Home Văn Học TRUYỆN NGẮN Các Tác Giả Về tiếng kêu của những đêm mùa hạ

Về tiếng kêu của những đêm mùa hạ PDF Print E-mail
Tác Giả: Thảo Nguyên   
Thứ Hai, 05 Tháng 7 Năm 2010 08:41

Trong những âm thanh đồng vọng của cuộc sống, có lẽ tiếng quốc là thanh âm ám ảnh với tôi nhất.

Hôm nay, tôi lại về đây, ngôi làng bé nhỏ, thân yêu của mình, để được đắm chìm trong những kí ức của tuổi thơ đói nghèo, lam lũ mà tràn đầy ước vọng, yêu thương. Và đặc biệt, tôi về quê là tìm về sở thích thời thơ bé của mình: được nghe tiếng quốc kêu vào những trưa hè.

 

Đã lâu lắm rồi, tôi mới lại được nghe những thanh âm thân thương đến thế. Ở thành phố, tôi thường phải chịu đựng những âm thanh inh tai nhức óc của tiếng còi xe máy ô tô, những thanh âm chát chúa của những thiết bị âm thanh...

Chỉ có về quê, tôi mới tìm được cảm giác thật sự thanh bình, bỏ lại đằng sau những mệt mỏi, bon chen với cơm áo gạo tiền nơi phố thị. Về quê, tôi được đắm mình trong bầu không khí trong lành, thanh khiết của đất trời. Về quê, tôi được sống trong tình đất, tình người hồn hậu.

Ngày đó, những trưa hè như trưa hôm nay, tôi thường ra bờ ao, ngồi dưới bụi tre già để được nghe cho thật rõ tiếng chim quốc kêu. Trưa hè ở miền quê thật tuyệt. Cả không gian chìm đắm trong bầu không khí thanh bình, quyến rũ của mùa hè.

Có lẽ không có thứ âm thanh nào làm lòng ta khắc khoải hơn tiếng quốc. Chúng như những ca sĩ vô danh cất lên cho đời những âm thanh đến nao lòng.

Gió thổi lồng lộng, mát rượi, chẳng cần quạt hay điều hòa cũng thấy vô cùng sảng khoái. Xa xa, trên cánh đồng, đàn cò trắng bay rợp bầu trời. Thảm lúa xanh rì rào trong gió. Thỉnh thoảng, những cơn gió lớn lại tạo ra những con sóng bồng bềnh trên những ruộng lúa. Những chú chuồn chuồn thỉnh thoảng lại liệng xuống mặt nước tạo thành những vòng sóng động dưới mặt cầu ao.

Đặc biệt, tôi như bị cuốn hút với dàn đại âm thanh thú vị của buổi trưa hè. Tiếng ve kêu râm ran, tiếng chim lảnh lót, tiếng cá quẫy đuôi dưới sông và đặc biệt là tiếng quốc kêu trong lau lách bãi bờ. Những tiếng quốc kêu nghe thật buồn, thê thiết và có sức ám ảnh ghê gớm. Để rồi qua bao nhiêu năm, ta vẫn luôn khắc khoải bởi những tiếng quốc kêu.

"Ai xui con quốc gọi hè", chim quốc gọi mùa hè đổ lửa về. Tiếng quốc đã đi vào thơ ca, nhạc họa. Chim quốc đã trở nên quen thuộc trong đời sống của bao thế hệ người Việt Nam. Có lẽ bất cứ ai khi sinh ra và lớn lên ở làng quê đều mang trong mình hình ảnh về loài chim đáng yêu này.

Chim quốc (còn được gọi với những cái tên Hán Việt rất trìu mến như: đỗ quyên, đỗ vũ, tử quy) là loài chim hiền lành đến nhút nhát. Cứ thấy người là chúng lủi rất nhanh. Vì thế, dân gian có câu: "Lủi như quốc". Quanh năm, quốc chỉ sống lầm lũi trong bờ cây, bụi rậm bên bờ nước, luồn lách kiếm ăn và sinh con đẻ cái. Loài chim này không bao giờ làm hại đến ai. Vì thế, nhiều người yêu quý chúng và coi chúng là bạn.

Quốc kêu quanh năm nhưng kêu nhiều nhất là vào mùa sinh sản. Tháng tư là thời điểm bắt đầu mùa sinh sản của chúng. Mùa sinh sản, quốc kêu suốt ngày đêm. Khi nghe tiếng quốc kêu là lúc nó sắp đẻ. Vào thời điểm này, những tên săn quốc đã lợi dùng đặc tính này để đi bẫy quốc. Có phải thế chăng mà tiếng kêu của chúng trở nên ai oán, bi thương?

Có lẽ không có thứ âm thanh nào làm lòng ta khắc khoải hơn tiếng quốc. Chúng như những ca sĩ vô danh cất lên cho đời những âm thanh đến nao lòng.

Tiếng quốc còn mang trong nó nhiều thông điệp. Ông tôi bảo, nghe tiếng quốc kêu, người am hiểu về đồng ruộng có thể biết được vụ này được mùa hay thất bát. Tiếng quốc còn mang nhiều ý nghĩa. Cùng là tiếng quốc, nhưng mỗi lúc người nghe cảm nhận một ý nghĩa khác nhau. Tiếng quốc vào ngày mùa dường như rộn ràng hơn. Còn mỗi khi làng có người chết, tiếng quốc trở nên bi ai hơn.

Tôi đặc biệt ám ảnh với tiếng quốc lúc đêm khuya. Trong đêm khuya tĩnh mịch, u sầu, tiếng kêu của chim quốc nghe thật đáng thương. Nó dường như da diết, thảm thiết hơn. Nghe tiếng kêu, người ta có thể cảm nhận chúng đang rất lạc lõng, cô đơn.

Tôi từng là người lính đi chiến đấu ở chiến trường. Trong những năm còn chiến tranh, những khi nghe thấy tiếng quốc, nhất là những đêm u tịch, tôi lại càng da diết nỗi nhớ thương nước nhà trong cảnh chia ly, loạn lạc. Trong tôi lúc đó, luôn vang vọng lời thơ của Bà Huyện Thanh Quan:

"Nhớ nước, đau lòng con quốc quốc
Thương nhà, mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân, ngoảnh lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta".

"Con quốc quốc" cất lên tiếng gọi đau thương trong cảnh nước mất nhà tan. Trong đêm khuya tịch mịch, tiếng kêu càng ai oán, xót xa. Nó nhắc nhở chúng ta về tình yêu quê hương, đất nước. Có thể nói, tiếng quốc góp phần tạo nên hồn cốt quê nhà.

Thế mà giờ đây, loài vật yêu quý này đang bị săn bắt một cách ráo riết. Có người bẫy quốc để tiêu khiển, song nhiều người xem bẫy quốc là một nghề kiếm sống. Số lượng chim quốc ngày càng ít đi. Những tiếng quốc kêu cũng dần trở nên thưa vắng.

Nếu như trước đây, người ta chỉ bắt quốc bằng bẫy lỗ, bẫy lồng... thì giờ đây nhiều người đã biết sử dụng cả công nghệ bẫy lưới để bẫy được nhiều quốc hơn. Người ta ghi âm tiếng chim quốc vào máy cassette rồi mang ra đồng mở máy... Khi nghe tiếng đồng loại trong máy kêu, chim quốc sẽ lũ lượt bay về, rồi bị sa vào lưới. Thật là một hành động tàn ác. Với công nghệ bẫy lưới này thì chẳng mấy chốc loài quốc sẽ bị tận diệt. Hãy cứu lấy loài chim hiền lành, đáng thương này.