Home Văn Học Khảo Luận Đua Thuyền Từ Vĩ Tuyến 17 Ra Bắc

Đua Thuyền Từ Vĩ Tuyến 17 Ra Bắc PDF Print E-mail
Tác Giả: Mường Giang   
Thứ Hai, 01 Tháng 2 Năm 2010 09:07

Là một quốc gia có bờ biển dài trên 3300 cây số, cùng với sông ngòi,kênh rạch lớn nhỏ, chằng chịt khắp nơi,

nên ngay từ thời mới lập quốc, người Việt đã thông thạo thủy chiến, giỏi nghề đi biển, chèo ghe, chống thuyền. Lại nhờ có đất đai phì nhiêu ở hai đồng bằng sông Hồng và sông Cửu, nên cũng là nơi phát xuất nền văn minh lúa nước rất sớm ở vùng Ðông Nam Á. Do đó sông nước luôn luôn là khát vọng trong đời sống hằng ngày của mọi người, qua các công trình đắp đê, khơi ngòi, đào kênh và lễ hội đua thuyền khắp nơi trên sông nước, để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng phát đạt, đời sống muôn dân ấm no hạnh phúc.

Hình minh hoạ

Nhờ những hoa văn tìm thấy trên các trống đồng Ngọc Lũ, trong đó có chạm khắc sáu hình thuyền có bánh lái ở trước mũi, sàn cao, thủy thủ hóa trang hình chim cầm cung, không có mái chèo. Theo các nhà khảo cổ, thì các trống đồng trên đã có hơn 2500 năm, tương ứng vào thời các Tổ Hùng nước Văn Lang. Ngoài ra người ta cũng đào được thạp đồng Ðào Thịnh, cùng niên đại với trống Ngọc Lũ, là hai cổ vật biểu tượng của nền văn minh Ðông Sơn rực rỡ của dân tộc Lạc Việt.

Những hình ảnh chạm khắc trên thuyền của các đồ đồng tìm thấy, vừa phản ảnh các lễ hội phồn thực của sông nước, đua thuyền, vừa nói lên dân tộc tính bất khuất của VN, qua các thời đại lập quốc , đã chiến thắng và đánh đuổi giặc Tàu phương bắc ra khỏi bờ cõi bằng hải chiến trên các dòng sông thiêng như Hồng Hà, sông Cầu, Lô giang, sông Thươngvà nhất là Bạch Ðằng Giang. Tinh thần thượng võ và bản sắc tôn giáo của dân tộc , làm nên sinh hoạt văn hiến trong kho tàng văn học VN, mà chúng ta gọi chung là bách hỷ, được thể hiện trong các ngày xuân tết, từ chốn làng mạc cổ xưa ờ miền Bắc, cho tới chốn phồn hoa đô hội khắp nước.

Trong cái không khí tưng bừng vui nhộn của hội hè đình đám, diễn ra theo phong tục riêng của từng miền nhưng ai cũng thích các cuộc vui mang tính chất mùa xuân thượng võ của dân tộc. Những cuộc thi bắn nõ, cỡi ngựa ở miền sơn cước và đua thuyền trong ba ngày tết tại các địa phương cạnh sông, ven biển. Những năm gần đây, đất nước đã không còn cảnh bom đạn chiến tranh, nên nhiều nơi như Vĩnh Phúc Yên, Hà Nội, Nam Ðịnh, Thanh Nghệ Tĩnh.. đều tổ chức đua thuyền rất hào hứng và vui nhộn, thu hút nhiều người địa phương, kể cả du khách trong và ngoài nước tới tham dự.
 
+ Ðua thuyền trên sông nước miền Bắc :
Căn cứ vào sử liệu, ta biết các cuộc đua thuyền qui mô của cả nước, đều diễn ra ở kinh thành Thăng Long. Thời Lý (1000-1224), căn cứ theo văn bia Sùng Thiện Diên Linh khắc năm 1121, mô tả ngày hội đua thuyền với hàng ngàn chiếc tham dự giữa dòng sông Nhị Hà. Trong lúc đó trên bến Ðông Thành, vua quan nhà Lý ngự tới Ðiện Linh Quang để xem cuộc đua thuyền.

