Không ai biết chú Hai tên thật là gì và cũng không ai nhớ là gia đình chú Hai đến đây lập nghiệp từ lúc nào, người ta chỉ biết rằng xe phở của chú được đặt dưới gốc cây me già, trên con lộ đi đến ga xe lửa Hòa Hưng từ lâu lắm; lâu đến nỗi nếu có ngày nào chú Hai vắng mặt, thì mọi người quanh đấy đều nhận biết là ở gốc cây me thiếu vắng xe phở của chú Hai. Phở chú Hai nấu rất ngon, giá lại tương đối rẻ nên chú có rất nhiều khách. Khách của chú thì đủ mọi thành phần trong giới bình dân. Từ các bạn hàng lên xuống ga xe lửa, bạn hàng buôn bán ở chợ Nhỏ, một cái chợ do dân địa phương họp lại chỉ cách nhà ga vài trăm thước, đến các bác xe xích lô, xe ba bánh, đôi khi, có cả các cô cậu học sinh nếu hôm nào may mắn trong túi có rủng rỉnh chút tiền còm. Xe phở của chú Hai luôn bán hết trước bạn hàng và thường dọn về sớm hơn gánh chè đậu của chị Năm, mâm hột vịt lộn của cô Bé Sáu và nồi cháo vịt của bà Mười. Chính chú Hai cũng không nhớ rõ vì sao chú có nghề nấu phở. Chú chỉ nhớ rằng chín năm trong lính, chú làm chức trưởng ban hỏa đầu vụ và chưa hề ra trận. Nhưng không phải vì thế mà chú không thăng quan tiến chức. Chú vẫn cho rằng chú có cung quan lộc tốt nên từ binh bét, chú trở thành Thày Đội. Có người còn gọi chú là Thày Đội Bếp vì chú giữ chân nấu ăn trong đơn vị. Tuy chỉ là Thày Đội Bếp nhưng chú đã qua mặt đàn anh mà cưới được thím Hai, một cô thôn nữ xinh đẹp đảm đang nhất làng và là con gái của ông Hương ở Cù Lao Phố, Biên Hòa.Đối với chú Hai, chín năm lính đó là quãng thời gian đáng ghi nhớ và là một sự nghiệp đáng kể trong đời, do đó những lúc nhàn rỗi chú thường kể lại cho vợ con hoặc người quen nghe một cách vô cùng thích thú. Sau ngày trận Điện Biên kết thúc, hiệp định Geneve chia đôi đất nước. Nhiều ngàn người di cư vào Nam tìm tự do. Chú Hai giải ngũ và đem vợ con lưu lạc từ chợ Đồn lên Thủ Đức, Saigon và cuối cùng chọn Cống Bà Xếp làm nơi cư ngụ. Trong khoảng thời gian đó, nghề nấu phở của chú ra đời. Mới đầu, xe phở của chú là một gánh phở. Một bên là thùng nước lèo lúc nào cũng được giữ nóng bằng những cục than đá, còn một bên là cái khung gỗ hình chữ nhựt dựng đứng trên bốn chân, được chia ra làm ba ngăn. Ngăn trên cùng là một rổ bánh phở trắng tươi, được phủ bằng một miếng vải trắng mỏng sạch sẽ để ngừa bụi, bên cạnh những sợi bánh phở mềm mại là cái rổ nhỏ đựng đầy chanh ớt hành ngò và rau thơm. Ngăn thứ nhì đựng tô, chén. Những chiếc tô được úp thứ tự gọn gàng bên nhau. Ngăn thứ ba và cũng là ngăn cuối cùng là một chiếc thau nhôm chứa nước để rửa chén. Một chiếc khăn lau chén trắng ngã màu ngà được chú Hai vắt ngang một đầu đòn gánh. Cứ độ hai giờ chiều là chú Hai bắt đầu gánh gánh phở của chú đến nhà ga. Chú đặt gánh xuống dưới gốc cây me, lấy thêm vài cục than đá cho vào lò rồi đến tiệm giặt ủi kế bên lấy vài cái ghế xếp và một chiếc bàn con mà chú gởi ở đó mỗi ngày ra kê gọn gàng ngay dưới gốc me chờ khách. Chú vừa làm những công việc này vừa vui vẻ chào hỏi bạn hàng. Rồi từ gánh phở, khấm khá chú mua lại được cái xe phở cũ. Từ ngày có xe phở, chú Hai nhàn hơn một chút, vì sau khi nấu nướng chuẩn bị xong, chú chỉ phải nhẹ nhàng đẩy xe ra chỗ bán chứ không còn phải gánh nặng như xưa. Nhờ xe phở và sự tằn tiện vén khéo của thím Hai, gia đình chú có một cuộc sống tương đối dễ chịu. Ba người con của chú, Phú, lớn nhất, mười tám tuổi. Phú vừa đậu xong toàn phần Tú Tài và đang định nộp đơn vào đại học. Kế là Đức, thua anh tới 8, tuổi, đang học lớp nhứt và sau chót là Chi, ba tuổi. Gia đình chú Hai sống rất hạnh phúc. Chú là người chồng, người cha tốt. Thím là người vợ đảm, mẹ hiền. Hằng ngày thím chăm sóc gia đình con cái chu đáo và phụ với chú lo cho gánh phở thêm phần tươm tất. Con cái chú rất chăm ngoan, hiếu thảo và lễ độ. Chưa ai nghe thấy vợ chồng chú to tiếng bao giờ, vì thế, hàng xóm láng giềng ai cũng mến gia đình chú và có người còn lấy gia đình chú ra làm hình ảnh dạy bảo con cái họ. Chiến tranh từ từ lan rộng. Từ những trận đánh du kích lẻ tẻ ở các vùng hẻo lánh, Việt cộng tăng địa bàn hoạt động lên cấp tấn công vào các đồn bót, đắp mô, phá cầu, đặt mìn ám sát, pháo kích và khủng bố ở các tỉnh, các thành phố và mục tiêu chót vẫn là Sài Gòn. Phú cảm thấy mình không thể ngồi yên trên ghế nhà trường để nhìn mảnh đất thân yêu đang bị cày nát bằng bom đạn ngoại bang và những cái chết thương đau của đồng loại như một người ngoại cuộc. Ngần ngại mãi, một hôm sau bữa cơm chiều, Phú nhìn cha mẹ nói thật vội vàng: - Ba má à, con muốn xin phép a má cho con được nghỉ học. Chú Hai nhìn Phú ngạc nhiên: - Tại sao ? - Con muốn đăng lính - Đăng lính? - Thím Hai thảng thốt hỏi - Dạ , con muốn được góp sức mình trong việc bảo vệ quê hương. Ba má thấy đó, lúc này ở đâu cũng lộn xộn. Con không thể ngồi yên học hành được. Xin ba má cho phép con.... Thím Hai không muốn con đi, thút thít khóc can ngăn nhưng chú Hai sau một lúc im lặng thì đồng ý. Chú chợt nhìn thấy hình ảnh mình những ngày còn trẻ qua con chú. Ừ, Con chú thì phải giống chú chứ. Chú đã chẳng từng hãnh diện về những năm trong quân ngũ của chú là gì... Sau thời gian quân trường thao luyện, Phú trông khác hẳn đi. Da chàng đen và người chàng vạm vỡ khoẻ mạnh. Chàng về thăm nhà với cấp bậc Chuẩn úy làm chú thím Hai cảm thấy hãnh diện vô cùng. Chi thấy anh Phú lạ hẳn đi, cô thích lấy tay sờ vào bộ quân phục ủi thẳng nếp, cái alpha trên cầu vai và đôi giày bóng loáng của anh. Phú lấy chiếc mũ của mình đội lên đầu Chi làm cô bé cười thích thú. Đức cũng quấn quít bên anh. Trong mười ngày về phép của chàng, Lan, cô hàng xóm xinh xắn tuổi vừa tròn trăng thích đến chơi với Chi hơn và lại hay đem bài vở sang nhờ Phú chỉ giùm. Sau những ngày phép vui vẻ Phú đi trình diện ở một đơn vị tác chiến vùng Long Khánh. Khi Chi được sáu tuổi thì thím Hai mang thai đứa con thứ tư. Chiến tranh ngày càng sôi động và sôi động mãnh liệt. Chú Hai vừa nấu phở vừa ngồi cạnh chiếc radio với nét mặt ưu tư. Thím Hai ngồi lặt mớ rau thơm, thỉnh thoảng lại nhìn chồng. Từ ngày Phú đi lính, thím Hai mới để ý đến tin chiến sư, mặc dầu thím chẳng hiểu gì nhiều. Thím thường hỏi chồng và chú Hai thường kể lại cho vợ nghe về tin tức của các trận đánh mà chú đã nghe được từ chiếc máy thâu thanh. Nhưng chú Hai không muốn vợ qúa lo lắng, nhất là lúc thím thai nghén nên đôi khi chú chỉ trả lời sơ qua và luôn tìm cách trấn an: - Má thằng Phú đừng lo lắng qúa. Gia đình mình ăn hiền, ở lành. Thằng Phú có Ông Bà phò hộ. Không sao đâu! Mỗi lần được nghe chồng nói thế, lòng thím được nhẹ đi. Thím lại nhìn chồng lần nữa như để thêm tin tưởng vào câu nói ” Không sao đâu!” của chú. Tình hình càng ngày càng căng thẳng. Những trận đánh xáp lá cà diễn ra nhiều nơi trên lãnh thổ. Rồi những lớp người di tản từ miền Trung vào, từ Hậu Giang lên, từ Cao nguyên xuống và từ Tây Ninh về làm chú thím Hai càng thêm bối rối. Những tiếng súng đại bác vọng về làm rung chuyển thành phố, những đoàn xe nhà binh chạy rầm rầm vội vã khắp nơi nhất là trên đường Lê Văn Duyệt, trục lộ chính nối liền Saigon Tây Ninh làm nỗi lo lắng của chú thím Hai càng tăng. Đã sáu bảy tuần liền, chú thím Hai không nhận được tin tức gì của Phú. Cuộc tấn công vào tỉnh lỵ Long Khánh càng làm những nếp nhăn hiện rõ hơn trên mặt chú Hai. Chú trở nên trầm lặng còn thím Hai thì cảm thấy tim mình nhói đau mỗi khi nghe tiếng đại bác vọng về. Vào khoảng giữa tháng Tư, một người bạn trong đơn vị Phú ghé qua cho chú thím Hai biết tin là trong trận đánh ở Long Khánh, Phú được ghi là mất tích. Được tin, trời đất như tối sầm lại và thím Hai té xuống mép giường. Những ngày sau đó thím Hai chỉ còn biết khóc. Chú Hai thì hết ngồi cạnh chiếc radio lại ngóng nhìn ra đầu xóm và càng thêm trầm lặng. Đôi lúc, thím Hai muốn tìm nơi chồng một lời an ủi nhưng thím biết rõ là chú Hai cũng đau khổ không thua gì thím nên thím không dám làm chú bối rối thêm. Chú Hai ăn không ngon, ngủ không yên nhưng chú vẫn phải tỏ ra bình tĩnh trước mặt thím Hai và luôn nhắc nhở thím giữ gìn sức khoẻ cho bào thai vì càng ngày, thím Hai càng xanh xao, yếu đuối. Những phần đất quanh Saigon thu hẹp lại một cách vội vàng. Trong khi những chiếc máy bay chở các ông bà lớn và gia đình họ di tản, những chiếc trực thăng bốc lính Mỹ từ các cao ốc trong thành phố để chở ra những hạm đội chờ sẵn ngoài khơi, những người dân khốn khổ chen lấn lên nhau ở bến Bạch Đằng để tìm một chỗ đứng trên chiếc tàu của Hải Quân thì gia đình chú Hai chỉ còn biết nhìn nhau tuyệt vọng. Trưa ngày 30/4 khi lệnh buông súng đầu hàng của Dương Văn Minh từ máy phát thanh vang lên thì chú Hai bật khóc. Hôm đó, dù nồi phở đã nấu xong nhưng chú không đi bán mà gọi hàng xóm tới lấy ăn. Phần bị chấn động mạnh bởi sự đầu hàng của phe Quốc gia và những biến động chung quanh, phần lo cho Phú. Ngồi trong nhà sốt ruột, chú Hai chạy ra đường thì thấy những cảnh chết chóc kinh hoàng rải rác khắp nơi. Tiếng súng đại bác đã im nhưng những