Home Văn Học TRUYỆN NGẮN Vị Thánh trại Nam Hà

Vị Thánh trại Nam Hà PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Khánh Thọ (France)   
Thứ Sáu, 29 Tháng 6 Năm 2012 21:27

Mấy hôm rồi giấc ngủ vẫn chập chờn chưa quen giờ giấc thay đổi. Tiếng chim hót líu lo vào buổi sáng mùa hè Cali và sự yên tĩnh dễ chịu tương tự như vùng tôi ở bên nước Pháp. Vợ chồng cô em út đã đi làm từ lâu. Có tiếng lách cách khóa cửa.

Tôi lên tiếng:
— Ba hở Ba?
— Ờ, Ba đây. Ba mới đưa hai đứa nhỏ tới trường.
Ba hay thật! 83 tuổI vẫn còn lái xe! Bước ra vườn thấy bóng dáng Ba lù khù đang kéo một thùng rác thật lớn ra sân trước, tôi lật đật chạy tới phụ nhưng Ba tôi khoát tay biểu:
—Thôi con! Ba làm quen rồi!
Tôi ái ngại nhìn theo, bùi ngùi nhớ hình ảnh thời Ba còn giữ chức vụ Tham mưu trưởng Quân đoàn 2, oai nghiêm trong bộ quân phục đính ba bông mai trắng.
Buổi trưa chỉ có hai cha con ngồi ăn cơm. Trên bàn bày ê hề thức ăn của cô em út mỗi sáng chịu khó dậy từ 6 giờ nấu nướng. Tôi ngạc nhiên vì Ba không gắp những món ngon mới nấu, Ba cứ loay hoay với hủ cá chà bông. Chắc chắn đồ ăn thừa sẽ cất vào tủ lạnh, rồi lại đổ cho đàn mèo hoang sau vườn như mọi hôm. Tôi hỏi:
— Răng Ba không ăn mấy món kia Ba?
— Con Mỹ gởi từ Sài gòn qua cả tháng mà không đứa mô ăn, ba phải ăn kẻo bỏ uổng. Hồi còn ở tù Cọng sản làm chi có được món quí như ri con!
Tôi nghĩ thầm sẽ dặn cô em bên Việt Nam đừng gởi đồ khô qua đây nữa. Nó không biết Ba vẫn luôn luôn ám ảnh về dĩ vãng hãi hùng của 13 năm tù cải tạo.Tôi tò mò hỏi:
— Hồi ở trong tù Ba ăn chi rứa Ba?
— Ba ăn sắn khô, loại dành cho súc vật ăn và bo bo nguyên vỏ của Ấn Độ viện trợ. Cực khổ lắm! Mỗi ngày đều có năm ba người chết vì đói, vì rét hay lao động kiệt sức.
— Con nghe nói tù cải tạo đói quá vô rừng thấy rắn rít chi cũng bắt ăn phải không Ba?
— Đúng rứa. Con chi cũng ăn, chỉ trừ con bù lon là không ăn thôi! Thành ra có một số người chết thảm vì ăn trúng độc.
Tôi ngạc nhiên:
— Con bù lon là con chi rứa Ba?
— A, lối nói của anh em trong tù. Ý là …bù lon đinh ốc ăn không được!
Tôi bật cười nhưng vội nghiêm lại khi chạm phải gương mặt u uẩn của Ba.
— Có ai bỏ trốn không Ba?
— Chỗ đó toàn là đá vôi. Khó trốn lắm! Trại Ba ở có một số anh em trốn thoát nhưng qua vài ba ngày sau cũng bị bắt lại.
— Họ bị đánh không Ba?
Ba tôi phẫn uất:
— Úi chầu! tụi nó đánh gần chết! Như trường hợp Linh mục Nguyễn hữu Lễ bị đánh và bác Tiếu cũng bị đánh gãy xương sườn.Tội nghiệp Bác qua tới Mỹ chưa sướng được bao lâu thì mất! Chút nữa Ba đưa con đọc cuốn “Tôi phải sống” của cha Lễ viết.
Tôi bàng hoàng nhớ tới Đại tá Trịnh Tiếu, bác nguyên là Trưởng phòng 2, quân Đoàn II, sau này bác làm Tỉnh trưởng Ban mê Thuột, là bạn thân của ba tôi và con gái bác là bạn thân của tôi. Trước ngày vượt biên, Trúc Mai tới từ giã và cho biết bác Tiếu nhất định trốn không ra trình diện cải tạo, nhưng không may cuộc vượt biên thất bại!
Nghe chuyện người đánh người, tôi bỗng nao nao buồn. Cùng một dân tộc, cùng một màu da, cùng một tiếng nói mà họ nỡ lòng nào! Ôi Cộng Sản Việt nam sao tàn nhẫn quá!

