Tiếng Kèn Trên Đỉnh Tháp Saint Mary |
Tác Giả: Nguyễn Thị Thảo Anh | |||
Thứ Tư, 22 Tháng 9 Năm 2010 17:26 | |||
Các bạn đã từng qua Ba Lan chưa? Có đi, bạn có thể không đến Warsaw nhưng đừng bao giờ bỏ qua Krakow. Nếu Warsaw là cái đầu của Ba Lan, thì Krakow là trái tim. Bởi nó từng là cố đô cổ xưa nhất của Ba Lan, kinh đô văn hóa và nghệ thuật, nơi an nghỉ cuối cùng của các vì vua, của những anh hùng danh nhân đã bao đời. Nhà thờ cổ Saint Mary / Hình: Hao B. Nguyen Phố cổ, lâu đài cổ, quảng trường cổ, khu chợ cổ,…Nhưng thu hút du khách nhất là nhà thờ cổ Saint Mary. Một kiểu công trình kiến trúc nghệ thuật Gothic vòm nhọn, xây từ những năm đầu thế kỷ 13. Đứng từ xa, nhà thờ mang hình dáng bất ổn. Hai ngọn tháp đã không giống nhau, lại còn bên cao bên thấp. Tương truyền, kiến trúc sư là hai anh em. Người anh tài ba hơn, dốc hết tâm sức ngày đêm xây dựng cho Saint Mary trở thành một ngôi nhà thờ đẹp nhất Ba Lan. Người em kém tài, nên tháp thấp hơn, nhỏ hơn. Khi công trình hoàn thành, thấy ngọn tháp của người anh cao lớn hùng vĩ quá, người em đem lòng ghen tức liền rút gươm giết anh. Sau khi người anh chết, đứng trên ngọn tháp cao nhất, người em nhìn xuống thấy nóc ngọn tháp của mình bên dưới liền tỉnh ngộ. Trên đời, không có sự vinh quang nào giẫm trên xương máu của kẻ khác. Lòng hối hận khôn cùng, từ trên đỉnh tháp, người em cũng lao mình xuống đất. Đi lang thang giữa những hàng bạch dương, ngắm tuyết lác đác rơi, những du học sinh người Việt chắc ai cũng nhớ lõm bõm những câu thơ, “Em ơi, Ba Lan, mùa tuyết tan Ba Lan, Ba Lan Máu đã quyện, em ơi, trong đó Anh đã đến quê em Cra-cốp1 (Em ơi… Ba Lan- thơ Tố Hữu) Bài thơ ca ngợi tình hữu nghị của hai Đảng, hai nước, bỗng dưng chêm vô mấy câu ca tụng… Liên Xô (ngang xương). Nhưng tôi ngờ chính ông Tố Hữu cũng bị lừa hay tự lừa (cũng không biết?). Sự thật không như thế. Năm 1945, gần cuối lúc kết thúc thế chiến thứ II, dân quân Ba Lan nổi lên chống lại với quân Đức Quốc Xã đang chiếm đóng Warszawa. Lúc đó, Hồng quân Liên Xô đã án binh bất động bên ngoài thành phố cố tình để mặc cho quân Hitler tiêu diệt quân kháng chiến Ba Lan. Đợi khi hai bên kiệt sức, Hồng quân mới tiến vào mang theo những người Cộng Sản Ba Lan do Liên Xô bảo trợ, tiêu diệt quân Đức và cả những dân quân Ba Lan không Cộng Sản. Rồi nhân lúc đất nước Ba Lan đang bị tàn phá, Liên Xô vẽ lại ranh giới, cướp đi một phần đất phía Đông của người anh em Cộng Sản. Tội nghiệp dân quân Ba Lan. Và cũng tội nghiệp cho Thạch Sanh. Bỗng dưng bị ông Tố Hữu lôi vào thơ đứng lộn sòng với đám quân gian. Mà đây không phải lần đầu. Trong Bài Ca Xuân 68, ông cũng từng chụp cho Thạch Sanh một chiếc mũ tai bèo… trông phát sợ. Trở lại với