việc đã gây nhiều vụ biểu tình phản đối dữ dội tại nhiều nước Hồi giáo trên thế giới.

Theo Libération, những người phản đối cho rằng bộ phim đã báng bổ đạo Hồi. Và họ cũng cho là « người Mỹ cần phải hiểu rằng không nên động chạm đến Đấng tối cao Allah , cũng như đến các nhà tiên tri, đây chính là điểm giới hạn của người đạo Hồi ».

Liên quan đến vụ tấn công lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, làm thiệt mạng Đại sứ Christopher Stevens và ba nhân viên ngoại giao, thủ tướng Libya mới đắc cử, ông Moustapha Abou Chagour , đã yêu cầu cho tiến hành điều tra vụ việc. Theo Le Monde và Le Figaro, đã có 4 người tình nghi bị bắt giữ.

Theo nhận định của Le Figaro, « Hoa K ỳ bị sập bẫy bởi một nhóm người chống Hồi giáo cuồng tín ».

Tờ báo cho rằng bộ phim được thực hiện với sự hợp tác của một số nhân vật thuộc phong trào Thiên chúa giáo cực đoan.

Tuy nhiên, Le Figaro và Libération cũng đặc biệt chú ý đến phản ứng của phe Huynh đệ Hồi giáo đang nắm quyền tại Ai Cập.

 Nếu như Le Figaro chạy tựa « Trò chơi thăng bằng của tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi » thì Libération lại đưa tít « Phe Huynh đệ Hồi giáo làm chủ tình hình ở Cairo ».

Một cuộc khủng hoảng trắc nghiệm cho ông Morsi, Le Figaro viết. Bị lúng túng, mãi đến hai ngày sau, ông Morsi mới có phản ứng.

Một mặt, ông lên án bộ phim. Mặt khác, ông kêu gọi chấm dứt bạo lực. Theo quan sát của một chính trị gia, thì ông Morsi không thể nào để các đối thủ của ông, những người theo phái Salafi độc quyền chỉ trích Hoa K ỳ. Vì như vậy sẽ làm suy giảm uy tín của tổng thống Ai Cập.

Hơn nữa, nếu giải tán đám đông bằng bạo lực như là quân đội đã từng làm cũng sẽ những tác động xấu lên hình ảnh của ông.  Song song đó, ông Morsi cũng phải dàn xếp với phía Mỹ, người đã ủng hộ ông trong cuộc cách mạng lật đổ Moubarak và đã có những giúp đỡ tài chính quan trọng để tái thiết đất nước.

Tuy nhiên, theo quan sát của Libération, trong việc giải quyết đợt khủng hoảng này, dường như ông Morsi đã gặt hái thành công khi chơi trò « nước đôi » : ông đã chứng tỏ với những người phản đối rằng ông luôn đứng sau họ nhưng đồng thời cũng cho phương Tây thấy rõ là ông hoàn toàn có khả năng làm chủ tình hình.

Trung Quốc "lên lớp" Hoa Kỳ

Cũng về đề tài này, nhưng liên quan đến quan hệ Mỹ - Trung, Le Figaro chạy tựa « Trung Quốc dạy bảo Hoa Kỳ ».

Các báo Trung Quốc tràn ngập các bình luận mỉa mai cho rằng Washington nên xem lại chính sách đối ngoại của mình tại khu vực Trung Đông.

Với chủ đề « Tôi đã từng nói với ông rồi », báo chí Trung Quốc tràn đầy các bình luận về làn sóng bài Mỹ tại các nước Hồi giáo. Đâu đâu cũng có cùng một giọng điệu : « chơi với lửa có ngày bỏng tay ».


Le Figaro trích dẫn hàng tít trên tờ Thời báo Hoàn cầu : « Thất bại tại Libya minh họa thực tế phũ phàng cho chính sách đối ngoại Mỹ ».

Đối với tờ báo, vụ tấn công lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi cho thấy rõ « ý nghĩa nghiêm trọng về chính sách » và nó cũng thể hiện rõ « sự bất mãn của người dân đối với phương Tây đang dâng cao, vượt tầm kiểm soát ».


Tờ Tân Hoa Xã còn khẳng định rằng làn sóng chống Hoa Kỳ đang diễn ra « minh họa chiến lược tồi » của Washington và cho thấy rõ là « Mỹ cần phải xem lại chính sách đối ngoại trong khu vực ».