oOo

Pha ly nước trà sen bưng ra phòng khách, tôi rón rén ngồi đối diện với Ba. Bất động, ngẩng mặt nhìn vào chân không, trên gương mặt vốn cương nghị của Ba đầy những nếp nhăn tuổi lão hằn sâu biểu hiện niềm chịu đựng, nhẫn nhục và cay đắng. Đôi mắt u uẩn xa xăm dường như đang trở về quá khứ, một quá khứ ai oán của tù nhân chính trị khóc cho thân phận mình, cho đất nước và cho cả một dân tộc Việt Nam đang bị một bọn người dã man, vô lương tâm thống trị.

Tôi chợt nhớ lại khoảng năm 82 đang ở Pháp, được thư cô em bên nhà kể chuyện lần đầu tiên thăm nuôi Ba: “Em nhận Ba không ra chị ơi! Ba rụng hết răng rồi, trông Ba như bộ xương khô xiêu vẹo biết đi!” Mặc dù tôi không quên gởi quà cho Ba nhưng trong tôi vẫn áy náy mang mặc cảm mình thiếu sót bổn phận làm con, vì đã không lặn lội đường xa vạn dặm đến thăm Ba, động viên tinh thần trong lúc Ba đang ở trong tận cùng của nỗi nghiệt ngã cuộc đời. Mẹ tôi mất vào lúc Ba đang du học bên Mỹ, khi tôi tròn 13 tuổi. Cái tuổi dậy thì đầy mộng mơ nhưng đột nhiên mất thăng bằng, hụt hẫng tình mẫu tử và tôi đã đặt tất cả niềm thương yêu, ngưỡng mộ vào Ba. Cho dù đến bây giờ với số tuổi 53, mãi mãi Ba vẫn là thần tượng của tôi.

