Home Văn Học Khảo Luận Chuyện Vương Thúy Kiều : một lợi khí dân vận của Triều Nguyễn ?

Chuyện Vương Thúy Kiều : một lợi khí dân vận của Triều Nguyễn ? PDF Print E-mail
Tác Giả: Khuê Trai Vũ Quốc Thúc   
Thứ Bảy, 20 Tháng 11 Năm 2010 05:56

Sự tích Vương Thúy Kiều là một chuyện tình xẩy ra dưới đời nhà Minh ở Trung Hoa, khoảng tiền bán thế kỷ XVI.

Chuyện này được ghi lại dưới tựa đề Đoạn Trường Tân Thanh .Tuy nhiên, ngoài những lời bình luận của Thánh Thán, hầu như không có nhà văn, nhà thơ Trung Hoa nào khác để ý đến. Chúng tôi không rành hán tự nên không đủ khả năng phối kiểm, rất mong được chư độc giả cao minh chỉ giáo .

          Ở nước ta, trái lại, từ cuối thế kỷ XVIII, sự tích Thúy Kiều đã là đề tài ngâm vịnh của rất nhiều danh sĩ, trong đó có 2 vị vua nhà Nguyễn ( Minh Mạng, Tự Đức) một vị Phụ Chính Đại Thần (Hà Tôn Quyền), nhiều trí thức khoa bảng như: Tiến sĩ Phạm Quý Thích, Tam Nguyên Nguyễn Khuyến, Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, Cử nhân Nguyễn Đình Giác, Cử nhân Chu Thấp Hi v.v.. Và chúng ta không thể không nói tới truyện Kim Vân Kiều do nhà thơ Nguyễn Du sáng tác, một thi phẩm tuyệt diệu, mọi người Việt đều biết .

          Tại sao sự tích nàng Kiều đã được dân ta truyền tụng rộng rãi và lâu bền như vậy ? Điều càng khiến ta ngạc nhiên là những nhân vật trong chuyện không phải người Việt .

          Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi, cũng như nhiều người khác, thường chỉ viện dẫn giá trị tuyệt vời của cuốn Kim Vân Kiều, một truyện thơ trường thiên thâu tóm được tinh hoa của Việt ngữ. Lời thơ bất hủ, phù hợp với truyền thống dân tộc, khiến bất cứ ai đều cảm xúc, do đó đã có thể phổ biến khắp mọi giới, qua nhiều thời đại .

          Kẻ viết bài này, may mắn, được thân phụ là cụ Hải Ngọc Vũ Lan Đình, trước khi quá cố, trao lại cho bản sao cuốn Thanh tâm tài nhân thi tập do chính tay Người phiên âm và phiên dịch, nên khám phá được một số chi tiết khả dĩ giải tỏa nỗi thắc mắc nói trên .

                                           Trước hết, chúng tôi cần phân tích sơ lược tập thơ này, vì phần lớn tác phẩm là những bài viết bằng hán tự, nên rất ít người biết .

           Dưới tựa đề chung Thanh tâm tài nhân thi tập thực ra đó là một công trình sáng tác của  ba thế hệ thi gia, từ khoảng 1820 (cuối đời Gia Long ) tới cuối thế kỷ XIX (sau đời Tự Đức).

           Bản đầu tiên của thi tập được soạn vào năm Minh Mạng thứ nhất tức năm 1820 Tác giả là Phụ Chính đại thần Hà Tôn Quyền viết 30 bài nguyên xướng, mỗi bài là một hồi trong truyện Vương Thúy Kiều. Mỗi bài nguyên xướng kèm theo một bài thơhọa, cũng bằng chữ hán, do Cụ Nguyễn Đình Giác, cử nhân, người xã Bình Lăng ( Bắc Việt ) soạn thảo. Ngoài ra lại còn 4 câu thơ quốc âm thể lục bát. Rất tiếc rằng trong số 30 hồi, bản sao chúng tôi hiện giữ, chỉ ghi lại được 10 hồi đầy đủ, thêm hồi thứ 11 chỉ có bài nguyên xướng của Cụ Hà Tôn Quyền mà thôi .

           Đến năm Minh Mạng thứ XI, tức năm 1830, nhà vua viết thêm một bài tổngthuyết bằng hán văn. Đây là một tài liệu lịch sử rất quan trọng, theo thiển ý của chúng tôi, vì nó giống như một bản án kết thúc cuộc tranh luận về nhân vật Vương Thúy Kiều, đã xẩy ra trong khoảng 1820 - 1830 .

