Vay mượn trong văn học cổ Việt Nam |
Tác Giả: Tạ Quang Khôi | |
Thứ Ba, 18 Tháng 1 Năm 2011 21:14 | |
Các nhà nghiên cứu văn học xếp văn học cổ Việt Nam thành ba loại: văn chương bác học, văn chương vừa bác học vừa bình dân và văn chương bình dân. Văn chương bác học là loại văn chương viết bằng chữ Hán, dành cho những người có học. Văn chương vừa bác học vừa bình dân là loại văn chương viết bằng chữ nôm, một thứ chữ dùng chữ Hán ghép lại nhưng phát âm tiếng Việt nên khi đọc lên người bình dân cũng có thể hiểu được sơ sơ. Văn chương bình dân là loại văn chương phát xuất từ giới bình dân ít học, đó là những câu ca dao, tục ngữ và truyện cổ. Văn chương bác học do những nhà khoa bảng sáng tác dành cho những người giỏi Hán văn, ít ra cũng phải qua “thập niên đăng hỏa” hoặc những người đã đỗ đạt. Chẳng hạn như Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn, Vũ Trung Tùy Bút của Phạm Đình Hổ, Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn...và những bài thơ chữ Hán của các nhà Nho. Ngay cả những bài văn nổi tiếng như Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng Đạo, Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, Văn Tế Trận Vong Tướng Sĩ của Nguyễn Văn Thành là những bài văn cần được phổ biến trong dân gian cũng viết bằng chữ Hán. Văn chương vừa bác học vừa bình dân là loại văn chương viết bằng chữ nôm, một thứ chữ còn khó hơn chữ Hán, vì muốn đọc được, phải thông thạo Hán văn trước đã. Vì thế, loại văn chương này cũng do các nhà Nho khoa bảng sáng tác. Người ta thấy nhiều tác phẩm nổi tiếng, như: Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du, Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự, Nhị Độ Mai (hiện chưa tìm ra tác giả nên vẫn tạm ghi là Khuyết danh hay Vô danh), Bích Câu Kỳ Ngộ của Vũ Quốc Trân, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu...và nhiều thơ, phú. Loại văn chương này người bình dân cũng không đọc được, nhưng nghe thì hiểu đại khái. Hiểu đại khái vì lời văn có nhiều điển cố phải có người giảng thì mới hiểu hết được. Chữ Nôm (do Nam nói trại ra) được hình thành từ bao giờ thì chưa ai nghiên cứu được, đến đời nhà Trần có người tên là Nguyễn Thuyên (tức Hàn Thuyên) xếp đặt lại thành hệ thống. Do đó, sau này nhiều người tưởng lầm Hàn Thuyên là cha đẻ của chữ Nôm. Loại chữ này chỉ có một ưu điểm là phát âm tiếng Việt, nhưng muốn viết được chữ Nôm, ta phải thông thạo chữ Hán trước đã. Thí dụ, khi muốn viết chữ Năm (thời gian) ta phải ghép hai chữ Nam (để làm âm) và Niên (nghĩa), Năm (số) gồm hai chữ Nam và Ngũ. Lại có những chữ dùng luôn chữ Hán, nhưng phát âm tiếng Việt, như Dao (con dao) là chữ Đao trong Hán văn. Các nhà Nho xưa không coi trọng chữ Nôm, thường nói là “Nôm na mách qué” vì chữ Nôm không được dùng trong khoa cử và văn thư hành chính. Do đó, chữ Nôm không được cải tiến, cứ giữ nguyên tình trạng từ ngày được sáng chế. Không những thế, mỗi địa phương lại có một lối viết hơi khác biệt nhau. Có một thời Vua Quang Trung định đưa chữ Nôm vào khoa cử và dùng trong các văn thư hành chính (từ hàn), nhưng thời gian trị vì của Ngài quá ngắn nên chưa gây được ảnh hưởng gì. Đến