Quốc hội Bắc Triều Tiên họp bất thường chuẩn bị cải cách |
Tác Giả: Thụy My |
Thứ Ba, 25 Tháng 9 Năm 2012 18:29 |
Bắc Triều Tiên là đất nước có nền kinh tế bị kiểm soát chặt chẽ nhất thế giới
Đời sống cùng khổ của dân chúng buộc chính quyền Bình Nhưỡng phải tìm cách cải cách nền kinh tế. Trong ảnh, bữa ăn tại một nhà trẻ Bắc Triều Tiên.
Quốc hội Bắc Triều Tiên họp phiên bất thường vào hôm nay 25/09/2012, mà theo tin đồn thì do tân lãnh tụ trẻ tuổi Kim Jong Un muốn tiến hành cải cách kinh tế tại đất nước cộng sản nghèo khó này. Bắc Triều Tiên là đất nước có nền kinh tế bị kiểm soát chặt chẽ nhất thế giới, và dân chúng sống bên ngoài thủ đô Bình Nhưỡng thường xuyên bị thiếu ăn, do nhiều thập kỷ quản lý tồi và cô lập, chưa kể đến việc bị quốc tế trừng phạt vì chương trình hạt nhân. Hãng thông tấn chính thức KCNA trong một thông báo ngắn đã khẳng định việc khai mạc kỳ họp thứ hai của Quốc hội trong năm, với sự tham dự của lãnh tụ Kim Jong Un. Quốc hội Bắc Triều Tiên đã họp vào tháng Tư, và việc họp thêm một phiên thứ hai cùng trong năm là một sự kiện hiếm hoi. Các nhà quan sát và báo chí Hàn Quốc cho rằng, Quốc hội vốn chỉ làm công việc thông qua các quyết định của giới lãnh đạo, kỳ họp này có thể hợp thức hóa giai đoạn đầu của chương trình cải cách mà Kim Jong Un mong muốn. Trong đó có thể có các biện pháp nhằm khuyến khích công nhân và nông dân tăng sản lượng, chẳng hạn như cho phép nông dân giữ lại một phần thu hoạch để bán riêng thay vì giao nộp toàn bộ cho Nhà nước. Kim Jong Un, tuổi khoảng dưới ba mươi, sau khi lên thay cha là Kim Jong Il vào năm ngoái đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện cuộc sống người dân. Yang Moo Jin, thuộc trường đại học nghiên cứu Bắc Triều Tiên tại Seoul nhận xét : “Việc cải cách luôn là một thử thách đầy rủi ro trong một đất nước khép kín và độc tài. Nhưng Kim Jong Un dường như có đủ tự tin về vị trí lãnh đạo ổn định của mình để thiết lập một hệ thống mới”. Trước đây vào năm 2002, Bắc Triều Tiên đã có một số cải cách hạn chế nhằm vực dậy một nền kinh tế đang suy sụp trầm trọng, do không còn được viện trợ sau khi Liên Xô sụp đổ trong thập niên 90. Nhưng chính quyền Bình Nhưỡng sau đó đã e sợ, hủy bỏ hầu hết các biện pháp cải cách ba năm sau đó. Theo giáo sư Andrei Iankov ở đại học Kookmin tại Seoul, Bình Nhưỡng có thể đi theo mô hình Trung Quốc, kết hợp cơ cấu chính trị chuyên chế với nền kinh tế thị trường. |