Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-09-2012 |
Tác Giả: Trọng Thành |
Thứ Năm, 27 Tháng 9 Năm 2012 14:48 |
Quyền lực chính trị tại Trung Quốc : Một thế giới kín như bưng
Cốc Khai Lai tại phiên tòa ở Hợp Phì ngày 20/08/2012.
Báo Le Monde 26/09/2012 có bài xã luận đáng chú ý với tựa đề : « Chế độ chính trị Trung Quốc, một thế giới luôn luôn là bí mật ». Chỉ còn ít ngày nữa sẽ diễn ra cuộc chuyển giao quyền lực tại đại hội lần thứ 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên gần như không có tin tức gì về đại hội này lọt ra ngoài, ngay cả ngày khai mạc đại hội cũng còn chưa có. Le Monde ví thế giới quyền lực tại Trung Quốc như « một lỗ đen, một vùng tối và bí ẩn, một hậu trường không ai có thể lọt vào ». Nền kinh tế thứ hai thế giới được điều hành từ trong bóng tối. Không gì có thể minh họa rõ hơn cho thực tế này là các phiên tòa liên quan đến vụ Bạc Hy Lai, một trong các lãnh đạo có ảnh hưởng nhất tại Trung Quốc. Cánh tay phải trước đây của ông Bạc Hy Lai, cựu giám đốc công an Trùng Khánh vừa bị kết án 15 năm tù. Vào tháng Tám, vợ ông Bạc Hy Lai, nhận án tử hình treo hai năm, vì tội giết chết một doanh nhân người Anh. Hiện tại chỉ còn lại vấn đề là bản án nào sẽ dành cho « thái tử đỏ » Bạc Hy Lai, con trai một bạn đường của Mao Trạch Đông và người chủ trương khôi phục truyền thống Mao-ít. Cũng như đời sống chính trị Trung Quốc, hệ thống tư pháp Trung Quốc là một thế giới khép kín. Không có bất cứ một nhà báo nước ngoài nào được tham gia các phiên tòa và thông tin đều phải bị lọc qua Tân Hoa Xã - cơ quan truyền thông của đảng Cộng sản. Người Trung Quốc không tin mấy vào các thông tin của Nhà nước, trong khi đó, tin đồn về những âm mưu tranh giành quyền lực lan tràn trên mạng internet. Bất chấp các thay đổi kể từ Cách mạng Văn hóa, quyền của bị cáo vẫn không được tôn trọng. Hình ảnh bà Cốc Khai Lai, vợ ông Bạc Hy Lai, trong phiên xử hồi tháng Tám, gợi lại phiên tòa xử bà Giang Thanh, vợ Mao Trạch Đông, trong vụ án Bè lũ bốn tên năm 1980, với phán quyết đã có sẵn, trước khi phiên tòa khai mạc. Ông Phố Chí Cường (Pu Zhiqiang), luật sư nổi tiếng vì cuộc chiến bảo vệ các quyền công dân và là cố vấn tư pháp của nghệ sĩ Ngải Vị Vị, nhận xét rằng, trong một vụ án quan trọng tại Trung Quốc, tất cả được dàn dựng để tạo ra một hình ảnh bên ngoài (của một phiên tòa có tranh tụng). Việc sửa đổi luật Hình sự tháng 3/2012 không mang lại các tiến bộ thực sự. Từ năm sáu năm trở lại đây, ngành an ninh lấn át ngành tư pháp, do việc đảng Cộng sản lo ngại các bất ổn xã hội. Nhiều luật sư Trung Quốc tiếp tục đấu tranh để đòi hủy bỏ các trại « lao cải », thực chất là các nhà tù theo mô hình trại tập trung của Liên Xô những năm 1950. Ngay trong hệ thống, nhiều người kêu gọi « tư pháp độc lập ». Vào tháng này, ông Lý Đạo Quỳ (Li Daokui), một trong các nhà kinh tế có uy tín nhất tại Trung Quốc, cựu cố vấn Ngân hàng trung ương, đã gây bất ngờ với việc chỉ ra một thực tế : Sự vắng mặt của Nhà nước pháp quyền là trở ngại chủ yếu đối với nền kinh tế Trung Quốc. Tấn công vào các trại lao cải Trong hồ sơ về Trung Quốc hôm nay, Le Monde đăng bài viết của luật sư Phố Chí Cường nhan đề « Các trại cải tạo lao động : Nỗi ô nhục của Trung Quốc ». Luật sư Cường ước tính, riêng tại Trùng Khánh, nơi Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân đã từng trị vì, chỉ trong khoảng 2 năm 2009-2011, có ít nhất 10.000 người