Theo phân tích của Le Figaro, Trung Quốc vẫn còn tỏ ra cay cú với vụ Hoa Kỳ không kích lên Libya.

 Bắc Kinh cho rằng phương Tây đã lường gạt họ khi lạm dụng Nghị quyết Hội đồng Bảo an. Trong suốt cuộc cách mạng mùa xuân Ả Rập, Trung Quốc luôn trung thành với học thuyết không can thiệp sâu vào nội bộ các nước. Một chính sách cho thấy Bắc Kinh ngầm ủng hộ cho nhà cầm quyền lúc bấy giờ và phớt lờ các làn sóng phản đối.
Thế nhưng, đứng trước sự sụp đổ của chế độ Ben Ali tại Tunisia, Ai Cập và Libya, Trung Quốc bắt đầu tỏ ra lo ngại rằng sẽ bị gạt ra ngoài thế giới Hồi giáo mới, và sẽ trả giá cho việc gây cản trở phong trào cách mạng. Và như vậy sẽ làm sụp đổ hoàn toàn mọi quyền lợi kinh tế của họ trong khu vực.

Theo Le Figaro, quan ngại cho mọi quyền lợi trong khu vực sẽ bị sụp đổ, dù phải bóp méo các nguyên tắc của mình, cuối cùng Bắc Kinh cũng phải mở lời với phe nổi dậy cả trước khi chính quyền Kadhafi sụp đổ.

Và bây giờ là với phe nổi dậy Syria. Một mặt Trung Quốc sẽ đón tiếp một phái đoàn thuộc một nhóm đối lập. Mặt khác, Bắc Kinh vẫn tiếp tục ủng hộ Damas.

Nhận xét về hành động này của Trung Quốc, Ngoại trưởng Pháp cho rằng « Trung Quốc đang thực hiện theo cách tích cực và công minh nhằm đạt được một giải pháp chính trị trên hồ sơ Syria ».

Như vậy, rủi ro của Mỹ lần này sẽ cho phép Bắc Kinh khôi phục lại uy tín của mình trong khu vực.

Cuối cùng, Le Figaro còn cho biết, đàng sau các bình luận về làn sóng bài Mỹ, tờ Thời cầu Hoàn báo còn đưa ra một bài học. Đó là Mỹ cần phải bớt ngạo nghễ và cần phải học cách « tôn trọng các nền văn hóa khác ».

 Một cách hiểu ngầm là Hoa Kỳ cần phải chấp nhận « các nét đặc thù của Trung Quốc » về hệ thống chính trị và nhân quyền.

Tờ báo còn lưu ý rằng khó có thể nào giải thích với người dân Hồi giáo rằng họ không thể nào làm được gì để ngăn cản chuyện lưu hành các loại phim kiểu ấy khi dựa vào quyền tự do ngôn luận. Le Figaro kết luận, vì vậy « kiểm duyệt và hạn chế tự do ngôn luận cũng có điểm tốt ».

Tại Nga, Putin cố dập tắt phong trào phản đối

Tại Nga, bầu không khí chính trị ngày càng đen tối. Chính phủ cầm quyền đang tìm mọi cách dập tắt mọi làn sóng phản đối.

Nhiều vụ bắt bớ các nhà đối lập đã diễn ra từ hai tháng nay. Gần đây nhất, Thượng viện Duma cũng đã bãi nhiệm một dân biểu đối lập theo yêu cầu của đảng cầm quyền. Phe đối lập nhận định chính quyền Matx-cơ-va sẽ ngày càng xiết chặt lệnh trừng phạt chống lại các phong trào phản đối Putin.

 Về chủ đề này, báo Le Figaro có bài nhận định đề tựa « Putin tìm cách dập tắt phong trào phản đối ».

Với lý do là đã vi phạm quy chế đại biểu, Hạ  viện Douma đã ra quyết định bãi nhiệm ông Guennadi Goudkov, một đại biểu Thượng viện thuộc cánh trung.

Họ chỉ trích ông vẫn duy trì công tác quản lý doanh nghiệp trong suốt nhiệm kỳ đại biểu. Vì là còn công dân nước Bungary, ông Goudkov còn bị buộc tội trốn thuế và rửa tiền. Tuy nhiên, theo Le Figaro, việc ông Guennadi Goudkov gia nhập vào hàng ngũ phe đối lập, kể từ sau đợt bầu cử gây tranh cãi hồi tháng 11 năm 2011, mới là nguyên nhân chính.

