Home Văn Học Điểm Sách Năm mới đọc báo Xuân

Năm mới đọc báo Xuân PDF Print E-mail
Tác Giả: Ngọc Lan   
Thứ Tư, 17 Tháng 2 Năm 2010 21:11

Khi nghe sếp giao cho công việc điểm báo Xuân 2010, tôi hí ha hí hửng nhận lời ngay lập tức, không chút đắn đo, không chút câu nệ, không chút phụng phịu, không chút mè nheo.

Không chỉ khệ nệ ôm hết trong vòng tay ba anh em nhà Việt, gồm Việt Herald, Việt Báo, Việt Tide, mà tôi rinh luôn Chí Linh, Viễn Ðông, và cả Người Việt về nhà.

 

Sắp 6 tờ báo ra sàn nhà, nhìn qua nhìn lại, nhìn tới nhìn lui, tôi bỗng nhận ra rằng tôi đang ôm bom tấn! Có hối cũng đã muộn.

Như bàn tay ngón dài ngón ngắn, nếu Người Việt, Viễn Ðông, Việt Hearald và Chí Linh nằm thẳng đều tăm tắp cùng ngang cùng dài như nhau, thì Việt Báo với trang bìa đỏ rực hơi lùn một chút và béo một chút. Trong khi đó Việt Tide lại nhỏ nhắn thanh mảnh khoác trên mình chiếc áo đẹp nhất, theo tôi. Năm nay là năm Cọp, bìa Việt Tide là hình ảnh của một gia đình cọp, biểu tượng cho sự sum vầy, lẫn sung túc khi cả cọp cha, cọp mẹ, cọp con đều ngồi trên một đống tiền vàng. Cành mai vàng rực, cùng bao đỏ lì xì cho ngày Xuân Canh Dần 2010 cũng không thiếu trên trang bìa ấy.

Nếu như mỗi cuộc đời là một câu chuyện, câu chuyện đó có thể buồn chán với người này nhưng lại là nguồn cảm hứng cho người khác, thì những tờ báo Xuân tôi có trong tay cũng là như thế. Mỗi tờ mỗi vẻ, mỗi tờ mỗi nét, thể hiện đầy đủ quan điểm, cách nhìn và thái độ của những người chủ trương tờ báo. Tựu chung lại, vẫn là mang đến những món ăn tinh thần đa dạng, phong phú, độc đáo nhất cho tất cả độc giả trong những ngày đầu năm con Cọp.

Nếu tôi dành ra hai tiếng để đọc hết tờ Chí Linh, thì tôi phải mất cả ngày để đọc lướt hết Người Việt, bởi lượng bài viết quá nhiều, cái nào cũng muốn đọc, cái nào cũng muốn xem. Thế nhưng tôi lại thích cách sắp xếp mục lục của tờ Việt Báo: 35 năm Ðổi đời, Thăng Long Ngàn Dặm, Viết về nước Mỹ, Âm nhạc và Nghệ thuật, Thơ, Truyện và Ký, Y học và Ðời sống, Tử vi Lý số... Rành mạch, rõ ràng, muốn đọc gì cứ dò ngay vào đấy mà tìm.

Năm nay là năm của Ông Ba Mươi, nên như lẽ đương nhiên, ông Cọp sẽ chễm chệ trên mỗi tờ báo, dưới nhiều hình thức, nhiều góc nhìn, nhiều góc khám phá.

Ai muốn cùng nhà báo Bùi Bảo Trúc “Nói Chuyện Hổ Năm Dần” thì mời xem Việt Tide, sẵn đó đọc luôn bài viết “Ông Ba Mươi” của tác giả nào chẳng thấy để tên bên dưới lẫn bên trên. Hay bắt đầu từ trang 6 của Viễn Ðông để hiểu tại sao tác giả Hoài Mỹ bỗng la lên “Cọp! Cọp! Cọp!” Hoặc thử cùng nhà du lịch Trịnh Hảo Tâm tìm hiểu “Lai Lịch Chúa Sơn Lâm” trên báo Người Việt. Sau khi nghe tác giả Hồ Hữu Tường kể chuyện “Cọp Hú” trong Việt Herald, nên chăng tìm đọc luôn “Bài Thuốc Cu Cọp” - một tiêu đề rất “ấn tượng” của Nguyễn Thượng Chánh trên Việt Báo, để rồi nếu muốn có được “hàng độc” đó thì phải tìm tác giả Ðặng Tiến của tờ Chí Linh để hỏi thêm “Tục săn Cọp” như thế nào.

Xuân Canh Dần 2010 trùng với thời điểm kỷ niệm ngàn năm Thăng Long, nên lượng bài viết liên quan đến chuyện thành quách cũ cũng rất đáng kể.

Nếu “Nhớ Tổ Tiên Một Ngàn Năm Trước” của nhà bình luận Ngô Nhân Dụng trên Người Việt cho tôi cái nhìn tổng quát về lịch sử ngàn năm trước còn được nuôi dưỡng, vun trồng đến ngày nay thì bài viết “Ðặt tên ‘Thăng Long’: Ðòn tuyên truyền chính trị của Lý Thái Tổ?” của Vũ Quí Hạo Nhiên, cũng trên Người Việt, lại giúp tôi có cái nhìn mới mẻ hơn về một vấn đề lịch sử. Nói đúng hơn, tôi cảm thấy rất thú vị với chuyện “Ðược một con rồng ‘bảo kê’ (cho dù là rồng sa cơ hiện trên thuyền vua), nhà Lý trị vì tới 200 năm” mà tác giả đã gợi ra.

