Oan cho Khổng Tử |
Tác Giả: Ngô Nhân Dụng |
Thứ Bảy, 06 Tháng 2 Năm 2010 14:57 |
Một bài báo cho biết chính phủ Bắc Kinh đã cấm chiếu phim Avatar một thời gian, sau phải nhượng bộ cho chiếu lại. Bản tin viết là trong khi không cho dân coi phim Avatar thì chính quyền Cộng Sản cổ động mọi người coi cuốn phim về cuộc đời Khổng Tử. Mục đích là khuyến khích dân Trung Hoa tìm hiểu về một hệ thống tư tưởng có thể hỗ trợ bảo vệ chính thể độc tài đảng trị! Bản tin trên kể có nhiều người Trung Hoa không những phản đối việc cấm đoán phim Avatar vì đây là một phim giải trí hay và có ý nghĩa mà còn vì họ muốn tỏ ý chống cuốn phim Khổng Tư, để tỏ thái độ ghét hệ thống tư tưởng Nho Giáo mà Khổng Tử là người xướng xuất. Trong những năm gần đây có một phong trào phục hồi Khổng Giáo ở lục địa. Nhiều người cho là đảng Cộng Sản Trung Hoa đã biết chủ nghĩa Cộng Sản phá sản hết thời rồi, chủ nghĩa Mác xít nay không còn được ai tin nữa, cho nên muốn dùng Khổng Tử làm chỗ tựa, biện minh cho chế độ độc tài của họ. Ðọc tin này khiến chúng tôi tò mò đi xem phim Avatar. Ðây là một cuốn phim giải trí hay, kỹ thuật làm những cảnh giả rất cao, hiện nay rất đông khách, nhưng không coi cũng không sao. Câu chuyện kể một đoàn người tới một hành tinh khác, xung đột với một giống người ở đó khi muốn khai thác một khoáng chất không có trên trái đất này. Họ có kỹ thuật tuyệt vời, dùng các loại máy bay đáp xuống, được thổ dân gọi là “người từ trên trời.” Ðám người xâm lăng tạo ra những avatar, hình dạng giống hệt như thổ dân, nhưng là người máy chế bằng phương pháp sinh học. Họ có thể chuyển bộ não của người thật từ trái đất tới vào đầu những con người máy đó, để những avatar này làm công việc do thám, gián điệp, tuyên truyền hoặc phá hoại, vân vân. Thổ dân sống theo một nền văn minh khác hẳn loài người trên trái đất. Họ sống hòa hợp với thiên nhiên hơn. Sau cùng hai người trong đoàn thám hiểm đã thông cảm và kính trọng với thổ dân, đứng về phía họ để ngăn cản cuộc xâm lăng chiếm tài nguyên mà chính các thổ dân không bao giờ dùng tới cả. Sau một cuộc chiến đẫm máu, đoàn “thực dân từ trái đất” đã thất bại và được cho rút về trong trật tự. Ngoài những cảnh giả tạo ra với kỹ thuật vi tính coi rất đẹp mắt và hấp dẫn thì ý nghĩa của cuốn phim này là khuyên con người phải sống hòa hợp với thiên nhiên, một tư tưởng đã được Lão Tử cổ võ từ 25 thế kỷ trước đây ở Trung Hoa. Lão Tử đối nghịch với Khổng Tử, nhưng chắc đó không phải là lý do khiến chính quyền Bắc Kinh muốn cấm phim Avatar! Vậy tại sao họ cấm phim Avatar, rồi sau lại cho phép chiếu? Có người cho là cuốn phim bị cấm vì có thể khuyến khích dân Tàu chống chính quyền Cộng Sản đi chiếm đất phá nhà của dân cho các nhà thầu xây cất. Nhưng coi phim rồi thì thấy câu chuyện đó quá xa, khó liên tưởng tới được. Nếu chính quyền Cộng Sản ở Việt Nam cấm phim này thì còn có lý. Vì chuyện phim có thể khiến người mình nghĩ tới cảnh đoàn công nhân Trung Hoa đang tới Việt Nam khai thác bô xít, thu tài