          Bốn chục năm sau ( 1871), một bản thứ hai của thi tập Thanh tâm tài nhân đã được soạn thảo. Tác giả là Hoàng Đế Tự Đức. Sự tích Thúy Kiều được chia làm 20 hồi, mỗi hồi có một bài thơ chữ hán của nhà vua, kèm theo là một bài tập âm, 8 câuthể lục bát, của vị đại thần Lý Văn Phức. Thêm vào đó còn có một bài tựa bằng hánvăn cũng do nhà vua sáng tác .

          Khỏang cuối thế kỷ XIX hay đầu thế kỷ XX, một bản thứ ba của thi tập Thanhtâm tài nhân được soạn thảo theo lời yêu cầu của Hàn Lâm Viện ở Kinh đô Huế. Truyện Thúy Kiều vẫn chia làm 20 hồi như trong bản thứ hai. Mỗi hồi gồm một bài thơ chữ hán của Cụ Chu Thấp Hi và một bài thơ nôm, thể thất ngôn bát cú của Cụ Chu Mạnh Trinh. Ngoài ra còn có một bài tựa của Cụ Chu Mạnh Trinh, một bài tựa khác của Cụ Nguyễn Tuấn Cảnh, 3 bài thơ đề từ bằng chữ hán của Cụ Chu Thấp Hi, 2 bài thơ đề từ bằng chữ nôm của Cụ Chu Mạnh Trinh, một bài thơ đề từ bằng chữ nôm của Cụ Tam Nguyên Nguyễn Khuyến .

          Chúng ta nhận thấy các tác giả lần này đều là danh sĩ miền Bắc, có người đang làm quan như các cụ Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Tuấn Cảnh, có người đã trí sĩ như cụ Nguyễn Khuyến . Riêng Cụ Chu Thấp Hi chỉ là một vị ẩn sĩ .

           Tập thơ Thanh tâm tài nhân do Phụ Chính đại thần Hà Tôn Quyền soạn thảo năm 1820 có phải là văn liệu cổ nhất ở nước ta nói về sự tích Thúy Kiều không ?

            Chúng ta có thể khẳng định là không vì trước năm 1820 đã có một bài thơ Vịnh Vương Thúy Kiều bằng chữ hán được nhiều người truyền tụng.  Đó là bài :

Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường
Bán thế yên hoa trái vị thường
Ngọc diện khởi ưng mai thủy quốc
Băng tâm tự khả đối Kim Lang
Đoạn Trường mộng lý căn duyên liễu
Bạc Mệnh cầm chung oán hận trường
Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy
Tân Thanh đáo để vị thùy thương

            Bài thơ này là của cụ Lập Trai Phạm Quý Thích, người làng Lương Ngọc, tỉnh Hải Dương. Cụ đậu đệ nhị giáp tiến sĩ năm Kỷ Hợi, thời Lê Cảnh Hưng tứctây lịch 1779, nghĩa là trước khi cụ Hà Tôn Quyền soạn tập thơ Thanh tâm tài nhântới 41 năm. Như vậy khi trước tác tập thơ này vị đại thần họ Hà chỉ nối lại một truyền thống có sẵn ở Bắc Hà từ thời Lê Mạt .

             Cái gì mới mẻ, chính là việc đề cao nhân vật Thúy Kiều, việc biến đổi một khuyết sử  thành tín sử như Hoàng Đế Minh Mạng đã nhận định trong bài tổng thuyết của Ngài .

              ( Bài thơ của cụ Phạm Quý Thích đã được cụ Chu Mạnh Trinh diễn nôm như sau :

Giọt nước Tiền Đường chẳng rửa oan
Yên hoa chưa trắng nợ hồng nhan
Lòng tơ còn vướng chàng Kim Trọng
Mặt ngọc khôn cầm chốn thủy quan
Nửa giấc Đoạn Trường tan gối điệp
Một giây Bạc Mệnh vẫn cầm loan
Cho hay những kẻ tài tình lắm
Trời bắt làm gương để thế gian

          Chúng tôi nhận thấy cụ Chu Mạnh Trinh chỉ dịch "thoát" chứ không theo sát thơ chữ hán. Câu chót "Tân Thanh đáo để vị thùy thương" tiết lộ đây là một bài thơ cảm đề truyện ngắn Đoạn Trường Tân Thanh tức sự tích Vương Thúy Kiều ở Trung Hoa: trong bài diễn nôm, cụ Chu Mạnh Trinh đã vô tình hay cố ý" quên" chi tiết này !

