Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi! |
Tác Giả: Quỳnh Thi |
Thứ Tư, 21 Tháng 4 Năm 2010 07:35 |
Thôi thế là hết tất cả, miền Nam thực sự đã rơi vào tay cộng sản. Sài Gòn, 30/4/1975 Cách đây một biến cố đã rất xa, nhưng hồi ức thì như mới ngày nào! Thế mà thời gian trôi đi, trôi đi, và đã qua 36 năm dài nhìn lại. Nhiều khi tưởng đó là giấc chiêm bao, hay đó chỉ là một câu chuyện tưởng tượng do ai viết ra. Bịa đặt, hoang đường. Thuyên muốn nói tới ngày 30 – 4 – 1975, ngày đổi đời của dân tộc Việt Nam. Miền Nam Việt Nam thân yêu lúc đó có một Quân đội tinh nhuệ hơn 1 triệu binh sĩ. Đầy đủ Hải, Lục Không quân. Thiết bị quân cụ, quân trang, vũ khí tối tân, được xếp vào loại Quân đội hùng mạnh vào hàng thứ 4 trên Thế giới. Thế mà bỗng chốc, những binh hùng tướng mạnh tan rã rồi cuối cùng miền Nam mất vào tay miền Bắc của người Cộng sản! Khoan nói đến những chuyện khác, như Quốc gia, Cộng sản, nội chiến Bắc Nam. Thử hỏi ai đã sống trên vùng đất tự do thân yêu ấy mà không đau lòng, xé ruột? Thuyên nói đến đổi đời ở đây, là nói đến cuộc sống tự do, an vui của người dân sau ngày miền Nam bị mất đã phải chịu sống trong cảnh lưu đầy, đói khổ ngay chính tại quê hương yêu dấu của mình. Mà cũng chính bởi do người anh em cùng máu đỏ da vàng, cùng chung một dòng giống gây nên! Sáng ngày 28 – 4 – 75, Thuyên đang nằm thiêm thiếp trên giường nghỉ mệt vì đêm qua phải trực ở bệnh viện. Một phiên trực hết sức bận rộn vì bệnh nhân đến rất đông để xin khám bệnh. Bệnh nhân ở đây là những người chạy giặc, họ đi bộ và tận dụng những phương tiện sẵn có của mình như xe hơi, xe máy, xe đạp, lũ lượt như nước chảy từ hướng Long Khánh đi dọc theo quốc lộ 1 tiến về phía Biên Hòa, Sài Gòn. Họ đã phải đi bộ cả ngày đường mệt mỏi và đói khát vì trên Quốc lộ 1 không có xe khách, không có quán xá bán thức ăn, chỉ có người người ùn ùn bỏ chạy từ khi tỉnh lỵ Long Khánh đang có giao tranh dữ dội giữa hai lực lượng Bộ đội Việt cộng và Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Trong lúc đi đường nhiều người mệt mỏi kiệt sức rồi lâm bệnh nên phải vào bệnh viện điều trị. Thật chưa có ngày nào mà bệnh viện Biên Hòa lại đông bệnh nhân đến như vậy. Thuyên vừa nằm nghỉ được chừng một tiếng đồng hồ thì ông Giáo Nam hớt hãi vào đánh thức: - Bác sĩ tính sao, nghe nói Cộng quân đã chiếm được tỉnh lỵ Long Khánh và chúng đang di chuyển về hướng Sài Gòn. Thuyên hốt hoảng như kẻ mất hồn bảo: - Ông Giáo theo dõi tin tức, diễn biến tình hình trên đài phát thanh rồi báo cáo với Bác sĩ Trưởng ty quyết định, tôi phải về nhà để xem gia đình ra sao, vì suốt đêm qua tôi ở Bệnh viện chưa về qua nhà. - Bác sĩ Trưởng ty không thấy ở trong bệnh viện. Ông Giáo trả lời. Nói với ông Giáo Nam chưa dứt lời, chàng vội thay đồ rồi tức tốc chạy xe về nhà. Nhà của Thuyên ở vùng Hố Nai cách Biên Hòa khoảng 15 Km trên Quốc lộ 1, thế mà chàng phải luồn lách trong đám đông, phải mất gần hai tiếng đồng hồ mới về tới nhà. Mệt bở hơi tai. Thuyên về được chừng 30 phút thì Đệ em của Thuyên cũng súng ống đạn dược trong tư thế tác chiến cũng về đến nhà. Hai anh em mừng rỡ, Thuyên hỏi Đệ đang đóng quân ở đâu ? Đệ cho anh biết là trung đội Nghĩa quân của Đệ hiện được lệnh canh gác giữ Cầu Suối Đỉa. Đệ vừa phân công cho anh em canh gác xong là về nhà xem anh đã về chưa. Cùng lúc ấy thì Quang, người em kế của Thuyên cũng vừa bước vào nhà. Quang trước đó là Sĩ quan Chiến tranh chính trị, phục vụ ở Tiểu khu Quảng Đức. Gần tháng nay ở nhà không nhận được tin tức. Nay bỗng lù lù bước chân vào nhà, khiến mọi