Những ý nghĩ tản mạn đầu năm về cuộc đời |
Tác Giả: Việt Nguyên |
Chúa Nhật, 14 Tháng 3 Năm 2010 20:09 |
‘Hữu bằng tự viễn phong lai, bất diệc lạc hồ’ Tết hải ngoại, rơi vào một ngày cuối tuần, vẫn là một cái Tết nhạt. Cái Tết đến hờ hững. Qua rồi những huyền nhiệm của một Nguyên Đán quê nhà với không khí đón chờ Tết đến. Thời tiết xấu, mùa Xuân không đến, thiếu chợ Tết, chợ Hoa, thiếu một Giao Thừa đêm ngoài bồi hồi đợi sáng bên nồi bánh chưng, sáng Mồng Một anh em đợi lì xì mừng tuổi chạy ùa ra ngõ nhẩy vào bàn bầu cua cá cọp quên cả bổn phận thiêng liêng cha mẹ giao phó canh nén nhang luôn luôn cháy trên bàn thờ. Qua rồi những ngày đầu năm các cô cậu được mặc quần áo mới đi theo cha mẹ. Mặt thì tươi mà trong lòng dùng dằng vì bộ quần áo mới không vừa ý. Cũng qua rồi những lời chúc Tết đầu năm, có lẽ “nhập gia tùy tục”, chưa đến Tết các đài truyền hình đã đầy những lời chúc tụng vào cuối năm và đến ngày Tết lại được nghe những lời chúc “Happy New Year” lạc điệu! Hướng của Phật (Hình Huỳnh Ngọc Dân) Một năm suy tưởng lẩm cẩm... Đằng sau nhà tôi là một khu vườn nhỏ với hàng rào gỗ bao quanh, nhìn qua bên kia là ngôi nhà thờ. Ngôi vườn nhỏ chỉ do bàn tay vợ chăm sóc, thiếu bàn tay tôi từ hơn 26 năm qua khi mới dọn về Houston bởi vì bao nhiêu thì giờ được bỏ ra ngoài quán café nhiều hơn để ngồi nhìn “đời đi qua” và thì giờ vào công việc hơn là ngồi trong khu vườn để suy nghĩ, hồi tưởng, mơ mộng cho đến năm ngoái nhiều chuyện dồn dập đến, mới có thì giờ ngồi trong vườn để nhìn lại cuộc đời 60 năm qua. Khu vườn có cổng gỗ ra vào như những ngôi nhà ở bên Mỹ. Cổng vào thiếu hai con chó đá đứng giữ cổng như những cổng đền bên Nhật. Hai con chó đá Koma Inu ngồi đối mặt nhau ở hai bên cổng, một con há mồm, hít vào gọi là chó A, một con ngậm miệng thở ra là UN trong câu Un-no-kokyu (A-Un) biểu hiện tương quan giữa hai người cảm thông nhau, ngồi đối mặt cả ngày không cần dùng đến lời nói. Ẩn dụ của thiền phái Nhật – ngôn bất tận ý – nói chuyện trong im lặng. Khu vườn thiếu bàn tay săn sóc của tôi, khác với những khu vườn của những người bạn tôi đến thăm như khu vườn tre trúc của ông bạn Trọng Kim. Không thích làm vườn tôi chỉ học được nguyên tắc nghệ thuật làm vườn của nhà văn Tiệp Capek “nghệ thuật làm vườn cũng như nghệ thuật sống, trước hết phải cho phân nhiều vào đất thì mới nhận lại được nhiều phần thưởng của khu vườn như sống ở đời phải cho nhiều hơn nhận”. Khu vườn của tôi, thiếu khung cảnh của những khu vườn Nhật ở San Francisco bên cây cầu Golden Gate, nơi Abert Camus đến, thích tản bộ trong khung cảnh yên tĩnh “để tan vào trong sự tĩnh mịch”, hòa nhập vào những bóng chim bay in trên tường”. Tính hiếu động của tôi trong mấy năm qua đã khiến tôi quên bẵng khu vườn nhỏ sau nhà cho đến năm ngoái nhiều lần ngồi bên ly café buổi sáng, một mình nhìn xuân, hạ trôi qua, không cầm bút, ngắm nhìn khu vườn với cây lê của mẹ vợ tôi vun trồng, cây lê có quả nhờ bàn tay của bố, mẹ và vợ. Bên góc vườn là cây thông đứng vững sau trận bão Ike. Khu vườn may mắn không bị khô héo sau khi bà mất nhờ bàn tay của ông bố tôi, không như những cây kiểng khô héo trên sân thượng nhà ở Việt Nam sau ngày mẹ tôi mất, những cây kiểng bị bỏ quên kỳ lạ vẫn tàn tạ trên sân thượng trên căn nhà cũ 18 năm sau khi tôi trở