          Dẫu sao ta có thể tin rằng  bài thơ của cụ Phạm Quý Thích đã "gợi cảm" cho cụ Hà Tôn Quyền cũng như cho cụ Nguyễn Du )

          Một vấn đề đương nhiên đặt ra: đó là mối tương quan giữa tập Thanh tâm tài nhân  của Phụ Chính đại thần Hà Tôn Quyền và truyện Kim Vân Kiều của Cụ Tiên Điền Nguyễn Du . Trong hai tác phẩm này, cái nào có trước, cái nào có sau ?

         Cụ Nguyễn Du, người tỉnh Hà Tĩnh ( Trung Việt ), sinh năm 1766. Cụ đã từng làm quan với Hoàng Đế Gia Long, được cử làm sứ thần sang Trung Hoa .

         Cuộc vận động ngoại giao của Cụ đã thành công đẹp đẽ: chứng cớ là Thanh Triều đã thừa nhận Hoàng đế Gia Long là An Nam Quốc Vương, thay cho nhà Lê. Cụ Nguyễn Du đã làm rất nhiều thơ bằng chữ hán ngoài truyện thơ Kim Vân Kiều .

         Cụ có một bà thứ thất, người tỉnh Thái Bình (Bắc Việt ); sau khi trí sĩ Cụ về ở với bà này, có lẽ vì thế mà Cụ rất thông thạo ngôn ngữ Bắc Hà. Bất cứ ai đọc truyện Kim Vân Kiều, không thể ngờ rằng Cụ Tiên Điền là người Hà Tĩnh, một vùng ngôn ngữ rất khác cách nói ở Bắc Hà, mặc dù cùng là tiếng Việt .

          Điều cần để ý, đối với chúng ta, là khi Phụ Chính đại thần Hà Tôn Quyềnbiên soạn cuốn "Thanh tâm tài nhân" ( 1820 ), cụ Nguyễn Du 54 tuổi  như vậy chắc đã về trí sĩ. Cụ mất năm 56 tuổi. Điểm này khiến chúng tôi nghĩ rằng cuốn Kim Vân Kiều đã ra đời  trước  hoặc trễ lắm, cùng một thời với tập Thanh tâm tài nhân .

        Cụ Nguyễn Du là một vị đại thần từng được Hoàng đế Gia Long phái sang Trung Quốc, như vậy là đồng liêu với cụ Hà Tôn Quyền. Chúng tôi tin rằng hai Cụ đã nhiều lần trao đổi ý kiến với nhau về sự tích Vương Thúy Kiều: biết đâu hai Cụ chẳng đã nhận thấy đây là một chuyện đáng được phổ biến rộng rãi ở Bắc Hà, nói khác đáng được dùng làm một đề tài để vận động các tầng lớp sĩ phu cũng như quảng đại quần chúng ? Rồi hai Cụ đã phân công: một người thì thuật lại sự tích nàng Kiều trong một thi phẩm trường thiên theo thể lục bát để quảng bá trong dân gian, người kia thì trình bầy trong một loạt thơ thất ngôn bát cú bằng chữ hán, nhằm vào tầng lớp học giả thâm Nho .

          Để làm sáng tỏ lập luận này, chúng tôi cần nhắc lại môi trường lịch sử Việt Nam, từ khi Chúa Nguyễn Phúc Ánh đánh bại Tây Sơn, thống nhất sơn hà, lên ngôi Hoàng đế, lấy đế hiệu là  Gia Long ( 1803 ) .

        Nước ta lúc đó tuy đã hợp nhất Đàng Trong và Đàng Ngoài, nhưng trong thực tế, sau 250 năm chia đôi, từ ngôn ngữ, tập quán cho đến nhân tâm, chưa chắc đã  có sự hòa đồng. Đặc biệt là ở ngoài Bắc, rất nhiều người vẫn còn tưởng nhớ Nhà Lê. Không cần nói, ta cũng thừa hiểu là giới sĩ phu có phần bất mãn vì lòng tự ái bị tổn thương, vì không còn đường tiến thủ thênh thang như trước .

