Đông Nam Á ồ ạt đầu tư tăng cường sức mạnh hải quân |
Tác Giả: Đức Tâm |
Thứ Hai, 08 Tháng 10 Năm 2012 09:15 |
Giúp tăng cường khả năng chống nạn cướp biển,đánh bắt hải sản bất hợp pháp, buôn lậu, khủng bố...
Thủy thủ đoàn một tàu khu trục Hàn Quốc bắn ngư lôi chống tàu ngầm trong cuộc tập trận ở Hoàng Hải ngày 05/08/2012.
Indonesia mua tàu ngầm của Hàn Quốc, mua hệ thống radar của Trung Quốc và Mỹ, Việt Nam mua tàu ngầm và tiêm kích hiện đại của Nga, còn Singapore đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa bộ máy quân sự của mình. Theo giới quan sát, lo ngại trước sự lớn mạnh của Trung Quốc, các nước Đông Nam Á đã liên tục mua vũ khí để bảo vệ các tuyến hàng hải, cảng và biên giới trên biển, vốn có tầm quan trọng chiến lược sống còn, trong lĩnh vực trao đổi thương mại và năng luợng. Các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nơi được coi là có trữ lượng lớn về dầu khí, nguồn hải sản dồi dào, đã buộc Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei phải nỗ lực đầu tư vào quốc phòng nhằm giảm bớt sự chênh lệnh trong tương quan lực lượng với sức mạnh hải quân của Trung Quốc. Ngay cả những quốc gia ít liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông như Thái Lan, Singapore hay Indonesia, cũng chú ý tới vấn đề an ninh hàng hải. Ông James Hardy, chuyên gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc tuần báo Jane’s Defense, được Reuters trích dẫn, nhận định : « Sự phát triển kinh tế thúc đẩy các nước này chi tiền cho quốc phòng để bảo vệ các đầu tư, tuyến đường biển và các vùng đặc quyền kinh tế của họ ». Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Thụy Điển (SIPRI) do kinh tế phát triển mạnh, từ năm 2002 đến 2011, mức chi cho quốc phòng của các nước Đông Nam Á đã tăng 42%, trong lúc ngân sách quốc phòng của các nước phương Tây lại bị cắt giảm. Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) đưa ra số liệu ước tính như sau : Trong năm 2011, ngân sách quốc phòng của Singapore là 9,66 tỷ đô la, Thái Lan 5,52 tỷ, Indonesia 5,42 tỷ, Việt Nam 2,66 tỷ. Tuy nhiên, một số nước không minh bạch hóa ngân sách quốc phòng, do vậy, mức chi tiêu thực có thể cao hơn rất nhiều so với những số liệu chính quyền công bố. Đứng đầu trong danh sách các loại vũ khí và thiết bị quân sự được mua là tàu chiến, tàu tuần duyên, hệ thống radar và máy bay tiêm kích, cùng với tàu ngầm và các tên lửa đối hạm, những loại vũ khí rất hữu hiệu trong việc chống phong tỏa đường biển. Ông Tim Huxley, giám đốc điều hành phụ trách khu vực châu Á tại IISS, đánh giá rằng việc trang bị tầu ngầm là một vấn đề lớn, vì loại vũ khí này có thể gây tổn thất lớn mà không bị phát hiện và đối phương không dự tính được. Giới phân tích nhận định là mặc dù Đông Nam Á chưa lao vào một cuộc chạy đua vũ trang, nhưng rõ ràng việc chính phủ các nước trong khu vực, khi có tiền, đã tiến hành hiện đại hóa bộ máy quốc phòng, đặc biệt là hải quân, là do tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Việc đầu tư nâng cao sức mạnh quân sự trên biển còn giúp tăng cường khả năng chống nạn cướp biển, đánh bắt hải sản bất hợp pháp, buôn lậu, khủng bố, đối phó với thiên tai, đồng thời cho phép quân đội duy trì được ảnh hưởng của mình, tại những quốc gia ít liên quan đến tranh chấp biển đảo như Thái Lan, Indonesia. Về phần mình, chuyên gia Ian Storey, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, cho rằng cảm giác chung trong khu vực là có một sự bất ổn định chiến lược, do sự trỗi dậy của Trung Quốc và nghi ngờ về khả năng của Hoa Kỳ tăng cường hiện diện quân sự tại châu Á. Mặt khác, cho dù « các nước Đông Nam Á sẽ không bao giờ có thể đạt mức ngang bằng với sức mạnh quân sự Trung Quốc », nhưng, « nếu như Trung Quốc tấn công Việt Nam, thì ít ra, Việt Nam có thể gây ra những tổn thất nghiêm trọng » cho Trung Quốc. |