Home Văn Học THƠ Các thi sĩ Người Già Đi Học

Người Già Đi Học PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Bình   
Thứ Hai, 09 Tháng 11 Năm 2009 21:54

Trong chuyện cổ dân gian Việt Nam có nhiều câu chuyện và nhiều câu thành ngữ ngạn ngữ răn đời. Trong các câu đó có một câu được nhắc nhở trên cửa miệng những người cao niên (có thể) ai cũng biết “Ông 70 còn học ông 71”. Tại sao vậy? Đám trẻ không hiểu. Ông Tôn giải thích như vầy “Người Việt của mình tin rằng sống đến 70 tuổi là sống thọ lắm, gọi “cổ lai hy”. Đã sống thọ như vậy, kinh nghiệm như vậy mà còn phải học ông 71 tuổi, hà huống chi tuổi trẻ mà không học?”

 

Dường như đám trẻ vẫn chưa hiểu. Chuyện đi học ở Mỹ này quá dễ dàng, trường học lúc nào cũng mở rộng cửa, có những người già đến 85-90 tuổi mà còn đi học là chuyện thường. Con nít lớn lên ở đây không hiểu hết ý của câu ông Tôn nói.

Ông Tôn, một người Việt tại SJ, năm nay ông vừa bước qua sinh nhật thứ 85. Ông khoẻ mạnh, chắc người, tuy nhiên không lái xe. Ông di chuyển bằng xe bus, và cái đáng nói là ông đi học.

-Học làm gì cho nhọc vậy ông? Bạn ông thắc mắc.

-Có gì đâu mà nhọc với mệt. Đến trường ngổi nghe giảng, buổi nào không nghe nổi thì ra về. Học “for fun” mà.

Ông Tôn còn ngâm nga câu “Nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân” Ông nói không học thì không biết, có đi học dù ít dù nhiều đầu óc còn làm việc, còn suy nghĩ tốt hơn là nằm nhà “Nó mụ người ra” Ông nói.

-Anh không biết đó thôi, cái bệnh mau quên là do cái óc không chịu làm việc. Cơ thể còn phải tập thể dục, thì bộ não của chúng ta cũng cần tập thể dục.

Và cách tập thể dục cho bộ não là ông Tôn đi học.

Hôm nay ông dem ra một đề tài “trà dư tửu hậu” sau bữa ăn chiều.

-Các anh có biết dịch chữ prejudice là gì không?

Trong bàn ai cũng ngạc nhiên với câu hỏi của ông. Anh này ngó anh kia, chị này dòm chị nọ. Họ, những người ngồi quanh bàn ăn, bạn của gia đình ông Tôn, ít nhất họ cũng đã qua ngưỡng trung học khi còn trẻ, qua Mỹ lúc tuổi trung niên, họ cố gắng bước lại sân trường và anh nào cũng có mảnh bằng lận lưng làm chiếc “cần câu cơm”.

-Ông nói lại cho nghe.

-Có gì đâu. Các ông dịch chữ prejudice giùm tôi.

-Định kiến. Một ông nói

-Kiến chấp. Một ông khác thêm vô

-Cố chấp…blap…blap… rồi sao?

Ông Tôn cười, nhấp một hớp rượu vang.

-Các ông nói đúng hết.

-Thì sao? Ông muốn nói cái gì thì nói phức ra đi, còn ỡm ờ thấy chán quá.

-Thì trà dư tửu hậu mà. Đừng nóng, lên máu mệt lắm.

Ai cũng cười.

-Chẳng là như vầy, chữ đó thì ai cũng biết hết nhé. Hôm nay tôi có lớp về tâm lý…người ta giảng về cái nguyên nhân đưa đến cái gọi là định kiến, kiến chấp, cố chấp …của các ông nói đó.

-Có gì đâu mà mới đâu. Sách phật, sách kinh, sách giáo dục…đều đã nói qua rồi. Có gì mới đâu?

-Ậy! Ai cũng nghĩ như vậy, nhưng chẳng ai làm được theo những điều mình biết. Tri Hành không hợp nhất đấy ông ạ. Cái định kiến đó nó bắt đầu từ cái ngày chúng ta còn bé tẻo tèo teo. Ban đầu thì “Nhơn chi sơ tánh bản thiện” nhưng qua giáo dục gia đình, xã hội, thói quen…nói chung là tập nhiễm nên chúng ta có cái định kiến đó và cho nó là đương nhiên….biết đó mà không bao giờ cảnh giác…

-Thì sách phật đã nói rồi. Bài đầu tiên là Khổ Tập Diệt Đạo…bị tập nhiễm lâu đời nên trôi lăn trong dòng sanh mệnh và khổ não cứ đeo hoài.

-Ậy! Ông lại lý thuyết nữa rồi. Anh nào đến chùa mà chẳng biết hai ba câu như vậy. Tôi kể các ông nghe chuyện này.

“Thầy Tử Lộ, Tăng Tích, Nhiễm Hữu và Công Tây Hoa, các học trò của Khổng Tử ngồi hầu. Khổng tử nói: “Cho rằng ta có lớn hơn các anh chút ít, nhưng chớ có gò bó với ta mà ngại không nói. Lúc bình thường các anh bảo: “Chẳng ai biết ta”. Nếu có người biết các anh thì các anh lấy tài năng gì ra dùng?”.

Tử Lộ bộp chộp trả lời: “Một nước có ngàn cỗ xe, bị ép giữa hai nước lớn, lại thêm có nạn chiến tranh, nhân đó dân chúng đói khổ; cho tôi mà cai trị nước ấy thì đến 3 năm, có thể khiến cho dân chúng dũng cảm mà lại biết đạo lý nữa”.

Phu tử nghe xong mỉm cười. Rồi lại hỏi: “Cầu, còn anh thì thế nào?”.

Đáp: “Một nước vuông sáu, bảy chục dặm hoặc năm sáu chục dặm, Cầu tôi cai trị nước ấy thì đến 3 năm có thể khiến cho dân chúng đưọc no đủ. Còn về lễ nhạc thì phải đợi bậc quân tử”.

- Xích, còn anh thì thế nào?

Đáp: “Không nói là đã làm được, mà chỉ mong học tập. Trong việc tế tự ở tôn miếu, hay trong hội nghị của các chư hầu, Xích tôi mặc áo lễ, đội mũ lễ, mong làm một viên quan nhỏ phụ giúp việc tế lễ”.

-Điểm, còn anh thì thế nào?

Đang gẫy đàn sắt ngắt quãng, Tăng Tích bỏ đàn xuống, kêu keng một tiếng rồi đứng dậy đáp: “Chí của tôi khác với cách nghĩa của ba anh đó”.

Khổng tử nói: “Có sao đâu? Cũng là ai nấy tỏ chí của mình ra mà thôi”.

Tăng Tích thưa: “Cuối mùa xuân, y phục mùa xuân đã may xong, năm sáu người vừa tuổi đôi mươi với sáu bảy đồng tử dắt nhau đi tắm ở Sông Nghi rồi lên hứng mát ở đàn Vũ Vu, vừa đi vừa hát rồi kẹp nhau về nhà.”

Phu tử bùi ngùi than: “Ta chia sẽ với Điểm vậy”. (Luận Ngữ)

-Ừ, nhưng mà nó ăn nhập gì đến câu chuyện mà ông vừa mới đưa ra đâu?

-Có chớ! Có 4 ông học trò, ông nào cũng bày tỏ cái chí của mình ra. Chỉ có ông Tăng Tích là sống với cái đạo mà thôi. Ông ta không bị cái quá khứ, cái tập nhiễm, cái định kiến dẫn dắt.

-Ông giảng đạo Phật rồi.