tiếng súng nhỏ thỉnh thoảng vẫn còn. Ngược xuôi, những người dân gương mặt đau buồn thiểu não. Cả ngàn người qua lại nhưng hiếm hoi thấy trên mặt ai có được nụ cười. Ngay cả những con người mệnh danh là giải phóng, nét mặt họ không buồn thảm nhưng cũng không thể bảo là vui. Vẻ mặt họ ngờ nghệch và nhiều người theo chú, còn rất trẻ. Đi xa hơn về phía ngã sáu, chú thấy vài xe nhà binh của chế độ cũ do các cán binh cộng sản lái, chở những xác chết nằm chồng lên nhau từ Quân Vụ Thị Trấn đi ra. Họ còn mặc nguyên quân phục Chiến Sĩ Cộng Hoà nhưng không đi giàỵ Vớ cũng bị lột để lộ những bàn chân trần xanh xao. Chú hết sức đau lòng vì biết đó là những thi thể của những người lính đã chiến đấu đến giờ phút chót. Họ đã thể hiện tinh thần Tổ Quốc và Trách Nhiệm. Họ đã không thể chấp nhận được sự đầu hàng nhục nhã nên đã chọn cái chết âm thầm dầu không tên không tuổi. Chú Hai lại nghĩ đến Phú. Tuy thán phục những anh hùng vị quốc vong thân nhưng chú cầu xin Phú đừng làm như vậy. Chú nghĩ, chết là hết, cho dù cái chết có oai hùng. Phải sống. Phải sống vì Phú còn qúa trẻ Sống để đòi lại những gì mình mất... Khi chú về đến nhà thì thấy thím Hai đang khóc. Nhưng thím khóc là vì lo cho Phú chứ nào thím có hiểu gì về thời cuộc. Với thím, chế độ nào thì thím cũng chỉ là người dân hiền lành chất phác. Không tranh dành danh lợi. Không có đầu óc chính trị, chính em thì thím nghĩ rằng sẽ chẳng ai phiền hà gì đến thím. Thế nhưng chỉ mới vài ngày sau, khi thím đang ngồi lặt rổ rau thơm cho nồi phở thì bỗng đâu có một người cán bộ theo sau hai người thanh niên mặc đồ bà ba đen, cổ khoác khăn rằn xông xáo bước vào nhà thím. Vừa đến cửa, một trong hai người thanh niên nói với người cán bộ: - Thưa đồng chí chính trị nhà này là nhà sĩ quan ngụy đây. Nó có con đi lính phản cách mạng. Tuy trang phục có khác nhưng thím Hai nhận ra ngay hai người thanh niên ấy là Tư Đen và Tường Thẹo ở xóm ngoài. Thím Hai chợt hoang mang vì thím biết rõ hai người này mới ít tuần trước đây còn bị bắt vì tội ăn cướp xe Honda ở đường Nguyễn Thông Nối Dài. Họ nổi tiếng là tay anh chị và vào tù ra khám như cơm bữa, thế mà hôm nay họ đã là những người làm cách mạng. Thím Hai yên lặng nhìn họ chưa biết nói gì thì may cho thím qúa, chú Hai bỏ nồi nước lèo từ bếp chạy lên. Người chính trị viên tự động ngồi xuống chiếc ghế đẩu và phác họa một cử chỉ cho chú Hai cũng ngồi. Xong, hắn cố nặn ra một nụ cười gượng gạo mà hắn cho là niềm nở nhất: - Chúng tôi được lệnh đồng chí trưởng ban Thành uỷ Thành phố đến đây để thăm viếng và làm việc với những gia đình có thân nhân là sĩ quan của chế độ cũ. Vậy chú biết gì thì cứ khai cho chúng tôi biết nhá. Đừng sợ hãi gì cả . Đảng và nhà nước ta bao giờ cũng nhân đạo và khoan hồng cho tất cả những người biết thật lòng hối cải. Thế anh Phú đóng lính ở đâu? - Thưa, cháu nó ở Long Khánh. Chú Hai e ngại trả lời. Anh ta mở cái túi vải xách theo, lấy ra một cuốn sổ tay, một cây bút nguyên tử vừa ghi chép, vừa chậm rãi : - Thế à? Long Khánh thì gay lắm đấỵ Cấp bậc gì? Trung úy phải không? - Thưa, không, cháu nó vừa mới lên Thiếu úỵ - Đường lối cách mạng rất là sáng suốt, chú phải khai báo cho thành thật thì con chú mới được khoan hồng - Dạ Dù lo ngại cho con nhưng bản tính chú Hai rất thành thật nên chú biết gì nói nấỵ Người chính trị viên ghi chép rồi bảo chú thím rằng khi nào Phú về thì bảo Phú đến ngay Ủy Ban Nhân Dân Phường trình diện. Trước khi ra về, Tư Đen vênh váo: - Đồ ngụy quân ngụy quyền phản động. Phen này xem thằng Phú còn đẹp trai, học giỏi nưã không. ********* Bị thương ở cánh tay và đùi, Phú bị loại ra khỏi vòng chiến và mất liên lạc với đơn vị gốc. May được người bạn cùng đơn vị cõng ra trạm cứu thương lưu động ngoài thị xã và để chàng lại đó. Việt cộng đánh rát quá, trạm cứu thương hình như đã đã di tản và không có người trực. Những vết thương đã xưng tấy lên. Vừa mất máu, vừa khát nước, Phú lên cơn sốt và ở trong trạng thái nửa mê, nửa tỉnh. Những khi tỉnh, Phú thấy dân chúng chạy qua chỗ Phú nằm. Ai cũng hốt hoảng lo sợ nên không ai có thì giờ hỏi han hay giúp đỡ gì được Phú. Có một vài người dừng lại nhìn Phú một giây, ngập ngừng, ái ngại, lắc đầu rồi vội vã bỏ đi. Chàng đành nằm chờ sự rủi may của định mệnh. Mặt trời ngả về Tây. Nắng bớt gay gắt và người ta vẫn ùn ùn kéo nhau xuôi ngược. Một chiếc xe lam chở gia đình chạy chậm trước lều. Nhìn vào, thấy Phú quần áo bê bết máu, người tài xế ngần ngại một chút rồi ngừng hẳn