       Triều đình Huế đã thi hành một chính sách rất khôn khéo: đó là phục hồi hán tự, dùng hán tự làm phương tiện truyền thông, trong việc triều chính cũng như trong sự vận động ngoại giao với Trung Quốc. Ta đừng quên rằng hán tự ở nước ta được phát âm theo kiểu Việt Nam, khác hẳn ở Trung Quốc. Chính vì thế mà ta vẫn giữ được cá tính dân tộc, trải qua bao thế kỷ, không để cho Trung Hoa đồng hóa mặc dù vẫn theo văn hóa Trung Hoa. Đối với các địa phương trong nước, hán tự đã là một giây liên lạc quý báu vì tuy ngôn ngữ có nhiều điểm bất đồng nhưng khi đọc hán văn thì vẫn đọc một kiểu chung. Sự khôi phục hán tự còn có ảnh hưởng trực tiếp là khiến cho giới sĩ phu cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài đều có "đất dụng võ". Triều đình có thể tái lập chế độ thi cử để tuyển mộ quan chức các cấp. Điều này khiến chota hiểu tại sao Phụ Chính đại thần Hà Tôn Quyền đã soạn tập Thanh Tâm Tài Nhân theo hình thức 60 bài thơ xướng họa, toàn bằng chữ hán. Nếu có thêm 30 bài thơ quốc âm, thì chỉ là những bài thơ tổng vịnh, mỗi bài vẻn vẹn 4 câu thể lục bát nhằm bổ túc thơ chính bằng hán tự mà thôi .

        Trong việc chọn nhân vật đồng tác, Hà Phụ Chính đã không mời một đại thần nào trong Triều, kể cả Cụ Nguyễn Du, mà lại mời một vị cử nhân, người xã Bình Lăng, ngoài Bắc, là cụ Nguyễn Đình Giác, mới làm tới chức Huyện Doãn Huyện Phù Cừ, nghĩa là một chức quan rất thấp so với chức Phụ Chính Đại Thần. Hành  động này có tính cách trí thức vận, dụng ý thu phục nhân tâm trong tầng lớp sĩ phu Bắc Hà .

       Mặt khác, ta có thể tự hỏi: tại sao Cụ Tiên Điền Nguyễn Du đã về trí sĩ ở Thái Bình là quê bà Thứ thất chứ không về Hà Tĩnh là nguyên quán củaCụ ? Phải chăng đó cũng là do sự hội ý với Hà Phụ Chính, nhằm mục đích kết giao thân hữu với các trí thức Đàng Ngoài ? Điều này khiến cho ta hiểu rõ thêm tại sao Cụ Nguyễn Du đã dùng toàn ngôn ngữ Bắc Hà để diễn nôm sự tích Thúy Kiều. Thi phẩm tuyệt tác của Cụ Tiên Điền có một sức mạnh truyền cảm vô cùng to lớn vì không những được giới trí thức ngâm nga mà còn được toàn dân học thuộc lòng, nhất là các phụ nữ.

         Sự tích Vương Thúy Kiều hiển nhiên đã được dùng làm lợi khí chính trị để thu phục nhân tâm .

        Đến đây ta cần phải xét xem, qua sự tích Vương Thúy Kiều, Triều đình Huế muốn gửi thông điệp gì cho các sĩ phu và nhân dân Bắc Hà .

        Để trả lời câu hỏi này , không gì bằng phân tích bài tổng thuyết tập thơ Thanh Tâm Tài Nhân, do chính Vua Minh Mạng đứng tên biên soạn vào năm 1830  

       Bài tổng  thuyết mở đầu như  sau :

       "Nhược phủ tài vi nhân ngộ, tình dĩ cảnh thiên. Hợp quan thường cân quắc vu nhất nhân; tiêu danh giáo phong lưu vu thiên cổ. Danh truyền nhi luận bất định: thanh thảo mai san! Tâm thị nhi tích tắc phi: hoàng tuyền đới tiếu. Bất hữu nhất kinh đề phẩm, đỗng cổ nhân nhi tặng hậu nhân. Hà do trùng phát u quang, bổ khuyết sử nhi thành tín sử"

      Nghĩa tiếng Việt, theo bản dịch của Cụ Hải Ngọc Vũ Lan Đình :

