Home Văn Học THƠ Các thi sĩ Giao Công Tác

Giao Công Tác PDF Print E-mail
Tác Giả: Nhã Nam   
Chúa Nhật, 22 Tháng 3 Năm 2009 02:04

Đây là tiệm bán đồ quân trang, quân dụng đủ loại như: huy hiệu, nón két, dây biểu chương, lon của các loại cấp bậc v.v…cho tất cả các quân, binh chủng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Đã 7 giờ 30 sáng nhưng dường như văn phòng công an phường 24 chưa thực sự mở cửa để làm việc, với hai cánh cửa sắt chi mở hờ vừa đủ cho một người phải lách mình thật khéo mới vào được bên trong.

Tôi ngại ngùng đưa mắt nhìn vào văn phòng qua khe hở của hai cánh cửa sắt, thì một cảnh tượng lờ mờ hiện ra trước mắt tôi: trên bàn những ly nhỏ bằng thủy tinh bẩn, đóng cấy đang nằm lăn lóc trên bàn, bên cạnh là bình trà mà mủi để rót nước đã bị sứt mẻ cùng với điếu cày đã ngã sang màu vàng nhơm nhớp vì lâu ngày không được lau chùi. Tôi định quay bước trở về nhà nhưng lại ngập ngừng và tự nhủ, trước sau gì rồi cũng phải gặp thì về làm gì cho mất công, do đó tôi đã mạnh dạn lên tiếng gọi:

- Có ai ở văn phòng không? Không tiếng trả lời. Tôi nghĩ, chắc mình gọi hơi nhỏ
nên chẳng ai nghe. Lần này tôi gọi lớn tiếng hơn:

- C. . ó. . ó. .a. .i. . i. . . ở văn phòng không? Thì tôi nghe một giọng bắc đang còn trong cơn ngáy ngủ vọng ra từ sau tấm vách bằng gỗ được dùng để ngăn căn phòng khá lớn làm đôi, phần trước làm văn phòng và phần sau làm chỗ ngủ !:

- A. . .i. . . a. . .i. . . ai đấy?

- Dạ tôi.

- Ra làm gì sớm thế?!!

- Dạ ra trình diện.

Sau hai tiếng trình diện bỗng tôi có cảm giác, dường như giọng nói trở nên hơi gắt gỏng:

- Trình diện hả, đứng đấy đợi tôi.

- Dạ.

Chừng 15 phút sau, một người hơi gầy và đen mặc chiếc áo thung trắng bỏ ngoài cùng
với chiếc quần dài màu vàng nhạt, loại vàng bò vàng từ phía trong tiến về phía tôi đưa tay kéo mở rộng hai cánh cửa sắt, rồi vừa hất hàm để ra dấu, vừa nói với tôi:

- Lại đàng ghế đấy ngồi.

Tôi vừa ngồi xuống thì tên công an cũng vừa ngồi xuống ghế đối diện tôi. hắn chẳng cần điếm xỉa gì đến sự hiện diện của tôi, uể oải dẹp những ly, bình trà đang ngổn ngang trên bàn sang một bên, rồi chậm rãi bỏ thuốc lào vào nỏ, bật lửa đốt, bập bập đôi ba tiếng khởi đầu để cho thuốc cháy đều rồi kéo một hơi thật dài cho đến khi không còn hơi để kéo nữa, buông điếu cày xuống, đôi mắt lim dim và nhả từng làn khói, từng làn khói. . . đang từ từ bay lên tầng nhà. Nhìn cảnh tượng này, dù đang ngồi tại văn phòng, tôi cứ ngỡ mình đang ở nhà người nào đó chứ không phải là văn phòng làm việc. Dịp này, tôi có cơ hội để được nhìn rõ hơn người mà tôi sắp bị trình diện.

Hắn hơi gầy. Mặt dài, đen, xanh mét chứng tích của bệnh sốt rét kinh niên. Lại thêm cái cằm nhọn được nâng lên bởi hai lưỡng quyền cao dùng để làm nền đở cho đôi ti hí mắt lương.. Đã thế, cái mủi lại xẹp mà cái mồm lại không chịu nhỏ lại cứ vênh lên với cặp môi thâm sì nhưng vẫn không che cho đôi hàm răng vẩu lớn hơi quá khổ,vàng khè như để khoe cho cuộc sống ăn khoai, sắn độn triền miền để “chống Mỹ cứu nước”!!!