Thời vua Lê chúa Trinh vào thế kỷ XVIII, căn cứ theo các bút ký của các giáo sĩ Tây phưong cho biết, cuộc đua thuyền được tổ chức tại bến Tây Long trên sông Nhị Hà, với những nam nữ trạo phu khỏe mạnh, ngồi trên các thuyền đua thon dài, sơn phết rực rỡ, đồng phục ngồi hai bên mạn thuyền để chèo, đầu thuyền tổng tài đầu chít khăn, lưng thắt một dải lụa màu, tay cầm trống khẩu cầm trịch để chỉ huy. Khắp sông đỏ rực một màu cờ đuôi nheo cắm trên mui thuyền bay phất phới, giữa tiếng chèo khua, sóng vổ mạnh bên hai mạn thuyền, khiến cho thôn làng bến nước càng thêm rộn rã. Trên đảo Quan Lạn thuộc vùng Quảng Ninh ở biên giới Hoa Việt, hàng năm vào ngày 18-6 âm lịch cũng tổ chức đua thuyền, mà ca dao xưa vẫn còn truyền khẩu : ‘ Trên thì đông đám thờ thần, Dưới sông đôi chiếc thuyền rồng chèo bơi ‘.
 
- TRÊN SÔNG THAO (BẠCH HẠC)
Mỗi độ xuân về trên đất Bắc, hằng năm tại làng Bạch Hạc đều có tổ chức cuộc đua thuyền trên dòng Lô giang hay là sông Thao. Cuộc đua thuyền này có phần hơi dị biệt với nhiều địa phương khác trong nước. Ðây là truyền thống xuất phát từ những tập tục cổ truyền lâu đời, có liên quan tới lịch sử đấu tranh của dân tộc. Bạch Hạc vùng đất thiêng liêng của Hồng Lạc, ngày xưa chính là kinh đô Phong Châu của nước Văn Lang, thời 18 Tổ Hùng trị nước, mà Lê Ngô Các và Phạm Ðình Toái đã nhắc tới trong tác phẩm ‘ Ðại Nam quốc sử diễn ca ‘
 
Hùng vương đô ở Phong Châu
Ấy nơi Bạch Hạc, hợp dòng Thao giang
Ðặt tên là nước Văn Lang
Chia mười lăm bộ, bản chương cũng liền
 
Làng Bạch Hạc ngày nay thuộc Tổng Nghĩa Yên, Huyện Bạch Hạc, Tỉnh Vĩnh Phú, nằm bên tả ngạn sông Lô (Thao), cạnh đường xe lửa và quốc lộ số 2, cách Hà Nội 70 km. Ngoài huyền thoại có liên quan tới vị Thành Hoàng bản xứ gọi là Thổ Lệnh Ðại Vương, thì thực chất của cuộc đua thuyền vẫn là cuộc tập luyện thủy quân theo truyền thống thượng võ của dân Việt.

Nhờ đó mà nước ta bao đời đã đánh đuổi được giặc thù (Tàu lẫn Pháp) xâm lăng trên sông Lô, Cầu, Chương Dương và Bạch Ðằng Giang năm nào. . Do tính chât thiêng liêng trên, nên cuộc đua giữa bốn giáp Bộ đầu, Tiểu hạc, Ðông nam và Thần chúc của làng rất hào hứng và đầy gây cấn. Theo tập quán, mỗi giáp đều có một chiếc thuyền đua gọi là TRẢI với chiều dài hơn 20m, rộng 1,50m, đóng bằng nguyên cây gỗ chò. Ðây là một loại gỗ quý, mà truyền thuyết bảo là của Long Vương dùng để làm cột đình chốn Thủy tề.

Chiếc Trải có đầu rồng, đuôi rồng, do 50 bạn chèo được chọn từ các tráng đinh khỏe mạnh và trẻ tuổi. Mỗi thuyền có ba người chỉ huy đầy kinh nghiệm, có vai vế và địa vị tại địa phương, một người cầm cờ hiệuđứng trước mũi chỉ huy, người giữa khoang thì đánh trống để đôn đốc và người cuối thuyền cầm lái. Họ chính là những người quyết định thắng bại trong cuộc đua. Riêng các bạn chèo vẫn noi theo nề nếp cổ xưa, chỉ đóng khố, để lộ những thân hình nở nang vạm vở, nhìn đẹp như các pho tượng của những lực sĩ Hy Lạp . Riêng ba bậc đàn anh chỉ huy thì mặc áo dài, , chít khăn đóng, lưng thắt đai đỏ, thái độ ung dung hùng dũng như các vị tướng lãnh thời xưa lúc xung trận. Khởi đầu cuộc đua, bốn chiếc Trải sắp hàng dọc trước đình làng Bạch Hạc. Ðây cũng là điểm xuất phát, từ đó tới ngã ba sông ngánh chảy vào Lô Giang, rồi quay trở lại đình. Cuộc đua thuyền hằng năm chẳng những thu hút dân bản địa mà còn có nhiều du khách và các tỉnh thành lân cận tham dự, rất đông đảo và vui nhộn.
 