người ngơ ngác, mừng vui. Không mừng sao được vì tin tức trên đài phát thanh, báo chí gần đây cho biết những tỉnh thuộc Quân đoàn II, Vùng II chiến thuật như Khánh Hòa Nha Trang, Plêku, Quảng Đức, Ban Mê Thuật… đã được lệnh rút quân di tản. Thế mà Quang không biết trôi dạt về đâu, sống chết ra sao, nay bỗng nhiên lại trở về nhà, làm sao mọi người lại không vui mừng cơ chứ. Đệ chạy lại ôm chặt lấy Quang rống lên la hét, rồi lại khóc lên nức nở, Đệ như không tin được người anh của mình lại còn được sống sót trở về. Vì nghe đâu mặt trận ngoài đó ác liệt và dữ dội lắm. Nhìn thân hình tiều tụy của Quang phải sống lẩn trốn trong rừng sâu, cả mấy tuần lễ đói khát, tốp người đi lẩn trốn với anh phải đào củ rừng ăn để cầm hơi. Hai mắt anh lõm sâu, da mặt đen xạm vì cháy nắng, quần áo bạc phếch lem luốc hết sức bẩn thỉu hôi hám . Quang kể lại với gia đình ngày tỉnh Quảng Đức được lệnh di tản, rồi cảnh quân cộng sản Bắc Việt tấn công tỉnh lỵ rồi nã pháo dữ dội nhiều giờ trước khi chúng tràn vào chiếm đóng thành phố. Anh cũng kể lại sự chống trả mãnh liệt anh dũng của cán bộ quân dân chính trước khi cộng quân tràn ngập đơn vị. Trong lúc di tản Quang dẫn đầu đại đội của anh chỉ còn chừng dăm chục người, vừa chiến đấu vừa chạy thục mạng vào trong rừng, theo hướng quốc lộ 1 đi về phía tỉnh Khánh Hòa. Nhiều lúc luồn lách trong rừng sâu đói khát, muỗi vắt nhiều vô kể. Lại có khi đi lạc vào mật khu của địch, khi gần tới chỗ đóng quân của chúng nghe thấy tiêng chó sủa hết hồn, mới lại quay lại tìm hướng khác an toàn hơn để đi. Có một số anh em bị bệnh dọc đường, chịu đựng không nổi gian khổ phải bỏ mình trong chốn rừng sâu sơn lam chướng khí. Quang còn nhớ mãi một tình cảnh đau lòng khi bọn anh gặp một con sông mà bọn anh phải đi qua. Con sông chảy mạnh như là thác lũ, tưởng như không thể nào vượt qua được. Có anh em sợ hãi đã đọc kinh cầu nguyện rồi kêu khóc inh ỏi. Quang phải cố lấy bình tĩnh trấn an mọi người, rồi nghĩ cách vượt qua. Vì có anh em ỷ mình bơi giỏi đã cởi quần áo lao xuống giòng sông rồi bị nước cuốn trôi đi. Thương tâm nhất trong số ấy có anh Thụy là Thượng sĩ Đại đội. Thụy bị con lũ cuốn phăng xuống một vực nước xoáy, anh bám vào được một nhánh cây kêu khóc la gọi anh em đến tiếp cứu, nhưng vì dòng nước xoáy quá mạnh và hung dữ, cành cây bị gẫy nên nước đã cuốn anh đi, không còn tăm tích. Quang phải mạo hiểm cùng một số anh em còn mạnh khỏe len lỏi đến gần mật khu của địch quân. Họ chặt trộm chuối cây rồi dùng chuối cây làm bè, bọn họ cột quần áo, súng đạn vào cây chuối để vượt sông, như thế mới qua dược an toàn. Lặn lội ở trong rừng đâu khoảng hai tuần lễ toán quân của Quang mới tới được Nha Trang. Từ Nha Trang Quang theo đoàn quân di tản bằng tầu Hải quân, về tới Sài Gòn rồi xin quá giang xe dọc đường về nhà, trong túi chẳng còn đồng bạc nào. Thuyên nói các em tắm rửa rồi ăn cơm nghỉ ngơi, còn anh chạy xe ra ngoài để xem tình hình chiến trận ra sao. Ra đến Quốc lộ 1, hai bên đường đen kín những người là người. Người nào cũng tay xách nách mang, tất cả đi về hướng Sài gòn để lánh nạn. Thuyên đã gặp mấy người bạn quen. Họ đã thay quân phục để mặc thường phục, họ đang cùng vợ con chuẩn bị lên xe để đi vào Sài Gòn. Họ nói với Thuyên về sửa soạn đi ngay kẻo không kịp vì tỉnh Long Khánh đã mất, Việt cộng đã kéo quân tới Dầu Giây. Thế là Thuyên lại quay trở về nhà, bảo mọi người thu xếp những vật dụng cần thiết để đi xuống Sài Gòn. Lúc này Cộng quân đang bắn pháo vào một số vùng ven thành phố Biên Hòa. Vượt một đoạn đường dài hơn 30 Km tới được