Ông Mỹ Của Tôi |
Tác Giả: Vành Khuyên |
Thứ Bảy, 19 Tháng 12 Năm 2009 20:36 |
Tác giả tên thật là Trần Thị Ngọc Trâm, sinh năm 1965 tại Saigon, thứ nữ một gia đình H.O. Công việc đang làm: nhân viên xã hội tại Salem Oregon. Bài viết của cô là loại truyện tự kể, viết như nói, và là nói thẳng thừng và mạnh mẽ.
Tôi học ngoại ngữ biết nói thì ít, tôi đọc và viết nhiều hơn vì tôi muốn trở thành dịch giả. Nhìn mấy giáo sư dạy tôi lúc đó tôi vô cùng cảm kích. Mỗi tối họ kêu tên tôi lên phát bài viết và khen tôi nhiều lắm vì tiếng Anh tôi viết rất chính xác dù là chỉ hơn các anh chị cùng lớp chút xíu vì tôi có thời gian hơn và các anh chị do làm ăn, bương chải với đời sống mà không có thì giờ học bằng tôi thôi. Ngày ấy tôi rất thích nghe các bài nhạc của Karen Carpenter hay ABBA. Tôi tự hiểu những ngôn từ có ý nghĩa dù rất đơn giản nhưng chứa đựng những hàm ý thật sâu sắc của những bài học cơ bản và đơn giản từ đời sống thay vì những ý nghĩ ý nhị và thâm thúy trong những gì tôi học từ văn hóa Việt nam. Qua Mỹ rồi tôi mới thấy thật ra mình thích ai hay quý ai thì cứ quý và cứ thích. Còn đổi tên hay không là một vấn đề khác. Ngày tôi đậu quốc tịch Mỹ, bà giám thị hỏi tôi đổi tên không, tôi bảo không đổi chắc ăn lắm. Tôi biết người Mỹ họ đọc âm NG không được và họ hay gọi lộn tôi là Ngọc thay vì Trâm nên thôi tôi để họ gọi tôi trẹo miệng chơi cho họ biết tôi chẳng phải người xứ sở này mà từ một quốc gia khác. Thật ra qua tới Mỹ rồi thì tôi thấy thành gì cũng khó chứ đừng nói thành dịch giả mà tôi từng mong. Để cho nhanh 4 năm học, tôi dùng lại tất cả nhừng kiến thức mình có được tại VN để tiếp tục nơi đây, đó là hai năm tiếng Pháp và một năm tiếng Nga. Cái mác biết ba thứ tiếng ngoài tiếng Việt nam chẳng làm tôi khá lên chút nào mà còn làm tôi nói tiếng Anh oằn ẹo đi vì cứ lộn lung tung. Khi nhận ra chính tôi tự làm khổ mình và lựa chọn nào cũng có cái giá phải trả, tôi đành chấp nhận tất cả các công việc từ thầy không ra thầy, thợ không ra thợ để kiếm sống chứ biết làm sao. Sau hai năm tại trường đại học cộng đồng, tôi chuyển lên trường lớn với chút tiền dành dụm mong sao lập nghiệp được trên thành phố lớn này. Nếu có ai cứ lẽo đẽo theo tôi, tôi thường bị bạn bè chọc là họ thích cái body của tôi dù tôi biết họ chỉ đùa vì dân sinh ra vùng nhiệt đới như tôi thì suốt năm tháng khoác cái áo lạnh đủ bốn mùa trong năm đi học thì làm sao họ biết body tôi ra sao. Ngành tôi học là ngành Ngôn Ngữ Học chỉ có mình tôi là sinh viên Việt nam thời gian đó. Nhiều khi lên lớp lẻ loi cùng cực vì không có ai muốn nói chuyện với tôi hay có bắt chuyện thì họ cũng chỉ nói chuyện bài học vài câu rồi cũng chẳng cười xã giao với tôi ngày lên lớp tiếp theo thì bạn bè gì trời. Bạn bè ở Mỹ lúc đó với tôi sao mà khó thế. Chỉ có những người bạn Phillippines và Trung Đông rủ tôi đi ăn phở tại tiệm VN. Chắc họ nghĩ rủ thế tôi dễ đồng ý hơn. Nhưng tôi biết họ đến để du học, nhỡ ra có chuyện gì với họ thì khổ và thế là tôi tránh. Vậy coi như chỗ họ tìm đến mình thì tránh, chỗ mình muốn tìm đến thì người ta tránh. Tôi quyết định chui vào cái vỏ ốc của mình học cho xong xem ra chắc ăn hơn quá. Hồi tôi sống tạm ở một khu phố nghèo nằm vùng SE của thành phố lớn