về Saigon thăm ngôi nhà cũ. Khu vườn, vắng bàn tay săn sóc của ông bà nhạc, trở thành khu vườn thiếu vắng một linh hồn, như Michel Tourier viết về những khu vườn Nhật Bản: “Vườn, nhà và người là những sinh vật sống động không thể tách rời. Con người phải có mặt ở đó. Cây cối chỉ lớn lên dưới mắt của con người. Nếu con người bỏ căn nhà sớm vì bất cứ lý do nào, khu vườn ấy tan tác và ngôi nhà sẽ tàn rụi”. Nhiều buổi sáng mùa hè năm ngoái, ra vườn, thiếu tiếng chim hót, thiếu những bước chân của con sóc đi trên hàng rào trên những quả lê của bà cụ trồng, tôi lại nhớ người bạn ra đi từ đầu năm, nhớ những đêm trong giây phút cuối cầm tay bạn không nói một lời. Thời tiết mùa đông trở lạnh ở Houston, nhưng trên cành lê của bố mẹ yêu thích lại bắt đầu nở rộ. Tôn giáo đã ví cuộc đời con người như cây bốn mùa, đông tàn xuân lại đến. Nhưng người không như cây cỏ, sau mùa đông của cuộc đời con người biến mất, thân xác không tái sinh dưới nhãn quan của người trần thế cho nên sống làm người vẫn khổ. Tôi thấy cuộc đời như chuyến xe lửa tốc hành, lúc đầu xe chạy rất chậm như ngày ở tuổi mười tám đôi mươi thời gian qua rất chậm, đến cuối đời chuyến xe chạy hết tốc lực rồi dừng lại để chúng ta vẫy tay nhau lần cuối, chỉ có những kỷ niệm được giữ lại. Plato nghĩ rằng linh hồn con người bất diệt, linh hồn ấy nhớ đến cuộc đời trần thế càng ngày càng ít đi, bạn bè vợ con bắt đầu quên đi trong trí nhớ rồi linh hồn tan đi không còn vướng víu cõi trần. Hay có lẽ như thuyết của Orpheus, khi chết linh hồn gặp hai hồ nước, một hồ trí nhớ và một hồ quên lãng. Thượng đế dụ dỗ con người uống nước ở hồ quên lãng cho nên linh hồn dần dần quên đi cõi trần gian tạm bợ. Tôi không biết Plato hay Orpheus đúng nhưng quả tình tiếng nói của Trọng Kim theo tôi đến chín tháng. Thay vì nghe những tiếng gió thầm thì trên ngọn cây như những câu thơ của Rainer Maria Rilke, tôi lại nghe tiếng Tr3 thầm thì với tôi mỗi sáng, mỗi chiều. Mấy tháng đầu tiếng nói ấy đánh thức tôi dậy lúc 3 giờ sáng, trước giờ tôi đi làm, giờ anh ra khỏi cõi trần gian. Có lẽ tiếng nói của Trọng Kim còn để lại bên tai tôi lâu dần vì những chiều, những sáng gọi nhau bằng điện thoại cầm tay đã lưu lại trên một phần não bộ của tôi chăng? Carl G. Jung, nhà phân tâm học trong cuốn sách Liber Novus (sách hồng) đã xem những giấc mơ và tiếng nói trong vô thức có thật. Ông xem những hiện tượng ảo giác (hallucination) về tiếng nói và hình ảnh là bình thường. 12 tuổi ông nhìn thấy ông nội đã mất đi từ trên lầu đi xuống cầu thang. Ông phân biệt những ảo giác của người bệnh tâm thần với những kinh nghiệm tôn giáo như Chúa và Mohammed nghe tiếng nói của thượng đế hay Phật khi ngồi thiền nhìn thấy những hình ảnh. Những biên giới... mong manh. Carl G.Jung cố tránh nói chuyện với chính mình và với hình bóng. Ông khuyên mọi người nên ghi lại hay vẽ lại những giấc mơ đến từ vô thức để làm cuộc thí nghiệm phân tâm. C.G.Jung chủ trương sống một cuộc đời hài hòa với thiên nhiên như Lão Tử. Trong khi Khổng Tử chia cuộc đời thành nhiều thập niên 30, 40, 50, 60, 70, tuổi nhi lập, bất hoặc, tri thiên mệnh, tòng thiên mệnh, cổ lai hi thì C.G.Jung chia cuộc đời giản dị hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là giai đoạn tự nhiên giai đoạn sau là giai đoạn tu