Phá tan sự im lặng, tôi mời Ba uống nước và nhỏ nhẹ khơi chuyện:
— Ba có còn nhớ hết những nhà tù của Ba không?
— Nhớ chớ sao không nhớ! Thời gian lao lý của Ba bắt đầu vào tháng 6/1975. Ban đầu chúng nhốt ở Long Khánh, sau nó đưa tụi Ba về trại Suối Máu ở Biên Hòa. Đến tháng 6/ 1976, nửa đêm tất cả bị di chuyển ra ngoài Bắc ở tỉnh Yên Báy. Có lần nhóm Ba đi làm trong rừng, gặp một vài người cũ hồi xưa kiểu như Tri Huyện, Chánh Tổng, Địa Chủ, quan chức chính quyền quốc gia trong liên hiệp Pháp thời trước, nay vẫn còn bị quản thúc trên núi. Họ kể bọn Cộng Sản độc ác đến nỗi khi họ lao động được 1 hay 2 năm, trồng cây, trồng chuối khá rồi thì tụi nó bắt di chuyển đi nơi khác và bắt đầu làm lại. Cái vòng luẩn quẩn ấy đã mấy mươi năm rồi. Họ uất hận và đau buồn lắm! Họ than thở: “Chúng tôi cứ tưởng các ông ở trong đó ra đây giải phóng chúng tôi. Chớ ai ngờ bây giờ các ông cũng bị lâm vào hoàn cảnh này thật là bi đát không khác gì chúng tôi!”
— Sau đó Ba bị đi đâu?
— Tháng 6/79 Trung quốc rục rịch chuẩn bị cho tụi Việt Cộng bài học, do đó các trại tù bị di chuyển về trại Nam Hà, vùng rừng núi tỉnh Hà Nam Ninh. Trại này gọi là trại Ba Sao. Trại Nam Hà do công an bộ nội vụ quản lý. Chế độ vô cùng khắc nghiệt, cuộc sống hết sức bi thảm. Đúng là địa ngục trần gian! Ngày mô cũng có vài người chết. Khiếp đảm lắm! Những người nào may mắn có đức tin chỉ biết thành tâm cầu nguyện vì đó là nơi bám víu duy nhất để sống và nuôi hy vọng.
Tất cả các tôn giáo đều cầu nguyện. Gồm có đủ các vị lãnh đạo tinh thần như Cao Đài, Hòa Hảo, Công giáo, Phật giáo. Sau gần một tháng khẩn cầu thì tối 12/12/1979 có một vị Thánh giáng cơ vào buồng 1, tức là buồng của Thủ tướng Lộc, Phó chủ tịch Thượng Viện Hoàng xuân Tửu, Linh mục Nguyễn văn Minh, Bộ trưởng Lê ngọc Chấn. Vị thánh là cụ Phan đình Phùng, danh hiệu Tùng La.
Cảm giác hồi hộp thích thú như hồi còn bé được nghe kể chuyện siêu hình thần bí, tôi rời chỗ xích tới ngồi gần Ba hơn. Tôi nôn nóng:
— Hay quá! Cầu cơ à! Thánh viết chi rứa Ba?
— Thánh cho thơ:
Đông phong thúc dục cảnh sầu thương
Chạnh bấy lòng dân khó liệu lường
Trắc ẩn khuyên ai đừng ngán nổi
Có buồn có khổ rạng đài gương
Sau đó Cụ cho luôn thơ bằng chữ Nho:
Trì trì bộ bộ bộ trì trì
Cử bộ thời lai hữu hỉ kỳ
Nguyên phụ cao bồi tư hóa dục
Thanh phân thiên tảI tụng hòa vy.

Tôi ngẩn người ra:
— Con không hiểu chi hết!
— Ý Cụ dạy là phải chậm từng bước, ơn trên đang lo lắng cho mình. Còn đây là bài Cụ cho về vấn đề cuộc đời là một sự vay trả:
Vay trả cuộc đời thói đổi thay
Bể dâu riêng khóc hận vơi đầy
Tay khoanh há dễ ôm hờn tủi
Mặt ngoảnh đành cam chịu đắng cay
Hay dở biết nhìn khi phải tỉnh
Đảo điên trông thấy lúc cần say
Mày râu giữ trọn nguyền sông núi
Bay thỏa sức bằng đợi gió mây
Cụ dạy bài thơ này thuộc về loại thuận nghịch đọc. Đọc ngược cũng được.
Mây gió đợi bằng sức thỏa bay
Núi sông nguyền trọn giữ râu mày
Say cần lúc thấy trông điên đảo
Tỉnh phải khi nhìn biết dở hay
Cay đắng chịu cam đành ngoảnh mặt
TủI hờn ôm dễ há khoanh tay
Đầy vơi hận khóc riêng dâu bể
Thay đổi thói đời cuộc trả vay.