xe lại. Ông xuống xe, gọi đứa con trai phụ ông khiêng Phú đặt vào lòng xe với hai đứa con nhỏ và người vợ. Người vợ nhìn Phú ái ngại, bà lấy trong túi vải một một bộ quần áo của chồng đưa cho Phú: - Thiếu Úy thay bộ đồ này đi chứ lúc này ăn mặc thế tôi nghĩ rằng không có lợi. Nếu có ai chặn xe lại hỏi thì Thiếu úy nói là em nhà tôi chứ đừng nhận mình là sĩ quan nhé. Tên nhà tôi là Hùng. Còn tôi gọi chú là chú Năm. Nhớ nhé. Mạnh này, con phụ ông ấy với. Người con trai hồi nãy khiêng Phú lên xe lặng lẽ giúp Phú thay quần áo. Dù gượng nhẹ đến mấy Phú cũng lịm ngất người đi bởi những cử động va chạm đến vết thương. Người vợ móc trong túi quần Phú lấy cái ví đựng giấy tờ ra đưa cho chàng rồi vung tay ném bộ quân phục dính đầy máu ra ngoài xe mà chẳng chờ đợi ý kiến gì của Phú. Trong trạng thái mê mê, tỉnh tỉnh, chàng không hiểu đó là thực hay mơ. Thấy môi Phú khô và mặt Phú đỏ bừng vì sốt. Bà mẹ bảo đứa con trai lấy bình nước ra và bà cho Phú uống từng muỗng nhỏ. Nước sóng sánh tràn ướt cổ Phú khi xe lắc mạnh. Được miếng nước, Phú thấy dễ chịu, cố nhướng mắt nhìn người đàn bà và nói lơì cảm ơn. Nhưng môi chàng mấp máy không ra tiếng và mắt thì chỉ thấy những hình tròn lố nhố, lắc lư và chàng lại thiếp đi. Người đàn bà nhìn Phú khẽ lắc đầu trong khi những đứa con nhỏ của bà nhìn Phú vừa sợ hãi, vừa tội nghiệp. Chiếc xe lam vẫn đi rất chậm. Thỉnh thoảng lại phải ngừng hẳn lại nhường chỗ cho xe nhà binh, nhường chỗ cho đoàn người đi bộ đôi khi, tràn cả ra ngoài đường cái. Cứ thế, chiếc xe lam len lỏi bên đám người chạy loạn. Có một lúc tỉnh lại, Phú nghe tiếng đạn rít chung quanh. Tiếng đại bác vang lên ầm ã. Tiếng trẻ con khóc, tiếng người gọi nhau hoà lẫn tiếng động cơ của đủ loại xe tạo thành một thứ âm thanh kinh hoàng, hỗn loạn. Phú cũng mơ hồ nhìn thấy mấy đứa con nhỏ của người chủ xe lam lấy tay bưng mặt không dám nhìn những xác chết nằm co quắp ở dọc đường. Xe đi đến Hố Nai thì bánh xe bị bể. Phú nghe người chồng nói với vợ là không thể đi tiếp được. Họ bàn với nhau là ghé vào tạm trú nhà người bà con gần đó rồi mai sáng tính sau. Người vợ và đứa con trai lớn xuống đẩy xe phụ với người chồng. Đi được một quãng không xa lắm thì người chồng bảo không đi được nữa vì phía trước có một đám người chận đường. Họ đốt phá, đánh đập cướp bóc....chẳng ai biết họ là ai. Và lúc này thì cũng chẳng ai còn có đủ thì giờ để tìm hiểu họ là ai. Hai vợ chồng người chủ xe nhìn nhau lo lắng, sau đó, người chồng quyết định: - Bỏ xe lại. Mỗi người cầm theo một gói quần áo mà đi. Mình dắt hai đứa nhỏ. Mạnh, phụ với ba, dìu Thiếu úỵ Người vợ đứng tần ngần nhìn chiếc xe đoạn bước theo chồng, kín đáo chùi nước mắt. Người chồng đi chậm lại nói bên tai vợ : - Thôi, mình đừng khóc. Mình khóc làm tôi rối ruột thêm thôi. Còn người, còn của. Mình ăn ở hiền lành, Trời sẽ giúp mình! Trời tối đen. Đường đất gồ ghề. Thỉnh thoảng, người chồng và Phú phải chựng lại vì Phú. Chân Phú bây giờ xưng to, không cử động được và anh lại đang lên cơn sốt. Nhờ bỏ quốc lộ chính để đi vào những con đường đất từ xóm này luồn đến xóm khác nên họ tránh được sự chận xét. Đi độ hơn nửa giờ thì họ đến được nhà người quen. Vùng này là nơi lập nghiệp của người Bắc di cư. Đã biết cộng sản là gì nên trong trường hợp như thế này họ rất đoàn kết và gan dạ. Hơn nữa, súng đạn chưa thực sự xâm lấn nơi họ ở nên nhiều gia đình chưa chạỵ Phú được giúp đỡ tận tình. Chủ nhà, ông bà Bùng là người rất nhân hậu, mời y tá trong vùng đến chích thuốc và săn sóc Phú mỗi ngàỵ Hơn một tuần sau, lệnh đầu hàng loan ra từ máy thâu thanh làm Phú chết điếng trong lòng. Phú tỏ ý muốn về Saigon nhưng vì vết thương chưa được lành lặn lắm, vả lại, tình thế còn rất hoang mang, ai cũng lo sợ cho thân thế Phú nên ông bà Bùng nhất định giữ chàng lại chờ thêm ít ngày xem có gì thay đổi. Nể ơn cứu tử, Phú đành ở lại thêm một tuần mặc dầu lòng chàng như lưả đốt vì lo lắng cho cha mẹ và các em. Bảy ngày sau, dù vẫn còn rất lộn xộn, nhưng để chiều ý Phú, ông Bùng và em họ ông, chú Hùng, người chủ chiếc xe Lam, đưa chàng đến một chiếc xe đò của người quen gởi chàng về Saigon. Ông Bùng không quên dúi vào túi áo Phú năm trăm đồng để phòng khi cần đến. Phú cảm động trước lòng tốt và ơn sâu của hai gia đình. Trong hoàn cảnh này, chàng chỉ còn biết nói lời cảm ơn và mong có ngày gặp lại. Phú về nhà được đúng bốn ngày thì thím Hai chuyển bụng. Mặc dầu chưa được tám tháng nhưng thím biết là mình bị xúc động dồn dập