Bộ đội cộng sản được thể hiện qua hình ảnh của tên công an đang ngồi trước mặt tôi: vừa đần lại vừa độn, hay nói khác đi, chẳng có trình độ văn hóa gì cả. Thế mà chúng lại bức tử được Sài gòn trong biến cố 30/4. Nghĩ đến đây, nỗi xót xa bỗng đến với tôi về sự thất thủ Sài gòn! Chúng ta không thua trong chiến trận mà thua chỉ vì thân phận của nước nhược tiểu nằm trong quỷ đạo bị chi phối bởi quyền lợi của các siêu cường….

- Này anh đang nghĩ gì thế?

- Không , tôt có nghỉ gì đâu, đang đợi anh hút xong điếu thuốc lào để trình anh giấy được thả về địa phương sau khi đã học tập cải tạo. Vừa nói, tôi vừa đưa giấy cho hắn cầm. Cầm xong hắn hằn học nói:

- Anh nói sao? Anh được thả về à? Đảng và nhà nước có bắt các anh đâu mà thả về,
chỉ tập trung các anh lại để học tập cho thông suốt đường lối, chủ trương của đảng và nhà nước rồi cho các anh về. Anh thấy chưa, dù các anh là ngụy nhưng đảng vẫn quan tâm đến như thế.

Nghe đến đây, tôi chưởi thầm trong bụng:

- Mẹ kiếp, quan tâm kiểu này không ham, chỉ học tập mười ngày hay một tháng mà
mút chỉ cà tha!

Hắn vừa nhìn vào giấy vừa đứng dậy để đi vào bên trong và hỏi:

- Anh tên là Nguyễn văn Sang

- Dạ phải.. Địa chỉ 40/10, tổ dân phố 1, đường Nguyễn Cảnh Chân.

Khoảng năm phút sau, hắn đi ra cầm trên tay xấp hồ sơ lý lịch của tôi vừa ngồi xuống và hỏi:

- Anh học tập mấy năm?

- Dạ, hai năm.

Hắn há hốc mồm nhìn tôi nói:

- Chỉ hai năm thôi à? Anh là sĩ quan ngành tình báo mà chỉ học có hai năm thôi sao?

Không để cho hắn nói tiếp, tôi ngắt lời:

- Không, tôi không ở trong ngành tình báo bao giờ cả.

- Hồ sơ đành rành thế này mà anh còn chối. Nguyễn văn Sang, sanh năm 1946, sĩ Quan T.B biệt phái ngành giáo dục….Nếu anh không là tình báo thì làm gì có chữ T.B, đích thực là tình báo rồi.

- Không anh, chữ T.B đó là trừ bị, chứ không là tình báo.

Hắn không để tôi nói dứt tiếng” báo”, đã giận dữ và quát tháo vào mặt tôi đến văng cả bọt mép :

- Anh còn lắm mồm cải chày, cải cối hả? Đấy là tôi chưa nói đến “ biệt phái”. Anh được điều về cơ sở giáo dục để làm công tác tình báo cho nên từ cấp chuẩn úy được lên cấp thiếu úy…Quả thực đảng và nhà nước nói không sai, mỹ ngụy bản chất xảo quyệt, cái nết đánh chết cũng không chừa.

Hắn thấy tôi ngồi im lặng không một phản ứng thì cơn giận dường như vơi dần phần nào nên hơi dịu giọng nói:

- Anh nói ngoa với ai thì được nhưng với tôi thì không. Tôi là bộ đội chuyển ngành nên các anh chẳng thể qua mặt được tôi đâu.

Khi hắn nhắc đến hai chữ” bộ đội”, tôi tự nhủ thầm, phải chăng bộ đội các anh được một bà già trầu đã định nghĩa trong buổi họp tổ dân phố tối hôm qua mà tôi phải đi dự.

Bà vừa nhai trầu bỏm bẻm, vừa nói:

- Chú công an khu dzực dzừa hỏi bà con nào biết bộ đội là gì mà tôi hổng thấy ai trả lời cả nên tôi xin xung phong. Tôi nói trước, tôi biết sao nói dzậy trúng trật đừng có trách tôi, cũng đừng buồn tôi.