Tôi ngạc nhiên bày tỏ niềm thán phục:
— Tuyệt quá! Thơ đọc được cả hai chiều!
Thấy tôi hăng say theo dõi câu chuyện, Ba sôi nổi kể tiếp:
— Hồi ở trại Yên Báy chật lắm! Phải nằm nửa người thôi, nằm nghiêng nghiêng với nhau vì không có chỗ. Khi về trại Nam Hà cũng chật nhưng may nằm vừa sát. Mỗi phòng có khoảng 100 tù nhân. Ba nằm gần anh Dương ngọc Bảo, cựu đại tá tham mưu trưởng bộ chỉ huy tiền phương quân đoàn 4 và anh Đàm Quang Yêu, cựu Đại tá tư lệnh biệt khu Quảng Đà. Phòng có hai tầng, tầng trên là ván gỗ. Ba lựa ngủ tầng dưới ciment vì Ba sợ rệp, nhưng nền ciment thì lại bị lạnh lắm! Ba ở buồng 8, thành khẩn khấn nguyện xin Thánh Tùng La soi sáng cho biết tương lai bản thân mình sẽ được trở về quê hương hay là sẽ bị ngã gục trong lao tù Cọng sản. Sáng ngày khi trại tù mở cổng, anh Hoàng xuân Tửu ở buồng 1, là Phó chủ tịch Thượng Viện, đưa bài thơ có ghi dưới hàng chữ “Cho Đại tá Bình hiện đang khấn nguyện ở buồng 8”. Anh kể anh thưa với Cụ: “Con biết anh Bình. Vậy con xin nhận bài thơ này. Sáng ngày lao động con sẽ đưa lại cho anh Bình”.

Tôi nôn nóng:
— Ba còn thuộc không Ba?
Gương mặt Ba rạng rỡ, say sưa ngâm:
Huế xinh Huế đẹp đất thần kinh
Ấp ủ bao năm một khối tình
Dâu bể tang thương cùng tuế nguyệt
Hẹn ngày tái ngộ với Hương Bình
Anh Tửu kể thêm: Cụ giải thích Cụ dùng chữ “khối tình” có ý là tình nhà, tình nước, tình dân tộc. Ba đọc xong lòng cảm thấy vui mừng và phấn khởi vô cùng, chứa chan hy vọng và tin tưởng ở tương lai. Hàng tháng ngày rằm hay mồng một hoặc lúc nào thuận tiện thì anh em tất cả có thành tâm cầu nguyện là được ngài giáng cho thơ, tùy theo sở nguyện của cá nhân hay tập thể. Đặc biệt những bài thơ Cụ cho Ba thường có chữ Hương Bình.
Ngày sau trở lại chốn Hương Bình
Sông núi bấy giờ thật đẹp xinh
Cay đắng không quên điều trọng nghĩa
Gian nan giữ trọn mối thâm tình
Tinh thần thanh thản cùng câu sách
Tâm trí nhẹ nhàng với cuốn kinh
Huyền diệu lẽ Trời là thế đó
Niềm vui tất cả chẳng riêng mình

— Chắc ai cũng xin Cụ cho biết có hy vọng ngày về!
— Đúng như rứa. Cụ giáng thơ:
Thu thiên sương giáng động tây phong
Trục phất nam sơn xuất khí nồng
Nguyệt khuyết tàn vân tà ngọc thố
Đãi thời luyện dực điểu phi thông
Sau này về được rồi thì mới nghiệm lời Cụ cho rất linh ứng. Ngọc thố là con thỏ. Người Tàu gọi mão là thỏ. Đa số anh em được về năm mão, trong đó có Ba.
— Cụ cho tất cả bao nhiêu bài thơ hở Ba?
— Cho chung hơn cả ngàn bài. Tùy theo sở cầu, sở nguyện của mỗi người thì Cụ cho. Phần Ba được khoảng trăm bài. Ba có ghi lại những bài còn nhớ. À, một chuyện đặc biệt: Anh Nguyễn văn Hiểu làm tòa lãnh sự Mỹ ở Nha Trang, anh đã đi theo tàu Thương Tín qua đảo Guam nhưng anh tranh đấu để đòi về. Ngờ đâu Việt Cộng nó cũng nhốt anh ở trại Nam Hà. Ban đêm khi anh em cầu nguyện, thường thấy anh ngồi lâm râm một góc. Sau này mới biết té ra anh cũng đang khấn Cụ, xin Cụ cho biết tương lai. Anh được Cụ giáng thơ:
Chưa hiểu được mình khó hiểu ai!
Nhọc công thở vắn với than dài
Khá khen con tạo đành đưa đẩy
Trách bấy hóa công khéo đặt bày
Lỡ bước sa cơ hay dối trá
Chồn chân thất thế nếm chua cay
Ăn năn sám hối điều sai trái
Có lúc chim lồng sổ cánh bay