qúa nhiều nên sanh sớm. Thím bảo Phú ở nhà với Chi rồi thím cùng đi với Đức đến viện bảo sanh. Chỉ có gần hai tuần trong chế độ mới mà viện bảo sanh Từ Dũ đã thay đổi hẳn. Bệnh viện chật ních, sản phụ nằm la liệt trên nền gạch để chờ sanh. Chỉ còn một số ít bác sĩ và y tá cũ làm việc, họ bận rộn đến nỗi không có giờ ăn giờ nghỉ. Nét mặt ai cũng hiện vẻ lo lắng ưu tư. Vì sanh sớm, thím Hai yếu sức, lại sót nhau nên thím bị làm băng. Đức vội về nhà báo tin cho chú Hai hay. Chú Hai để xe phở cho Đức và vội vàng đi thăm vợ. Đến nơi, người y tá đưa cho chú một đứa bé gái nhỏ xíu quấn trong tấm khăn lông trắng nói: - Chia buồn với ông, bà nhà làm băng, mất máu nhiều qúa nên đã đi rồi. Bà đi lúc bốn giờ hai mươi, cách đây nữa tiếng, chúng tôi vừa mới đưa bà đến nhà xác! Rồi người y tá nói với người đàn ông đang lau sàn nhà gần đó: - Bác Bảy ơi, đưa ông Nguyễn Văn Lành đi nhận xác vợ. Chú Hai không biết rằng mình mơ hay tỉnh. Cái chết của thím Hai đến bất ngờ qúa sức tưởng tượng của chú. Chú Hai ôm lấy đứa con thẫn thờ đi theo người lao công. Đươ.c vài bước, như chợt nhớ ra điều gì, chú quay lại hỏi người y tá một câu hỏi hơi ngờ nghệch: - Cô ơi, thế sao cô không tiếp máu cho vợ. Tôi ? Người y tá buồn rầu: - Chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng vì ngân hàng máu của bệnh viện đã được Cách mạng đem đi để phục vụ cho cán bộ nên chúng tôi không thể làm gì hơn được ! Vừa đi theo người lao công, chú Hai vừa nói như người mơ ngủ: - Cách mạng lấy máu đem đi.... không thể làm gì hơn được... Trong nhà xác, chú thấy có đến chục xác chết người lớn và trẻ con. Những xác người lớn này toàn là sản phụ kém may mắn như vợ chú. Người lao công đến bên một xác chết, lật khăn phủ mặt ra, đọc tên người qúa cố rồi lại đậy lại. Đến cái xác thứ tư, sau khi kiểm lại tên, ông ta nói với chú trước khi hấp tấp bỏ đi: - Bà ấy đây! Chú Hai, một tay ôm con, một tay vuốt mắt vợ. Chú nhìn vợ, nhìn con. Vợ chú mặt tái xanh, mắt nhắm nằm thiêm thiếp như đang say ngủ. Chú vẫn không tin là vợ chú chết cho đến khi con chú, đứa bé gái vừa lọt lòng mẹ đã mồ côi, khẽ cựa quậy trên tay, chú mới bật khóc. Lòng chú xót xa thương vợ. Chú nhớ như in nét mặt xinh đẹp hiền lành của thím Hai trong ngày đám cưới. Trong phút chốc, kỷ niệm của những ngày đầm ấm sống bên nhau hơn hai mươi năm ồ ạt như một trận cuồng phong nhận chìm lấy chú. Chú lại nghĩ đến những biến cố kinh hoàng của ngày 30/4, đến lời nói của người y tá... băng huyết... mất máu nhiều quá... ngân hàng máu của bệnh viện đã được bác sĩ giải phóng chuyển đi... không có máu tiếp cho bà nhà... qua đời... nhà xác... Chú thấy tội nghiệp người vợ hiền lành của chú. Một đời tận tụy cho chồng con. Chao ơi, giải phóng là thế này sao? Con chú, Phú, đã bị thương vì giải phóng và nhờ may mắn được cứu thoát. Giải phóng chưa được bao lâu mà vợ chú đã chết vì không có máu để tiếp... chú chợt thấy sợ hãi. Rồi đây giải phóng còn đem lại những tai họa gì đến cho gia đình chú??? Nếu không có biến cố của ngày 30/4 thì vợ chú chắc gì đã chết và con chú chắc gì đã sanh thiếu tháng ... Nếu bác sĩ giải phóng không lấy máu đem đi cho bộ đội dùng thì vợ chú sẽ được tiếp máu đầy đủ... Chú miên man từ ý nghĩ nay đến ý nghĩ khác, người lao công lại đi vào và nói một vài lời gì đó mà chú không nghe rõ. Sau đó, ông bước lại, đặt một bàn tay lên vai chú: - Bác ạ, tôi biết bác đau khổ lắm, nhưng đau khổ thì cũng không lấy lại được gì. Thôi, bác về lo chôn cất cho bác gái được mồ yên mả đẹp là hơn! Đến lúc đó, chú Hai như bừng tỉnh. Một tay ôm con, một tay lau nước mắt, chú nhìn mặt vợ lần cuối rồi thất thểu bước đi. Sau khi chôn cất cho thím Hai được it lâu thì Phú được gọi đi học tập cải tạo. Từ ngày giải phóng, gia đình chú Hai trở thành gia đình Ngụy, vì chú có con đi lính cho Mỹ Ngụy, phản nhân dân, phản cách mạng. Hàng xóm láng giềng xưa vẫn thương qúy gia đình chú nay vó vẻ e dè khi phải tiếp xúc với chú. Phần xót xa thương tiếc vợ, phần lo lắng và thương Phú đi đã sáu, bảy tháng mà không có tin tức gì về. Trước khi đi, Cách mạng bảo chỉ mang đủ tiền ăn và quần áo cho mười ngày. Thế mà bây giờ đã sáu bẩy tháng trôi qua. Phần thì bị công an phường, khóm, nhòm ngó, nay bắt đi họp tổ, mai bắt đi họp phường, đi thủy lợi. Chú còn bị khuyến khích ghi tên xung phong đi kinh tế mới làm chú Hai lo lắng sợ hãi ốm hẳn đi. Con gái chú, Chi, mới gần chín tuổi mà đã phải làm nhiều công việc xưa kia thím Hai làm. Nào quét dọn