triều nhà Nguyễn, chữ Hán lại được trọng dụng như xưa, nôm na vẫn là “mách qué”. Theo sử, nhà Nguyễn còn lệ thuộc vào Trung hoa nặng nề hơn những triều đại trước. Khi người Pháp sang đô hộ, ảnh hưởng Trung Hoa mới dần dần bị loại bỏ. Rồi chữ Hán được thay bằng chữ quốc ngữ, theo mẫu tự La Tinh. Người Tiều Tiên và người Nhật cũng mượn chữ Hán để tạo ra thứ chữ riêng, cho đến nay thứ chữ đó vẫn được dùng và phổ biến cả trong giới bình dân. Nhưng người Triều Tiên và người Nhật đã biết đơn giản hóa chữ Hán khi tạo ra chữ riêng cho mình để mọi người có thể học và viết một cách dễ dàng. Văn chương bình dân là loại văn chương truyền miệng của giới bình dân, ít học, như ca dao, tục ngữ, truyện cổ (mà chúng ta thường gọi là truyện cổ tích). Sau này văn chương bình dân mới được ghi chép lên giấy tờ, sách vở. Văn chương bình dân là loại văn chương không chịu ảnh hưởng của Hán học nên không có nhiều dấu vết vay mượn như hai loại văn chương bác học và vừa bác học vừa bình dân. Sự vay mượn vừa kể trên thuộc vay mượn hình thức, nhờ văn tự của người để sáng tác, để bày tỏ quan điểm hoặc tâm sự. Các nhà Nho Việt Nam không ngừng lại ở hình thức mà vay mượn luôn cả nội dung. Đoạn Trường Tân Thanh mà người ta quen gọi Truyện Kiều là truyện mà tác giả đã mượn nội dung của một truyện Tàu. Các truyện Nhị Độ Mai và Hoa Tiên... cũng là những truyện Tàu được viết lại bằng chữ Nôm. Sự lệ thuộc lắm khi quá nặng nề đến nỗi người ta thấy các tác giả giữ nguyên những tình tiết vô lý của truyện Tàu. Thí dụ, trong Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du, đoạn Khuyển, Ưng, tay sai của Hoạn Thư , bắt cóc Thúy Kiều. Khuyển, Ưng đột nhập vào nhà Kiều lúc Thúc Sinh đi vắng. Chúng đánh thuốc mê Kiều, rồi đưa nàng về Vô Tích nộp cho Hoạn bà, mẹ Hoạn Thư. Kiều đã bị mê đi cả mấy ngày trời, không ăn, không uống, mà vẫn khỏe mạnh như thường. Khi vừa hết mê đã có thể đi đứng một mình. Đến đoạn Kiều báo ân, trả oán, Hoạn Thư là “chính danh thủ phạm” lại được tha (trong truyện Tàu, Hoạn bị đánh 100 roi chứ không tha hẳn) còn hai tên Khuyển, Ưng là tay sai lại bị giết chết. Tuy nhiên, tình tiết vô lý trong văn chương hoàn toàn khác với sự vô lý về mặt luân lý, nên vẫn được mọi người chấp nhận. Truyện Nhi Độ Mai và truyện Hoa Tiên cũng là những truyện viết lại từ truyện Tàu, gần như nguyên văn. Nhị Độ Mai dựa theo truyện Trung Hiếu Tiết Nghĩa Nhị Độ Mai, kể lại cuộc đấu tranh chống bọn gian thần Lư Kỷ và Hoàng Tung đời Đường. Truyện Hoa Tiên dựa theo Đệ Bát Tài Tử Hoa Tiên Ký, kể lại mối tình trắc trở giữa nàng Dương Dao Tiên và Lương Sinh. Cuối cùng Lương Sinh có hai vợ chính thức là Dao Tiên và Lưu Ngọc Khanh và hai người thiếp là Vân Hương và Bích Nguyệt (hai người này vốn là hai thị tì của Dao Tiên, có công liên lạc giữa cô chủ và chàng họ Lương). Các truyện này đều có kết cục tốt đẹp. Người phải xa nhau được sum họp trở lại (Kiều và Kim Trọng được tái hồi trong Đoạn Trường Tân Thanh), kẻ bị vu oan được phục hồi danh dự và trả được thù nhà (Mai Lương Ngọc trong Nhị Độ Mai), những người yêu nhau gặp trắc trở lấy được nhau và sống cuộc đời hạnh phúc (Lương Sinh và nàng Dao