Sáng ngày đi lao động anh được người ta đưa thơ Cụ cho anh. Anh vui mừng lạy Cụ quá trời! Hay ở chỗ anh này tên Hiểu nhưng chưa hiểu được người. Chưa hiểu được mình khó hiểu ai!
— Có ông nào hỏi chuyện vợ con không Ba?
— Có chớ! Một ông giám đốc khấn nguyện xin Cụ cho biết vợ anh hiện đang ở bên Pháp, sau này anh được tái ngộ hay không? Cụ cho thơ:
Xa xuôi khó nổi tỏ lòng nhau
Kẻ luống nhớ thương kẻ dãi dầu
Lan quế sớm hôm còn nghĩa nặng
Trúc mai năm tháng đượm tình sâu
Ươm hoa hoa cũ càng thêm sắc
Ủ nhụy nhụy xưa vẫn đượm màu
Nhắn với lang quân niềm trọn vẹn
Có ngày gió Á gặp mưa Âu.

Nhận thơ, anh mừng quá bái lạy bốn phương cảm tạ Trời Đất. Tinh thần anh lên làm các bạn tù cũng vui lây.
Tôi thắc mắc:
— Khi cầu cơ bộ không ai sợ bọn ăng-ten báo cáo sao Ba?
— Sợ chớ răng không sợ! Nhưng mà mình canh chừng tụi nó ngủ mới dám cầu. Có một vị Tuyên úy trình với Cụ hiện bây giờ ăng-ten trong trại rất nhiều, hễ hở ra là tụi nó báo cáo. Cụ hạ bút ngay:
Đông đến mang theo giá lạnh về
Tháng ngày mưa gió liệu mà che
Súng rền đất Bắc nghe chan chát
Gió giật phương Nam thấy lập loè
Lao lý vẫn không quên nghĩa cả
Đắng cay càng mãi nặng tình quê
Mặc ai tráo trở đời đen bạc
Giấy rách nhưng ta giữ lấy lề.

— Chuyện Cụ giáng cho thơ có được phổ biến không Ba?
— À, Ba có hỏi Cụ: “Sau này con được về con sẽ kể chuyện Cụ giáng xuống giúp bọn con, con xin thỉnh ý Cụ?” Cụ dạy: “Cứ nói, nhưng với người thiện tri thức có học mình nên nói. Còn với kẻ phàm phu tục tử đã không biết gì mình không nên. Tại sao? Là vì họ đã không hiểu mà nhiều khi họ còn báng bổ thì sẽ có tội với Trời Đất”. Cho nên Cụ dạy: “Bỉ nhơn mỗi lần giáng trần đều có cho thơ Đường. Bởi vì sao? Bởi vì âm dương cũng có chánh tà. Nhiều khi ma quỷ nó về, nó hiện vô cơ huyênh hoang, nó nói tầm bậy. Cho nên Cụ Phan đình Phùng, tức là Thánh Tùng La thì luôn luôn phải có thơ Đường. Không phải thơ Đường tức là không phải Cụ. Cụ bảo mục đích Cụ cho con cháu biết rằng: “Cuộc thế có thăng trầm, tình đời có đen bạc nhưng luôn luôn Trời Đất Thần Thánh Thần Linh vẫn ở với thế gian”.
Cụ cho bài kệ. Cụ dạy khi nào nghĩ tới Cụ hãy đọc bài kệ này:
Thiên hành kỷ quá. Thiên địa vô tư. Thậm ư huyền diệu. Nhật chiếu quang minh.
Dĩ kinh thiện ác. Củ soát dương trần. Báo ứng phân phân. Cứu thế ưu dân.
Tư phần tập đạo. Hạo hạo tự nhiên. Tâm kiên chí lập. Đáo cập thanh cao.
Chánh đạo trường tồn. Nhật nhật niệm ngôn.

