Chỉ tại mấy con bò |
Tác Giả: Kim Minh | |||
Chúa Nhật, 19 Tháng 8 Năm 2012 22:12 | |||
Trước số nợ khó trả nổi của gia đình, Lan em đã nghe lời bà mối mà không biết mình đang nhắm mắt đưa chân vào hiểm nguy. Ngày mai, Lan em sẽ lên thành phố để kiếm chồng Đài Loan. Nước lũ trên đồng còn lội ngang đầu gối, Lan chị chống xuồng vô mấy gò cao móc cua đồng cả ngày và đem bán được hai chục ngàn đồng. Lan chị ra tiệm cô Mười mua cho em chai dầu gió và hộp kem dưỡng da. Còn lại năm ngàn, cô dúi vào tay Lan em: “Ngày mai, em ra chợ ghé ăn tô hủ tíu cho chắc dạ rồi đi!”. Lan em bắt đầu rơm rớm nước mắt: “Chắc còn lâu lắm em mới được về thăm nhà hả chị Hai?”. Lan chị quay vô vách, mắt cay xè: “Không lâu lắm đâu, con Út nhỏ trong xóm lấy chồng Đài Loan mà nó về hoài đó thấy không? Nó còn có nhiều tiền cho ba má trả nợ, xây nhà đúc sướng thấy mồ”. “Sao em thấy hôm bữa chị ấy về chơi buồn lắm. Còn nữa, trước bữa lấy chồng, chị ấy ôm anh Hùng khóc quá trời''. “Sao mày biết?. “Em với con Tý rình ngoài đầu cầu”. “Quỷ sứ, chuyện này không được nói ai biết nghe không. Con gái xứ mình trước khi lấy chồng, đứa nào cũng khóc, khóc lấy lệ thôi. Lấy chồng vui lắm, vài hôm là quên hết”. “Thiệt không chị Hai?”. “Tại cô Tư Thiện chê chị Hai xấu, nếu không thì chị đi rồi. Lấy chồng Đài Loan dù gì cũng có vài chục triệu đồng trả nợ cho ba. Lâu lâu mình về nhà, nó cho thêm tiền mua đồ cho thằng Tửng anh, Tửng em nữa”. “Nếu nó không cho mình về, còn không cho tiền nữa thì làm sao hả chị Hai?”. “Nói tầm bậy không hà! Cưng đẹp hơn Út Nhỏ nhiều, đứa nào lấy được cưng, nó quý hơn vàng”. “Thiệt hả chị Hai?”. “Thiệt mà! Thôi ngủ đi để mai còn theo cô Tư Thiện lên thành phố. Nhớ xài hũ kem chị mua cho nghen. Em có đẹp thì người ta mới thương, nhớ kỹ chuyện này nè!”. Lan chị hạ giọng thì thầm: “Chưa làm đám cưới thì không cho nó đụng tới mình nghe chưa!”. “Chuyện đó em biết rồi”. ° ° ° Bà Tám chết trong một mùa lũ, lúc đó Lan em mới mười tuổi, còn thằng Tửng em vừa được ba tháng. Ông Tám gà trống nuôi con. Chuyện nhà chuyện cửa đè lên đôi vai bé nhỏ của Lan chị. Mới mười lăm tuổi, cô phải thay má vừa dạy dỗ các em, vừa phụ giúp ba chuyện đồng áng. Công việc quá sức khiến Lan chị lớn không nổi, giống như trái cây chín ép, người đen thui, suôn đuột như nhánh điên điển. Lan chị trở mình. Đêm nay sao dài quá, dài y chang như cái đêm đầu tiên sau khi đưa xác má cô ra ngoài gò. Bên kia vách bồ hình như ba cô cũng không ngủ được. Chiếc đèn soi ếch ông quên tắt, cô cũng kệ, mà cũng hết bình rồi. Ánh sáng lập lòe như đom đóm, chỉ còn tiếng ềnh oang của lũ ếch trong thùng. Tiếng con bìm bịp lạc bầy đêm nay sao nghe buồn quá. Lan chị quơ tay sang thấy Lan em ngủ thiệt rồi. Mùi nắng khen khét lẫn mùi nồng nồng của em xông lên mũi cô cay xè. Cô đưa tay quẹt nước mắt. Nhà