Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 29-09-2012 |
Tác Giả: Minh Anh |
Thứ Bảy, 29 Tháng 9 Năm 2012 18:20 |
Các nghi vấn xung quanh vụ xử bà Cốc Khai Lai
Bà Cốc Khai Lai, vợ cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai tại tòa án Hợp Phì, An Huy, Trung Quốc ngày 09/08/2012.
Những tưởng phiên tòa xử bà Cốc Khai Lai đã làm rõ tội danh mưu sát của vị phu nhân cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh thất sủng Bạc Hy Lai. Thế nhưng, tờ báo thiên tả Libération số ra hôm nay cho đăng các nhận định của một bác sĩ pháp y thuộc Tòa án Tối cao Trung Quốc cho rằng vẫn còn điểm khuất tất xung quanh phiên xử nhanh chóng bà Cốc Khai Lai. Trong bài viết đề tựa « Vụ án Bạc Hy Lai : Mổ xẻ một cáo buộc », Libération cho rằng vụ án này giờ đây ngày càng mang dáng dấp của một bộ tiểu thuyết hình sự. Bà Vương Tuyết Mai (Wang Xuemei), một bác sĩ pháp y nổi tiếng thuộc Tòa án Tối cao Trung Quốc lại vừa khuấy động dư luận. Trả lời báo Libération, bà Vương khẳng định rằng « rất nghi ngờ » nội dung biên bản chính thức ghi rõ động cơ doanh nhân người Anh Neil Heywood của bà Cốc Khai Lai vào tháng 11 năm rồi. Theo nhận định của bà Vương Tuyết Mai thì có lẽ án mạng chưa từng xảy ra. Dựa vào các tình tiết trong biên bản chính thức, vị chuyên gia Tòa án Tối cao nhấn mạnh rằng các thẩm phán đã không trưng ra đầy đủ các chứng cớ để chứng tỏ rằng bà Cốc Khai Lai đã đầu độc Neil Heywood bằng chất độc cyanure. Trong phiên xử phu nhân cựu Bí thư Thành ủy thất sủng Bạc Hy Lai, tòa án chỉ cho biết là tìm thấy chất độc cyanure trong các mẫu nôn mửa và trong máu nạn nhân. Thế nhưng, theo giải thích của bà Vương Tuyết Mai, « Heywood không có triệu chứng đi kèm với việc bị đầu độc bằng cyanure ». Vì nếu đúng như vậy, ngay khi đến hiện trường công an đã có thể nhận ra ngay. Nếu như Heywood không bị hạ gục bằng chất cyanure, vậy thì bằng chất độc gì ? Và tại sao các thẩm phán lại có những khẳng định ngược lại ? Bà Vương Tuyết Mai không loại trừ khả năng doanh nhân người Anh chết bởi một hành vi bạo lực (bị siết cổ, bị ngạt…). Nhất là « có khả năng doanh nhân người Anh đã không bị ám sát và có thể ông ta qua đời do dùng rượu quá liều» theo như biên bản giám định y khoa ban đầu ngay sau khi phát hiện tử thi. Theo nhận xét của Libération, bà Vương Tuyết Mai đã tung ra các kết luận trên là nhằm xác nhận rằng phiên xử bà Cốc Khai Lai và ông Vương Lập Quân, cánh tay mặt của ông Bạc Hy Lai đã được dàn dựng. Các kết luận đó cũng cho thấy rõ sự tàn bạo của các vụ đấu đá quyền lực ngay trong lòng đảng và bôi nhọ những lời kết tội đang đè nặng lên vai vị cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh. Bạc Hy Lai bị khai trừ Đảng và sẽ ra hầu tòa Cũng liên quan đến chủ đề này, trong bài viết mang tựa « Bạc Hy Lai bị khai trừ Đảng và sẽ bị đem ra xét xử », nhật báo thiên hữu Le Figaro nhận định giới lãnh đạo Trung Quốc quyết định lần này sẽ đánh thật mạnh, sau khi đã họp bàn để đạt được một sự đồng thuận trong việc xử lý số phận vị cán bộ cao cấp này. Cuối cùng thì mọi người cũng biết được số phận của ông Bạc Hy Lai sau nhiều tuần, nhiều tháng đoán mò. Hôm qua, Bộ Chính trị ra thông báo cho biết quyết định khai trừ Đảng ông Bạc Hy Lai và sẽ đưa ra xét xử vị cựu Bí thư Thành ủy. Theo tác giả bài viết Arnaud de la Grange, vụ án Bạc Hy Lai là một hồ sơ nặng ký