     "Ôi! Tài liền với tai, tình sinh ra cảnh. Tài tình rất mực thường hay gặp cảnh đoạn trường. Hiếu nghĩa đủ đường, có thể làm gương nghìn thuở. Nếu bàn không đúng lý hồn nơi cỏ biếc sao khỏi mang oan! Nếu chẳng xét tình, người dưới suối vàng, hẳn là cười khẩy! Vậy phải có một phen phẩm bình chính đáng, xét người xưa mà như bảo người sau. Đề vịnh rõ ràng, góp chuyện hão cho thành chuyện thực"

       Đọc lời mở đầu vừa rồi, chúng tôi cảm thấy vua Minh Mạng đã hoài nghi, không tin sự tích Vương Thúy Kiều là xác thực, nhưng nhà vua muốn dùng sự tích ấy để khuyên nhủ người đương thời. Khuyên nhủ ai ? Tất nhiên đây phải là những người tự coi mình "bạc phận" giống như hai nhân vật nổi bật nhất trong chuyện là Thúy Kiều và Từ Hải. Thúy Kiều tượng trưng cho một số đông sĩ phu Bắc hà, dưới triều Gia Long và Minh Mạng, tự tin mình tài đức nhưng vì là dòng dõi cựu thần nhà Lê nên không được thu dụng. Cũng có người muốn giữ vững tấm lòng chung thủy đối với chế độ cũ nên quyết định ẩn dật, nếu không phải là công khai đối nghịch triều đình. Họ đã lý luận giống như Từ Hải :

Bó thân về với triều đình :
Hàng thần lơ láo , phận mình ra chi  ?
Sao bằng riêng một biên thùy :
Sức này hồ dễ làm gì được nhau ?

       Vua Minh Mạng muốn khuyên nhủ những người ấy :

       Mọi việc trên  đời đều do Định Mệnh. Nếu kẻ tài đức gặp cảnh đoạn trường thì chẳng qua chỉ vì tiền oan nghiệp chướng, đừng nên vội vã oán trách Tạo Hóa bất công hay Triều đình bất chính. Trái lại cần phải kiên quyết theo đúng đạo lý, chung cục, sẽ có lúc tai qua nạn khỏi, giống như Thúy Kiều tự tử lại gặp người cứu vớt, sau 15 năm phong trần lại được đoàn tụ với gia đình. Những người biết "an phận" như Kim Trọng, Thúy Vân, Vương Quan, chung cục, đều được hưởng phúc. Còn những kẻ "dại dột" muốn "chọc trời khuấy nước" thì dù ăn năn cũng quá muộn giống như Từ Hải bị giết oan !

          Ta có thể nêu câu hỏi: Tại sao vua Minh  Mạng đã phải viết bài tổng thuyết cho  tập  thơ Thanh Tâm Tài Nhân của cố Phụ Chính đại thần Hà Tôn Quyền ?

         Nếu chúng tôi không lầm, thì sau khi tập thơ này ra đời ( ngay sau hay cùng lúc ) với truyện thơ Kim Vân Kiều của Cụ Nguyễn Du, thì một cuộc tranh luận đã xẩy ra ở nước ta, trong giới sĩ phu. Nhiều nhà nho cho rằng vị đại thần họ Hà cũng như Cụ Tiên Điền đã  làm một việc trái đạo đức: Tại sao ca tụng một thiếu nữ lẳng lơ một cô gái giang hồ, hết quyến rũ chồng người lại đi theo kẻ phiến loạn ? Luồng dư luận này biểu lộ trong câu :

Đàn ông chớ đọc Phan Trần
Đàn bà chớ kể Thúy Vân , Thúy Kiều !

       Chỉ trích Hà Phụ Chính, tức là gián tiếp chỉ trích nhà vua, vì vậy nhà vua phải đích thân lên tiếng. Bài tổng thuyết của ngài chẳng khác chi một bản án kết thúc một vụ tranh tụng. Sau bài tổng thuyết này, tuy không còn ai dám phản đối, nhưng ít người muốn giữ trong nhà tập Thanh Tâm Tài Nhân bằng chữ hán của các cụ Hà Tôn Quyền và Nguyễn Đình Giác. Do đó phần lớn tập thơ đã thất lạc. Riêng truyện Kim Vân Kiều của Cụ Nguyễn Du, vì viết bằng thơ nôm thể lục bát, nên có thể truyền khẩu dễ dàng, nhất là trong giới phụ nữ .

        1871: 41 năm sau bài tổng thuyết của Vua Minh Mạng, Vua Tự Đức đã làm sống lại tập Thanh Tâm Tài Nhân, với 20 bài thơ chữ hán do chính ngài sáng tác, kèm theo một bài tựa cũng bằng chữ hán .