nghèo, mấy năm nay trồng lúa sơ vơ sẩn vẩn, lúc trúng mùa thì lúa rớt giá, lượng lúa nhà cô vơ vét bán hết cũng không trả nổi nợ. Bốn chị em có bữa phải ăn khoai luộc trừ cơm. Cực khổ dữ lắm nhưng nhờ trời thương, đám em cô đứa nào cũng tròn vo, chắc nịch, nhất là Lan em. Từ ngày thành thiếu nữ, thân hình nó hơ hớ như trái cây chín mọng. Đến nỗi lúc nào cô cũng gìn giữ nó như của quý, canh chừng lũ con trai xấu tính hay lượn lờ trước cửa. Cuộc sống gia đình cô tuy cực khổ nhưng cũng còn cầm cự được, nếu không có chuyện xã cho dân vay tiền để mua bò. Từ ngày mua hai con bò sữa về, nhà cô mới thật là họa vô đơn chí. Lúc đầu, với lượng sữa bò bán ra, trừ hết chi phí, chủ còn có lời. Ham quá, ông Tám bán ruộng lấy tiền mua thêm hai con nữa. Tưởng sẽ có cơ hội đổi đời, ai dè không bao lâu giá cám, thức ăn thô lên giá, cỏ khan hiếm mà sữa thì bán không được. Gia đình cô phải chịu lỗ khi đổi chúng thành đàn bò thịt. Thật là đã khổ lại càng thêm khổ, bây giờ nhà cô nợ nần chồng chất. Ngày mai, đứa em thương yêu đứt ruột của cô phải xa gia đình đi lấy chồng để kiếm tiền trả nợ. Tội nghiệp, nó còn nhỏ xíu. Càng nghĩ, cô càng giận lắm, nhưng phải giận ai, cô cũng không biết. ° ° ° Xa xa đã có tiếng gà gáy sáng ngoài chuồng, mấy con bò đang ậm ừ đòi ăn. Không biết ngày hôm qua Tửng anh, Tửng em đã kiếm đủ cỏ cho chúng hay chưa. Sáng sớm, Lan chị ra chợ bán mớ cá mắc lưới, còn anh em thằng Từng chống xuồng kiếm cỏ cho bò. Hôm nay không ai thuê chở đất, ông Tám ở nhà một mình. Trời âm u buồn, sau khi một mình làm gần hết ba xị rượu, ông Tám sực nhớ có giấy mời của xã. Từ ngày Lan em đi, đầu óc ông lúc nhớ, lúc quên. Ông ngật ngưỡng đi đến nơi thì bà con trong xã đã họp từ lâu. Người đứng, người ngồi lố nhố. Ông thấy họ đang tranh cãi chuyện gì quyết liệt lắm, hình như có có mấy ông cán bộ tín dụng ở huyện xuống thì phải. Thôi chết! Ông Tám nhớ đến số nợ vay nuôi bò đã quá hạn, lòng rối như tơ vò. Ông lấm lét lủi ra tuốt đằng sau. Chưa kịp ngồi, ồng đã giật bắn mình vì tiếng tháng Tám đen sao hôm nay dữ dằn quá: “Chỉ mấy câu xin lỗi nhận khuyết điểm của mấy ông là xong ư? Vay tiền sử dụng sai mục đích thì mấy ông không cho, vay làm lúa thì lỗ. Các ông xúi tụi tui vay tiền nuôi bò sữa. Bây giờ lỗ, mấy ông cũng phải biết chịu trách nhiệm chớ!”. Ông Ba Sang, chủ tịch xã đứng lên, khoát tay ra hiệu yêu cầu bà con giữ trật tự, phân trần: ''Anh nói bậy rồi! Ở trên thấy dân mình lâu nay làm lúa hoài không khá, muốn giúp mình nên người ta mới khuyến khích chuyển đổi và nuôi cây trồng. Còn muốn làm gì, nuôi gì là tự mình tính, đâu có ai xúi mấy anh nuôi bò sữa”. "Tôi không nói bậy! Nếu không xúi dân tiếp tục làm lúa, nuôi bò thì tại sao vay tiền đi làm lúa nuôi bò mới cho vay. Anh trả lời cho bà con nghe đi. Bà con tụi tui nào giờ đều nghe theo chính quyền. Nếu mấy ông thấy không chắc ăn thì phổ biến chủ trương nuôi bò làm gì?''