Tiên trong Hoa Tiên). Có lẽ ít ai được hưởng nhiều hạnh phúc bằng chàng Lương Phượng Châu vì một lúc cưới những bốn vợ. Ngoài sự lệ thuộc vào văn tự và nội dung, các nhà nho của ta còn lệ thuộc cả về điển cố. Chính vì những điển cố này mà người bình dân ít học không hiểu thấu đáo được truyện, dù viết bằng văn nôm. Mỗi câu là một điển cố, có khi một câu có tới hai ba điển cố. Nhưng điển cố cũng có một ưu điểm là nói ít mà hiểu nhiều, vì thế lời văn trở nên súc tích. Có lẽ Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn nặng phần điển cố nhất. Truyện của Việt Nam ngày xưa được viết theo thể lục bát. Khúc ngâm viết theo thể song thất lục bát. Hai thể này không có trong văn chương Tàu. Đó cũng là một hình thức độc lập của ta. Về Ngâm, trong văn học cổ Việt Nam, chúng ta có nhiều khúc ngâm nhưng nổi tiếng và phổ biến nhất là Chinh Phụ Ngâm khúc và Cung Oán Ngâm khúc. Có nhiều người đã lẫn lộn thể ngâm với thể truyện nên đã lên án nàng chinh phụ trong Chinh Phụ Ngâm là...chửa hoang, vì xa chồng đã ba năm (Thử tính lại diễn khơi ngày ấy, Tiền sen nay lại nảy là ba...) thế mà con còn nhỏ quá (Con thơ măng sữa vả đương bù trì...hoặc: Miệng hài nhi chờ bữa (mớm cơm...) Thật ra, thể ngâm có thể coi tương đương với thể Tùy bút ngày nay. Thể này không lệ thuộc vào thời gian câu chuyện xảy ra. Vả lại, trong Chinh Phụ Ngâm, người ta không nói tới một nàng chinh phụ duy nhất nào mà nói chung tâm sự của tất cả những người đàn bà có chồng đi chinh chiến. Vậy, có người có con nhỏ còn “măng sữa” thì cũng có người có con đã lớn để phải “Rèn con đèn sách, thiếp làm phụ thân”. Vả lại, việc nghi ngờ lòng chung thủy của người chinh phụ không những là oan uổng mà còn quá đáng. Người ta chưa thể quên tục ngữ Việt Nam đã có câu “Ba năm bú mớm” để nói tới cái công trời bể của người mẹ trong việc dưỡng dục con cái. Khúc Chinh Phụ Ngâm bằng chữ nôm là bản dịễn nôm Chinh Phụ Ngâm chữ Hán của Đặng Trần Côn. (Hiện nay, người ta chưa biết chắc ai là dịch giả, bà Đoàn Thị Điểm hay ông Phan Huy Ích. Nhưng bộ Giáo Dục Hà Nội đã theo Hoàng Xuân Hãn mà nhận Phan Huy Ích. Chúng tôi sẽ có bài về dịch giả khúc ngâm này.) Bản chữ Hán của Đặng Trần Côn là một tác phẩm đăc biệt, rất công phu. Ông đã mượn một số ý và hình ảnh trong thơ cổ, có khi mượn cả những câu thơ của người xưa (như thơ Lý Bạch đời Đường) để tạo nên khúc ngâm này (dài 483 câu). Về chuyện “vay mượn”, mới đây có người cho biết bài thơ “Đánh cờ tướng” rất nổi tiếng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng mượn ý bài dân ca vùng Tô Châu bên Tàu. Chúng tôi xin chép lại nguyên văn để chúng ta cùng biết và nghiên cứu thêm: “Cờ tướng tương truyền do Chu Vũ Vương phát minh lúc đánh vua Trụ, loại cờ tướng này mô phỏng việc đánh nhau trên chiến trường, cũng là loại cờ mà phụ nữ thời cổ lúc nhàn rỗi rất thích chơi. Phùng Mộng Long cuối thời Minh có chép lại một bài dân ca Tô Châu nói về việc trai gái chơi cờ tướng như sau: Thu liễu vi kỳ trước tượng kỳ. Thạch pháo đương đầu tu phòng lưỡng hiệp xa, Ngã chỉ đạo nhĩ song mã ẩm tuyển xoa khởi liễu cá dương giác sĩ, Dạng đạo nhĩ nhất tốt chiếm tâm giáo ngã nan động