Home Văn Học Khảo Luận Thiền và Truyện thật ngắn

Thiền và Truyện thật ngắn PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Tấn Tài   
Thứ Bảy, 29 Tháng 5 Năm 2010 21:37

Truyện thật ngắn là gì? Hiện nay chưa có danh từ thống nhất cho thể loại truyện nầy.

Trong tiếng Anh có nhiều tên gọi khác nhau : sudden fiction (truyện bất ngờ), postcard fiction (truyện bưu thiếp), micro fiction (vi truyện) , skinny fiction (truyện gầy)…Ngoài ra, còn có nhiều tên khác : pocket- size story (truyện có kích thước bỏ túi), minute-long story (truyện kéo dài một phút), palm-sized story (truyện có kích thước bằng lòng bàn tay) hay smoke-long story (truyện kéo dài một hơi thuốc) ... James Thomas, Pamelyn Casto gọi truyện thật ngắn là “Flash Fiction” (truyện chớp) , Daniel Boulanger thì gọi là "Nouvelle" (truyện mới) . Trung Hoa gọi là "cực-đỏan-thiên" . Tiếng Việt thì gọi là "truyện cực ngắn" , riêng tôi thì gọi là "truyện thật ngắn".

Do những thúc bách của đời sống , thể loại truyện nầy rất ngắn , kích thước được thu nhỏ “cho con người tiện cầm tay” có thể nói nó gắn liền với mạng ảo (internet), nơi mà người ta càng ngày càng ưa tốc độ và càng ngày càng tin tốc độ là biểu hiện của tính hiện đại . Khi giao tiếp theo kiểu gõ chữ (text) trên điện thoại di động được xem là đặc tính nỗi bật của đời sống hiện đại thì sự tiết kiệm về mặt ngôn từ là điều tất yếu. Võ Phiến viết : "... Hoàn cảnh mới, tâm lý mới. Cách đọc ngày nay khác với cách đọc ngày xưa. Cách thưởng ngọan ngày nay khác cách thưởng ngọan ngày xưa. Cách khác thì hậu quả cũng khác. Quan điểm khác. Thẩm mỹ khác..."

Truyện thật ngắn có đặc điểm nổi bật là số chữ được giới hạn , thường truyện phải dưới 2000 từ , nhưng càng ngày truyện thật ngắn lại có khuynh hướng càng ngắn dần đến độ số chữ đuợc tính chính xác giống như một bài thơ Đuờng Luật , chẳn hạn như truyện “Drabble” đòi hỏi đúng 100 từ hay “nanofiction” đòi hỏi 55 từ , hay "Truyện con khủng long" của Augusto Monterroso chỉ có 8 từ : "Thức dậy, con khủng long vẫn còn đó." và truyện “hai từ” của M. Stanley Bubien: The Last Temptation of Christ: “Save yourself!” . Tựa đề dài hơn thân truyện và trở thành nội dung của câu truyện .

Truyện thật ngắn thật ra đã có từ ngàn xưa qua các hình thức truyện ngụ ngôn, giai thoại ... như truyện "Đánh Dấu Thuyền Tìm Gương" :

"Có người nước Sở đi đò qua sông. Khi ngồi đò, vô ý đánh rơi thanh gươm xuống sông. Anh ta vội vàng đánh dấu vào mạn thuyền, nói rằng: "Gươm ta rơi ở chỗ nầy đây" . Lúc thuyền đỗ vào bến, anh ta cứ theo chỗ đánh dấu, lặn xuống nước tìm gươm. " (Lã Thị Xuân Thu) .

Trong các truyện của Trung Hoa thời xưa như Án Tử Xuân Thu, Lã Thị Xuân Thu, Hàn Phi Tử, Tử Hoa Tử, Chiến Quốc Sách... đều viết rất ngắn và đặc biệt trong Liêu Trai Chí Dị có một truyện thật ngắn chỉ có hơn 200 từ .
Truyện cười cũng là một loại truyện thật ngắn , không phải chỉ đọc để vui cười thôi mà còn chứa đựng những tư tưởng ý nhị . Chẳn hạn các truyện sau đây:

-Em phản bội anh mấy lần rồi ?
-2 ạ !
-Thế thôi sao ! Với ai ?
-Lần đầu với một ban nhạc và lần sau với một đội bóng !

Mẹ hỏi con gái:
-Này, tối qua mẹ thấy con hôn một đứa ở ngoài cổng. Nó là ai thế? Cậu cảnh sát, cậu nhà giáo hay cái thằng tự xưng là nhà báo?
-Nhưng mẹ thấy lúc mấy giờ ạ?
-!?

Theo Tăng Giang Bồi truyện thật ngắn là “nghệ thuật từ nhỏ nhìn ra cái lớn".