bị giam giữ tại các trại lao cải. Nhiều người đã bị phạt từ 1 đến 2 năm tù, chỉ vì có những lời chỉ trích chính quyền. Cũng theo ông, số lượng tù cải tạo tại Trung Quốc là khoảng 50.000 người, nhiều gấp 5 lần số người bị giam giữ tại các trại lao cải Trùng Khánh. Ngày mai, 28/09, luật sư Phố Chí Cường sẽ tham dự một hội thảo về Nhà nước pháp quyền ở Trung Quốc do Le Monde phối hợp tổ chức với Viện đại học Chính trị học Paris (Sciences Po). Cũng trong hồ sơ này, có bài tường thuật do thông tín viên gửi về từ Thượng Hải, ghi nhận các kêu gọi cải cách thể chế kinh tế tại Trung Quốc, đặc biệt là giảm sự hỗ trợ đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước, vốn được ưu đãi quá nhiều. Bắc Triều Tiên buộc phải hé mở nền kinh tế Về thời sự Châu Á, Le Monde thuật lại những thay đổi quan trọng gần đây tại Bắc Triều Tiên qua bài viết « Bắc Triều Tiên buộc phải ‘‘điều chỉnh’’ nền kinh tế ». Tờ báo ghi nhận, vào ngày 25/09/2012, Quốc hội Bắc Triều Tiên họp kỳ thứ hai trong năm, tức là nửa năm sau kỳ họp trước vào tháng Tư, khi lãnh đạo trẻ Kim Jong-il được đưa lên nắm quyền lãnh đạo nền Quốc phòng Bắc Triều Tiên. Thông thường mỗi năm Bắc Triều Tiên chỉ họp Quốc hội một lần. Cuộc họp bất thường này dưới sự chủ tọa của Kim Jong-un – người vừa nắm được quyền lãnh đạo tối cao -, có một ý nghĩa đặc biệt. Mặc dù, không có các thông tin chính thức, nhưng theo đánh giá của một số chuyên gia về Bắc Triều Tiên tại Hàn Quốc, một số cải cách thể chế kinh tế cơ bản đang diễn ra tại Bắc Triều Tiên trong bối cảnh một phần ba cư dân nước này đang lâm vào cảnh đói ăn triền miên. Quốc hội Bắc Triều Tiên có thể đã thông qua các quyết định của ban lãnh đạo nước này nhằm chuẩn bị cho các thay đổi, được đánh giá là « một cuộc cách mạng nhỏ » đối với nền kinh tế Bắc Triều Tiên, như nhận định của một nhà nghiên cứu thuộc Viện Sejong (Seoul – Hàn Quốc). Vào tháng 7 vừa qua, các cơ quan tuyên truyền miền Bắc Triều Tiên đồng loạt lên tiếng phản bác các tin tức ở nước ngoài bình luận về các cuộc « cải cách » sắp diễn ra tại quốc gia khép kín nhất hành tinh này. Từ « cải cách » bị truyền thông chính thức gạt bỏ, vì nó xúc phạm đến tính chất không thể sai lầm của con đường, mà chế độ Bắc Triều Tiên đang đi. Báo chí chính thống Bắc Triều Tiên tái khẳng định « con đường riêng của Triều Tiên đi lên chủ nghĩa xã hội ». Tuy nhiên, các từ ngữ mà báo chí miền Bắc sử dụng, như « điều chỉnh », « cải thiện »… thì lại cho thấy quốc gia này đang bước vào một giai đoạn mới, để thoát khỏi nền kinh tế kế hoạch hóa, mà chế độ đã bắt đầu « rục rịch thử làm » kể từ năm 2002, và thường trở lui, mỗi khi cảm thấy nền thống trị của đảng bị đe dọa. Kể từ tháng 8 năm nay, một số điều chỉnh về thể chế kinh tế đã được thực hiện tại một số trang trại hợp tác xã. Người nông dân được phép giữ lại phần lớn các sản phẩm do mình làm ra, nhờ thế mà họ phấn chấn sản xuất hơn. Các doanh nghiệp được quyền tự trị nhiều hơn, được giao dịch bằng tiền mặt… Như vậy, tại Bắc Triều Tiên, hiện tại có hai nền kinh tế song song, kinh tế tư nhân và kinh tế Nhà nước. Kinh tế tư nhân nở rộ, nhưng về mặt chính thức, bị coi là thứ yếu, trong khi đó, kinh tế Nhà nước thì trì trệ. Nền kinh tế ngoài Nhà nước tồn tại một cách hoang dã, là nguồn cung cấp thường xuyên các khoản hối lộ cho giới quan chức. Le Monde kết luận rằng, nếu như những khát vọng làm thay đổi chế độ của lãnh đạo Kim Jong-un