Ông Goudkov đã phủ nhận hoàn toàn mọi lời cáo buộc và tố cáo chính quyền đã có hành động « trả đũa ». Như vậy, kể từ bây giờ, mất quyền miễn trừ, ông Goudkov có nguy cơ đối mặt với các truy tố hình sự và đang chờ bị bắt giữ. Ông cho biết là hôm nay, thứ bảy 15/9, ông cũng sẽ tham gia vào đoàn biểu tình chống Putin, cho là sẽ diễn ra tại Matx-cơ-va và nhiều tỉnh thành khác.

Tờ báo nhắc lại rằng trong đợt biểu tình chống Putin hồi 06/05/2012, đã có 17 người bị bắt giữ. Cho đến giờ, các nhà lãnh đạo phong trào phản đối vẫn chưa biết số phận của những người này, cũng như là số phận của ba cô ca sĩ thuộc nhóm Pussy Riot.

Theo Le Figaro, chính quyền Matx-cơ-va đang những thay đổi về chiến thuật. Bị quy cho tội « gây rối trật tự công cộng», những người biểu tình bị bắt vào ngày hôm đó trên thực tế là những người mới hoàn toàn, bị chọn bắt như trong đóng phim : trong đó có một sinh viên, một chủ doanh nghiệp, một nhà hoạt động đấu tranh … tuổi đời chừng ba mươi.

Một nhà đấu tranh truyền thống nhận định rằng việc bắt bớ có chọn lọc « không phải là chuyện tình cờ. Mục đích là nhằm đe dọa những người có ý định tham gia vào các đợt xuống đường trong tương lai ». Cũng theo nhà đối lập này, thì bằng chứng để kết tội 17 người đó dường như vẫn chưa có.

Một nữ phóng viên đối lập nhận xét với Le Figaro rằng « chính quyền đang cần bằng chứng duy nhất để chứng minh rằng việc gây rối trật tự hôm 6/5 là có thật và chính quyền cần một phiên xử theo chiều hướng này ». Theo bà, trong thời gian sắp tới, chính quyền ông Putin sẽ ngày càng gia tăng trấn áp.

Các công xưởng đóng tàu châu Âu đang ve vãn Brazil và Trung Quốc

Khủng hoảng kinh tế không chỉ có tác động xấu đến tầng lớp nghèo và trung lưu tại châu Âu mà nó cũng có những hệ lụy lên giới nhà giàu.

Theo tờ phụ san kinh tế của Le Figaro, đối mặt trước tình trạng sút giảm đơn đặt hàng tại châu lục già cỗi, « Các công xưởng đóng tàu châu Âu đang ve vãn Brazil và Trung Quốc ».

Le Figaro cho biết tại Hội chợ du thuyền diễn ra tại Cannes, kéo dài từ hôm thứ ba cho đến chủ nhật này, 16/9/2012, một điểm ghi nhận đáng chú ý là không còn thấy các ông chủ Ý giàu có nữa.

Theo tờ báo, nếu như các công xưởng lớn vẫn còn trụ lại tại châu Âu, thì khách hàng lại đến từ nơi khác và dòng vốn cũng bắt đầu đổi chủ. Cách đây ít lâu, 75% vốn của tập đoàn đóng tàu Ý Ferretti đã rơi vào tay của một tập đoàn nhà nước Trung Quốc tại tỉnh Sơn Đông.

 Theo xác nhận của Tổng giám đốc tập đoàn Ferretti, thị phần tăng 30% tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và hơn 60% doanh thu đạt được là nằm ngoài châu Âu.

Một thị trường khác mà châu Âu cũng đang ngắm nghía đến đó là Brazil. Theo chủ tịch tập đoàn Bénétau của Pháp, có nhà xưởng tại quốc gia Nam Mỹ, thì Brazil ngày càng mở rộng cửa cho thị trường du thuyền và nếu sản xuất tại châu Âu, « giá nhập khẩu đẩy giá bán tăng lên gấp đôi ».

Theo nhận định của các chủ tập đoàn, sản xuất du thuyền tại các nước mới trỗi dậy giá cả sẽ rẻ hơn, việc bố trí nội thất cũng phù hợp với thói quen của người bản địa. Mặt khác, khủng hoảng tại châu Âu đã khiến cho thị trường tại Pháp sụt giảm thê thảm từ 20 đến 25%.