Những người quan tâm đến chuyện thế giới chính trị sẽ không thể bỏ qua “2000-2009 thập niên của Khủng Bố và Khủng Hoảng” của nhà báo Lê Phan, hay “2010 một năm hứa hẹn nhiều khó khăn cho ông Obama” của nhà báo Lê Mạnh Hùng trên tờ Việt Tide.

Tôi chưa có điều kiện đến White House nên cũng rất tò mò muốn biết nhà báo Nguyễn Văn Khanh trong suốt “Một Năm Nhìn Lại Tòa Bạch Ốc” ông đã nhìn ra được những gì. Rất ngạc nhiên khi biết điều ông Nguyễn Văn Khanh nhìn ra là các vị lãnh đạo Hoa Kỳ của chúng ta cũng văng tục chẳng kém gì thường dân. Ðọc trang 202 Giai phẩm Xuân Người Việt sẽ hiểu thêm “Làm càng lớn, chửi thề càng dữ” là như thế nào.

Báo Xuân ngày Tết, đương nhiên phải nhắc chuyện ăn chuyện uống, xem hò xem hát, và xem hình người đẹp!

Viễn Ðông tiếp tục phát huy tay nghề bếp núc thường ngày qua “Món ngon Nam bộ ‘Ðộc chiêu’”. Chỉ là những hình ảnh bánh xèo ăn với đủ thứ đọt, rau; cá thác lác muối xả ớt ăn với cơm cháy chấm kho quẹt, Còi biên mai nướng đậu bắp; Cá lóc nướng trui, Chuột đồng nướng lu... đủ làm quay quắt lòng người nhớ về một miệt vườn ở Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, hay tận Cà Mau.

Chí Linh thì đưa người đọc về với “Phở, Bún Chả, Bún ốc, Bánh cuốn Hà Nội thời xưa” để tìm về cảm giác của những “món ăn thuần túy.”

“Gói Bánh Ít Ăn Tết” ở Việt Herald, “Nấu Bánh Chưng, Bánh Tét Ngày Xuân” nơi Việt Tide cũng góp phần làm thoang thoảng đâu đây mùi của lá chuối, lá dong, của thịt, của nếp, của đỗ.

Ăn uống, xem ca nhạc và lòng nhớ về những cái Tết xa xưa, nay thỉnh thoảng dội về trong ký ức.

“Sài Gòn Mùa Thương Nhớ” của Song Nguyên trên tờ Người Việt vẽ ra trước mắt người đọc cái không khí của phố phường, cái mùi hương trên bàn thờ, cái cảm giác nôn nao, chộn rộn những ngày giáp Tết. “Hương vị Tết ngày xưa trên quê hương miền Bắc” của tác giả Huy Trâm trên tờ Việt Herald lại đưa lòng người tìm cảm giác Tết nơi chốn văn vật ngàn năm.

“Nhớ những cái Tết ‘Chợ Trời’ sau 1975” của nhà báo Ðinh Quang Anh Thái khiến người đọc có thể vừa bật cười vừa đưa tay quẹt nước mắt. Vào trang 58 của giai phẩm Xuân Người Việt để thấy “còn nguyên đó thôi, trong nỗi nhớ thường xuyên của bạn bè,” những người bạn đã cùng nhau có mặt trong chốn “chợ trời” nhiễu nhương của một thời khốn khó.

“Trũng mù sương” của tác giả Trần Hồng Linh trên tờ Việt Báo lại lôi tuột ký ức những thuyền nhân trở về năm tháng sống nơi những trại tị nạn. Những kỷ niệm thấm đẫm máu và nước mắt năm nào, giờ được nhìn trong ánh mắt và nụ cười độ lượng, bởi dẫu gì “chúng ta đã qua trũng mù sương,” để thấy yêu thương và trân trọng giá trị cuộc sống hiện tại của mình.

Cuối cùng, với người khác thì sao không biết, nhưng với tôi thì không gì thú vị hơn khi đọc những điều các nhà chiêm tinh bói toán dự đoán cho số phận mình trong năm mới!

Mà càng hấp dẫn hơn nữa khi xem cùng là tuổi mình đó, sao mình đó, mạng mình đó nhưng mỗi nhà chiêm tinh của mỗi tờ báo nói cho mình nghe những điều đôi khi trái ngược nhau hoàn toàn. Ai muốn tin sao cũng được. Riêng tui thì tờ nào nói số tui năm nay “may mắn, phúc lộc dồi dào, làm ít hưởng nhiều,” không bị chủ bút và tổng thư ký bắt sửa đi sửa lại bài viết là tui thấy tin liền vào dự đoán đó!

Cũng như tất cả các tờ báo đều kết thúc nội dung báo Xuân bằng mục Tử vi Lý số, tôi cũng xin dừng công việc điểm báo của mình ở đây.

Ngoài đường pháo đã nổ rền nhiều lắm. Tiếng lân tiếng trống cũng khiến tôi phải nhấp nhỏm chạy ra xem.