Ba Lan, không lâu lắm, các bạn sẽ nhận ra cái đẹp của Ba Lan không phải là lâu đài, dinh thự tráng lệ,.. mà là nắng. Ba Lan hơi lạnh ngay cả vào Hè. Mùa Đông thì khỏi nói, tuyết trắng trời đất, nhiệt độ thường dưới độ âm. Vì vậy, nắng rất quý. Thấy nắng, mọi người kéo nhau ra đường ngắm. Được tắm trong nắng đã là một thứ ân sủng của trời. Nắng Ba Lan rất đẹp, rất ngọt ngào làm cho người ta cứ chực muốn hôn vào nắng. Nắng lấp lánh trên cành cây và rực sáng trên những mảng tuyết. Những khi trời nắng, không gì thú bằng rút mình trong một góc phố, nhắp một chút cà phê nóng, ngắm người qua lại, không gian êm đềm như đưa du khách ngược về thời cổ tích. Nhưng thành phố đẹp nhất là buổi chiều. Khi hoàng hôn chìm bên kia Xông, bầu trời ửng một màu tím rất lãng mạn. Những đỉnh tháp, nóc đền đài đây đó in rõ mồn một trên nền trời mang đầy màu sắc thần thoại. Đến nửa đêm, đúng12 giờ, từ trên ngọn tháp cao vút trên nhà thờ Saint Mary những tiếng kèn vang lên -trong khoảnh khắc, thời gian chợt ngưng lại, tiếng kèn cao vút rồi ngưng bặt- sinh hoạt lại nối lại. Chỉ có đám du khách mới đến ngạc nhiên, ngơ ngác. Người bản xứ bảo rằng, lần đầu tiên người dân Ba Lan ngày xưa cũng giật mình, ngơ ngác. Truyện kể, cách nay cả ngàn năm, vào lúc nửa đêm 23 tháng 3 của năm 1241, cả kinh đô đang chìm trong giấc ngủ thì dân chúng Ba Lan bỗng giật mình, choàng tỉnh. Từ trên không trung, những hồi kèn trumpet trỗi lên vang dội khắp kinh thành. Người ta vẫn ngạc nhiên, không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tiếng kèn càng lúc càng hối hả. Nguyên, có một người lính canh giữ tháp nhà thờ đã phát giác- từ xa, một đoàn quân Mông Cổ rầm rập như thác lũ đang tiến thẳng về kinh. Vó ngựa như bay, bụi cuốn mịt mù. Người ta truyền tai, những nơi Mông Cổ đi qua, cỏ cũng không sống được. Nửa đêm, kinh thành hỗn loạn, dân chúng bồng bế nhau trốn chạy trối chết. Khi quân Mông Cổ bắt đầu áp thành, người lính vẫn còn kẹt ở trên tháp. Truyện kể rằng, người ta nghe được lúc tiếng kèn đang cất cao thì đột nhiên ngưng bặt. Một mũi tên từ đâu cắm phập vào cổ họng, xuyên qua yết hầu của người lính. Từ đó, để tưởng nhớ người lính thổi kèn trumpet, mỗi đêm thành phố phát thanh bài kèn từ trên tháp nhà thờ Saint Mary và cũng dứt đột ngột đúng vào cái nốt cao nhất. Thương thay! Người anh hùng bình dị. Mới đây, khi đọc tin có một đảng viên Đảng Cộng Sản đòi đốt thẻ Đảng. Tôi tự hỏi, Việt Nam có bao nhiêu đảng viên như Đỗ Xuân Thọ? Một đám cháy lớn bao giờ cũng bắt đầu bằng một tia lửa nhỏ. Đất nước trải hơn 4,000 năm dựng nước, Đảng chỉ có 65 năm. Sáu mươi lăm năm - chỉ là một tiếng tích tắc trong lịch sử. Thì sá chi. Xin cứu lấy nước. Đừng cứu Đảng. Mong lắm thay!
|