chưa từng có trong vòng hai thập niên nay của nền chính trị Trung Quốc. Bản thông báo chính thức do Tân Hoa Xã công bố hôm qua cho biết ông Bạc Hy Lai đã vi phạm một loạt tội danh nghiêm trọng như « lạm dụng quyền hành trong vụ cố ý mưu sát có liên quan đến Vương Lập Quân (kẻ thân tín của ông) và bà Cốc Khai Lai (vợ ông) ». Ông Bạc Hy Lai còn bị quy tội « tham ô » hàng loạt, quan hệ tình dục với nhiều phụ nữ. Điều đáng nói là những người kết tội ông còn bới móc « các vi phạm kỷ luật đảng » trong những giai đoạn trước đó khi ông còn là Thị trưởng thành phố Đại Liên và tỉnh Liêu Ninh, thậm chí khi ông còn là Bộ trưởng Thương mại. Cho là ông Bạc Hy Lai đã vi phạm nghiêm trọng các tội danh trên, các nhà quan sát tự hỏi rằng để xử lý trường hợp nhạy cảm này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ còn đi đến đâu. Một số người còn đánh giá rằng có lẽ chính quyền nên tránh việc truy tố hình sự, thậm chí kể cả việc khai trừ Đảng. Tốt hơn là giới lãnh đạo Trung Quốc nên để ông Bạc Hy Lai biến mất khỏi chính trường êm thắm, mà không cần một biện pháp trừng phạt nào khác. Quả thật, họ cần phải để ý đến sự được lòng dân bất thường của vị cựu Bí thư Thành ủy, nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên đã cố gắng tự tô bóng mình một cách hợp pháp. Tác giả cho biết là nhân các buổi biểu tình bài Nhật tại Bắc Kinh, bên cạnh bức chân dung Mao Trạch Đông, người ta còn thấy nhiều băng-rôn mang tên Bạc Hy Lai. Giờ thì mọi người biết rằng các nhà lãnh đạo hiện nay đã quyết định đánh một cú thật mạnh sau khi đã đạt được một thỏa thuận về bản án dành cho ông. Điều còn lại cần biết là liệu việc kết án chính thức và phiên xử có thể diễn ra trước Đại hội hay không. Như vậy, Bắc Kinh có thể khép lại những trang đen tối để hướng tới tương lai. Ai Cập theo cách nhìn của ông Morsi và Phương Tây Cũng liên quan đến lĩnh vực chính trị, Le Monde có viết phân tích đề tựa « Ai Cập của ông Morsi và phương Tây ». Tờ báo tổng kết điểm thay đổi trong chính sách ngoại giao của Ai Cập sau 100 ngày lên cầm quyền của ông Mohamed Morsi , người đầu tiên thuộc phe Huynh đệ Hồi giáo được bầu làm tổng thống. Christophe Ayad, tác giả bài viết nhìn nhận rằng một người Hồi giáo cực đoan lên cầm quyền tại Ai Cập chưa hẳn là một sự quay ngoắt về chính sách ngoại giao và chiến lược. Mà đó lại là sự khởi đầu cho sự hoạch định lại. Khác với người tiền nhiệm, ông Mohamed Morsi không muốn lệ thuộc nhiều vào phương Tây. Theo quan sát của ông Jean-Pierre Filiu , từng là nhà ngoại giao và giờ là giảng viên tại trường Đại học Chính trị Pháp (Sciences Po), thì ông Morsi muốn chứng tỏ cho thế giới thấy rằng phe Huynh đệ Hồi giáo không phải là « những kẻ tay sai của phương Tây, nhưng cũng không là kẻ thù không đội trời chung [….]. Họ cũng là người dân Ai Cập và họ làm chính trị theo cách của họ ». Nhắc lại vụ đồn biên phòng Ai Cập bị một nhóm Hồi giáo djihad tấn công, nắm lấy cơ hội hiếm hoi, ông Morsi đã cho thực hiện một chiến dịch quân sự lớn tại Sinai, vùng đất mà Israel đòi hỏi chủ quyền từ rất lâu. Thậm chí Israel còn cảm thấy bối rối trước việc Ai Cập có phản ứng mạnh mẽ khi đòi hỏi xem xét lại thỏa thuận đã ký kết nhằm gia tăng sự hiện diện của quân đội để chống lại các nhóm khủng bố. Dĩ nhiên, đòi hỏi đã bị phía Israel từ chối vì lo ngại rằng Cairo sẽ tụ tập thêm binh lính ngay sát