Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-10-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-10-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành   
Thứ Sáu, 05 Tháng 10 Năm 2012 08:46

 Khủng hoảng ngân hàng Việt Nam nhìn từ Singapore


 

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu - ACB
Reuters

 

Về Việt Nam, báo Singapore « The Straits Times » có bài « Các ngân hàng Việt Nam rõ ràng đang bê bối » chú ý đến thực trạng tồi tệ của khu vực ngân hàng tại Việt Nam.

Bài viết mở đầu bằng một câu hỏi : « Các vấn đề trong hệ thống ngân hàng Việt Nam nghiêm trọng đến đâu ? ».

 «The Straits Times» cho rằng, hiện nay không ai biết rõ được thực trạng này và niềm tin vào lĩnh vực ngân hàng đã bị lay chuyển kể từ khi ông trùm ngân hàng Nguyễn Đức Kiên bị bắt giữ, vì các cáo buộc tham nhũng.

Báo Singapore mô tả, nhiều ngân hàng Việt Nam bị nghi là phải gánh các khoản nợ xấu. Tuy nhiên, khó mà đánh giá được việc này.

Theo các dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Việt Nam, các khoản tiền cho vay không có hiệu quả chiếm gần 5% của tổng số tín dụng vào thời điểm cuối tháng 5/2012, tức là tăng gần 2% so với con số 3,07% vào cuối năm ngoái 2011. Con số của Ngân hàng trung ương cho thấy thực tế nghiêm trọng hơn là theo báo cáo của các ngân hàng địa phương.

Về tỷ lệ tín dụng không hiệu quả trên tổng số tiền cho vay, công ty thẩm định tài chính Fitch Ratings còn bi quan hơn, với ước tính khoảng 15% tổng số tín dụng là nợ xấu.

Trong khi đó, báo cáo mới đây của ngân hàng Anh Barclays thì đưa ra con số cao hơn là 20%. Một bài viết trên Wall Street Journal cũng đồng ý với ước tính này, với nhận định lĩnh vực ngân hàng Việt Nam hiện nay có tới 16 tỷ đô la tiền nợ xấu, tương đương với 12% GDP. Mà ở mức độ như vậy, thì việc phải nhờ đến bàn tay của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là điều khó tránh khỏi.

Thứ sáu tuần trước 28/09, công ty thẩm định tài chính Moody đã hạ điểm tín nhiệm của Việt Nam, vì tình trạng nợ xấu.

Tình hình có phần không rõ ràng, khi một công ty thẩm định khác Standard & Poor vẫn giữ nguyên vị trí của các ngân hàng Việt Nam, với lý do tình trạng đã được cải thiện.

« The Straits Times » nhắc đến thực trạng nhiều dự án xây dựng bị đình lại hay bị hủy bỏ tại nhiều vùng đô thị, đặc biệt là tại Sài Gòn và Hà Nội.

 Nhiều nhà đầu tư địa ốc đã phải chấp nhận hạ giá để bán được hàng. Tình trạng phá sản doanh nghiệp nhìn chung tăng lên, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp luyện kim địa phương và các cửa hàng bán lẻ, trước áp lực cạnh tranh của các dây chuyền nước ngoài.

Sau nhiều năm lạm phát nặng nề và tín dụng cấp tràn lan, Việt Nam hiện nay rơi vào tình trạng mà nhiều ngân hàng từ chối cho vay, khiến các doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư.

 Kết quả là tăng trưởng chậm lại, và điều này lại khiến cho các doanh nghiệp càng khó có tiền để trả nợ. Trong những tuần gần đây, lãi suất liên ngân hàng tăng lên liên tục hàng ngày tiếp theo làn sóng rút tiền gửi.

The Straits Times cũng ghi nhận, cho đến nay chưa hề có trường hợp người rút tiền ồ ạt khiến ngân hàng sụp đổ.

« The Straits Times » đưa thêm một cách giải thích khác về việc ông trùm ngân hàng Nguyễn Đức Kiên bị bắt giữ và một số ông chủ cấp địa phương bị tư pháp sờ đến, với nhận định, đây có thể là do các tranh chấp quyền lực trong nội bộ đảng Cộng sản.

 Ông Nguyễn Đức Kiên được biết đến như một người gần gũi với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mà thủ tướng Dũng lại là người có các bất đồng với chủ tịch Trương Tấn Sang, xung quanh vấn đề chiến lược kinh tế, cụ thể là thái độ của chính quyền đối với nạn tham nhũng và khu vực kinh tế nhà nước trì trệ.

Tranh luận giữa 2 ứng viên tổng thống Mỹ : Ông Mitt Romney ở thế thượng phong

Cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ, tối thứ Tư 03/10, là chủ đề được hầu hết các báo Pháp quan tâm.

Đối mặt với ứng cử viên tổng thống mãn nhiệm, ông Mitt Romney, ứng viên của đảng Cộng hòa được coi là người khó có khả năng thắng cuộc trong cuộc bỏ phiếu sắp tới. Tuy nhiên, trong cuộc tranh luận về chủ đề kinh tế vừa qua, ông Mitt Romney đã tỏ ra ở thế thượng phong, như nhận định của nhiều tờ báo Pháp.

Báo Le Monde chạy tít với một câu hỏi : « Ứng cử viên được yêu mến ở đâu rồi ? », với nhận xét tổng thống mãn nhiệm Obama đã để lỡ cơ hội, trong cuộc tranh luận đầu tiên này, trước một đối thủ hết sức sắc bén.