+ TẠI TỪ LIÊM (HÀ NỘI) :

Làng Ðăm thuộc xã Tây Tựu, Huyện Tây Tựu ngoại ô Hà Nội, từ lâu đời đã nổi tiếng về các cuộc đua thuyền trong mỗi độ xuân về, mà ca dao xưa đã nhắc tới ‘ Sù, Gụ thì giỏi chăn tằm. Làng La canh cửi , làng Ðăm bơi thuyền ‘.Làng có ba giáp Thượng, Trung và Hạ, từ xa xưa đều có xưởng thuyên, chuyên sửa chữa cũng như đóng các loại ghe thuyền mới, đặc biệt là loại thuyền đua. Thuyền này được đóng bằng gỗ quý tốt, sơn son thiếp vàng, mũi và lái chạm rồng, có chiều dài chừng 15m. Thuyền có 24 trạo phu và 5 người khác gồm một cầm cờ hiệu đứng trước mũi thuyền, một đánh mõ, một tát nước và hai người chèo lái.

Theo sử liệu, thì cuộc đua thuyền hằng năm tại làng Ðăm đã có từ thế kỷ thứ XV, với truyền thống làm lễ dâng cúng vị thủy thần cũng là thành hoàng của địa phương, để cầu xin mưa thuận gió hòa, mùa màng thu hoạch tốt đẹp. Ngoài ra lễ hội trên còn để tưởng nhớ các Thủy sư đô độc đời Hậu Lê như Nguyễn Hữu Liêm, Ðổ Ðắc Liên.. đều xuất thân từ hội đua thuyền, trước khi trở thành danh tướng của triều đình. Ðây cũng là dịp để trai tráng trong làng rèn luyện lại kỹ thuật thủy chiến, theo đúng tinh thần thượng võ của dân tộc.

Vì là một làng cổ nơi miền đất ngàn năm văn vật, nên cuộc đua thuyền tại đây được tổ chức thật trang trọng và độc đáo. Ðể chuẩn bị cuộc đua, trước Tết chừng vài tháng , các tráng đinh trong làng đã được huy động để lo việc duy trì mực nước trong đầm là nơi sẽ diễn ra cuộc đua, vì cứ vào dịp Tết mực nước sông Hồng rất cạn. Ðúng vào ngày hội từ sáng tới trưa, làng mở cuộc tế lễ cúng Thành Hoàng và các vị Thủy Thần thờ tại Ðình trung có từ lâu đời. Một khán đài được thiết lập bên bờ đầm , để quan viên ngồi xem đua thuyền. Ngoài ra còn có một chiếc thuyền rồng gọi là thuyền quan, trên có thiết ngai và ban nhạc bát âm cổ , để ba quan giám khảo ăn mặc theo lối võ quan, lưng buộc đai điều, ngồi trên ngai chấm thi.

Sự độc đáo trong cuộc đua thuyền của làng Ðăm so với các nơi khác, là lễ hội vừa đua thuyền vừa té nước, một hình thức văn hóa ca nhạc cổ truyền của Văn Lang mà ngày nay trên đất Bắc gọi là Rối Nước. Do đó trên mỗi thuyền đua, ngoài các trạo phu, còn có hai người nam chuyên ca hát nhảy múa. Trong cái không khí vui nhộn tưng bừng, pha trộn đủ mọi thứ âm thanh dồn dập, từ tiếng rít của lá cờ đại trước sân đình, xen lẫn tiếng đàn phách nhặt khoan phát ra nơi thuyền quan, thuyền đua cùng với tiếng vỗ tay tán thưởng của những người tham dự đứng trên bờ, làm náo động mặt nước trong xanh, tạo nên nỗi náo nức trong tâm hồn mọi người, khiến cho ai cũng mong mỏi ngày vui đừng chóng qua.
 