oOo

Những câu chuyện thần bí như loại này chỉ có hai cách: một là tin, hai là không thế thôi. Lý do đơn giản là người trong cuộc, ngoài cuộc nghe kể lại hoặc chứng kiến đi nữa cũng không có cách nào giải thích sao cho có lý. Cũng vì lý do ấy cho nên người ta còn có lý luận rằng: “Tin có thì có, không tin thì không”. Nhưng nói cách nào đi nữa tôi cũng ấm ức trong lòng, nhớ chuyện Mục Liên Thanh Đề được đem ra bàn cãi: Người mẹ tên Thanh Đề ác độc bị đày xuống địa ngục. Người con là ngài Mục Liên tu hành chứng quả A La Hán, có nhiều thần thông khác người như lên trời, xuống đất, nghe thấy vạn dặm xa, nghe được tiếng nói của các loài khác như quỷ, thần, thú vật…nên được mệnh danh là đệ nhất thần thông. Ngài cất công đi tìm mẹ và cuối cùng ngài tìm thấy mẹ đang bị cực hình trong chín tầng địa ngục A -tỳ đói khát, ma quỷ đang hành tội. Ngài đã khóc hết nước mắt vì thương mẹ, ngài liền dùng thần thông dâng lên mẹ bát cơm cứu mẹ, nhưng cơm vừa tới miệng bà Thanh Đề tự nhiên biến thành lửa, mẹ ăn không được còn đau khổ hơn! Ngài cầu cứu Phật nhưng biết ác nghiệp của bà Thanh Đề quá nặng không cứu được, Phật bảo: “Con hãy chờ ngày Chư Tăng sau ba tháng an cư kiết hạ, xin Chư Tăng cầu nguyện thì mới cứu được mẹ con”.
Ngài làm y theo lời Phật dạy và sau đó người mẹ thoát được địa ngục.
Tôi cảm thấy câu chuyện vô lý. Chư Tăng có quyền năng gì thắng được luật nhân quả!? Tôi đặt nghi vấn có biết bao nhiêu Phật tử đã tin mù quáng vào câu chuyện này chỉ vì ông bà mình tin thì mình tin theo!
May thay một anh bạn Phật tử đã lý giải thế giới tâm linh bằng tuệ giác một cách rất là khoa học. Trước hết anh trình bày về hiện tượng vật lý. Nếu cả ngàn người đi trên một cái cầu không đồng nhịp thì nó không sao, nhưng cũng ngàn người đó cùng bước đồng nhịp thì tạo năng lượng làm cầu sụp đổ. Điều này giải thích nhờ chú nguyện của Chư Tăng đông đảo và thanh tịnh sau 3 tháng nhập thất là trợ lực bên ngoài, cọng với Phật tánh sám hối là trợ duyên nên bà Thanh Đề thoát được địa ngục.

Tôi suy luận qua câu chuyện của những người tù Cộng Sản. Khi những người tù đói, rét, tinh thần bị hành hạ thì chỗ dựa duy nhất của họ là cầu khẩn ơn trên. Sức mạnh tư tưởng, niềm tin tập trung vào quán niệm tâm linh của họ mạnh hơn gấp bội ngày xưa. Chính năng lượng khổng lồ này đã đi đúng tần số.
Tôi cố ôn lại bài học lịch sử nhưng chỉ nhớ mơ hồ. Tôi hỏi:
— Con nhớ Cụ Phan đình Phùng đậu Tiến sĩ và chống Pháp, nhưng con quên chi tiết rồi.
— Thời đó Tây lập Vua Đồng Khánh. Tụi quân triều đình đông quá trời và còn có cả Tây hỗ trợ, trong khi trên núi ăn uống vô cùng cực khổ, Cụ bị kiết lỵ. Nhiều lần Cụ bảo: “Thôi bây giờ anh em cứ yên tâm . Để tui ra nộp mình cho nó yên đi”. Anh em khóc quá trời! Thành ra Cụ phải ở lại Cụ gánh. Hoàng Cao Khải phái người đưa thơ lên núi năn nỉ Cụ về làm quan nhưng Cụ nhất quyết với non sông, chống Tây tới giọt máu cuối cùng. Cụ anh hùng khí phách như rứa mới hiển Thánh chớ đâu phải ai chết cũng hiển Thánh!
— Khi Ba được qua Mỹ rồi, Cụ còn giáng cho thơ không Ba?
— Còn chớ ! Thường thì phải trên năm người Cụ mới giáng xuống. Hồi mới qua Mỹ, anh em bên Pháp, Texas qua đây tụ họp với nhau mỗi năm cầu Cụ. Có năm Cụ giáng ở nhà mình nì.
— Lúc còn ở trong tù có bài nào Cụ cho biết Ba được qua Mỹ không Ba?
Mắt Ba sáng lên:
— Có chớ.
Ngày mai tươi sáng chẳng còn xa
Bỉ thái xưa nay thấy đó mà
Tươi sáng huy hoàng rồi sẽ đến
Mịt mù u tối cũng dần qua
Bền lòng có lúc đền ơn nước
Vững chí bao phen trả nợ nhà
Thử thách gian nguy nào sá kể
Đường về quê cũ rợp cờ Hoa