di” (Xếp bàn cờ vây bày bàn cờ tướng, Thấy pháo đầu phải đề phòng xe thọc hai bên, Em chỉ nghĩ anh cho hai ngựa uống nước nên cho sĩ vểnh sừng dê, Ngờ đâu một con tốt của anh vào cung khiến em không động đậy gì được), câu nào cũng một lời hai ý.” (trích “Lầu Xanh và Tội Ác” của Phùng Tinh Chí, trang 329 và 330, do Cao Tự Thanh dịch, nhà xuất bản Phụ Nữ, Việt Nam, ấn hành) Sau đây là một đoạn trong bài “Đánh Cờ” của Hồ Xuân Hương : Thoạt mới vào, chàng liền nhẩy ngựa, Chúng ta đều biết Hồ Xuân Hương sống vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 mà triều nhà Minh bên Tàu chấm dứt vào cuối thế kỷ 16. Thực ra, đã từ lâu cũng đã có người nghi ngờ bài “Đánh Cờ” không chắc có phải do nữ sĩ sáng tác. Đây là một nghi vấn quan trọng trong văn học Việt Nam cần được các bậc thức giả trong cũng như ngoài nước nghiên cứu thêm. Khi nói đến tính cách vay mượn trong văn học cổ Việt Nam, chúng ta không thể không nhắc tới những tác phẩm “hoàn toàn độc lập” của các nhà Nho xưa. Ngoài những truyện cổ được xếp vào loại bình dân chưa tìm ra tác giả, như: Trinh Thử, Trê Cóc, Lục súc tranh công... chúng ta cũng phải kể đến các truyện thuộc loại vừa bác học vừa bình dân, như: Bích Câu Kỳ Ngộ của Vũ Quốc Trân, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Đó là những tác phẩm không dựa vào truyện Tàu, do sự sáng tạo của chính các tác giả. Vào đầu thời Pháp thuộc, khi chữ quốc ngữ mẫu tự La tinh đã được dùng để viết văn, viết báo, tính cách vay mượn có phần nhẹ hơn thời Hán học còn thịnh. Đến đầu thế kỷ 20, các nhà văn Việt Nam không còn vay mượn nữa mà tự mình sáng tác những truyện hợp với hoàn cảnh xã hội đương thời. Nhờ thế, chúng ta có một thời rất thịnh về văn học với những nhóm văn học nổi tiếng, như Tự Lực Văn Đoàn của Nhất Linh và Khái Hưng, nhóm Hàn Thuyên của những người theo Đệ tứ quốc tế, nhóm Tân Dân của Vũ Đình Long... Người ta không lấy làm lạ khi thấy văn hóa của một nước nhỏ chịu ảnh hưởng sâu đậm văn hóa của một nước láng giềng lớn. Văn hóa Pháp và nhiều nước Âu châu cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa La Hy (La mã và Hy lạp). Trong khi đó, nhiều nước Á châu (như Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam) chịu ảnh hưởng văn hóa của Trung Hoa. Riêng đối Việt Nam, vấn đề ảnh hưởng không cần đặt ra. Tổ tiên chúng ta phát xuất từ vùng Triết giang bên Trung Hoa, là một trong nhóm Bách Việt ở Tây Nam Trung Hoa, như nước Việt trong thời chiến quốc (Câu Tiễn), Việt Đông (Từ Hải). Từ Trung hoa mà ra, tất nhiên ta phải theo văn hóa Trung hoa. Như vậy, không còn gọi là ảnh hưởng nữa. Nhưng dù có gốc từ Trung Hoa, chúng ta đã lập ra một nước riêng và đã từ từ tách khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa. Tinh thần độc lập của chúng ta thể hiện rõ rệt nhất trong phong tục, tập quán. Sở dĩ nền văn học cổ của chúng ta lệ thuộc nhiều vào Trung Hoa vì các vua chúa của ta không dám tách rời khỏi “Thiên triều”, nhất là vấn đề thi cử. Người bình dân không sợ “Thiên triều” nên đã có nếp sống khác biệt nhiều với nếp sống của người Trung Hoa, tức là chúng ta đã tự tạo nên một nền văn hóa riêng. Tạ Quang Khôi |