Portland. Thành phố này, khu nào ra khu đó, khi khai ra ở phía nào của thành phố là người ta biết bạn nghèo hay giàu hay thuộc loại nào. Khu tôi ở nghèo nhất và tập trung dân African American là đa số và phần trăm tệ nạn xã hội nhiều nhất ở đây. Là sinh viên nghèo, nếu bạn đã ở Việt nam thì sự thật bạn sợ không có chỗ sống hơn là sợ thiếu an ninh. Cứ đi về tới nhà chạy cái ù lên cầu thang mở cửa vào nhà ai dám làm gì mình. Thằng trộm nghèo nhất chắc cũng chẳng nỡ đợi tôi những ngày mưa bão vẫn phải đi làm, đi học tới tối mới về để chẳng lấy được đồng nào vì có đồng nào đã vào tiền nhà, tiền McDonald và sách vở cả rồi. Tôi không hề và không có thành kiến với bất cứ chủng tộc nào cả. Ai chưa làm gì mình thì coi như vẫn là tờ giấy trắng. Tôi chào tất cả mọi người tôi gặp ngay chỗ ở nhưng họ không bao giờ cười lại làm tôi cũng không dám cười lần nào nữa. Do vậy mà xa lạ hoàn xa lạ, chuyện trò xã giao được lúc nào đâu. Xa lạ thì thôi tôi cũng chẳng có vấn đề gì nhưng cái cô da màu ở ngay dưới lầu nhà tôi hễ có nhà là mở nhạc rất lớn, lớn tới độ tôi nghe nhức cả đầu. Tôi xuống dưới lầu bấm chuông gọi xin cô vặn nhỏ lại mà nhạc lớn quá cũng chẳng ai thèm ra mở cửa. Bực qúa, tôi lấy cái chổi giọng rầm rầm xuống nền cũng chả ăn thua. Đành trùm mền đi ngủ chứ học hành gì nữa. Những ngày kế đó tôi tới trường học đến khuya mới về, lại nguy hiểm thêm một chỗ nữa khi rời trường ra chỗ lấy xe. Chọn đàng nào cũng chết, may mà tôi cũng ra trường. Khi tôi và chồng mua được căn nhà tại thành phố Salem cũng phải trần ai. Kế nhà tôi là đôi vợ chồng Luật sư người Spanish, vợ nội trợ người Mỹ. Cả đời tôi tôi tránh xa luật sư và bác sĩ không chơi. Bạn bè ai không hiểu nói tôi chảnh vì thứ tôi ai thèm chơi mà không chơi với người ta. Nhưng nghĩ mà coi, khi bạn đến bác sĩ là bạn bịnh, còn tới luật sư là có vấn đề về luật pháp, kiện tụng. Ai dám chơi. Mà thật sự cũng phải cố gắng lắm họ mới đạt tới công việc đó, tôi có chào họ mà họ làm lơ thì có chơi cũng không làm sao chơi được thì tôi đúng là không phải chỗ bị trách. Sau đó đôi vợ chồng người luật sư này bán nhà cho người hàng xóm độc thân của tôi hiện giờ đây. Người hàng xóm này phải nói là hay, đi làm về vô nhà ở luôn tới tối, mai ra cửa là tới giờ đi làm. Cỡ Valentine Day hay Christmas này nọ thì có quà và đồ treo trước cửa. Vợ chồng tôi ngỏ ý làm mai cho ông với bạn bè tụi tôi mấy lần mà ông cứ nói có bạn gái rồi. Có lẽ ông không muốn nói nhiều hơn về những điều không thể nói. Vợ chồng tôi không hề biết ông làm nghề gì, hẳn là lao động chân tay thôi vì ít thấy ông bảnh bao như dân văn phòng. Làm gì chung như hàng rào, cửa vô sân sau thì ông cũng bàn với chồng tôi và sau đó không bao giờ chịu chia đôi chi phí. Ông làm vợ chồng tôi rất ngại vì cứ thiếu nợ kiểu này lấy gì trả. Ông bảo mua cho ông nước pop như coke này nọ được rồi cho vợ chồng tôi đỡ ngại chứ chúng tôi hiểu chẳng thấm vào đâu so với cái công và tấm lòng của ông. Mỗi ngày đổ rác xong, chồng tôi mà về trước thì cất thùng rác dùm ông, ông về trước cũng làm như vậy. Ông kể tôi nghe ông làm điều đó như là niềm vui báo cho chúng tôi ông vẫn ok và khoẻ mạnh. Hai ba tuần liền, tuần nào chúng tôi về trễ mà không thấy thùng rác được cất trước