Hồi đó anh em suy đoán chữ cờ Hoa là nhờ Mỹ can thiệp, anh em mừng quá trời ! Mà đúng thiệt! Sau này Mỹ ký kết nên anh em được qua Mỹ theo diện H.O.
Ba nhìn đồng hồ và nói:
— Áo quần sấy khô rồi, để Ba đi lấy vô.
Tôi theo Ba ra vườn. Năm nay Ba dựng thêm một cái chòi nhỏ chứa áo quần cũ. Ba không bao giờ chịu vô Shopping như tụi con gái của Ba. Ba khoái mua đồ chợ Trời mỗi cái 1 đô, rồi giặt sạch treo lủng lẳng trong chòi giống một gian hàng chợ Trời. Mỗi lần có ai đi Việt Nam, Ba đóng thùng gởi về quê cho bà con nghèo. Ba chui vào chòi, lôi ra mấy cái áo len đưa tôi:
— Con coi thử cái mô mặc được thì đem về Pháp mà mặc. Hồi ở tù ngoài Bắc lạnh quá trời! Ba bị ho hoài. Ba cứ tưởng bỏ xác ngoài nớ rồi chớ!
Tội nghiệp Ba lúc nào cũng bị ám ảnh bởi ngục tù Cộng sản! Tôi ngán ngẩm cầm mấy cái áo lỗi thời, không dám làm Ba buồn, nói “dạ, cám ơn Ba” nhưng định bụng trước khi trở về Pháp sẽ đem vô nhét lại trong garage, nơi có hơn chục thùng đồ cũ của Ba.
May mà Ba sống chung với con rể cũng là nạn nhân tù cải tạo, hoàn toàn thông cảm căn bịnh “số nhiều” của ông già vợ.
Ba ngồi bệt dưới tấm thảm, lui cui xếp đống áo quần của cả nhà. Ba hớn hở nói:
— Ngày ni Ba làm mấy chuyện lặt vặt cho xong. Mai Ba bận đi chùa. Ba phụ tá phần nghi lễ và là huynh trưởng Phật tử.
Tôi vừa phụ vừa hỏi chuyện:
— Năm ngoái Ba bị mổ bướu gan, chừ đỡ chưa Ba?
— Lành rồi. Người Mỹ tốt thiệt! Tiền thuốc men, bịnh viện họ cho hết không tốn lấy một xu. Hồi ở tù một chai thuốc đỏ cũng không có! Bịnh là chết!
Nhắc đến chữ “chết”, Ba chợt nhớ ra, nhìn thẳng vào mặt tôi và nói với giọng bình thản:
— À, Ba dặn con Út rồi, khi mô Ba mất thì thiêu và đem về làng mình. Ba muốn được gần gũi ông bà tổ tiên.
Tôi nao nao xúc động. Ba thường tỏ lòng biết ơn người Mỹ, hết lời khen ngợi các nước yêu chuộng tự do vô cùng nhân đạo, tôn trọng nhân quyền, tín ngưỡng nhưng Ba vẫn muốn gởi nắm xương tàn trên đất nước Việt Nam.