Home Văn Học THƠ Các thi sĩ San Francisco: lễ hội đầu mùa thu

San Francisco: lễ hội đầu mùa thu PDF Print E-mail
Tác Giả: Bùi Văn Phú   
Chúa Nhật, 09 Tháng 11 Năm 2008 12:06

Tháng Mười. Nhiều nơi trong vùng Vịnh San Francisco có tổ chức Oktoberfest là một lễ hội truyền thống của người gốc Đức.

Cuối tuần đầu tháng, gia đình tôi tham dự lễ hội tháng Mười ở một xứ đạo gần nhà. Ở Đức ngày này người dân rủ nhau uống bia, ăn xúc xích. Ở đây bia rượu không được bán nơi công cộng, còn thức ăn mang tính quốc tế: có hot dog, thịt nướng que, nem rán, có nachos, tacos, có xoài, dưa hấu, dứa thơm để hoà đồng với nét văn hoá của cư dân.


*
Sang cuối tuần thứ nhì, chiều lòng đứa con trai thích xem những trò nhào lộn cao tốc, hai bố con tôi đi xem phi cơ chiến đấu Mỹ biểu diễn trên bầu trời thành phố.

San Francisco là thành phố lớn nổi tiếng là tả nhất trong phiá cánh tả. Ở đây có luật lệ bảo vệ dân nhập cư bất hợp pháp. Nhiều năm trước thị trưởng đã cho phép người đồng tính kết hôn dù luật tiểu bang chưa cho. Trên đường phố thường có những cuộc xuống đường chống chiến tranh Iraq ngày nay, và quá khứ trong thời chiến tranh ở Việt Nam cũng thế.

Sinh hoạt chính trường Hoa Kỳ có cánh tả, cánh hữu. Nổi tiếng cực hữu có cố Thượng nghị sĩ Jessie Helms của bang North Carolina. Cực tả có nữ Dân biểu Barbara Lee và Thượng nghị sĩ Barbara Boxer từ vùng Vịnh San Francisco. Bà Lee là dân cử duy nhất trong Quốc hội Hoa Kỳ đã biểu quyết chống lại việc Mỹ đem quân vào Iraq. Hai năm trước hội đồng giáo dục thành phố San Francisco đã có quyết định rút lại chương trình huấn luyện quân sự học đường, như một môn thể thao đã có từ gần một thế kỉ trong học trình để phản đối chính sách “Don’t ask. Don’t tell” – Không hỏi, Không nói - của Bộ Quốc phòng không cho phép quân nhân đồng tính được quyền bày tỏ khuynh hướng tính dục.

Nhưng không phải có khuynh hướng chính trị cánh tả mà thị dân ở đây chống lại quân đội, chống lính Mỹ. Nếu tôi nhớ không nhầm thì khoảng từ mười lăm năm trở lại đây, khi đến tháng Mười thành phố San Francisco đều tổ chức tuần lễ đón chiến hạm, phi cơ quân sự đến biểu diễn gọi là “Fleet Week”.

Vào hậu bán thế kỉ 20, Chiến tranh Lạnh và cuộc chiến ở Việt Nam đã để lại những dấu ấn cho nhân loại. Chiến tranh trên đất nước tôi chấm dứt đã lâu và với hơn ba mươi năm sống ở nước ngoài, nhưng kí ức bom đạn thỉnh thoảng lại hiện về. Tiếng trực thăng vang lên trong đêm thanh vắng của Sài Gòn đã nhiều lần đánh thức tôi dậy. Ở Mỹ, lâu lâu thấy chiếc UH-1 bay trên bầu trời, nghe tiếng chong chóng quật gió lên xuống mà tưởng như đang có cuộc điều binh. Nhưng không. Chiếc máy bay chỉ xà xuống mặt vịnh, múc nước rồi vụt bay đi để chữa cháy rừng, cháy đồi đâu đây.

Nhà cũ ở gần phi trường Tân Sơn Nhất nên tôi cũng thường nghe tiếng gầm vang của oanh tạc cơ cất cánh trong những phi vụ đến một mặt trận nào đó. Sống ở vùng Vịnh San Francisco đã nhiều năm, tôi không nhớ đã có lần nào được nghe tiếng ầm vang của oanh tạc cơ như ngày còn ở quê nhà. Cho đến sau ngày 11.9.2001, thỉnh thoảng trên nền trời xanh ẩn hiện những cặp chim sắt đảo quanh bảo vệ an ninh bầu trời nước Mỹ.


*
Chúng tôi thủng thẳng theo đoàn người thả bộ dọc đường Embarcadero chạy dài hơn cây số từ Ferry Building đến Pier 39 là đoạn đường của khách du lịch.

Trên trời, mở màn cho phần biểu diễn là phi cơ loại nhỏ, thiết kế như mô hình những chiếc máy bay đầu tiên của anh em nhà họ Wright, với lớp cánh đôi nhào lên, chúc xuống, thả khói. Khi khác, một toán bốn oanh tạc cơ gầm vang xé gió bay vài vòng thật thấp qua đầu một du thuyền đỗ bến. Mọi người hướng mắt lên trời, la to: “Wow”. Có lúc hai phi cơ nhả khói làm thành hình trái tim để một chiếc khác như cung tên bắn vào.

Hôm nay vì trời lộng gió nên ban tổ chức đã bỏ phần tầu chiến diễu hành trong vịnh.


Dấu chỉ của kinh tế Mỹ năm 2008? (ảnh Bùi Văn Phú)


Cao điểm của “Fleet Week” là phần biểu diễn của “Blue Angels”, một đội phi hành gồm 6 phản lực cơ, nổi tiếng với những đường bay thấp cực kì chính xác. Những đôi cánh xếp bay gần mặt nước, đối đầu nhau, lật qua, lật lại như trở bàn tay. Có khi xà xuống ngang cây cầu đỏ Golden Gate Bridge. Có lúc toàn đội bay lên cao vút rồi phóng thẳng xuống, toẻ ra khi còn ở cao độ chừng vài trăm bộ. Khách du lịch giơ máy hình lên. Nhắm. Bấm lia chia.

Ngồi cạnh chúng tôi có hai ông bà tuổi đã trên 60. Cụ ông lẫn cụ bà đều mang đồ bịt tai chắn tiếng động lớn. Khi bầu trời yên lặng trở lại ít phút, cụ bà gỡ nút chắn âm thanh khỏi tai rồi hỏi tôi có bao giờ có cơ hội được gặp những chàng phi công đó chưa. Tôi trả lời chưa. Cụ khoe đã gặp họ, dáng người nhỏ con, tuổi như còn “teen”, trông trẻ hơn tuổi thật ngoài đời. Nhìn đứa con trai của tôi, cụ hỏi cháu mai sau có muốn làm phi công không? Con tôi gật đầu. Bà hỏi bố con chúng tôi từ đâu đến, tôi nói từ Berkeley. Rồi bà hỏi thêm từ quốc gia nào, có lẽ vì nghe giọng tiếng Anh lơ lớ của tôi. Tôi trả lời đến từ Việt Nam còn con trai sinh ở Mỹ. Bà cụ buột miệng nói: “You must have seen lots of this during the war”. – Ông chắc đã thấy nhiều thứ như thế trong thời chiến tranh. “Yes”. Đúng thế. Hiện tại bỗng dưng đưa tôi về quá khứ quê hương với những chiến dịch hành quân, Mậu Thân, mùa hè đỏ lửa, với những lần đảo chánh, 30 tháng Tư. Cuộc chiến tranh trên quê hương tôi không chỉ là kí ức của người Việt mà còn của nhiều người Mỹ.


Trông như cứu Berlin thời Chiến tranh Lạnh hay kinh tế Mỹ đang cần phao cứu? (Ảnh Bùi Văn Phú)


Nhìn những oanh tạc cơ nhào lộn trên không tôi mường tượng ra không gian Hà Nội trong muà Giáng sinh 1972 mà tài liệu phim ảnh còn ghi lại. Bầu trời toé lửa đạn phòng không. Không chiến giữa Mig và F4-C.

Đội hình 6 phản lực cơ với tên “Thiên thần mầu Xanh” – Blue Angels - nghe thánh thiện, êm ả thế nào. Nhưng nếu đi vào cuộc chiến, như trong thời chiến tranh ở Việt Nam, đối với người dân Hà Nội thì đó lại là những cơn ác mộng.


*
Hết biểu diễn phi cơ, dù kinh tế Mỹ đang xuống vực, khách du lịch vẫn kéo nhau vào hàng quán ăn pizza, cua luộc, uống bia mừng ngày St. Columbus là lễ hội truyền thống của người gốc Ý.