và các đồng sự có vẻ rất rõ ràng, thì khả năng họ điều hành được sự thay đổi ấy, mà không làm lay chuyển toàn bộ hệ thống chính trị nước này, thì có vẻ ít hơn thế. Nhật Bản : Cánh hữu dân tộc chủ nghĩa chuẩn bị trở lại nắm quyền Liên quan đến các thay đổi trên chính trường Nhật Bản, Le Figaro có bài " Shinzo Abe chuẩn bị cho cánh hữu trở lại nắm quyền ", với nhận định : tân lãnh tụ đảng bảo thủ Nhật muốn kết liễu chủ nghĩa hòa bình, mà Nhật Bản buộc phải ghi trong Hiến pháp. Thứ tư vừa qua 26/09, đảng Dân chủ Tự do, đảng đối lập chính tại Nhật Bản, đã đưa ông Shinzo Abe, người dân tộc chủ nghĩa nhất và là người có chủ trương phủ nhận nhiều tội ác của phát xít Nhật trong Thế chiến 2, lên cương vị lãnh đạo đảng. Trong bối cảnh uy tín của đảng cầm quyền hiện nay đang xuống thấp, đảng cánh hữu Dân chủ Tự do có nhiều cơ hội thắng cử trong cuộc bầu Quốc hội, dự kiến sẽ được tổ chức từ đây đến hè 2013. Tân lãnh tụ đảng bảo thủ Nhật là một trong số các chính trị gia Nhật thể hiện sự nuối tiếc về việc đế quốc Nhật thua trận trong Thế chiến 2, và có vẻ như không muốn thừa nhận « Tuyên bố Kono » của chính phủ Nhật năm 1993, công nhận vai trò của Nhật trong việc sử dụng các phụ nữ Triều Tiên, Trung Quốc làm nô lệ tình dục trong thời kỳ chiến tranh. Sự nổi lên của lãnh đạo theo đường lối dân tộc chủ nghĩa cực đoan này trùng vào lúc căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Nhật và các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc tăng mạnh. Bối cảnh hiện nay rất thuận lợi cho việc ông Shinzo Abe đưa Nhật Bản đi vào con đường dân tộc chủ nghĩa. Le Figaro dự đoán, để chiến thắng trong cuộc tranh cử lần này, tân lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do sẽ không ngần ngại sử dụng các phát biểu mang tính gây hấn, mà trước đây ông ta đã buộc phải kiềm chế, do sức ép của Hoa Kỳ. Việc làm : Trang nhất các nhật báo Pháp Công ăn việc làm trong nước là đề tài trên trang nhất của tất cả các nhật báo lớn ở Pháp. « Thất nghiệp bùng nổ ở Pháp, nhưng tiền trợ cấp không tăng » là tựa đề chính của Le Monde. Tờ báo kinh tế Les Echos chạy tựa : « 3 triệu người thất nghiệp : Nước Pháp chấn động ». Les Echos ghi nhận, thêm gần 100.000 người Pháp thất nghiệp trong vòng ba tháng hè ; chính phủ Pháp đang khó nhọc đối phó với việc các doanh nghiệp sa thải hàng loạt nhân công. Cũng về vấn đề này, nhật báo L’Humanité có bài trên trang nhất : « Seine-Saint-Denis : cuộc nổi dậy bảo vệ công ăn việc làm », để nói về cuộc biểu tình thứ bảy tới của cư dân, nhân viên, nhà hoạt động các nghiệp đoàn, các đại biểu dân cử tỉnh Seine-Saint-Denis đòi hãng xe hơi PSA không được đóng cửa một nhà máy tại khu vực này. Le Figaro thì đưa lên trên trang nhất hàng tít : « Cạnh tranh. Tiếng kêu báo động của ông chủ hãng Renault ». Tờ báo dẫn lại nhận định của ông Carlos Ghosn, « cải thiện năng lực cạnh tranh của (nền kinh tế) Pháp là một vấn đề sống còn ». « Đối diện với cuộc khủng hoảng (việc làm) », báo Công giáo La Croix ghi nhận « người Thiên chúa giáo hành động ». La Croix có bài phóng sự tại Cambrai, nơi người Công giáo hoạt động rất tích cực trong cuộc chiến vì việc làm. Cũng về chủ đề khủng hoảng lao động, Libération chạy hàng tựa « Khẩn cấp : cần 40.000 giáo viên » để giới thiệu về chương trình tuyển mộ giáo viên đặc biệt cho ngành giáo dục Pháp trong năm tới 2013, mà Bộ trưởng Giáo dục Vincent Peillon vừa ra quyết định. |