"... Cái hay của truyện cực ngắn không nằm ở chỗ nó tả mà nằm ở chỗ nó gợi ra. Một truyện cực ngắn hay là truyện có sức ngân và vang thật xa và thật lâu....Đọc xong, người ta cứ bị ám ảnh mãi. Qua sự ám ảnh ấy, câu chuyện tiếp tục tỏa sáng và phát nghĩa....Cũng giống như trong thơ, ở truyện cực ngắn, tác giả chỉ phát ra một số gợi ý để người đọc, chính người đọc mới là kẻ hòan tất tác phẩm..." (Nguyễn Hưng Quốc ) .

Đó là "...một câu chuyện nho nhỏ, hoặc một khía cạnh, một tình cảm, một ảo tưởng, một đoạn đối thọai của một người đều có thể làm thành đề tài của truyện cực ngắn...Truyện cực ngắn dồi triết lý tính. đọc truyện cực ngắn có khái quát lực đối với sinh hoạt hiện thực và xuyên thấu lực đối với bản chất sinh hoạt là đã thông qua sự thực hiện lập ý...." ( Tạ Quốc Tuấn ).

Truyện thật ngắn "... cố tình tạo ra một dáng điệu thoan thoắt, nhẹ nhõm. Hình thức gọn ghẽ không gây sợ hãi cho người đọc, không làm họ hối hả.... " ( Võ Phiến ) .

Do giới hạn về số từ , nên sáng tác truyện thật ngắn giống như sáng tác thơ , “là một sáng tạo mới về thể loại văn học, truyện cực ngắn tự nó có những giới định về quy luật nghệ thuật, như hạn định số chữ theo quy phạm tương đối của nó (trên dưới 500 chữ Hán), thái độ thẩm mỹ (độ tinh chất lượng) và đặc trưng kết cấu (yếu tố tiểu thuyết), v.v… theo quy phạm tương đối của nó” (Dương Hiểu Mẫn).
Định nghĩa cho dài dòng thật ra truyện thật ngắn miễn là phải cô đọng từng từ một , có khi cả một đoạn văn hoặc cả một câu chuyện là đủ rồi.

G.W. Thomas nêu ra “bí quyết” gồm bảy bước:
1. Tìm một đề tài hay một ý tưởng đơn giản nào đó;
2. Không cần phải mở đầu dài dòng;
3. Bắt đầu ngay vào giữa câu chuyện;
4. Tập trung vào một hình ảnh mạnh nhất;
5. Để cho độc giả đoán mò;
6. Sử dụng những ẩn dụ hay những câu chuyện nổi tiếng mà ai cũng biết;
7. Kết luận thật bất ngờ.

Jason Gurley thực dụng hơn : trước hết, cứ viết một truyện ngắn, dài bao nhiêu cũng được. Rồi sau đó, dùng một cây bút bỏ dần bỏ dần những từ, những câu và ý không cần thiết cho đến khi chỉ còn những câu và những từ tối cần thiết cho câu chuyện mà vẫn đầy đủ ý nghĩa.
Nhưng coi chừng , nếu cứ bỏ dần những từ thì theo câu chuyện sau cũng rất là hài hước :

"Có một hiệu buôn trương một tấm bảng với hàng chữ : "Ở đây có bán cá tươi sống" . Một người qua đường thấy thế bàn rằng : " Tất nhiên khi mọi người đọc được tấm bảng là ở đây rồi , cần gì phải viết chữ ở đây." Ông chủ bèn bôi bỏ chữ "ở đây" . Ít lâu sau lại có người nói : "Cần gì phải để chữ có . Thấy cá tất nhiên là có rồi". Trên bảng chỉ còn "bán cá tươi sống" . Nhưng một người khác lại bàn : " Cá để ở quầy hàng là bán rồi . Nên bỏ chữ bán đi" . Một người khác lại nói :" Ồ, sao lại tươi sống , không lẻ Ông lại bán cá ương sao?" Thế là trên bảng quảng cáo của hiệu buôn chỉ còn một chữ " cá " duy nhất ."

Bút pháp của truyện thật ngắn cần phải giản dị không hành văn cầu kỳ , khó hiểu . Hình ảnh trong truyện thì phải nhiều ẩn dụ. Những ẩn dụ sâu sắc được tạo dựng bởi lời văn trong sáng nhẹ nhàng và gợi lên cho người đọc nhiều ý tưởng thì mới là truyện hay . Nhanh , mạnh và hàm súc là 3 yếu tố chánh của truyện thật ngắn . Nhanh là loại bỏ đi những yếu tố thừa. Mạnh là truyện phải cuốn hút trong khi đọc và nỗi ám ảnh không nguôi sau khi đọc xong. Hàm súc là truyện không mô tả mà chỉ gợi ra .

Truyện thì quá ngắn và quá giản dị nhưng hình ảnh lại quá linh động nên cảm xúc của người đọc sẽ đi quá nhanh, không tài nào thâu tóm kịp , do đó muốn thưởng thức loại truyện nầy người đọc phải đọc lại , đọc từ từ, chậm và ít thôi , không thể đọc ngấu nghiến như đọc truyện kiếm hiệp . "... Chúng ta cần đọc cao giọng, đọc đi đọc lại cho nhập tâm câu văn chuyển hóa, biến nhịp điệu thành khúc nhạc thầm của nội tâm ..." ( Đặng Tiến ) .