nhà cửa, phụ Đức nấu cơm, rửa chén bát và săn sóc cho bé Mai. Vì sanh thiếu tháng, bé Mai bú sữa bò không chịu nên Chi cứ phải ôm em đi khắp xóm xin bú thép. Nhờ trời, bé Mai dễ nuôi, lớn trông thấy và mũm mĩm xinh đẹp. Đức, ngoài việc phụ với Chi còn phải phụ với cha trông nom xe phở để kiếm sống vì lúc này chú Hai cứ đau yếu luôn, do đó, khi nhà trường bắt đầu mở lại, Đức không thể tiếp tục học vì hoàn cảnh gia đình. Chú Hai tuy không được học hành bao nhiêu nhưng chú luôn luôn trọng sự học. Chú thường bảo con là có học mới ngoi lên được. Thế mà bây giờ, chú phải đành rơi lệ nhìn con mình thất học. Khách hàng của chú nay có cả khách cách mạng và công an. Bộ đội chính quy thì lại không bao giờ ăn phở của chú vì họ phải vào những nhà hàng có ghế ngồi, có máy lạnh hay ít nhất cũng phải có quạt máy để bù đắp lại những ngày khổ cực đánh Mỹ cứu nước và những ngày lặn lội gian lao ở rừng Trường sơn hoặc đường mòn Hồ chí Minh. Vi` thế, những người cách mạng chiếu cố xe phở của chú đều là cách mạng Ba mươi và công an khu vực. Thành phần này trước ngày Ba mươi họ cũng là dân sống ở miền Nam như chú. Nhưng họ làm đủ mọi nghề, kể cả “nghề” trốn lính, trộm cướp hoặc không làm gì cả mà vẫn được đàn em cung cấp đủ mọi nhu cầu. Nay phải phóng đến, họ thức thời và nghiễm nhiên trở thành những người có công trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và được người dân gọi họ là Cách Mạng Ba Mươi. Những người khách cách mạng ba mươi này mà kéo nhau đến chiếu cố phở của chú thì chủ phải vui vẻ tính giá ủng hộ cách mạng. Nhất là công an khu vực của chú đến ăn thì chú lại không dám tính tiền vì gia đình chú là gia đình ngụy. Lại nữa, buôn bán như chú là phi lao động, là tư sản mại bản, là thành phần mà cách mạng cho là hút máu nhân dân. Vì vậy, công an khu vực để cho chú đem xe phở ra đây bán là may mắn lắm rồi nên chú phải biết ơn đối với cách mạng và sống cho ... đúng với tinh thần cách mạng ! Nhờ có Đức phụ và nhờ tài nấu phở ngon nên hàng chú bán vẫn chạy. Có điều vật giá leo thang, bán xong xe phở tiền lời chỉ còn bằng một phần ba lúc trước, thêm vào đó, cứ bốn, năm tháng là chú lại được giấy báo đi thăm Phú. Dù khó khăn đến đâu chú Hai cũng chắt chiu góp nhặt để mua cho Phú ít đồ ăn và chút vật dụng cá nhân cần thiết. Mỗi lần đi thăm con, chú Hai phải thức dậy từ hai ba giờ sáng mới mua được vé ở bến xe đò. Thăm nuôi xong, phải đến tám, chín giờ tối chú Hai mới về được đến nhà. Nhưng chưa bao giờ chú bỏ một chuyến thăm nuôi nào cả. Vì thấy gia đình chú Hai là một gia đình ... hiền lành nên trong một cuộc họp phường, Đức "được chọn" đi thanh niên xung phong. Cán bộ bảo rằng dù gia đình chú Hai là gia đình Ngụy nhưng nhờ chính sách khoan hồng nhân đạo của Đảng và Nhà nước đã cho gia đình chú có cơ hội lấy công chuộc tội. Thế là một tuần sau, Đức hấp tấp từ giã cha và em để lên đường. Đức đi, chú Hai như mất một cánh tay. Vất vả thì chú chịu được, nhưng đau khổ dồn dập vì thương vợ nhớ con thì chú chỉ còn biết khóc. Nhưng lại chỉ dám khóc thầm. Có một lần chú vừa bán phở, vừa rơm rớm nước mắt nói với bạn hàng là chú thương nhớ con, thế là sáng hôm sau chú được công an khu vực gọi lên phường làm tờ tự kiểm vê tội chưa quán triệt đường lối khoan hồng nhân đạo của Đảng và nhà nước. Chỉ trong một thời gian ngắn mà bao nhiêu biến chuyển quan trọng đã xảy đến cho gia đình chú nên chú Hai hao gầy đi thấy rõ. Cả gia đình trông vào xe phở nhưng chú Hai thỉnh thoảng phải nghỉ bán có khi đến vài ngày. Ngoài việc tiếp tế cho Phú nay chú Hai còn phải tiếp tế thêm đồ ăn và thuốc men cho Đức. Trong một hoàn cảnh gia đình như thế, Chi lớn lên không có tuổi dậy thì. Cô hoàn toàn nghỉ học từ khi Đức ra đi dù cô chưa học xong lớp bảy. Để phụ thêm với cha, cô phải ra chợ mua bắp, ổi, cóc mang đến cổng trường học để bán kiếm lời. Bé Mai cũng theo ngồi bên cạnh chị, khi thì cầm quạt quạt chậu than để nướng bắp, khi thì lấy ớt, muối cho thêm vào chiếc chén sành. Từ ngày Đức đi thanh niên xung phong, chú Hai đỡ khổ tâm vì không bị thúc giục tình nguyện "đăng ký " đi kinh tế mới. Nhưng cũng đúng hai năm sau ngay Đức ra đi, một buổi chiều chú Hai được công an khu vực ra tận xe phở của chú, lần này không phải để ăn phở mà để chúc mừng chú đã được là ... gia đình liệt sĩ. Thoạt đầu, nghe người công an nói chúc mừng, chú tưởng đâu là có tin Đức được về thăm nhà. Nét mặt khắc khổ của chú Hai vui hẳn lên và chú lắp bắp lời cám ơn. Chú mỉm cười. Một