tập. Trong giai đoạn đầu con người sống tự nhiên, lập gia đình, nuôi con cái, lo làm việc, trong giai đoạn sau con người suy tưởng, đánh giá lại giá trị của cuộc đời. Trong giai đoạn sau con người phát triển cái ngã (self) đã bị quên bẵng trong đời. Giấc mơ thường xẩy ra mỗi đêm là kết quả của sự tranh đấu nội tâm tìm bản ngã. Tin vào Jung hay không? Các nhà khoa học khác vẫn tin vào những điều mà khoa học cho là dị đoan như Isaac Newton tìm ra thuyết trọng lực nhưng vẫn tin vào những phần mê tín của đạo Anh giáo và thuyết giã kim (Alchemist). Bác sĩ Cotton M ather đưa thuốc chủng ngừa vào Mỹ nhưng vẫn tin có phù thủy và thiên thần giống như Alexander Pope đã viết (có lẽ đảng CSVN cũng cần đọc): “Chúng ta đập vỡ các tượng thần, dẹp bỏ các tượng ra khỏi đêàn thờ nhưng Thượng Đế vẫn không chết”. Aristote tin vào kiến thức, tin linh hồn qua nhiều đời nhiều kiếp. Ông muốn con người phải học hỏi có kiến thức, nếu con người không có kiến thức nhìn sao trên trời không tò mò về vũ trụ thì khi chết sẽ thành con chim bay lẩn quẩn trên trời! Việt Nguyên và các bạn già Cuối năm con trâu tôi lại được ông anh Đỗ Quý Toàn qua thăm. “Hữu bằng tự viễn phong lai, bất diệc lạc hồ”. Bạn từ xa đến thăm, không vui sao, đến ông Khổng mà còn phải vui mừng như vậy huống gì người bạn già lại là trưởng Hướng Đạo, đàn anh trong nghề báo và là người thầy cũ, người thầy mà: “nếu đọc Việt Nguyên quí vị thấy văn chương lơ mơ lờ mờ khó hiểu thì quí vị biết rằng đó là kết quả một năm học Việt văn đệ tam trường Chu Văn An với ông thầy tôi GS. Đỗ Quý Toàn!”. Con én mang lại mùa xuân, ba ngày nhà thơ Đỗ Quý Toàn đến, Houston không mưa. Nhà thơ “Cỏ và Tuyết” trong mươi năm qua không đổi, vẫn chiếc mũ dạ, khăn quàng, miệng ngập “pipe” hình dáng như Nguyên Sa một ngày đến Houston – Nguyên Sa, ông giáo sư triết thích tam đoạn luận của Aristote: “Là người ai cũng chết, Socrates là người, nên Socrates cũng chết”. Cái tam đoạn luận hiển nhiên nhưng ai cũng chối bỏ. Nhà thơ Đỗ Quý Toàn biến mẩu vườn sau nhà tôi thành khu vườn Academy của Plato. Lâu ngày tôi mới lại được nói chuyện triết với một người bạn già. Bạn như Khổng tử nói phải có đủ ba tiêu chuẩn “chân thành, thành tín và có kiến thức”. Đông và Tây gặp nhau. Aristote học trò của Socrates đồng ý với tiêu chuẩn của ông Khổng nhưng còn thêm một điều kiện “không làm bạn với người giầu có, quyền thế nếu người đó không được mọi người kính trọng vì tư cách”. Herman Hesse tìm về phương Đông, còn chúng tôi những người Á Đông lại tìm đến phương Tây. Nhà thơ thích phái Khắc kỷ (Stoic) còn tôi vẫn thích Socrates. Nhà thơ mùa đông, ngậm ống vố ngồi bên lò sưởi giống như triết gia Heraclitus “lửa là căn bản của sự sống”. Một Heraclitus nhìn cuộc đời như Phật “không có gì là vĩnh viễn”, “Mặt trời luôn luôn mới” và “chúng ta không thể nào bước vào dòng sông hai lần cùng một nơi vì nước luôn luôn chẩy” chủ đề cho Herman Hesse viết cuốn “Câu chuyện của dòng sông” với chàng thanh niên Tất Đạt Đa Siddharta. Sáng lập phái Khắc kỷ là Zeno, xem đạo đức trên hết. Vật lý và siêu hình chỉ quan trọng nếu cống hiến thêm vào đạo đức. Tinh thần chủ động thể xác. Thượng đế không nằm xa khỏi thế giới này. Đời sống tốt đẹp nếu con người không để đam mê lôi cuốn. Zeno có ảnh hưởng mạnh đến Thiên chúa