                        Bài tựa mở đầu như sau :

Hương phố yên ba tam nguyệt thiên
Phần hương nhàn tụng Thanh Tâm biên
Thị biên bắc nhân Thánh Thán trứ
Dịch âm ngã quốc Nguyễn Tiên Điền
Cận lai danh sơn phong vũ thực
Hoa Đường bình bản vô lưu truyền
Thích kim đài các thừa nhàn hạ
Bất nhẫn giai thoại không hàn yên
Ngẫu ư cổ lục đắc toàn giảng
Truyền thần tả chiếu tương trùng thuyên
Ly ba chích thảo phân đề vịnh
Nhị thập hồi chung mặc thái nghiên
Thông  thiên tài mệnh lập thực án ...

                       Dịch nôm theo bản dịch của Cụ Hải Ngọc Vũ Lan Đình :

Sông Hương vừa tháng cuối xuân
Đốt hương đọc tập Thanh Tâm giải phiền
Văn nôm của Cụ Tiên Điền
Dịch văn Thánh Thán chép biên tinh tường
Lâu nay mưa gió bất thường
Tiếc thay quyển sách Hoa Đường cũng vương
Nay nhân rỗi việc triều đường
Văn hay nỡ để theo luồng khói bay !
May sao tìm thấy quyển này
Xửa sang chép lại đợi ngày đem in
Chia ra hai chục hồi liền
Phẩm đề mượn ngọn bút tiên đậm đà
Bàn về tài mệnh sâu sa ...

        Muốn xét đoán hành động của Hoàng đế Tự Đức, thiết tưởng nên nhắc lại bối cảnh lịch sử nước ta vào năm 1871 .

        Khi nhà vua viết câu Thích kim đài các thừa nhàn hạ ( Nay nhân rỗi việc triều đường ) điều đó hiển nhiên không đúng sự thực. Cách đấy 12 năm, Pháp bắt đầu mở cuộc xâm lăng Việt Nam. Thủy quân Pháp, viện cớ bảo vệ các nhà truyền giáo và tín đồ Ki Tô Giáo, đánh phá Gia Định rồi cho quân đổ bộ ở đồng bằng Cửu Long Giang. Triều đình Huế phải ký hòa ước năm 1863 nhường cho Pháp 6 tỉnh Nam Phần làm thuộc địa. Sau khi thám hiểm Cửu Long Giang, nhận thấy không thể xử dụng thủy lộ này để tiến lên nội địa Trung Hoa, Pháp bắt đầu dòm ngó đồng bằng Hồng Hà ở Bắc Việt. Việc xâm lăng Bắc Việt như vậy có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Nếu nhà vua cho là việc triều chính nhàn rỗi thì chẳng hóa vô ý thức lắm sao ? Chúng tôi không tin như vậy. Câu đó chẳng qua chỉ là một sáo ngữ .   

        Chúng tôi được biết rằng chính vua Tự Đức có viết một bài thơ bằng chữ hán, nói lên nỗi ưu phiền của ngài trước sự biến chuyển của thời cuộc .

. Bài thơ như sau :

Thương xích ngô dân bất hạnh nhi
Khuyển dương tinh xú mãn biên thùy
Du tái mang văn báo tiệp kỳ
Võ tướng tiêu sầu duy hữu tửu
Văn thần thoái lỗ cánh vô thi
Thiên tâm như dục khai bình trị
Thùy thị hương hài áp mã nhi

          Đại ý: "Thương thay cho dân ta thật bất hạnh! Loài dê chó hôi hám kéo đầy biên thùy . Chốn triều đình chỉ thấy bàn chuyện cầu hòa. Ngoài đồn ải không thấy tin thắng trận. Các võ tướng chỉ còn biết uống rượu tiêu sầu. Văn quan thì không viết nổi bài thơ nào đuổi giặc . Lòng Trời như muốn lập lại hòa bình nhưng chưa thấy ai là người tài giỏi ! "

          Đọc bài thơ lâm ly này, ai dám chê là nhà  vua không lo quốc sự .