-Cũng không hẳn vậy đâu. Đạo nào cũng nói như vậy thôi. Làm gương trước cái đã. Hãy sống trong hiện tại cái đã. Sách luận ngữ có những câu như vầy

Tam thập nhi lập; (三十而立)

Tứ thập nhi bất hoặc; (四十而不惑)

Ngũ thập nhi tri thiên mệnh; (五十而知天命)

Lục thập nhi nhĩ thuận; (六十而耳順)

Thất thập nhi tòng tâm dục bất du củ. (七十而從心欲,不踰矩) (Luận Ngữ)

Tới cái tuổi 60-70 rồi mà không thuận, không thấy, không sống thì làm sao mà gọi là biết.

Một người góp lời:

-Nếu ông tin đạo biết đạo thì “Dưới tay Thượng Đế đỡ nâng, dầu bao khổ nạn vượt lần cũng qua.” “Người tu đạo là người thực hành làm gương. Chúng ta không chỉ thụ động nhận đức tin từ Thượng đế mà thôi. Chúng ta còn cần phải biến đức tin đó thành cụ thể. Người tu có đức tin phải là người gương mẫu trong đời sống tu học, trong cộng đồng. Người tu hành phải là người tích cực, phải làm gương thực hành đức tin, tức là sống đức tin để không chỉ có riêng mình mà càng ngày càng có thêm nhiều người khác cũng tin vào con đưòng giải thoát…”

Trong đạo Phật có kể chuyện La Hầu La con Phật, bảy tuổi xuất gia, còn ham mê chơi giỡn bỏ học ngang ngạnh, ỷ lại Phật độ, mà chẳng cần tu. Lắm kẻ tu hành dung dưỡng danh lợi, nhờ nương tiếng Phật núp bóng Phật mà xem thường, ở trong đạo lại ngó bên đời. Lắm người bên đời lại dễ duôi khinh lờn luật pháp, tưởng chừng như là Tăng tục cũng giống in nhau v.v…..

Trong Kinh Thánh cũng có đề cập đến việc làm gương này trong câu chuyện “Muối và sự sáng”:…Các ngươi là sự sáng của thế gian; một cái thành ở trên núi thì không khi nào bị khuất được, cũng không ai thắp đèn mà để dưới cái thùng, song người ta để trên chưn đèn thì nó soi sáng mọi người trong nhà. Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các người, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời.”(Matthew 5:14-16)

Mỗi người một ý, bàn ăn nhộn hẳn lên và đã đến lúc, ai nói người đó nghe…vì chia làm nhiều khuynh hướng từng cặp, hoặc 3,4 người nói với nhau. Ông Tôn lại đặt vấn đề:

-Này cho tôi có ý kiến nhé. Giả dụ một lúc nào đó có mấy người thanh niên trẻ hỏi chúng ta…Nếu những người đi trước không nêu được tấm gương hy sinh thì chúng con nhắm vô đâu để tạo niềm tin?

Lịch sử là gì? Là những chuyện đã xảy ra…nó sẽ không còn thay đổi được nữa, nhưng người đi sau không nhìn thấy được cái gương của người đi trước thì làm sao tạo được niềm tin? Người nào, sắc dân nào cũng đều có những “định kiến” về dân tộc mình, về quá khứ của mình. Nó là cái mà trong bài học của tôi hôm nay người ta nói “Identifying with One’s Racial Group” . Không có nó thì làm sao có cái “bản sắc dân tộc” được? Nhưng có trong sách chưa đủ…mấy ông mà lạng quạng, nói một đường làm một nẻo thì….không biết kết quả thế nào.

Mấy bà đứng dậy từ từ.

-Thôi cho tui dọn dẹp. Nói thì nói cho vui thôi, chớ khó làm lắm mấy ông ơi. Cho tui xin. Mấy ông già cái đầu-nói xin lỗi-mà thấy gái con mắt còn chớp lia thì đừng nói chuyện gì khác. Đáng ông nội ông ngoại mà còn ham gái…thì đừng nói chuyện gì khác. Gương đó, làm gương đó. Ngày mai mất job thì cháo cũng không có mà ăn, con cái không có quần mà mặc ở đó mà …nói tào lao.

Mấy người bạn ông Tôn nhìn nhau. Cuộc vui kết thúc không có cái hậu ngọt ngào. Thôi từ giả.

Lê Bình