giáo. Đức Đạt Lai Lạt Ma có lẽ cũng chịu ảnh hưởng của Zeno khi ngài nói không cần xây chùa chiền, đền thờ. Zeno bảo “Đền thờ không cần thiết, nếu không giữ được những điều thánh thiện, thì đền thờ chỉ là công trình kiến trúc”. Con rệp đánh thức tôi mỗi sáng sớm ra vườn để nhớ đến một Socrates trong Luận ngữ của Plato. Một Socrates khó nuốt trong những ngày 18 tuổi học Triết nhưng về già lại thấy thú vị. Socrates được phái Khắc kỷ xem như vị thánh của họ. Sinh cùng thời với Khổng Tử và Phật, ông có đời sống và lời dạy như Phật. Mặt mũi xấu xí, mũi to sần sùi, không cần để ý đến trời nóng hay lạnh, đi chân đất quanh năm suốt tháng, đàm luận với học trò không cần để ý đến ngoại cảnh, tâm lặng lúc nào cũng nghỉ ngơi. Phật ngồi thiền còn Socrates nhiều khi đứng ngoài trời một chỗ suốt một đêm chờ sáng. Socrates tin tinh thần thắng vật chất; ăn mặc lôi thôi lếch thếch. Phái Khắc kỷ phục thái độ của ông khi bị xử, từ chối không bỏ chạy (khác với đệ tử là ông Aristotle) chấp nhận bị xử tử hình. Phiên tòa xử Socrates về tội không tin Thượng Đế của người Hi Lạp chỉ tin vào Thượng Đế của ông, một người đạo đức “nói hết chuyện trên trời dưới đất, làm hư hỏng tinh thần thanh niên” khiến tôi liên tưởng đến những phiên tòa xét xử những người yêu chuộng tự do của Cộng sản Việt Nam. Những người đã bị xử tội với gương mặt bình thản nhất định không tin vào Thượng Đế Karl Marx và Lenin của Cộng Sản. Đoạn Socrates đứng trước ba quan tòa và 500 bồi thẩm đoàn đã khiến tôi bật cười khi nghĩ đến ba ông bạn, những người đã giúp tôi thêm kiến thức, Gs chính trị Nguyễn Mạnh Hùng, Nhà thơ Du Tử Lê và Gs triết Nguyễn Xuân Hoàng. Socrates có thể tránh tội, đóng phạt 300 đồng nhưng chấp nhận đối thoại với ba quan tòa. Anytus chánh trị gia dân chủ, nhà thơ Meletus và kịch gia Lykon. Socrates hỏi nhà chánh trị Anytus: ông có hiểu những gì ông tranh biện không? Anytus ngập ngừng thú nhận không hiểu những gì ông nói. Socrates hỏi Meletus, ông có hiểu những câu thơ ông viết không? Nhà thơ gãi đầu thú nhận không hiểu những câu thơ khó hiểu của mình và kịch gia Lykon cũng thế, không hiểu cả kịch trong tuồng và kịch ngoài đời. Tôi bật cười là vì từ xưa đến nay, Triết gia như Socrates hay Nguyễn Xuân Hoàng nói Triết cũng chẳng ai hiểu! Năm 16 tuổi, nếu có ông thầy bói nào nói ông thầy Đỗ Quý Toàn sẽ là một người bạn thân của tôi chắc tôi sẽ cười không thể tin. Bây giờ tôi lại không thể tin được một người già hơn tôi nhiều tuổi lại nhận tôi là bạn trẻ. Cụ Bùi Diễm năm nay 87 tuổi, tinh thần lẫn thể xác vẫn còn tráng kiện, vẫn còn hoạt động trong hai lãnh vực báo chí và chính trị. Đến thăm tôi vào một chiều cuối năm, về đến Hoa Thịnh Đốn ông nhờ bà tặng tôi một chiếc mũ dạ và khăn choàng và gởi một bài thơ với lời mở đầu “Vài hàng quê mùa gởi nhà văn Việt Nguyên”: “Hôm nay trời trở lạnh Những hàng chữ của ông làm tôi nhớ đến hai người thầy cũ, Gs Bùi Đình Tấn và Gs Đào Đức Hoành, những người đã dạy tôi những bài học cư xử khiêm nhượng trong đời. Những hình ảnh của những người thân trên chùa giờ đây thân thiết. Hình ảnh của những người quá cố không còn đáng sợ. Hình bóng đáng sợ nhất vẫn là “hình bóng của chính mình phản ảnh trong chiếc gương soi!” như những giòng chữ viết trong các truyện của Paul Auster và Haruki Murakami.
|