Để đông viên, tên công an khu vực hăm hở giục:

- Bà Tư cứ nói đi, rồi bà con, cô bác sẽ theo đó mà nói sau.

Sau khi tằng hắng để lấy giọng, bà Tư nói:

- Bộ đội, bộ là đi bộ từ Bắc vào Nam.

Tên công an khu vực hớn hở reo lên:

- Đúng, đúng, đúng. Còn đội là gì bà Tư?

Bà Tư vừa kéo khăn quàng quanh cổ lên để chùi nước trầu đang dính hai bên mép,
vừa nói:

- Đội là đội đồ từ Nam ra Bắc

Tên công an hoảng hốt ngắt lời bà Tư:

- Sao bà Tư nói kỳ vậy?

- Mèm dét ơi, sao chú lại nói tôi nói kỳ? Chú hổng thấy họ dzô đây, cái gì họ cũng rinh về ngoài đó hết trơn hết trọi sao………

……… Ngồi giải thích uyên thuyên để chứng tỏ về sự hiểu biết một chiều như con vẹt của mình, thấy tôi vẫn bất động không nói một lời nào như lúc đầu, hắn tưởng rằng tôi đã đuối lý và phục lắm nhưng hắn có biết đâu, thâm tâm tôi đang tội nghiệp cho hắn, vì hắn chỉ là loại, con ngựa già của chúa Trịnh, không hơn không kém.

Hắn tiếp:

- Tôi biết anh thuộc loại ác ôn, đáng lý phải được học tập lâu hơn nhưng các đồng chí của khung cải tạo cho anh về sớm chắc anh đã được các đồng chí ấy giao công tác khi về địa phương phải không?

Tôi giả vờ như không nghe rõ, bèn hỏi lại:

- Xin anh lập lại cho, anh vừa nói gì vậy?

- Thì giao công tác ấy mà.

Ba tiếng “giao công tác” lần này đã xoáy vào ký ức và đã đưa tôi quay trở về với những ngày trong lao tù cải tạo.

*

Vừa đặt ba lô trong sân cờ của trung tâm T.H Biên Hòa sau khi được xe GMC đưa đến đây để học tập bốn tuần từ sở Học Chánh Biên Hòa. Đang còn hoang mang xen lẫn với lo âu không biết được số phận của mình sẽ đi về đâu! Thì bỗng một bài tay ai đó vỗ nhẹ vào phía sau vai, tôi giật mình quay lại thì chạm mặt với anh thanh niên đội nón tai bèo đang nhìn tôi mỉm cười và nói:

- Thầy.

Tôi trố mắt nhìn anh thanh niên thật kỷ để nhớ lại, cậu học trò nào mà trong tình huống này lại nhận thầy, trò với nhau đây? Tôi cố nhớ nhưng không thể nào nhớ ra được.

- Xin lỗi, anh là ai quả thực tôi không nhớ.

- Thầy quên thật sao? Em là Mẫn đây. Người mà thầy dẫn đi uống cà phê cùng với
bốn người bạn khác trước khi các em lên đường nhập ngũ.

- Á, thì ra em là Mẫn. Em độ này trông khác quá nhất là đội nón tai bèo nên thầy
nhận không ra. Em đang làm gì ở đây?

- Dạ, cán bộ khung.

Kể ra ở đời có những chuyện thực bất ngờ tưởng chừng chẳng bao giờ xảy ra như trường hợp của tôi với cậu học trò tên Mẫn này. Cách đây 2 năm theo lệnh đôn quân, những học sinh nào sanh năm 1957 đang học lớp 11 sẽ được hoãn dịch còn lớp 10 phải lên đường nhập ngũ. Mẫn là một trong năm học sinh rơi vào trường hợp này. Trước khi lên đường, tôi đưa các cậu này ra quán cà phê để tâm sự, quán này trước đây các cậu thường rũ tôi đi để khoe có cô cát sê đẹp nhưng vì bận dạy tư ở Sài Gòn nên không đi được. Sau khi thầy trò trầm trồ về đôi mắt đen, to và mơ mộng cùng với mái tóc huyền của cô cát sê……..Cuối cùng trước khi chia tay, tôi dặn dò: trường đời không như trường học, do đó khi ở quân trường nếu có thấy những điều gì chướng tai, gai mắt thì cứ làm ngơ bằng không sẽ hại cho bản thân đấy….Thế mà giờ đây một trong các cậu ấy là cán bộ khung của tôi.