. “Ờ phải đó! Trả lời đi!”. “Tám đen nói đúng đó, trả lời đi”. Cả đám đông lao nhao, mỗi người một câu làm lỗ tai ông Tám lùng bùng không còn nghe rõ. Hai mắt ông nhíu lại, buồn ngủ quá ông ngã lăn kềnh ra nền trụ sở xã làm một giấc đến xế chiều. “Xế chiều rồi, dậy đi cha nội! Có về tui cho quá giang nè”. Bị tiếng Ba Sang oang oang hét vào tai, ông Tám giật mình tỉnh giấc: ''Ủa! Chèn ơi, chiều dữ rồi nghen, thôi cho tui quá giang về với anh Ba”. “Cho ông quá giang về là chuyện nhỏ, chuyện này mới lớn nè, cha nội”. “Có chuyện gì vậy anh Ba?”. “Nghe nói ông sắp gả con phải không?”. “Dạ!”. “Ông gả nó cho thằng Đài Loan để lấy tiền trả nợ chứ gì? Vậy sao trong danh sách nợ quá hạn kỳ này còn dính tên ông?”. “Dạ, mới đưa nó lên thành phố cho người ta coi mắt thôi anh Ba ơi! Cô Tư mới đưa tui có chút đỉnh để xoay xở qua lúc ngặt nghèo thôi à! Nếu sau này người ta chịu nó, cưới hỏi xong hết rồi mới chồng tiền”. “Anh gả con thì tui mừng cho anh, nhưng anh cũng phải tìm hiểu kỹ nghe anh Tám. Bây giờ tụi lừa đảo dữ dằn lắm, nợ nần từ từ tính đừng ham tiền rủi có gì tội nghiệp con nhỏ''. Ba Sang hình như còn muốn nói thêm nhưng nhìn thấy bộ dạng sửng cồ của ông Tám nên nín thinh. Suốt đoạn đường về nhà, ngồi trên mũi xuồng, ông Tám ngoảnh mặt sang một bên, chửi thầm trong bụng: ''Mẹ cha nó, làm bộ làm tịch nói mình ham tiền. Bộ thằng chả không biết con gái xã này đứa nào cũng khoái lấy chồng ngoại. Nhìn vợ chồng Bảy Thể gả con Út Nhỏ thì biết, cô Tư Thiện là người xứ mình chứ ai xa lạ mà sợ. Con Mai, con thằng chả, thậm thụt với cô Tư hoài, muốn mà không được, thật là thói thường ghen ăn tức ở đây mà''. Ông mang tâm trạng bực bội lẫn hoang mang về nhà. Thằng Tửng em đi đâu mất, Tửng anh nằm vắt vẻo trên chiếc võng. Ông thấy mớ cỏ trên chiếc xuồng ba lá còn chưa đem vô chuồng. Giờ này, nếu Lan em còn ở nhà thì bếp núc, nhà cửa đâu có như vầy. Ông nổi nóng: ''Tửng anh, mày dậy liền coi! Trời đất ơi! Mới kiếm được có mấy cọng cỏ mà về ngủ rồi, như vậy làm sao đủ cỏ cho bò ăn?”. “Nước ngập kiểu này ba biểu con kiếm đâu ra cỏ, như vậy là nhiều rồi, không tin thì ba kiếm thử đi!”. Tửng anh cằn nhằn nhưng cũng lật đật đi gom cỏ lên, nhìn thấy đàn bò thảnh thơi nhai cỏ trong chuồng, cái đuôi vung vẫy sao mà thấy ghét quá. Thuận chân, Tửng anh đá luôn vào đít con đực mấy cái: “Cũng tại tụi bây nè! Tại tụi bây mà tao mới cực dữ như vầy nè, cho đáng đời!”