Dưới hàng tựa « Obama vất vả, Romney khởi sắc » Le Figaro bình luận : việc tổng thống Obama, ít phản công trong cuộc tranh luận đầu tiên, đã cho phép ứng viên cộng hòa trở lại cuộc đua.Tờ báo kinh tế Les Echos ghi nhận : « Romney chiến thắng trong cuộc đấu tay đôi với Obama ».

 Libération có bài viết «Sự tái sinh của Mitt Romney, với tư cách ứng cử viên ôn hòa ».

Bài « Hiệp đầu tiên chỉ có một chiều » của đặc phái viên Libération gửi về từ New York cho biết, theo kết quả điều tra dư luận chớp nhoáng của hãng truyền thông CNN, ngay sau khi kết thúc cuộc tranh luận kéo dài 1 giờ 30 phút, 67% người được hỏi cho rằng ông Romney thắng thế.

Libération nhận định, các chủ đề tranh luận quyết liệt nhất giữa hai ứng cử viên là đề nghị giảm thuế cho người giầu của ứng cử viên đảng Cộng hòa và cuộc cải cách hệ thống bảo hiểm y tế của Obama, mà ứng cử viên Romney dự kiến sẽ hủy bỏ, nếu đắc cử. Một số người thuộc cánh dân chủ thì tỏ ý tiếc rằng, ứng cử viên của họ đã không hăng hơn trong cuộc tranh luận.

Theo nhận định của giáo sư chính trị học Susan McManus, « Obama tỏ ra hơi cùn mòn. Ông ấy hơi có hội chứng của các tổng thống tại nhiệm, quá tự tin vào bản thân và không chuẩn bị đầy đủ ».

Về phần mình, những người thân cận với ông Romney tỏ ra thận trọng và khẳng định là cục diện của cuộc tranh cử hiện vẫn chưa thay đổi. Hai cuộc tranh luận tiếp theo, trước ngày bỏ phiếu, sẽ diễn ra vào ngày 16 và 22/10.

Thuế chuyển nhượng : Chính phủ Pháp lùi bước trước các doanh nghiệp nhỏ

Về thời sự nước Pháp, một chủ đề được chú ý đặc biệt là việc chính phủ phải chấp nhận nhân nhượng trước đòi hỏi của một nhóm các nhà doanh nghiệp vừa và nhỏ, không chấp nhận việc đánh thuế nhiều hơn, trong trường hợp chuyển nhượng doanh nghiệp.

 Libération có bài viết mang tựa đề hóm hỉnh : « Đối mặt với những con chim bồ câu, bộ Tài chính phải để lại những chiếc lông ».

« Chim bồ câu » là tên của một nhóm các nhà doanh nghiệp bất đồng với chính phủ vì chủ trương tăng thuế đến 60%, đối với phần lời lãi của các cổ phiếu, khi doanh nghiệp được chuyển nhượng. Khoảng 33.000 xếp doanh nghiệp đã tham gia vào cuộc phản đối này trên các mạng Twitter và Facebook.

Xã luận của Libération nhấn mạnh đến tính chất bấp bênh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và khẳng định rằng, có đến 9/10 các đầu tư mạo hiểm là bị thất bại, vì vậy không nên đánh đồng các chủ doanh nghiệp này với những đại gia thuộc nhóm CAC 40. Tờ báo nhận định, chính phủ đã phạm một sai lầm khi đưa ra dự án cải cách này.

Hôm qua, bộ trưởng Kinh tế Piere Moscovici tuyên bố : « Chúng tôi hiểu thái độ của các lãnh đạo doanh nghiệp. Phần lời lãi sau khi người chủ sáng lập bán lại doanh nghiệp của mình chính là phần để trả cho lao động và các nỗ lực của người này. Trong bất cứ trường hợp nào, cũng không thể đồng nhất phần lời đó với các khoản tiền lãi thu được từ tài sản hoặc kinh doanh tiền tệ ».

Điều tra dư luận : Nỗi lo tác hại của biến đổi khí hậu được rất nhiều người chia sẻ

Nhật báo Le Figaro hôm nay chú ý đến cuộc điều tra dư luận về biến đổi khí hậu, do Ipsop tiến hành vừa được công bố. Trong số 13.000 người trả lời, thuộc 13 quốc gia, 90% cho rằng, khí hậu đã thay đổi và ¾ thì khẳng định chắc chắn, đây là một thực tế đã được khoa học chứng minh.

Kết quả điều tra dư luận kể trên là khá bất ngờ, vì đi ngược lại với một số quan điểm cho rằng, trong những năm gần đây vấn đề biến đối khí hậu ít thu hút được sự chú ý của công chúng hơn trước. Cụ thể là theo một nghiên cứu trên tạp chí Environmental Science & Policy, việc làm và thất nghiệp mới là mối quan tâm hàng đầu.

Một điểm quan trọng khác nổi lên theo cuộc điều tra này là : sự lo ngại trước biến đổi khí hậu là đặc biệt nổi rõ theo khu vực địa lý, hơn là theo sự khác biệt lứa tuổi và nghề nghiệp.

 Sự lo ngại đặc biệt mạnh ở dân cư các vùng dễ bị thương tổn vì biến đổi khí hậu, như Indonesia, Hồng Kông hay Mêhicô.

Nhìn chung, những người trả lời điều tra cho rằng, có các giải pháp để hạn chế các tác hại của biến đổi khí hậu, cụ thể là việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, cũng như một số các chính sách để thích nghi với biến đổi khí hậu.