biên giới của mình. Ông Morsi còn khôn khéo đề nghị phía Hoa Kỳ xem xét lại các thỏa thuận Trại David. Tuy nhiên, sau khi đã cùng nhau trải qua một tuần trăng mật trong suốt mùa hè này, quan hệ Mỹ - Ai Cập bắt đầu bước vào giai đoạn thử thách sau vụ 2000 người biểu tình tấn công Tòa đại sứ Mỹ tại Cairo hôm 12/9 vừa qua, để phản đối bộ phim báng bổ đạo Hồi. Washington cảm thấy bực tức trước thái độ thụ động của cảnh sát Ai Cập và nhất là hơn 48 giờ im lặng của Tổng thống Morsi. Nên nhớ rằng chính Hoa Kỳ đã ủng hộ ông Morsi trong việc nắm lấy quân đội và gạt họ ra khỏi các vấn đề chính trị. Về phía Mỹ, Barack Obama, dưới áp lực của phe Cộng hòa và đang trong chiến dịch vận động tranh cử cũng không bỏ qua cơ hội để gây áp lực với ông Morsi. Với tuyên bố Ai Cập « không là đồng minh, cũng không là kẻ thù », Nhà Trắng cũng hiểu rõ rằng Tổng thống Ai Cập hiện nay đang rất cần khoản viện trợ 2,1 tỉ đô-la hằng năm để tái thiết đất nước. Đáp trả lại lời tuyên bố trên, trả lời báo New York Times trước khi diễn ra Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Morsi cho rằng chừng nào Mỹ vẫn còn ủng hộ Israel chiếm đóng Palestine, thì họ sẽ không thể nào khôi phục lại được hình ảnh của mình trong thế giới Hồi giáo. Một động thái khác cho thấy phe Hồi giáo Huynh đệ đang có xu hướng tái cân bằng lại mối quan hệ ngoại giao với phương Tây. Chuyến đi thăm Trung Quốc của ông Morsi hồi cuối tháng 8 năm nay là một tín hiệu rất rõ ràng. Đồng thời, ông còn ghé qua Teheran để tham dự Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia không liên kết. Tuy nhiên, ông Morsi đã dội một gáo nước lạnh lên Hội nghị khi công khai lên án chế độ Bachar Al Assad tại Syria. Tóm lại, theo tác giả, Ai Cập mong muốn khẳng định vị trí cường quốc trong khu vực và không liên kết với bất kỳ trục nào. Thế nhưng, vấn đề là nước nào cũng muốn làm như thế. Và vô hình chung biến Syria thành một địa bàn cạnh tranh. Ai phản bội Đức Giáo hoàng Benedicto XVI ? Hôm nay, thứ Bảy 29/9/2012, Tòa thánh Vatican mở phiên xử viên quản gia Paolo Gabriele của Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI về tội « chiếm đoạt nghiêm trọng » các tài liệu mật của Tòa thánh. Liên quan đến chủ đề này báo Le Figaro có bài viết nhận định đề tựa « Ai đã phản bội Đức Giáo hoàng Benedicto XVI ? ». Tờ báo nhận định thông qua nhiều nguồn giải thích, luận điểm, tiết lộ và các phủ nhận đang lưu hành tại Roma từ bốn tháng nay, hai sự việc hiển nhiên đang dần dần hiện rõ. Sự việc thứ nhất liên quan đến phóng viên Gianluigi Nuzzi. Anh này chuyên về các vụ việc pháp đình tại Ý, lại không phải là một con chiên ngoan đạo. Paolo Gabriele từng nói rằng muốn giúp đỡ Đức Giáo hoàng nên đã giao cho Nuzzi nhiều tài liệu để chứng minh rằng Benedicto XVI không có được sự trợ giúp tốt. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là, vị nhà báo này làm việc cho tờ tuần san Panorama, thuộc tập đoàn Mondadori do Silvio Berlusconi nắm sở hữu. Và việc rò rỉ các thông tin này cũng không phải là điều tình cờ. Nó xảy ra vào đúng thời điểm mà Tòa thánh Vatican bắt đầu lánh xa dần với ông Berlusconi, lúc bấy giờ là Thủ tướng Ý. Do đó, Tòa thánh lại trở thành nạn nhân của một kiểu giải pháp chính trị, vốn xưa như Trái Đất, đó là một loạt các tài liệu đáng ngại bị tuồn ra công chúng. Mục đích sâu xa của sự việc có lẽ là chính trị và