Tiếng Việt Mở Toang? |
Tác Giả: THU SAIGON |
Thứ Bảy, 12 Tháng 5 Năm 2012 05:44 |
Đôi khi tình trạng mở cửa của ngôn ngữ đã bị lạm dụng, tới mức có thể gọi là mở toang cho cả rác rưởi phi-ngữ-học vào...
Tiếng Việt là một ngôn ngữ chuyển biến qua từng thời kỳ, góp thêm những từ mới từng năm để làm phong phú thêm, và đẩy vào lãng quên nhiều từ cũ không còn được bao nhiêu người sử dụng. Nhưng đôi khi tình trạng mở cửa của ngôn ngữ đã bị lạm dụng, tới mức có thể gọi là mở toang cho cả rác rưởi phi-ngữ-học vào. Nhà nghiên cứu Đinh Việt Bình viết trên Tuần Việt Nam đã than phiền về tình hình đáng ngại qua bài nhận định “Tiếng Việt đang ... "mở toang"?”... Đúng là như thế, cũng y hệt như ăn cơm nhai nhằm sạn, rất nhiều bài viết trên báo viết, báo hình, báo nghe... trong nước đã bắn phi tiêu liên tục vào thân thể ngôn ngữ Việt. Bài viết trích vài đoạn như sau: “Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế. Càng lúc càng cần mở rộng giao lưu, giao thương...Nhưng không vì thế mà việc dùng tiếng Việt ngày càng dễ dãi, tạp pí lù... Nhiều người phàn nàn rằng Việt Nam mở cửa đã lâu, nhưng một số lĩnh vực mới chỉ... mở hé. Riêng tiếng Việt thì không những đã... mở toang tất cả các cửa, theo quan sát của người viết bài, kể cả các cửa sổ cũng đã tung mở hết cỡ. Gió bốn phương ào vào và...để lại không ít bụi bặm, nhiều rác rưởi nữa... Đọc lướt một số báo được xem là "lớn" để cùng "thưởng thức". Ở đây, người viết bài không tính những bài yếu kém, nội dung nghèo nàn, câu cú cụt lủn hoặc dài loằng ngoằng, vòng vo tam quốc, đọc mãi độc giả mới hiểu. Hoặc câu tối nghĩa, sai văn phạm, sai chính tả; hay chữ nghĩa sử dụng tùy tiện là những hạt sạn không nhỏ thường gặp. Chỉ xin nêu một số hiện tượng mà có lẽ các tác giả thường sử dụng, để thu hút thị hiếu tầm thường. Họ dùng nhiều chữ lạ, thật kêu, bất chấp ý nghĩa của câu chữ. Ví dụ trường hợp dùng chữ siêu. Từ lâu, chữ này được dùng trong một số trường hợp như: Siêu âm, siêu vi trùng, siêu thị, cầu siêu... Bây giờ thì người ta nhào nặn, lai ghép chữ này với đủ thứ trên mặt báo, với những: siêu ảo, siêu hạng, siêu sao, siêu sát thủ...Về tên thuốc thì có: Siêu minh mục hoàn, siêu sinh lực.. Phụ gia thì có: Siêu ngọt, siêu nở... Vẫn tờ báo "lớn" trên: Ai giết siêu nhân? Siêu lừa, Người đàn ông có vòng eo siêu nhỏ, Kỹ thuật thần kỳ của siêu ra đa MONSTRADAMUS, rồi... Siêu khuyển mẫu. Chúng ta đã gặp chữ siêu người mẫu, vậy trong trường hợp này...có thể viết siêu chó mẫu(?). Siêu và khuyển đều là từ Hán- Việt, nếu dùng chữ như nhà báo thì mẫu được hiểu là mẹ, như thế siêu khuyển mẫu là một giống chó, hoặc một con chó mẹ nào đó rất đặc biệt về lĩnh vực đẻ, rất mắn đẻ (mỗi tháng một lần, mỗi lần chục chó con?). Được vậy thì...siêu lợi nhuận, các môn đệ của mộc tồn tha hồ mà... siêu sướng...” Trời ạ... đọc báo gặp kiểu ghép phi-ngữ-học quả y hệt như ăn cơm mà gặp “siêu sạn”... Nhà phân tích Đinh Việt Bình dịp này kêu gọi: “Yêu tiếng Việt, nhưng đừng "mở toang" tiếng Việt đến độ để cả rác rưởi, bụi bặm...tràn vào.” Hỡi những người “nhào nặn lai ghép chữ,” các bạn có nên “siêu đồng ý” hay không? Xin cảnh báo, nếu không giữ tiếng Việt cho trong sáng, các thế hệ trẻ sẽ trở thành những người xa lạ với chúng ta về ngữ học vậy. |