nụ cười hiếm thấy trên môi chú từ khi vợ chú chết, từ ngày Phú và Đức ra đi. Nhưng sau khi người công an nói rõ là Đức đã tử trận tại biên giới Việt Miên, nụ cười của chú bỗng méo xệch đi, run lên rồi cóng lại. Chú không khóc nhưng đôi mắt chú mờ đi và sau đó ánh lên nét đau thương khiến người công an tự cảm thấy sự có mặt của anh ta trở thành vô duyên nên vội vã bỏ đi. Chỉ được báo tin là Đức chết thế thôi chứ chú Hai không hề được đi nhận xác con. Khi chú ra phường hỏi thì cán bộ nói rằng nhà nước đã lo việc chôn cất Đức rồi. Chú Hai đau đớn lắm nhưng không biết làm sao hơn được. Nhờ cái chết của Đức, chú Hai không phải đóng thuế xe phở nữa và những vụ thăm viếng xe phở của công an, của cách mạng ba mươi cũng thưa thớt hẳn đi. Đỡ được chuyện này nhưng trên vai chú lại nặng thêm trăm ngàn tấn đau thương. Việc đi thăm Phú từ đó bị cắt giảm vì chú hay đau yếu và nhất là sau mấy lượt đổi tiền thì giá trị của tiền bạc cứ thì nhau đi ngược chiều với thức ăn và vật dụng. Ngày lại ngày buồn thảm trôi qua với chú Hai. Mỗi tối đẩy xe phở về và rửa chén bát nồi soong xong, chú đến trước bàn thờ thím Hai bây giờ lại có thêm cả Đức, thắp một nén nhang rồi đứng đó thật lâu. Chi vừa soạn bữa ăn tối cho gia đình vừa nhìn cha ai ngại: - Ba à ba, thôi ba đi nghỉ rồi lát ăn cơm. Em Mai đang chờ ba chơi với nó kìa! Chú Hai không trả lời con, chậm chạp đi đến chỗ bé Mai. Mai nhìn cha, mỉm cười. Nhìn nụ cười rất hồn nhiên của đứa con gái út chưa tròn năm tuổi, đáng lẽ lòng người cha phải vui, nhưng không, chú Hai không vui được vì chú sợ nụ cười hồn nhiên đó chẳng bao lâu nữa sẽ mất đi vì những sự thật phũ phàng trong đời sống mà cha con chú đang phải sống. Một buổi tối bên xe phở, ngọn đèn dầu leo lét không đủ cho chú Hai thấy rõ mặt một người thanh niên mặc bộ quần áo sờn, rách, bạc màu dừng lại bên xe phở, nhìn chú một giây, rồi tiến đến cầm tay chú, gọi với giọng đầy nước mắt: - Ba! Chú Hai cũng mừng rỡ như sống trong mơ: - Con ? Phú ? Lạy Trời Phật, con tôi đã về ! Phải Phú không ? Con về thật hả Phú ? Khi nhận chắc là Phú, chú mếu máo : - Má và em con phù hộ cho cha con mình đó Phú ơi... Chú hai vừa nói vừa ôm chầm lấy con, nước mắt dàn dụa trên đôi gò má gày gò, xạm nắng. Qua phút giây mừng rỡ, chú Hai nhận thấy một cái gì là lạ nơi con. Chú nhìn lại Phú thì ra Phú đang mắc chứng bịnh phù thũng, một chứng bịnh của người thiếu dinh dưỡng. Chú chợt hiểu ra đó chính là lý do mà con chú được thả về. Từ ngày Phú về, chú Hai có vui vẻ lên chút ít nhưng nhìn Phú, chú lại xót xa thương nhớ Đức. Bịnh Phú càng ngày càng thêm nặng mặc dù chú Hai đã bán đến đôi bông tai cuối cùng của thím Hai để lo chạy chữa cho con. Người Phú cứ xưng phù lên rồi lại xẹp xuống. Mặt mũi chân tay cứ húp lại và da Phú thì xanh tái bủng beo. Phú không còn là một chàng thanh niên trẻ trung khỏe mạnh yêu đời của ngày nào nữa mà Phú bây giờ là một người bệnh hoạn, yếu đuối, thất thần và chậm chạp. Nhiều lần nhìn anh như thế, Chi đau lòng qúa không kềm nổi cơn nức nở. Phú hiểu lòng em, chàng vuốt tóc Chi cố tìm lời an ủi nhưng không biết mở đầu thế nào. Lâu lắm, Phú mới nói được dù chàng biết là chàng nói dối Chi: - Đừng khóc, Chi. Mai mốt anh sẽ hết bịnh, anh sẽ làm việc phụ với ba và em sẽ được đi học lại. Chi nhìn anh. Cô muốn tin như thế lắm nhưng vì sớm vào đời nên cô đã khôn hơn tuổi. Cô hiểu là Phú nói thế để an ủi cô và an ủi chính anh. Như thường lệ, mỗi khi trời xẩm tối là Chi dọn hàng về để chuẩn bị bữa cơm tối cho gia đình. Theo chân bé Mai vào nhà, sự yên lặng, qúa sức yên lặng làm Chi có cảm giác hơi sờ sợ. Tuy Phú yếu đuối, không làm được những việc nặng nhọc nhưng chàng thường phụ em nấu nồi cơm rồi chờ Mai đem thức ăn về nấu. Chi vừa nấu ăn, vừa nói chuyện với Mai và Phú. Cô hay kể lại những mẩu chuyện vui buồn hằng ngày giữa cô và khách hàng cho Phú nghe. Mai đã học lớp Một và cũng khoe với anh chị nào là bài tập viết của bé được điểm cao, nào là tan học, bé ra phụ bán với chị Chi ngay chứ không đi chơi lang thang như trẻ khác. Nhưng hôm nay căn nhà sao yên vắng qúa. Sự yên vắng rợn người làm cô sợ hãi. Không thấy Phú ở phòng ngoài, nơi kê bộ bàn ghế vưà làm bàn ăn, vừa làm bàn tiếp khách, Chi chạy thẳng vào trong bếp thì thấy Phú đang nằm như một con mèo ốm, co ro trên chiếc “đi văng” mà xưa mẹ cô còn sống hay ngồi lặt rau, thái thịt hoặc vá quần aó. Thấy Phú đang ngủ say, Chi mừng và bớt sợ, cô khe khẽ gọi: - Anh Phú! Anh Phú! Anh ngủ hả. Về không thấy anh, em hết hồn! Không nghe anh trả lời, cô vừa lấy đồ ăn trong cái giỏ ra, vừa cao giọng: - Anh Phú!...Anh Phú! Phú ngủ say qúa, Chi nghĩ là Phú mệt, định để yên cho anh ngủ thêm chút nữa nhưng không hiểu sao, cô bước đến cầm nhẹ tay anh. Một cảm giác lạnh toát truyền sang tay cô khiến cô rùng mình. Cô cúi xuống nhìn vào mặt Phú và chợt hiểu những gì mình sợ hãi nay đã xảy ra. Chi cảm thấy mình yếu hẳn đi, hai chân cô không đứng vững, mắt cô hoa lên, đầu cô nặng chĩu và cô khụy xuống bên cạnh chiếc đi văng. Bé Mai chưa hiểu rõ chuyện gì, hốt hoảng chạy đến đỡ chị xuýt xoa: - Chị Chi...chị té hả ? Đau không? Ừa, tay chị trầy rồi kià, để em kiếm thuốc xức nghen! Bé Mai chạy vụt đi. Trong cơn đau đớn tột cùng, Chi như quên cả Mai và như trong cơn mơ, cô ngồi rũ xuống nền bếp, hai tay cô ôm lấy cánh tay Phú vừa lay, vừa khóc: - Má ơi má.... Má về mà xem nhà mình nè....Anh Đức chết không được nhìn thấy xác.... Nay anh Phú chết như vầy này má ơi... Làm sao mà ba chịu nổi? Làm sao mà con chịu nổi... Má ơi là má.... Anh Phú ơi là anh Phú..... Bé Mai tay cầm chai dầu Nhị Thiên Đường chạy đến bên Chi. Cô bé hoảng sợ thấy chị Chi khóc ngất. Càng hoảng sợ hơn nữa khi thấy anh Phú vẫn nằm im. Rồi bé nghe chị Chi vừa khóc vừa kể là anh Đức chết, anh Phú chết. Bé mở mắt thật lớn nhìn anh Phú. À, thì ra chết là như thế này sao? Chết là nằm im không dậy được nữa dù ai gọi cũng không dậy được....Đã nhiều lần chị Chi kể cho bé nghe má chết khi sanh bé. Chắc ngày xưa má cũng chết như anh Phú thế này... Má cũng nằm im không dậy được như anh Phú bây giờ.... Má không nghe ba gọi, má cũng không nghe chị Chi gọi má.... Đúng rồi, má không nghe được thì làm sao mà má dậy được! Bé chợt hiểu chết là không dậy được và người ta chôn người chết xuống đất. Không bao giờ còn gặp được như bé không bao giờ biết và gặp má. Bé oà lên khóc. Chỉ trong ít phút, bé thấy mình lớn hẳn và biết được thật nhiều về sự chết. Bé cảm thấy đau khổ và mất mát. Người ta sẽ chôn anh Phú và nhà vắng anh sẽ buồn. Nhất là bé, vì sẽ không còn ai ngồi kiên nhẫn nghe bé kể chuyện về Bác Hồ, vị cha già kính yêu của dân tộc, về cuộc chiến thắng Mỹ ngụy của Đảng và nhà nước ta anh hùng, về ba dòng thác cách mạng... và nhất là bé sắp được là cháu ngoan Bác Hồ, sắp được quàng khăn quàng đỏ như con Kim, như thằng Tấn. Đành rằng chị Chi cũng thích nghe bé kể chuyện nhưng chỉ là những chuyện bạn và cô giáo thôi. Còn chuyện về Bác Hồ, về khăn quàng đỏ, về đảng ta anh hùng thì có lần chị hét lên bảo bé im mà bé chẳng hiểu vì sao... Bé khóc nức nở và cảm thấy hoang mang đau đớn. Tại sao lại thế này ? Tại sao anh Phú chết? Tại sao anh Đức đang ở nhà lại đi xung phong? Khi anh Đức chết, có ai lay gọi anh như chị Chi gọi anh Phú không? Bé quay cuồng với bao nhiêu câu hỏi không giải đáp. Tiếng chị Chi khóc kể và gọi má càng lúc càng thêm thảm thiết và làm bé hoang mang đau đớn hơn. Bé không chịu được tiếng khóc của chị Chi nữa, bé lách mình qua đám người hàng xóm đang đông dần trong nhà bé và bé chạy băng ra đầu hẻm. Càng chạy, tiếng khóc của chị Chi càng đuổi theo. Bé vội đưa hai tay lên bịt tai lại và tiếp tục chạy. Bé chạy thật nhanh. Bé chạy vụt ra đường. Một chiếc xe Honda chở hai người bộ đội đang chạy như bay tông vào bé. Người bé tung lên cao rồi rơi xuống như một trái cây chín rục tạo thành một tiếng động khô khan. Bé nằm im trên mặt lộ, máu từ miệng bé trào ra. Chiếc xe Honda mất thăng bằng, chao nghiêng đi và người bộ đội lái xe vội thắng lại. Sau khi cúi xuống xem xét chiếc xe và thấy không hề hấn gì, anh ta giận dữ quay nhìn bé nằm bất động: - Cái con đĩ con kia, đi với đứng hay nhỉ. Mày có mù không? Xe ông mới mua mà mày dám đâm ngay vào. May mà xe ngoại ló cứng chứ không thì mày có mà chết với ông. Còn nằm đó ăn vạ hả? Tụi ngụy chúng bay ghê thật, vừa lứt mắt ra mà đã có tinh thần phản động !... Người bộ đội ngồi phía sau can: - Thôi, bớt lóng đi đồng chí. Xe đồng chí không sao thì mình khẩn trương kẻo trễ. Không khéo đồng chí thủ trưởng nại không bằng nòng! Hai người bộ đội thản nhiên rồ máy lái xe đi trước những đôi mắt ngơ ngác của số người chứng kiến. Sự việc xảy ra quá sức nhanh chóng và hết sức bất ngờ, lại liên quan đến bộ đội nên không ai dám có phản ứng gì. Trong khi đó, ở đầu hẻm bên kia đường, chú Hai vô tình âm thầm đẩy xe phở đi vào xóm. Trên xe phở hôm nay có một cuốn vở mới cho bé Mai và một gói thuốc phù thủng mà chú Hai vừa mua cho Phú. |