Đến chào tôi và cậu vội đi và nói:

- Em đi không thôi họ để ý. Đã có em ở đây thầy đừng lo gì cả.

Trong hai tuần lễ đầu ở trung tâm T.H, không ngày nào mà chúng tôi không sống trong tình trạng phập phồng lo lâu. Ngoài phần khai lý lịch hàng ngày, cứ vài ba đêm không biết vì lý do gì, lại có tập họp đột xuất tại phòng ngủ hay ngoài sân cờ. Cứ mỗi lần như vậy phải mang theo tất cả đồ đạt, hành trang của mình để chờ lệnh. Trong mỗi lần tập họp như vậy, họ thường chuyển phòng chúng tôi với nhau từ phòng này sang phòng khác hoặc gọi tên một số người ra khỏi hang và mang đi biệt tăm, biệt dạng…..sau đó cho về phòng trở lại. Đến tuần lễ thứ ba thì vấn đề nơi ăn, chốn ngủ mới thực sự ổn định và chúng tôi bắt đầu bị lên lớp do các giảng viên của ủy ban quân quản Biên Hòa phụ trách. Những lúc không có lớp, chúng tôi đều được giao công tác lao động, riêng tôi được cậu học trò cũ kêu lên văn phòng để phụ làm giấy tờ, sổ sách và nhờ thời gian gần gủi và chuyện trò qua lại này tôi mới vở lẻ, trước đây cậu nằm vùng hoạt động cho cộng sản, vì có học hơn những người khác nên được chọn làm việc tại văn phòng của khung.

Qua đến tuần lễ thứ tư, tất cả chúng tôi, dù không ai bảo ai đều khấp khởi mừng thầm vì ngày về gần kề. Nhưng lạ thay khung cải tạo vẫn im lìm, lặng lẽ không một dấu hiệu gì của ngày về dù hôm nay là ngày thứ sáu. Từ đó nỗi hoang mang lại đến qua những lời bàn tán, đoàn mò của chúng tôi với nhau: họ không muốn làm rườm rà, chỉ cần đến ngày về, thả về là xong; họặc bây giờ mới thứ sáu, chủ nhật mới hết tuần mà. Mặc cho lời xôn xao bàn ra, tán vào cho ngày về nhưng thời gian vẫn lạnh lùng trôi qua mà dấu hiệu của ngày về vẫn biền biệt đã gieo vào lòng chúng tôi nỗi băn khoăn và lo lắng, biết đến ngày nào đây?

Tuần lễ thứ sáu lại đến, do được nghỉ một ngày không lên lớp, các anh em khác được phân công lao động còn tôi lại lên văn phòng để làm giấy tờ như mọi lần. Hai thầy trò cùng ngồi làm với nhau một lúc khá lâu, nhiều lần định hỏi nhưng ngại lại thôi. Cứ mỗi lần như vậy, cậu học trò lại nhìn tôi nhưng không gợi ý như mọi lần để tôi hỏi, điều này làm tôi ngạc nhiên vô cùng.Ngày hôm đó khi quay về phòng, tâm tư tôi rối như tơ vò: không biết chuyện gì sẽ đến với mình? Hay mình đã làm gì ảnh hưởng không tốt cho cậu đây? Hôm sau lên lớp chỉ nửa buổi còn nửa buổi làm lao động. Thay vì như mọi lần gọi tôi lên văn phòng nhưng lần này cậu đích thân xuống tận phòng kêu tôi, rồi hai thầy trò cùng đi về hướng văn phòng.

Hai thầy trò vừa đi vừa nói chuyện nhưng mặt cùng hướng về phía trước không nhìn nhau để tránh sự chú ý của cán bộ khung.

- Hôm qua em biết thầy muốn hỏi nhưng em đã giả lơ đi vì lúc đó có người đang để ý cả thầy lẫn em vì bức thư thầy nhờ em gửi về cho gia đình đã bị ty bưu điện báo cáo về khung, sao chưa có lệnh cho gửi thư, tại sao lại có bức thư lọt ra ngoài? May là trước khi gửi, em đã kiểm qua nội dung nếu không cũng kẹt. Em đã làm kiểm điểm cho việc đó rồi. Hôm qua thầy định hỏi gì?