+ Ðua thuyền ở các tỉnh phía bắc Trung Phần :
Miền Trung nước Việt chạy suốt từ Thanh Hóa vào tới ranh giới tỉnh Biên Hòa, Phước Tuy, nào là bờ biển sông ngòi , nên điạ phương nào vào những ngày Tết Xuân hay Lễ Hội, đều có tổ chức các cuộc đua thuyền rất vui nhộn, nên người Thanh Hóa đã có câu ca dao cổ hầu như ai cũng thuộc : ‘ Cầu Quan vui lắm ai ơi . Trên thì họp chợ, dưới bơi thuyền rồng ‘.
 
- ÐUA THUYỀN RỒNG TẠI XÃ BẠCH NGỌC , TỈNH NGHỆ AN :
Xứ Nghệ là miền đất cổ nổi tiếng của VN, nơi đã sinh ra rất nhiều danh nhân nổi tiếng qua hầu hết các giai đoạn lịch sử được ca tụng. Nghệ An đất rộng người đông lại nằm sát biển Ðông và có nhiều sông rạch chằng chịt, trong đó có sông Cả mà phần hạ lưu, túc là Lam Giang chảy ngang qua tỉnh, vì vậy ngư nghiệp ở đây rất phát đạt. Do đó người xứ Nghệ rất thích đua thuyền và các cuộc vui thường diễn ra trong dịp Tết Nguyên Ðán, giữa các đội nam nữ trong tỉnh.

Tuy nhiên xưa nay nổi tieng hơn hết vẫn là cuộc đua thuyền rồng, được tổ chức ba năm một lần vào dịp tết tại làng Bạch Ngọc, huyện Ðô Lương . Ðây là một lễ hội quan trọng đã có từ lâu đời, trong nghi thức ghi nhớ công đức của Ðức Uy Minh Vương Lý Nhật Quang là con thứ 8 của Lý Thái Tổ. Ông là một danh tướng của Ðại Việt, có công ngăn chận được giặc Chiêm nơi biên tái, trong thời gian trấn nhậm ở phương Nam. Nho đó ma dân chúng sống cảnh thanh bình, no cơm ấm áo, vì vậy bản địa đã tôn ông là Thành Hòang để phụng thờ , hương khói ngàn năm không dứt.

Trong ngày hội, trước khi cuộc đua thuyền rồng bắt đầu, buổi sáng là cuộc tế thần, các vị chức sắc và bô lão dâng hương trong đền. Tiếp theo là cuộc rước thuyền rồng trên bộ, suốt lộ trình từ Ðền Quả thờ Uy Minh Vương, tới Ðền thờ Bà Bụt trên bờ Lam Giang. Ðám rước thật long trọng với cờ xí, chiêng trống, ban nhạc bát âm cổ và đoàn lân. Ði giữa đám rước là bốn con ngựa gỗ từng cặp được sơn màu hồng và trắng, do các tráng đinh mặc y phục mã phu đẩy. Nổi bậc nhất trong đám rước là đoàn thuyền rồng, gồm 12 chiếc, do các trạo phu mặc đồng phục khiêng.

Sau khi nghi thức tế tự được kết thúc tại Ðền Bà Bụt, đoàn thuyền rồng mới hạ thủy và bắt đầu cuộc đua trên sông Lam. Ðường đua tuy không dài nhưng phải lượn nhiều vòng trong chu vi ấn định sẵn, lại có nhiều đội tham dự, nên rất sôi nổi hào hứng, vì ai cũng muốn đem danh dự về cho địa phương mình, dù phần thưởng chỉ có Một Lá Cờ và Phong Pháo Ðỏ. Nghệ An là đất ngàn năm văn vật, quê hương của Mai Hắc Ðế, Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu và Liệt Sĩ Pham Hồng Thái.
 
- ÐUA THUYỀN TẠI XUÂN HỘI, HÀ TỈNH :
Ðây là một trong 15 bộ của nước Văn Lang thời các Tổ Hùng trị quốc, trung tâm của nền văn hóa Ðông Sơn, miền đất thi thơ được nhắc nhớ nhiều nhất trong văn học sử Ðại Việt, qua nhiều kiệt tác phẩm như Ðoạn Trường Tân Thanh, Hoa Tiên.. của các tên tuổi lừng danh kim cổ như Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Công Trứ, Phan Ðình Phùng, Cao Thắng.. miên viễn sống mãi trong tâm hồn người Việt.