nguyên về Tàu trong khi phá hại môi trường và đất sống của người Việt! Cũng giống như các đoàn tài phiệt Cộng Sản Trung Hoa đang đem tiền sang mua chuộc chính quyền các nước Kazakhstan, Turmenkistan để khai thác dầu khí ở các quốc gia Trung Á này, chở về Tàu bằng ống dẫn dài mấy ngàn cây số. Nhưng nếu vậy thì Trung Cộng chỉ cần khuyên chính quyền các nước Kazakhstan, Turmenkistan và Việt Nam cấm phim này, chứ đâu cần cấm chiếu ở trong nước họ? Chúng ta khó biết một chế độ độc tài họ nghĩ gì khi họ quyết định cho phép dân coi phim nào, đọc sách nào, hoặc bắt dân phải nhịn không được thưởng thức món ăn tinh thần nào! Vì khác với các nước dân chủ tự do, không có một cơ chế nào giúp cho người dân Trung Hoa được phép điều tra các quyết định của chính phủ, cho nên có lẽ chúng ta không bao giờ biết được lý do tại sao cuốn phim Avatar bị cấm! Ðúng ra nhiều người Mỹ và Âu Châu xem xong cuốn phim có thể bực mình nếu họ thấy đoàn người thực dân trong phim có vẻ từ Âu, Mỹ tới! Vì trong đoàn quân đi ăn cướp này chỉ có người da trắng và ít người da đen. Cuốn phim cho biết đây là một cuộc thám hiểm do loài người trên trái đất chủ trương, vào lúc có lẽ trên hành tinh chúng ta sống không còn biên giới quốc gia nữa. Và toán lính tráng đi giết người là do một công ty thầu mướn như lính đánh thuê đang làm việc cho các công ty khai mỏ ở Phi Châu! Nếu nhà làm phim cho vài diễn viên da vàng và da nâu vào trong câu chuyện thì người coi phim đỡ liên tưởng tới cảnh các chế độ thực dân da trắng cướp tài nguyên của dân thuộc địa Á Phi. Nhưng đó chính là một luận điệu tuyên truyền của Mao Trạch Ðông trước đây! Cho nên việc cấm phim Avatar của Bắc Kinh càng khó hiểu! Nhưng khi bàn tán về việc cấm phim Avatar, mọi người lại lôi ông Khổng Tử vào đó để kết tội. Cuốn phim Khổng Tử không được khán giả hâm mộ, có thể vì phim làm kém quá. Nhưng cũng có thể vì người dân chán không muốn nghe lại những giáo điều về óc “trung quân tuyệt đối” mà người ta nghi chính quyền Cộng Sản đang muốn dân chúng phải học lại. Người ta có lý do nghi ngờ âm mưu này, vì khi nói “trung với Vua” đảng Cộng Sản chỉ thay ông Vua bằng Ðảng, qua khẩu hiệu “Trung với Ðảng, Hiếu với Dân!” Trước kia Khổng Tử dậy mọi người giữ đạo Hiếu với cha mẹ, nay đem bỏ cha mẹ đi mà thay thế bằng “nhân dân,” một từ trừu tượng không chỉ rõ một ai hết! Mặt khác, lúc nào đảng Cộng Sản cũng tự xưng là đại biểu của toàn thể nhân dân, cho nên Hiếu với Dân tức là cũng Hiếu với Ðảng luôn! Cho nên người dân Trung Hoa có lý do để nghi ngờ âm mưu dùng Khổng Tử để bảo vệ các ông Vua Cộng Sản! Một cô xướng ngôn viên truyền hình, Vu Ðan, đã chủ trì một chương trình chuyên bàn về Luận Ngữ rất được hâm mộ, sau xuất bản thành sách bán hàng chục triệu cuốn. Nhưng trong Luận Ngữ thì phần được độc giả thích nhất là những quy tắc sống ở đời, đạo làm người. Cuốn sách của Vu Ðan giải thích Luận Ngữ nhắm vào những quy tắc sống mà đời nào cũng thấy giá trị, như “kỷ sở bất dục vật thi ư