Lục bát sẽ là quốc thơ? |
Tác Giả: Đất Việt | ||
Thứ Sáu, 16 Tháng 7 Năm 2010 09:45 | ||
Mới đây có ý kiến đề xuất công nhận lục bát là quốc thơ và vận động cơ quan chức năng làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận thơ lục bát là di sản văn hóa thế giới. Tuy nhiên, không ít người trong giới văn học cho rằng việc làm này là hình thức, là phù phiếm. Người đưa ra đề xuất là nhà thơ Đặng Vương Hưng, chủ nhiệm trang web lucbat.com.
Ông Hưng cho rằng: “Thơ lục bát không chỉ đơn thuần có giá trị ở góc độ thi ca. Lục bát là cội nguồn, là hồn vía của văn hóa Việt. Thể thơ này tồn tại cả ngàn năm và phát triển thông qua lời ăn tiếng nói của ông bà ta xưa truyền lại cho con cháu, qua tục ngữ, ca dao và qua các làn điệu dân ca ở khắp mọi miền đất nước. Thậm chí, các vấn đề nặng tính xã hội như tôn giáo, chính trị... cũng đều sử dụng loại thơ này để tiếp cận từng cá nhân”. Mỗi nền văn hóa, văn học hay thi ca đều có những thể loại mang tính biểu tượng. Lục bát là thể thơ truyền thống, có thể coi là biểu tượng của thi ca Việt Nam. Nếu như người Anh và người Italia tự hào vì có thơ Sonnet, người Nhật Bản có thơ Haiku, người Trung Quốc có thơ tứ tuyệt... thì người Việt Nam cũng có quyền tự hào vì thơ lục bát. Ông Hưng cho rằng, nếu lục bát được công nhận làm quốc thơ thì đó có thể là cú hích cho sự phát triển của thể loại thơ này ở Việt Nam. “Người ta sẽ đặt lục bát vào một vị trí xứng đáng với quốc hồn, quốc túy của người Việt, chứ không còn coi đó là một thể loại thơ dân gian và nhà quê nữa”, ông nói. Nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa nhận xét: “Lục bát rất đáng quý, đó là một tài sản độc đáo, tinh hoa của thơ Việt. Đó là một thể loại dễ vận, nhất là với sự du dương của tiếng Việt, ai cũng có thể vận được”. Tuy nhiên, ông không đồng tình với đề xuất chọn quốc thơ và cho rằng, lục bát đang bị người ta lạm dụng; những bài lục bát “sống” được rất ít dù người làm thơ lục bát rất nhiều. “Chưa phú quý đã sinh lễ nghĩa”? Nhà thơ Vũ Quần Phương khẳng định: thơ lục bát rất thuần Việt và không hề bị ảnh hưởng bên ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ có một thể thơ thuần Việt là quá yếu, trong khi một số nước như Trung Quốc có nhiều thể thơ đặc hữu mà họ chẳng mang khoe. Ông thẳng thắn: “Tôi nghĩ không nên (chọn quốc thơ và đề nghị UNESCO) vì chuyện này rất buồn cười, lẩm cẩm. Hiện nay chúng ta có cái bệnh, nào là quốc hoa, quốc phục… Đó là cách tư duy mòn và tôi thấy chẳng nước nào có quốc thơ cả. Chẳng hạn như thơ Đường của Trung Quốc hay Haiku của Nhật Bản, có là quốc thơ gì đâu mà cả thế giới phải công nhận. Cần gì phải UNESCO công nhận, chỉ cần người dân công nhận là được. Mình hay đua đòi, chỉ cần được UNESCO công nhận là thích. Hay bệnh Guinness nữa, làm gì cũng thích to lớn nhất nhưng lại không tính đến chất lượng”. Theo ông Phương, đời sống hiện tại cần nhiều thể thơ khác để diễn tả, trong khi lục bát chỉ nói được một số vấn đề mà thôi. “Tôi không bài bác lục bát, nhưng cũng giống như áo tứ thân của các cụ ngày xưa rất đẹp, nhưng hiện nay nếu đi xe máy mà mặc áo đó chẳng may quấn vào xe gây tai nạn cũng chết. Do đó, thể thơ giống như y phục được bọc ra ngoài nội dung bài thơ và y phục đó phù hợp với điều kiện nào thì ta sử dụng, không nên đề cao bất kỳ cái gì”, ông nói. Nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa cho rằng, đất nước ta cần chấn hưng văn hóa trước đã, bởi nền văn hóa Việt Nam đang như một thứ hỗn mang. Chấn hưng xong, những gì tinh túy nhất của đất nước ắt sẽ lộ diện. Gọi việc tôn vinh kiểu này là bệnh hình thức, ông nói: “Tôi xin đứng ngoài các loại “quốc” vì không cẩn thận, chúng ta đang sa vào những trò hình thức, phù phiếm. Các cụ bảo phú quý sinh lễ nghĩa, nhưng chúng ta đã phú quý đâu. Tôi vừa có một chuyến đi ở vùng sâu, vùng xa về, gặp những đứa trẻ đói nghèo, tôi mong chúng ta hãy làm cho những đứa trẻ đó có một cuộc sống tử tế đã, rồi hãy tính đến chuyện quốc thơ”.
|