cố ý làm suy yếu vai trò của Giáo hội tại Ý. Sự việc thứ hai liên quan đến viên quản gia Paolo Gabriele. Theo quan sát của Le Figaro, rõ ràng Gabriele đã đơn phương hành động nhưng được áp đặt trong một trạng thái tinh thần luôn hiện hữu ở Vatican, mà cách gọi thân mật là « đâu rồi thời vàng son ». Các cựu chức sắc cao cấp ngồi hàng giờ tiếc nuối một quá khứ và chỉ trích các vị Giáo hoàng mới. Và giờ đây, dưới sự cai quản của Benedicto XVI, hiện tượng này cũng lặp lại như thế. Trong vụ việc lần này, người thường xuyên được đề cập đến là Đức Hồng y Paolo Sardi. Chính ông là người đã tuyển dụng Paolo Gabirele vào vị trí quản gia ngay từ ngày đầu Đức Giáo hoàng mới đến. Bên cạnh đó, còn có hai nhân vật thân cận khác nữa là bà Ingrid Stampa, cựu quản gia và Josef Clemens, cựu thư ký của Đức Giáo hoàng. Hai nhân vật này không mấy hòa hợp với vị thư ký hiện tại là linh mục người Đức Gaenwein. Theo Le Figaro, khả năng hai người trên điều khiển Paolo Gabriele để công bố các tài liệu mật là rất ít, do họ đã được đào tạo nghiêm ngặt về văn hóa « giữ bí mật » của Tòa thánh. Nhưng ít cũng không có nghĩa là không có. Cả hai người trên vẫn còn có chút ảnh hưởng vì thế Đức Giáo hoàng Benedicto XVI gần đây đã phải cắt đứt mọi liên lạc với họ. Le Figaro cho rằng dưới làn sóng chỉ trích về cách điều hành của Triều chính Roma, hai nhân vật đó rất có thể đã quyết định và củng cố niềm tin cho viên quản gia trong thiện chí muốn giúp đỡ Đức Giáo hoàng. Dù vậy, cho đến giờ phút này, không ai biết được người chủ mưu của sự việc. Bằng không, chính Paolo Gabriele luôn tự cho là mình đang gánh vác một trọng trách lạ thường nhằm giúp Đức Giáo hoàng ra khỏi sự cô lập. Ngân sách 2013 : Pháp bắt đầu thắt lưng buộc bụng Phần lớn các báo Pháp hôm nay đều quan tâm đến dự toán ngân sách năm 2013, do chính phủ công bố hôm qua, thứ Sáu 28/09/2012. Nếu như một số báo đánh giá rằng đấy là kế hoạch « can đảm », thậm chí là « liều lĩnh » ; thì số khác lại cho rằng việc cắt giảm ngân sách có thể sẽ làm « bệnh tình thêm trầm trọng ». Trong bài xã luận đề tựa « Tính cạnh tranh, khoản thâm hụt khác cần giảm », Le Monde tán dương sự « khôn khéo » của Tổng thống Pháp François Hollande. Theo tác giả bài viết, sự nỗ lực đã được chia đều công bằng. Tuy nhiên, bài xã luận cũng nói thêm rằng nếu như « cú tăng thuế bất ngờ dành cho năm 2013 chủ yếu đánh lên các hộ gia đình giàu có nhất và các doanh nghiệp lớn, chính phủ vẫn còn xa mới thuyết phục được dân chúng Pháp rằng tầng lớp trung lưu được chừa ra ». Ngược lại, không có gì ngạc nhiên khi nhà xã luận Gaetan de Capèle trên Le Figaro đả kích mạnh mẽ, cho rằng bản dự toán ngân sách đó là một « cỗ máy đánh thuế không thể nào chịu nổi ». Ông cũng chỉ trích việc chính phủ chỉ nhắm đánh thuế người giàu. Libération thì có cái nhìn cụ thể hơn khi chạy tít lớn « Đài Truyền hình Pháp : Cuộc đời ít vui hơn ». Các khoản hỗ trợ của nhà nước cho cơ sở nhà nước này phải cắt giảm trong khoảng từ 60 đến 85 triệu euro. Với sự sút giảm ngân sách đáng kể, tập đoàn truyền thông nhà nước đang bị lung lay và có nguy cơ phải giảm bớt nhân sự. Tờ Le Parisien/ Aujourd’hui en France giải thích rõ « Ai sẽ được miễn, Ai sẽ trả thuế ». Tờ báo cũng nêu rõ, « Những hộ gia đình giàu có sẽ nộp thuế nhiều hơn, nhưng cũng không có nghĩa là tầng lớp trung lưu sẽ được chừa ra hoàn toàn». |