là lo cho ông lắm. Tôi tránh tất cả mọi người, nói tránh chứ thật sự là tôi sợ. Tôi sợ ai nhắc lại những gì tôi từng có và muốn chia xẻ. Cứ để nó tự qua vậy mà hay. Tôi không ca gì ông hàng xóm. Có lẽ ông cũng có mặt nào xấu chứ không phải không nhưng mỗi con người là một thế giới, không trao đổi, không trò chuyện thì có thấy cả thế giới trước mặt cũng như là chưa thấy và chưa hiểu gì. Chúng tôi chỉ là hàng xóm thì hiểu thêm được chút nào cám ơn đời sống lúc đó đã mở mắt cho mình thôi. Mà tôi thích nhất cái tính nói thẳng của ông. Nhiều khi thẳng quá khiến tôi bất ngờ nhưng trời ơi còn hơn là không nói. Ông bảo tôi nói tiếng Anh ông còn không hiểu sao tôi làm việc với người Mỹ được. Tôi khựng một hồi chưa biết ông nói với ý gì. Xong tôi giải thích với ông thế này. Thưa ông, ai cũng hiểu tôi hết á vì họ chọn họ phải hiểu. Còn họ mới nghe tôi nói mới có một câu mà đã nói tôi nói khó nghe và tôi nói gì không hiểu là tại họ không muốn hiểu và chọn không hiểu nữa như ông vậy chứ tôi cũng nói những chữ, những ý thường ngày thôi, tôi đâu phải dân biểu để mua lòng, màu mè chữ nghĩa chi. Ông cười ha hả trước mặt tôi. Ông đùa hay không tôi không cần biết nhưng ít nhiều gì tôi cũng giúp ông hiểu đời sống người nhập cư không phải dễ và mỗi khó khăn đã vượt qua với họ là thành tích mà nếu không hỏi, bất cứ người bản xứ nào cũng không thể hiểu và biết được điều đó có tồn tại trong cuộc đời. Thật ra tôi mắc mưu ông hàng xóm khi ông ghẹo tôi mà hỏi vậy thôi. Tôi biết tôi có nói ra ba câu mà ông hiểu được hai câu là tôi thuộc loại xuất sắc lắm rồi. Ở chung một nhà chưa chắc nói ba câu hiểu hết ba câu chứ đừng nói tới làm hàng xóm. Vậy là từ những buổi trò chuyện không đâu như vậy tôi học thêm một bài học nữa là không mong đợi bất cứ điều gì từ người quen. Hễ có thì tốt, không có thì mình cũng không chết cho nó đỡ mệt. Một sáng quá lạnh, bình điện xe của tôi chết. Lúc đó đã hơn 9h mà 11h tôi phải đưa hai con đi học võ. Tôi qua nhà gọi ông hàng xóm qua giúp. Gọi mãi chẳng thấy ai, tôi hơi hốt hoảng. Trở về nhà tôi lại đề máy tiếp và hy vọng nó nổ cũng không hoàn không. Tôi trở qua thì đã thấy ông hàng xóm đang cầm bình thử điện đi tới. Ông giải thích cho tôi từng việc làm một dù những gì ông nói tôi hiểu tôi chết liền. Đúng là đàn bà chỉ biết leo lên xe chạy. Sau khi biết chắc là hư bình điện, ông bảo tôi đi mua. Tôi bảo con tôi chưa ăn xong tôi chưa đi được và nhờ ông đi. Ông bảo để ông coi chúng nó và giục nó ăn nhanh tôi cứ đi đi cho biết là công việc không khó như tôi nghĩ. Tôi ghẹo ông, ông quá tốt. Nếu cho tôi vote tôi vote ông lên thiên đàng. Ông hàng xóm cắc cớ hỏi tôi, thế tôi đi đâu. Tôi bảo tôi không mind xuống địa ngục. Ông hỏi tại sao tôi bảo cả đời tôi đi sửa và cắc cớ những người hách dịch, thấy có chút quyền lực hà hiếp người khác thì tôi nghĩ tôi chẳng đi đâu được ngoài địa ngục. Tôi chọc ông vậy thôi chứ tôi thờ cúng ông bà, chết rồi tôi đi về đâu còn ý nghĩa gì nữa. Tôi không quan tâm. Ông Mỹ của tôi, cũng như bao nhiêu những người bản xứ mà tôi tiếp cận và vô cùng cảm ơn tấm lòng rất con người của họ, muốn người khác đứng được bằng chính đôi chân của họ, thay vì cứ dựa dẫm vào ai đó dù họ có là một người phụ nữ đi nữa.
|