Trung Quốc dịu giọng với ASEAN trên vấn đề Biển Đông |
Tác Giả: Thanh Phương |
Thứ Bảy, 22 Tháng 9 Năm 2012 09:44 |
Chiến thuật của Bắc Kinh đối với ASEAN vẫn là chia để trị
Lãnh đạo Tập Cận Bình (P) gặp thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bên lề Hội chợ ASEAN - Trung Quốc (Reuters)
Sau nhiều tháng căng thẳng trên vấn đề chủ quyền Biển Đông, Trung Quốc nay có vẻ dịu giọng, với tuyên bố vào ngày hôm qua, 21/09/2012, của phó chủ tịch Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh chỉ muốn có quan hệ tốt với các nước Đông Nam Á. Nhân Hội chợ ASEAN - Trung Quốc tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhân vật trên nguyên tắc sẽ thay thế chủ tịch kiêm tổng bí thư Đảng Hồ Cẩm Đào, đã tuyên bố là Bắc Kinh vẫn theo đuổi chính sách « mở rộng quan hệ hợp tác, láng giềng hữu nghị » với các nước ASEAN. Ông Tập Cận Bình còn khẳng định rằng sự thịnh vượng của Trung Quốc chỉ có thể được bảo đảm bởi các mối quan hệ tốt với những nước láng giềng. Khi tiếp riêng đặc phái viên của tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm qua bên lề Hội chợ ASEAN - Trung Quốc, ông Tập Cận Bình cũng đã tỏ ý hy vọng là quan hệ giữa hai nước sẽ sớm được hàn gắn, sau cuộc đối đầu gây cấn tại khu vực đảo Scarborough/Hoàng Nham, mà Bắc Kinh và Manila đang tranh chấp chủ quyền. Thái độ hòa dịu của Trung Quốc đối với ASEAN khác hẳn với thái độ cứng rắn của họ đối với Nhật Bản về vấn đề chủ quyền lãnh hải trên biển Hoa Đông. Bắc Kinh đã rất giận dữ sau khi chính phủ Tokyo mua lại từ sở hữu chủ tư nhân quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của họ. Một mặt đe doạ sẽ có thêm những hành động trả đũa Nhật Bản, một mặt chính quyền Trung Quốc ngầm kích động dân chúng biểu tình bài Nhật trong những ngày qua. Tuy tỏ thái độ hòa dịu với ASEAN, nhưng phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua cũng đã tuyên bố rằng Bắc Kinh vẫn kiên quyết bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn và an ninh lãnh thổ. Xin nhắc lại là cho tới nay, Trung Quốc vẫn chống lại việc thiết lập một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên cơ sở đa phương, mà vẫn muốn thương lượng riêng với từng nước, bởi như thế họ dễ áp đảo hơn. Như vậy, phải chăng việc tỏ thái độ hòa dịu với ASEAN trên vấn đề Biển Đông là một chiến thuật có tính chất tình thế, tạm để yên mặt trận phía Nam để chính quyền Bắc Kinh có thể tập trung lực lượng đối phó với Nhật Bản ở mặt trận phía Đông ? Hòa dịu với ASEAN cũng có thể là cách để Trung Quốc hóa giải sự liên kết giữa các quốc gia có tranh chấp chủ quyền biển đảo như Việt Nam và Philipines. Chiến thuật của Bắc Kinh đối với ASEAN vẫn là chia để trị, đánh tỉa từng người để làm suy yếu tập thể. Dẫu sau, họ thừa biết là lãnh đạo một số nước Đông Nam Á, kể cả Việt Nam, phụ thuộc rất nhiều vào láng giềng phương Bắc. Đến dự Hội chợ ASEAN - Trung Quốc, ngày 20/09 vừa qua, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã gặp ông Tập Cận Bình. Theo tin của Thông tấn xã Việt Nam, trong cuộc gặp gỡ đó, hai bên chỉ có những tuyên bố chung chung, chẳng hạn như đã « nhất trí cho rằng cần kiên trì giữ gìn hòa bình, ổn định tại Biển Đông, giải quyết thỏa đáng mọi vấn đề thông qua đàm phán hòa bình và xuất phát từ tầm cao chiến lược của quan hệ hai nước. » Nhưng theo Tân Hoa Xã, trong cuộc gặp giữa ông Dũng với lãnh đạo họ Tập, phó chủ tịch Trung Quốc cho biết « hai bên đã đạt nhiều thoả thuận quan trọng liên quan đến biển và hai nước nên nghiêm chỉnh thực thiện những thỏa thuận đó ». Tân Hoa Xã không nói rõ chi tiết các thỏa thận nói trên, nhưng trích dẫn lời của ông Nguyễn Tấn Dũng nói rằng, Việt Nam sẽ không để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ chung giữa hai nước. |