Có chồng PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Minh Hà   
Thứ Năm, 03 Tháng 3 Năm 2011 13:57

Vậy là ả có chồng. Chồng - ấy là cái mà từ thuở hai mươi ả không bao giờ mong có.

Một đôi giày cao gót kiểu mới đua chị đua em; một thỏi son có thể kín đáo quẹt lên môi cho môi hồng lên mà mọi người không biết... Ả có thể mong có những thứ ấy, thiết tha mong trong một ngày xa xôi nghèo khó nào đấy.

 Nhưng chồng, muốn có chồng, tuyệt nhiên không! Ấy là vì ả biết mình. Gái ngoại thành, từ bé đã phải cấy phải gặt phải gánh phải gồng, người cứ bè bè. Nhớn nhao một chút, thoát ly đi làm ở xí nghiệp dệt khăn mặt khăn tay, cũng suốt ngày đi.

 Có ai đó đã tính rằng một công nhân đứng máy dệt như ả mỗi ngàyđi hết một đoạn đường ba mươi hai ki-lo-met. Đi thế, bắp chân to ra, bàn chân cũng to ra. Tướng người ấy giá đi với một gương mặt tròn tròn, ưng ửng hồng từng lúc thì có khi còn được coi là có dáng phúc hậu. Đằng này... Những ai ai mỏng mày hay hạt, chứ còn ả, mặt đã mỏng, lại choắt như hai ngón tay úp chéo. Cái vệt duy nhất đầy đặn trên mặt ả là cái mũi. Sao mà nó to!

Khi còn trẻ, mười tám đôi mươi, ả cũng có lúc mong thầm cho mình có duyên có phận. ừ! Biết đâu! Biết đâu! Nồi méo vung méo xoay quanh cũng vừa. Nhưng chẳng thấy ai là đàn ông trêu ả, trừ mấy ông làm công đoàn ở xưởng. Mà họ đùa thế nào chứ!

 "Cô Hoài bao giờ báo cáo với tổ chức để công đoàn đứng ra đấy? ấy, đám cưới của cô thì chắc là đông lắm!" Một thằng thợ đi qua ngứa mồm: "Chứ lại chả đông! Con em lúc đó khéo cũng có con rồi. Thế nào em cũng bảo nó đưa con đến mừng bà trẻ". Ả tủi lắm. Nhưng vẫn cười: "Ừ! Khi nào chị có phúc có phận, chị mời hết cả ngũ đại đồng đường nhà em".

Vào xí nghiệp từ hồi mười tám, nhoáng cái nhìn quanh đã chẳng còn mấy người để ả gọi anh xưng em. Ả biến thành "chị ấy", "bà ấy" nơi cửa miệng thiên hạ lúc nào không biết. "Bà ấy tính cũng quái như người". "Người đâu xấu người, xấu nết, xấu đến cả c...".

Người ta cứ nửa đùa nửa thật nửa thương nửa ghét ả như thế. Nào ả có làm gì ai! Một thân một mình ở giữa một khu tập thể quanh năm suốt tháng ồn ào tiếng mẹ trẻ réo con, tiếng chồng đay vợ ban ngày, tiếng rúc rích ban đêm sát liếp, ả đâm thù ghét cái hạnh phúc thực ra rất lem nhem mà thiên hạ bày trước mắt.

Ả thành người đi sớm về muộn; thành chiến sĩ thi đua năm này qua năm khác. Người ta đâm ngại ả. Cái sự chăm chỉ quá đáng của ả, cả cái mác chiến sĩ thi đua kia nữa làm cho người ta mất thoải mái lúc tranh thủ uống ấm chè hay hóng hớt nhau trong giờ làm việc.

Nói vậy chứ cái mác chiến sĩ thi đua đã giúp ả một cú quyết định. Ấy là vào lúc xí nghiệp lấy danh sách đi hợp tác lao động quốc tế. Đi Đức hẳn hoi.

Ả lên gặp giám đốc, nài: "Anh ưu tiên em vào danh sách đợt này".