nhân,” điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Khổng Tử không hề nói một câu nào đề cao quyền tuyệt đối của ông vua cả. Ông tôn trọng truyền thống và trật tự xã hội đương thời, cho nên chỉ khuyến cáo vua phải làm theo đạo vua, bầy tôi theo đạo bầy tôi. Trái lại, ông đề cao vai trò của người dân, như khi nói “Dân không tin thì không đứng vững được.” (Dân vô tín bất lập). Mạnh Tử còn tiến xa hơn nữa. Như đã trình bày trong một bài trước, Mạnh Tử công nhận quyền của người dân được lật đổ ông vua. Khi vua Tề Tuyên Vương nhắc lại chuyện Thành Thang đánh vua Kiệt, Vũ đuổi vua Trụ; hỏi rằng “Như vậy thì bầy tôi có thể giết vua sao?” (Thần thí kỳ quân khả hồ?) Mạnh Tử trả lời, “Tặc nhân giả, vị chi Tặc, tặc nghĩa giả, vị chi Tàn; Tàn, Tặc chi nhân, vị chi nhất phu. Văn trù nhất phu Trụ hĩ, vị văn thí quân dã.” (Kẻ làm hại điều nhân, gọi là Tặc; làm hại điều nghĩa, gọi là Tàn. Kẻ Tàn và Tặc, chỉ gọi là một thằng người mà thôi. Tôi nghe chuyện chém đầu một người tên Trụ chứ không nghe chuyện thí vua). Vào thế kỷ trước, khi người Trung Hoa tự hỏi tại sao dân tộc họ suy đồi, nhiều người đổ lỗi cho Khổng Giáo. Nhưng thực sự các triều đại quân chủ ở bên Tàu chỉ đề cao đạo lý Khổng Mạnh bên ngoài mà thôi, còn thực chất của guồng máy cai trị vẫn theo Pháp gia, là tư tưởng được áp dụng vào thời Tần Thủy Hoàng. Các Nho gia chỉ bắt đầu dùng Khổng Giáo để đề cao vai trò ông vua và chế độ quân chủ từ thời Tống, với Âu Dương Tu, Tư Mã Quang, và những hình luật do vua quan nhà Tống đặt ra đề cao khẩu hiệu “Trung thần bất sự nhị quân,” người bầy tôi trung không được phục vụ 2 vua đối nghịch nhau. Trước đó, trong thời Ngũ đại, Thập quốc, có những người như Phùng Ðạo đã lần lượt phục vụ một chục ông vua thuộc 5 triều đại khác nhau, nhiều lần làm chức tướng quốc, mà hàng trăm năm sau giới có học vẫn coi ông là nhà Nho bình thường, cho đến khi ông bị Âu Dương Tu lên án! Tư tưởng của Khổng, Mạnh đã bị chế độ quân chủ ở Trung Hoa lợi dụng, cũng không khác gì chế độ Cộng Sản ở đó đã và đang sử dụng chủ nghĩa của Karl Marx! Ông Marx không bao giờ nói đến việc đem đấu tố, giết người, làm bước nhẩy vọt và cách mạng văn hóa để ba chục triệu người chết đói và hàng chục triệu bị đầy đọa. Nhưng Mao Trạch Ðông vẫn nhân danh Mác xít mà thi hành những tội ác đó! Nhân việc bên Tàu người ta đề cao phim Khổng Tử và cấm phim Avatar, chúng ta có dịp để suy nghĩ lại hình ảnh thật của tư tưởng Khổng Tử. Ông không phải là một triết gia bảo vệ chế độ quân chủ cực quyền. Nhiều học giả Trung Hoa thời nay đã cố gắng thanh minh cho Khổng Tử. Ðỗ Duy Minh (Wei Ming Tu) ở Ðại Học Havard, và Mâu Tông Tam (Mou Zong San) ở Ðài Loan đã đóng góp rất nhiều trong nỗ lực này. Cố học giả họ Mâu sau khi phân tích triết lý chính trị và đạo đức của Khổng Tử, đã khẳng định rằng những người theo học Khổng Giáo thì không thể nào chấp nhận được chế độ Cộng Sản! Vì quả thật, đó là một chế độ phá cả Nhân lẫn Nghĩa. Người Trung Hoađi xem phim Khổng Tử nên biết như vậy. |