Cái hay của truyện là "cái nhạt" của truyện đó . Những tình tiết gây sốc không phải là ưu điểm của truyện thật ngắn. Nó phải nhạt, nhẹ nhàng nhưng súc tích và sâu sắc. Như Francois Jullien nói là “một cái nhạt tràn đầy sinh lực”. Kết luận của nó bao giờ cũng bất ngờ khiến cho người đọc phải đọc đi đọc lại nhiều lần và có cảm giác như đang xem một bức tranh thủy mặc Đông phương . Nó gợi lên cái vô cùng. Chẳn hạn hai truyện sau đây , truyện rất giản dị nhưng cảm động , và cũng chân thực nữa.

Tuổi thơ

Thằng Nhân vừa về đến nhà, chưa kịp rửa mặt mũi tay chân liền sà vào lòng bà nội.
- Con đi thăm chị có vui không? Bà hỏi.
Thằng bé mặt buồn xo, phụng phịu:
- Chị Hiếu nói thương con, nhớ con. Vậy mà xin một cái áo mới để tựu trường mặc đi học chị cũng không cho. Nhà chị ở treo áo nhiều ơi là nhiều, đủ màu xanh đỏ tím vàng, đẹp ơi là đẹp...
Bà ái ngại nhìn cháu mà nước mắt ứa ra. Tội nghiệp con bé Hiếu của bà... Mười mấy tuổi đầu đã phải đi làm thuê cho người ta, mấy tháng rồi không dám về thăm nhà vì sợ hụt tiền đóng học phí cho em.

Nhớ mẹ

Dưới quê học hành khó khăn nên mới lớp 2, thằng Út đã được gởi lên thành phố ở với chị Hai. Lâu lắm mẹ mới ra thăm. Lần nào chị Hai cũng nhằn vì mẹ cứ nhai trầu bỏm bẻm suốt ngày, lại vứt bã trầu lung tung. Lần nào cũng vậy. Đưa mẹ ra bến xe về quê xong, chị Hai về thấy nhà vắng ngắt. Tìm mãi mới thấy thằng Út đứng khóc sau kẹt cửa, tay cầm mấy cái bã trầu khô. (An Hạ)

Trần Hữu Thục viết :

"Nếu truyện dài và truyện ngắn chứa đựng rất nhiều phần thừa, thì truyện thật ngắn lại chứa đựng rất nhiều phần thiếu. Cái thừa thì dễ nhìn thấy, dễ tìm hay ít nhất ta cũng dễ cảm nhận được, vậy cái thiếu nằm ở đâu? Thiếu bao nhiêu thì gọi là thiếu đủ? Nên thiếu cái nào và không nên thiếu cái nào? Tìm cách trả lời những câu hỏi đó, chính là nghệ thuật viết truyện thật ngắn. Nói một cách khác, phải tìm cách chừa những khoảng trống, phải để ngõ, phải mở. Do đó, phần thiếu đâm ra vô định. Mặt khác, do cần khoảng trống, các chi tiết rườm rà bị tước bỏ dần đến độ mất hết đặc tính của hiện thực và trong một vài truyện, chúng hoàn toàn biến mất hoặc đóng vai trò của những ẩn dụ. Thành thử, viết truyện thật ngắn, người ta có được cái thoải mái là ít dính líu đến thế giới hiện thực và luận lý thường có tính áp đặt khi viết truyện ngắn hay truyện dài. Nhưng coi chừng, tuớc bỏ quá có lúc chẳng khác gì người ta lóc thịt cá, lóc chăm chỉ và cẩn thận đến nỗi cuối cùng, chỉ còn bộ xương! "

Truyện thật ngắn như một tia chớp loé lên đủ để thấy hình ảnh của những tư tưởng mà người viết đã ấp ủ. Sự kết hợp này, nói như danh hoạ Thẩm Tông Khiên là “tác phẩm có một nửa chủ động và một nửa vô tình thì mới là kiệt tác”. Đó là những hình ảnh tuyệt diệu mà người đọc tự khơi dậy hơn là chính tư tưởng của truyện. Vì truyện thật ngắn cô đọng nên truyện phải có sức nén và chiều sâu . Người đọc càng gợi lên nhiều hình ảnh thì truyện càng hay . Đấy cũng là triết lý của công án thiền. Công án thiền và truyện thật ngắn chỉ đưa ra những tình huống chứ không bàn luận - giảng giải - định nghĩa - phân tích . Truyện thật ngắn cũng giống như một bài thơ haiku 17 chữ của Nhật Bản, người viết dẫn dắt chúng ta đi qua một khu vườn chữ nghĩa nhỏ hẹp để tự trong tâm thức dấy lên những cảm giác xao xuyến qua trí tưởng tượng và mơ ước của người đọc . Nếu thơ haiku là một nghệ thuật tuyệt vời của thi ca ở thế kỷ trước thì truyện thật ngắn là một tác phẩm kỳ diệu của văn chương hiện đại.

Nguồn: http://oldcottage.net/