Hà Tĩnh đất hẹp lại cằn khô cày lên sọi đá, bao nhiêu đời làm phên giậu phía nam, chống đỡ các cuộc xâm lấn của Chiêm Thành. Do nhiều năm tiếp xúc lẫn nhau giữa hai dân tộc, nên giới ngư dân H2 Tĩnh cũng tin thờ Nam Hải Ðại Tướng Quân (Cá Voi). Ðiều này cũng dễ hiểu vì đất đai miền Trung từ Hà Tĩnh vào tới Bình Thuận, dãy Trường Sơn nhiều đoạn chạy ra sát biển, làm cho nhiều vùng trở nên cằn cỗi vì đất ruộng trộn lẫn lộn đá núi, nên nghề nông không đủ nuôi sống mọi người. Do đó phần lớn bản địa sống nhờ biển cả, mà nghề hạ bạc này bao đời cũng không phải là điều kiện tiên quyết trong việc kiếm manh áo chén cơm hằng ngày.

Trước những thảm trạng do thiên tai có thể mang tới bất kỳ, người dân khốn khổ chỉ còn biết tin tưởng vào thần linh để mong được che chở cứu giúp. Từ cái tâm sinh lý trên, người dân làm biển, sống từ phía Nam Ðèo Ngang vào tận Trấn Hà Tiên sát biên giới Miên-Việt, hầu như trong các lễ hội truyền thống của dân miền biển, đều mang nặng tính chất tín ngưỡng dân gian. Ðây là sự khác biệt trong cùng một nền văn hiến văn minh Ðại Việt, giữa hai miền đất ngăn cách bởi Ðèo Ngang trong tỉnh Hà Tỉnh. Nói chung từ phía bên kia Ðèo Ngang ra tới biên giới Hoa-Việt, hầu hết các lễ hội dân gian, trong đó có đua thuyền, mang nặng tính chất thượng võ của một dân tộc bất khuất, môt quốc gia ham chuộng tự do độc lập, nên luôn sống trong tình trạng phải chiến đấu chống giặc Tàu xâm lăng .

Tháng giêng mùa tết hằng năm, cũng là lúc ngư dân Hà Tĩnh bắt đầu làm lễ hạ thủy và cúng cầu ngư tại các Dinh, Vạn thờ thần ở ven biển, thuộc xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên. Sau đó là các cuộc đua thuyền được tổ chức khắp nơi như Trung Lương, Ẩm Xuyên nhưng hấp dẫn hơn hết vẫn tai Xuân Hội. Ðây là một làng đánh cá nằm bên cửa Hội, thuộc xã Hội Thông, huyện Nghi Xuân. Làng này có bốn thôn đều tham dự cuộc đua thuyền.

Theo truyền thống , mỗi thôn có một thuyền đua gọi là Nô Ốc với 20 tay chèo, do một tổng lái đầy kinh nghiệm điều khiển. Ðường đua là khúc hạ lưu sông Lam, phần chảy trong điạ phận Hà Tĩnh. Ðoạn sông này dài trên 1,5km nhưng các thuyền phải bơi đủ 4 vòng. Trong ngày hội, cửa Ðình thờ Thần, đã mở rộng từ sáng sớm để mọi người vào cúng lạy. Trên các bệ thờ , hoa quả cùng với hương đèn tỏa mùi thơm ngát khắp nơi, các vị bô lão và chức sắc địa phương ăn mặc thật chỉnh tề trịnh trọng, cùng với các tổng thuyền vái lạy thần linh, trước khi phát pháo mở đầu cuộc đua thuyền.
Trong lúc đó, ngoài sân đình kéo dài suốt bờ sông Lam, dân chúng xa gần tụ tập đứng kín mít hai bên đường, reo hò inh ỏi xen lẫn với tiếng chiêng trống, pháo nổ và các tràng pháo tay gần như bất tận, để mừng chiếc thuyền đua về nhất.
 
