Tiếng Việt: “Ta” |
Tác Giả: Nguyễn Hưng Quốc |
Thứ Năm, 18 Tháng 3 Năm 2010 12:20 |
‘Các cuốn từ điển tiếng Việt đều định nghĩa “ta” là đại từ ngôi thứ nhất hoặc số ít (tương tự chữ “tôi”: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ / Người khôn, người đến chốn lao xao”, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm) hoặc số nhiều (tương tự chữ “chúng ta”: “Tiến lên toàn thắng ắt về ta”, thơ Hồ Chí Minh). Thơ xưa hay dùng chữ “ta” theo nghĩa thứ nhất. Người ta cho là khiêm tốn, như một cách che giấu cái tôi của mình. Nhưng trong chuyện trò mà xưng ta theo kiểu đó thì lại là phách lối: “Ta nói cho các người biết...!” Trên sân khấu, khi thằng hề mở miệng: “Như ta đây”, thiên hạ cười, cho là lố bịch. Một thái độ “ta đây” là một thái độ kẻ cả và đáng ghét. Nhưng ta không phải lúc nào cũng có nghĩa là tôi, là mình, là ngôi thứ nhất. “Ta” khi đi kèm với chữ “người”, “người ta” thì lại biến thành người khác, mọi người khác, không bao gồm mình, thậm chí, đối lập với mình. Ví dụ: “Người ta nói vậy nhưng tôi thì tôi tin là nó vô tội!”. Trong bài “Thơ và những sự tương tác”, tôi phân tích chữ “người ta” trong câu thơ mở đầu Truyện Kiều như sau: “Có thể nói, ‘người ta’ là sự vong thân của ‘ta’, ở đó, ‘ta’ bị đè bẹp và cuối cùng, bị hư vô hoá”. Tuy nhiên, trong cuộc sống, không hiếm trường hợp, người Việt Nam dùng chữ “người ta” như là từ đồng nghĩa của “ta” và đối lập với “người”. Trong bài “Nghĩ mông về bạn” in trong cuốn Cuối cùng (nxb Thế Kỷ 21, 2009, tr. 132), Võ Phiến nêu ví dụ: “Cậu bảo bó hồng này không đẹp hả? ‘Người ta’ chọn mãi mới được đấy, cấm cậu phát biểu bậy bạ nhá.” Thì “người ta” đó đích thị là “mình”. Có điều, chữ “người ta” với nghĩa là “ta” là “mình” ở đây chỉ có tính cách ngữ cảnh, được dùng trong một số trường hợp đặc biệt, như một uyển ngữ, để che giấu cái “ta” hay cái “mình” của mình. Chủ yếu vì thẹn. Ở trên, tôi viết: “ta” là “mình”. Nhưng cần lưu ý: “mình” không phải lúc nào cũng có nghĩa là “ta”. Trong các câu ca dao quen thuộc “Ta với mình tuy hai mà một / Mình với ta tuy một mà hai”, “Mình về có nhớ ta chăng / Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”, hay “Mình nói dối ta mình hãy còn son”, v.v… thì “ta” vẫn là ta mà “mình” lại là… người, người khác. Trong tiếng Việt, “ta” còn được dùng trong hai trường hợp khác. Thứ nhất, chỉ sở hữu, kiểu: nước ta, quê ta, đảng ta, v.v…Nghĩa này cũng giống đại từ “ta” đã trình bày, không có gì đáng nói. Thứ hai, “ta” kết hợp với một số từ chỉ người, đặc biệt, chỉ quan hệ thân tộc, để thành ngôi thứ ba số ít: ông ta, bà ta, chú ta, cậu ta, cô ta, hắn ta, lão ta, mụ ta, v.v… Trong trường hợp này, “ta” có chức năng giống như là “ấy”: ông ấy, bà ấy, chú ấy, cô ấy, lão ấy, mụ ấy, v.v… Nhưng, “ta” không hoàn toàn đồng nghĩa với “ấy”. Chúng ta có thể nói “hắn ta” nhưng lại không thể nói “hắn ấy”; ngược lại, có thể nói “thằng ấy”, “con ấy” chứ không thể nói “thằng ta” hay “con ta”. Như vậy, một là, khả năng kết hợp của hai từ tố này khác nhau. Nói chung, “ấy” có khả năng kết hợp rộng rãi hơn. Ngoài những chữ vừa nêu, “ấy” hầu như có thể kết hợp với phần lớn các từ chỉ thân tộc khác: bác ấy, dượng ấy, dì ấy, o ấy; cũng như với phần lớn các từ chỉ người: thằng ấy, con ấy, gã ấy; và các từ chỉ nghề nghiệp: thầy ấy, ông bác sĩ ấy, bà nha sĩ ấy, v.v… Hai là, sắc thái ngữ nghĩa của hai từ cũng khác nhau. Các đại từ chỉ ngôi thứ ba số ít có kết hợp “ấy” thường có tính chất trung tính, không trọng cũng không khinh. Chúng ta nói ông chủ tịch ấy và cũng có thể nói tên ăn cướp ấy. “Ấy” ở đâu cũng là ấy. Chữ “ta” thì khác. Từ chỉ ngôi thứ ba số ít có yếu tố “ta” thường có ý khinh thường, hoặc ít nhất, không kính trọng. “Ông ấy” thì trung tính, nhưng “ông ta” thì có chút rẻ rúng. “Bà ấy” cũng trung tính, nhưng “bà ta” thì hàm ý đánh giá thấp. Xin lưu ý là cả chữ “ấy” và chữ “ta” trong khi có thể kết hợp với phần lớn các từ chỉ thân tộc thì lại không thể và không nên kết hợp với bốn từ chính trong quan hệ thân tộc: cha (ba, bố), mẹ, ông (hiểu là ông nội hay ông ngoại) và bà (hiểu là bà nội hay bà ngoại). Người Việt không ai gọi cha là “cha ấy” hay “cha ta” hay gọi ông nội/ngoại là ông ấy hay ông ta; không ai gọi mẹ là ”mẹ ấy” hay “mẹ ta” cũng như không ai gọi ba nội/ngoại là bà ấy. Nói vậy là bất kính. Như vậy, quá trình chuyền nghĩa của chữ “ta” từ là một đại từ danh xưng chỉ ngôi thứ nhất mang tính trịch thượng đến chữ “ta” trong “người ta” bị hư vô hoá và cuối cùng, đến chữ “ta” trong các kết hợp chỉ ngôi thứ ba số ít với chút màu sắc bỉ thử là một quá trình khá lạ, ở đó, chữ “ta’ càng lúc càng bị mất giá và bị xấu đi. Tại sao vậy? Nó có quan hệ gì đến quan niệm ghét bỏ cái tôi cá nhân chủ nghĩa của người Việt hay không? Thú thực, tôi không biết. Chỉ thấy ngạc nhiên. Vậy thôi. Ai biết, xin chỉ giáo giùm.
|