- Đã sáu tuần rồi sao không thấy dấu hiệu gì ngày về cả?

- Lâu lắm thầy ơi. Mà có về, mỗi đợt chỉ vài, ba người thôi chứ không phải vào bao nhiêu rồi về bấy nhiêu đâu..Thầy tưởng ở đây là thầy đang học cải tạo hả? Không đâu, đây chỉ là thời gian để duyệt xét lý lịch của bản thân qua bản thu hoạch hầu phân loại để từ đó gửi đi các trại cải tạo ở ngoài Bắc, ngoài Trung hay trong Nam….Thầy đã có danh sách đi học cải tạo tại trại S.M Biên hòa và em cũng được điều về đó. Từ đây đến ngày chuyển trại không còn lâu nên em cho thầy biết, họ không căn cứ vào học tập tốt, lao động tốt để cho về sớm mà chỉ căn cứ vào lý lịch và c….Thôi điều này em sẽ nói với thầy sau.

Sau lần nói chuyện đó, tôi đánh hơi chắc cậu này muốn tôi làm gì đó? Và quả thật tôi đã không lầm.

- Thầy nhớ, trước đây em đã cho biết ngày về sẽ tùy vào lý lịch bản thân và còn một điều nữa nhưng lúc đó em không tiện nói.

- Điều gì em cứ nói, liệu làm được thì sẽ nhận.

- Đó là báo cáo mọi việc xảy ra trong phòng.

Thì ra cậu ấy gài tôi làm ăng ten nên đã từ chối khéo:

- Công việc ấy chắc thầy không thể giúp được, vì bản thân vốn là thầy giáo nên không quen la cà với người này, người nọ trò chuyện để dò la. Thôi em đừng buồn nghe.

Tôi không nhận vì lúc ấy chỉ nghĩ, dù trong hoàn cảnh nào đi nữa ở tôi,giấy rách phải giữ lấy lề.……..

*

…- Này anh kia, sao ngồi thừ người ra như thế? Có được giao hay không?

Tôi lại làm ra vẻ ngố hơn nữa như không biết giao công tác là gì, chỉ trả lời một cách ngây ngô không nhằm đâu vào đâu cả:

- Dạ có giao nhưng không biết có đúng ý anh không. Các anh ấy bảo, khi về địa phương phải chấp hành tốt mọi đường lối chủ trương của chính phủ, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của đảng…..

Hắn biết đã hớ khi hỏi tôi câu ấy nên đã trở giọng nói:

- Đúng, ý tôi hỏi được giao công tác là như vậy đấy.

Trước khi cho tôi ra về hắn bảo, tôi bị quản chế một năm nên phải ra công an phường trình diện hàng tuần để báo cáo và phản ánh việc làm của chính bản thân mình và của những người khác trong tổ dân phố.

Bước ra khỏi văn phòng phường công an lòng tôi nhẹ nhỏm như vừa trút được một gánh nặng ngàn cân. Mặt trời đã lên hơi cao. Dù đã giữa thu nhưng cái nóng vẫn còn ngây ngây làm tôi hơi thấm mệt. Cơn mệt mỏi càng nhiều hơn khi những bảng biểu ngữ nền đỏ chữ vàng đang chói chan trong nắng đập vào mắt tôi: không có gì quý hơn độc lập tự do, lao động là vinh quang v.v…À, mà lạ thực! Sao biểu ngữ nhiều quá? Đâu đâu cũng thấy biểu ngữ. Thành phố Sài Gòn bây giờ là thành phố của biểu ngữ đầy giả dối. Sau biểu ngữ, rồi Sài Gòn sẽ trở thành thành phố gì nữa đây? Tôi không dám nghĩ tiếp nữa mà chỉ còn lại nỗi buồn man mác đang vương vấn trong tôi, không biết trong hàng ngũ anh em mình có bao nhiêu người, vì trong cơn vô vọng không biết ngày về đã nhẹ dạ và cả tin để nhận công tác được giao cho cuộc đổi đời cay nghiệt này nhỉ?