. Lũ bò đâu hiểu chuyện gì nhưng hoảng sợ lắm, lồng lên bứt dây, chạy băng qua sân nước, phóng ào ào ra đê. Cha con ông Tám rượt theo muốn hụt hơi. ° ° ° Hôm sau, lúc cha con ông Tám mình mẩy ướt loi ngoi, đóng lại mấy cái cọc chuồng bò, ở thành phố, Lan em được đưa đến một căn phòng sang trọng. Mấy ngày qua, cô cũng như mấy cô gái khác bị giam lỏng trong căn nhà sàn chật hẹp. Mùi hôi thối của dòng kênh đen sì xông lên khiến Lan em không tài nào ăn ngủ được. Cô đang chán ngấy cái cảnh phải trang điểm lòe loẹt, thay đổi quần áo liên tục, ngồi chen chúc hằng giờ cho bọn đàn ông ngắm nghía, sờ nắn thì cô Tư Thiện đến: "Con hên lắm, mới đây mà đã có người để ý, muốn hẹn gặp mặt, sau này giàu có rồi nhớ tới cô nghen!''. Suốt thời gian chờ đợi, Lan em choáng ngợp trước vẻ sang trọng của căn phòng. Cô đỏ mặt thẹn thùng nghĩ đến bạch mã hoàng tử của mình. Thế nhưng, câu chuyện cô bé Lọ Lem thử giày để trong một đêm trở thành hoàng hậu còn ở đâu xa lắc. Giờ đây chỉ có một mình Lan em đối diện với gã đàn ông lớn tuổi, xa lạ và dung tục. Cô co rúm người trước ánh nhìn suồng sã của hắn. Gã nói tiếng Việt nhưng cô nghe tiếng được tiếng mất: ''Hề hề coi bộ em chưa tới tuổi thành niên, nhưng không sao, anh với cô Tư sẽ lo được hết!”. Hắn đưa bàn tay mập mạp đeo đầy nhẫn vuốt mặt cô: ''Nói thiêt đi, em còn nguyên xi phải không? Đừng sợ! Anh không làm em đau đâu, để yên cho anh thương em một chút!”. Lan em ngơ ngác không hiểu hắn nói gì. Đến khi bị bàn tay lông lá của hắn giật phăng nút áo, cô mới hốt hoảng: ''Bớ người ta cứu tui, tui không chịu làm vợ chú đâu. Thiệt tình tui chưa đủ tuổi kết hôn, chú tha cho tui đi!”. Ông ta bực tức, đưa bàn tay in dấu năm ngón tay lên khuôn mặt đầy nước mắt của Lan em: ''Khốn kiếp! Không chịu sao vác xác lên đây đòi kiếm chồng để lấy tiền?”. Không biết trời xui đất khiến hay nhờ bà Tám linh thiêng phù hộ, mà chắc tại ông ta chỉ có một chân, sức không còn đủ để quật ngã cái tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu nên Lan em chạy thoát. Cô vừa chạy vừa khóc. Có một anh dân phòng tình cờ gặp hỏi han rồi dẫn Lan em lên phường lấy lời khai. Không đủ bằng chứng buộc tội cô Tư Thiện phạm pháp, anh dân phòng coi bộ tức tối lắm. Khi người cán bộ cầm viết hỏi Lan em vì sao sa vào hoàn cảnh này, cô thút thít khóc: ''Chỉ tại mấy con bò ở nhà tui thôi mà!”. Ông Tám bán hết bầy bò cũng không trả được bao nhiêu nợ, trong đó có cả nợ của cô Tư Thiện. Anh dân phòng đẹp trai tốt bụng gặp Lan em dạo nọ tìm đến xin trả giúp. Anh ta phải bán chiếc xe máy và phải xuống đi xe đạp mới có đủ tiền giúp. Bù lại, hai năm sau khi Lan em đủ tuổi kết hôn, chú rể toét miệng cười hoài bên cô dâu xinh nhất xã là anh ta. Ngày đưa dâu có đám thiếu nữ trong xóm nhìn theo tiếc rẻ: “Con nhỏ đó ngu quá, lấy chồng nước ngoài giàu sang không chịu, đi ưng cái thằng coi bộ hổng khá!”. Có cô trong đám còn toan tính: "Bây giờ, lấy chồng Hàn Quốc mới sành điệu, lấy chồng Đài Loan là xưa rồi". Ngày đưa dâu Lan em cũng là ngày trong xã đang có phong trào khuyến khích nuôi ếch. Nghe nói ở xã, huyện nào đó đang có mô hình nuôi ếch thành công lắm.
|