Sài Gòn là cả một vấn đề gian chuân gai góc, vì dọc Quốc lộ 1 và Xa lộ Biên Hòa người và xe cộ đông kín như nêm cối. Anh em Thuyên di chuyển rất là chậm chạp. Nhiều khúc đường đoàn người di tản phải tràn cả xuống ruộng mà đi, trong lúc tiếng súng giao tranh giữa hai bên và pháo kích của địch quân ầm ầm vang dội. Vừa qua được cầu xa lộ Phan Thanh Giản đi sang khu kho 5 Khánh Hội, Thuyên đã thấy quang cảnh hãi hùng đang diễn ra. Những quần áo trận của mọi binh chủng được vất ngổn ngang khắp dọc đường, dân chúng hốt hoảng, ngược xuôi. Trên đường xuất hiện nhiều thanh thiếu niên đeo băng đỏ trên cánh tay áo chạy xe Honda đi vùn vụt. Những cây xăng và những kho gạo bị phá và dân chúng đang xô lấn chen nhau vào hôi của. Thuyên chạy về nhà của một người em mà gia đình vợ con của thuyên đã xuống ở hôm tuần lễ trước. Lúc này phi trường Tân Sơn Nhất đang bị địch quân pháo kích. Sáng 29 – 4 – 75 Thuyên chở người em là Quang ra bền Bạch Đằng vì mọi người đang đổ xô, chen chúc đứng ở cầu tầu chờ tầu cập bến. Anh em Thuyên và gia đình cũng mang hành lý ra đó đón tầu. Khi tầu đến, chen lấn mãi không lên được vì số người quá đông. Gia đình Thuyên lại chạy về kho 5 Khánh Hội, cuối cùng thì Quang đã lên được chiếc tầu dành sẵn cho một vị Đại tá chỉ huy trưởng một binh chủng và một số người thân tín của ông. Còn Thuyên lúc đó không biết nghĩ sao, anh lại đưa gia đình về nhà. Quyết định không đi nữa. Tối hôm đó cả nhà ngồi bàn tán, thấy tình hình đã nguy ngập. Người nói phải ra đi, kẻ thì muốn ở lại vì không đành bỏ lại tài sản, nhà cửa bao năm dành dụm khó nhọc mới có được. Riêng thuyên lòng rối như tơ vò nửa ở nửa đi. Cuối cùng vì quá sợ hãi cộng sản nên anh quyết định đưa cả gia đình ra bến tầu và đã đi được ngay đêm đó. Sáng hôm 30 – 4 – 75 ở Thành phố Sài Gòn, Tướng Dương Văn Minh lên Đài phát thanh Quốc gia tuyên bố đầu hàng, đồng thời mời Quân Cách mạng Giải phóng vào bàn giao Chính phủ. Tiếng đại bác pháo kích ầm ầm ở phía sân bay Tân Sân Nhất vẫn vang dội. Trên sân thượng của tòa nhà Sứ quán Mỹ máy bay trực thăng vẫn lên xuống đều đều chở người di tản và họ đã làm lễ hạ kỳ. Tiếng súng thỉnh thoảng vẫn nổ từng tràng đâu đó, trong Thành phố Sài Gòn dân chúng nhốn nháo lo sợ, bàn tán. Xe tăng của Quân Việt cộng đang tiến vào thành phố và họ đã ủi sập cổng chính của Dinh Độc lập. Thôi thế là hết tất cả, miền Nam thực sự đã rơi vào tay cộng sản. Tiếng nức nở u trầm của dân miền Nam đã bật lên trong mỗi con người, trong mỗi gia đình. Cả thành phố nhuốm mùi thê lương ai oán, trong tiếng hoan ca của người thắng trận. Thuyên rơm rớm nước mắt khẽ đọc bài thơ: Bom đạn đinh tai nhức óc của đại bác Chen lẫn tiếng động cơ Người người tay xách ngược xuôi Hốt hoảng Chạy trốn Lửa của căm hờn lẫn sợ hãi như hỏa Diệm Sơn thức giấc Cuồn cuộn từ khắp nơi Sôi sục bùng lên Như muốn làm tiêu tan Hòa loãng ra bùn sệt đất nước này Sự kinh hoàng của ngày cùng tận Những trận mưa dao găm Cắm ngập vào tim Việt Nam Ôi đạn bom Vung vãi thừa mứa Sự dối trá đớn hèn Những con quỉ chuyên đi móc tim người Những chiếc răng không có tâm hồn ghê gớm Ngồm ngoàm máu tươi Sự lật lọng của những thỏa ước Lẫn phản bội Lũ ma Cà Rồng mặt nạ khát máu người Những đồng minh ơi Đồng đội ơi Lãnh đạo đất nước ơi Đang chạy trốn phương nao Có nghe dân tộc đang kêu gào Tổ quốc đã tắt thở… Bây giờ thì tất cả gia đình Thuyên đang sống trên đất Mỹ. Riêng Thuyên cứ mỗi 30 – 4 – 75 thì hồn cứ rựng lên một nỗi ngậm ngùi và nhìn về đất nước xa xôi với lòng nhớ thương Sài Gòn da diết. Sài gòn ơi ! Sài Gòn ơi. |