          Chúng tôi chú ý đặc biệt câu: Văn thần thoái lỗ cánh vô thi. Viết câu này, phải chăng vua Tự Đức đã nhớ lại bài thơ bất hủ của anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt (Nam Quốc sơn hà Nam đế cư...), một bài thơ có tác dụng gây hoang mang trong tâm trí quân đội Nhà Tống , khiến đạo quân này bị đánh bại ? Phải chăng Nhà Vua cũng nghĩ tới bài hịch kêu gọi tướng sĩ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, một bài hịch đã kích thích tinh thần quân dân ta, khiến mọi người quyết tâm chống lại quân đội hùng mạnh của Mông Cổ ? Dẫu sao vua Tự Đức cho ta thấy là ngài tin tưởng ở mãnh lực của ngọn bút, ngài nhận rõ vai trò tác động tâm lý của thơ văn và mong rằng giới sĩ phu biết cách góp phần vào công cuộc kháng chiến chống Pháp .

         Vua Tự Đức đã công bố tập Thanh Tâm Tài Nhân do chính tay ngài biên soạn : như vậy là muốn phát động một phong trào, giống như Phụ Chính đại thần Hà Tôn Quyềnđã làm năm 1820 .

        Tất nhiên, với con mắt của người thời nay, ta có thể chê hành động của Nhà Vua là không hợp thời. Đề cao chữ hán, phổ biến triết lý an phận của chuyện Thúy Kiều, trong lúc quốc gia có thể suy vong vì ngoại xâm, vì lạc hậu, vì nhân tâm ly tán... quả thực là khó hiểu .

        Dẫu sao Vua Tự Đức cũng đã đạt được một kết quả, mặc dù kết quả ấy đến quá muộn sau khi ngài đã băng hà (1883), sau khi triều đình Huế đã phải chấp nhận nền bảo hộ của Pháp ( 1884): Đó là việc một số danh sĩ-tiêu biểu cho tầng lớp sĩ phu Bắc Hà - đã hưởng ứng sự kêu gọi của ngài, bằng cách góp phần vào tập Thanh Tâm Tài Nhân .

       Các cụ Chu Thấp Hi, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Tuấn Cảnh đã tiếp tục công trình sáng tác của Nhà Vua. Mục đích của các nhà khoa bảng này là dùng văn thơ (vừa bằng chữ hán, vừa bằng chữ nôm) nói lên tấm lòng trung quân ái quốc, nói lên ý chí bảo vệ những truyền thống văn hóa của dân tộc, trước xu hướng đồng hóa của chính quyền bảo hộ Pháp .

       Chúng ta cần nhớ rằng, thời đó tuy chế độ Hương thí vẫn còn được duy trì, nhưng cách thi cử đã trở nên "lố lăng" dưới mắt các nhà nho bảo thủ. Một thí dụ là ở Trường thi Nam Định, lễ xướng danh được tổ chức với sự chứng kiến của viên Công Sứ người Pháp. Bà vợ viên Công Sứ đã đi với chồng đến dự buổi lễ, và tất nhiên là ngồi trên khán đài còn các ông cử, ông tú tân khoa thì tề tựu dưới sân. Cảnh tượng này khiến nhà thơ Trần Kế Xương cảm hứng ngâm nga :

Trên ghế , bà đầm nhoi đít vịt ,
Dưới sân , ông cử ngỏng đầu rồng
!
 
      Đem "đít vịt" của Bà đầm Công sứ đối chọi với "đầu rồng" của ông cử tân khoa, thật là ngạo mạn nhưng cũng đầy chua chát! Vả chăng, kẻ đỗ đạt theo chế độ thi cử cũ cũng không còn đất dụng võ: Cụ Tú Xương đã nói rõ tình trạg này trong bài thơ :

Nào có ra gì cái chữ nho !
Ông nghè , ông cống cũng nằm co !
Sao bằng đi học làm ông Phán
Tối rượu sâm banh , sáng sữa bò !

       Trong hoàn cảnh lịch sử này, khi các nhà khoa bảng Chu Thấp Hi, Chu Mạnh Trinh viết tập Thanh Tâm Tài Nhân để tiếp nối công trình của Cố Hoàng đế Tự Đức, hiển nhiên các Cụ muốn gián tiếp báy tỏ lập trường ái quốc của mình .

       Để kết luận, chúng tôi tin rằng chuyện tình Vương Thúy Kiều đã được triều đình Nhà Nguyễn, từ Hoàng đế Minh Mạng tới Hoàng đế Tự Đức, dùng làm một lợi khí để vận động nhân tâm. Âu cũng là một bài học để các nhà văn, nhà thơ suy ngẫm trong lúc lưu vong ở hải ngoại  .