- ÐUA THUYỀN TẠI ÐỒNG HỚI, QUẢNG BÌNH :
Tỉnh nằm trên cửa ngỏ dẫn vào cố đô Huế, vùng này có bề ngang hẹp nhất VN vì núi lấn sát biển, nên từ xa xưa các làng mạc thường được xây dựng dọc theo hai bên đường cái quan, chạy sát duyên hải mà hầu hết sống bằng nghề đánh cá. Hai con sông Linh Giang (Gianh) và Nhật Lệ , một thời làm nhân chứng trong các cuộc chia cắt đổi chủ thay ngôi trong cuộc chiến Việt-Chiêm và mấy mươi năm nội chiến Trinh-Nguyễn.

Vì dân chúng hầu hết quen sống trên sông nước, nên tại đây cũng có rất nhiều lễ hội liên quan tới đời sống của người miền biển, mà tiêu biểu hơn hết là lệ cúng cầu ngư trong những ngày tết Nguyên Ðán và cúng ông Nam Hải tại thị xã Ðồng Hới, tỉnh lỵ Quảng Bình, được xây dựng trên cửa sông Nhật Lệ. Hội đua thuyền tại đây được tổ chức 6 năm một lần mang tính chất thuần túy tôn giáo, trước là để cúng thần cầu ngư mong được mưa thuận gió hoà, sau đó cũng là dịp để tưởng nhớ những người kém may mắn bất hạnh, đã chết thảm trên sóng nước vì bão táp trong lúc hành nghề hạ bạc.

Trong cuộc đua thuyền, có tất cả 6 vạn chài nằm hai bên bờ sông Nhật Lệ của thị xã tham dự. Thuyền đua ở đây dài chừng 13m, đóng bằng gỗ tốt với kỹ thuật tinh xảo, trang trí theo hình rồng phụng. Mỗi thuyền có 34 tay bơi, cộng thêm lái chính, lái phụ, người đánh mõ và người tát nước. Không như các địa phương khác, cuộc đua thuyền tại đây kéo dài tới ba ngày với các nghi thức cổ truyền, trong đó có lễ rước các vong linh nhưng nạn nhân đã chết trôi. Cuộc tế lễ vô cùng trang trọng và cảm động , với sự tham gia của 6 thuyền đua, dàn hàng ngang như một biểu tượng để tang. Mỗi thuyền kéo theo một chiếc phao có ghi tên tuổi những người bất hạnh của thôn mình. Ðoàn thuyền xuôi nhẹ trên dòng Nhật Lệ hướng ra biển, qua cửa Lạch rồi quay lại thị xã. Những chiếc phao nổi bềnh bồng trên mặt nước phía sau thuyền, tưởng như những âm hồn uổng tử đang ngự trên đó, theo những tiếng hò hát của các trạo phu vang dậy khắp bến bờ “ Ôm phao, phao mà về . Ôm phệ, phệ mà về “.Quang cảnh lúc đó làm cho những người đang chứng kiến không thể cầm nổi nước mắt.

Rồi cuộc đua bắt đầu với một lộ trình thật dài, khởi hành từ Ðình Ðông Hới ra tận cửa Lạch trên sông gần 20 km, khiến cho cuộc thi tài thêm phần hào hứng, vừa chứng tỏ thiện chí cũng như khả năng đi biển của dân Quảng Bình. Sau cuộc thi, thuyền nào về nhất được dân chúng và quan viên hoan hô nhiệt liệt.
Cuộc vui nào cũng tàn, những ngày Tết lại qua mau, đồng bào cả nước lại đầu tắt mặt tối lo chén cơm manh áo để nuôi thân và nuôi chủ nghĩa xã hội, hiện nay đang đứng đầu thế giới về tham nhũng, độc tài, chà đạp nhân quyền, đàn áp tín ngưỡng, hủy hoại nhân cách và tinh thần chiến đấu của dân tộc VN có tự ngàn đời. Riêng ta chốn quê người, sửa soạn đón thêm một tết tha hương buồn thảm, thương hận nhìn quê nhà lầm than tận tuyệt dưới chế độ cọng sản.

Trong giây phút thầm lặng trước ngưỡng cửa đời, xa xót không biết đến bao giờ mới chấm dứt được thân phận không nhà cửa, thường môt mình khóc thầm bên mái hiên người , bên hè phố, trong bóng tối của đêm trừ tịch, để ngóng về Phan Thiết, không biết trong cái hạnh phúc gia đình đang sửa soạn đón năm mới, có ai còn nhắc tới người đang ngoài quan tái bơ vơ .

Xóm Cồn, Ha Uy Di