Ông giám đốc - ngườiđã có thâm niên hai mươi năm ngồi ở nhà máy trên cái ghế này, người vẫn bị phó giám đốc dè bỉu một cách có vẻ đầy thiện ý: "Hơ. Ông ấy trông đúng là trẻ thật, chứ tuổi thì... chỉ hơn sáu mươi chứ sáu mươi thì làm gì đến" - cười: "Cô là nòng cốt ở xí nghiệp này, phải phấn đấu trở thành cán bộ kế cận chúng tôi chứ. Để cô đi thế nào được".

 "Em chữ nghĩa bổ túc ban đêm chẳng có là bao. Mà em tính đã làm cán bộ kế cận thì chỉ kế cận anh thôi. Nhưng làm sao thay được người như anh". Thêm đôi lần quà cáp nhỏ to với bà vợ ông giám đốc lúc đó đang là phụ trách nhà ăn, thế rồi ả lên đường.

Thánh nhân đãi kẻ khù khờ. Ả nghiệm ra các cụ thật chí lý. Người ta mất hết của cải, liều thân chôn mình trong hàm cá trên đường vượt biển. Ả chỉ một bước là đã thoát sang bên kia, sang hẳn Tây Đức.

Cũng là dòng đời đẩy đưa. Bức tường Berlin sụp đổ, đầu tiên là bọn ả đi xem, nhân thể mua về bên Đông những là gạo là nước mắm là bánh phở - những thứ người Việt đi hợp tác lao động quốc tế phải chịu thèm chịu nhạt. Rồi thì sang tị nạn, "xem nó ra sao", "ngồi không trong trại lĩnh tiền tiêu vặt còn hơn lương cu li ở Đông Đức trước chả hơn à". Và khi có chế độ mới cho tỵ nạn vốn xuất thân thợ khách thì ả xin nhận lại Pass, ra khỏi trại đi làm.

Hình minh họa

Những ngày làm thợ ở Đông Đức, những ngày tỵ nạn bên Tây, ả đã dự bao nhiêu là đám cưới của anh chị em người Việt. Có những đôi đúng là đũa lệch, chồng trai tơ vợ nạ dòng, chồng thành phố vợ nhà quê một cục ăn cơm mắm môi cầm đũa và suỵt soạt.

Ả chẳng mong ước gì, nhưng có lúc cũng lạ lùng thấy mình chờ một câu đùa nhạt của chị em: "Đến bao giờ bọn em được giúp chị Hoài đây?" rồi, "Ông ấy... ông ấy cứ hỏi thăm chị mãi"...

Rồi thì vẫn thế. Ả vẫn một mình trong cái Wohnung hai phòng sau mỗi buổi từ hãng trở về. Một thân một mình, phải tự lực tất tần tật.

Phải có ô tô. Thì ả đã có ô tô. Thỉnh thoảng đến nhà mấy đứa cùng chạy từ Đông Đức sang, nhìn chúng nó hú hí với chồng con và nghe những câu đùa nhạt như sữa dành cho người ăn kiêng, lại muốn về nhà bật ti vi cho có tiếng người... Ả vẫn như xưa, chẳng ai để ý, chẳng ai muốn giúp đỡ dù ả đúng là đàn bà.

* * *

Nhưng bây giờ ả đã trở thành cần thiết cho một người. Chồng ả. Một tấm chồng ra chồng. Có bằng bác sĩ ở nhà. Cái ấy là đồ trang sức tuyệt vời cho mấy anh đàn ông tỵ nạn đang phải rửa bát trong quán Tàu.

Chàng trước đã vợ con và chẳng thể nào lo nổi cho vợ con bằng đồng lương bác sĩ bệnh viện huyện. Chàng quyết làm kinh tế. Nước Đức thống nhất là vùng kinh tế mới tuyệt vời. Đời phải có lúc hèn. Thì đã hèn rồi. Không sợ. Đời phải có lúc liều. Thì đã liều rồi. Vợ chồng chàng bàn nhau, vợ chàng đem con về bên ông bà ngoại, cái nhà cấp 4 của hai vợ chồng thì bán lấy tiền chạy cho chàng.

Chàng dặn vợ: "Về ông bà có thể lâu lâu rồi các cậu các dì xì xèo, hai mẹ con gắng chịu. Vài ba năm anh về rồi đổi đời. Đổi đời. Mình sẽ xây nhà ba tầng. Để hẳn tầng một anh mở phòng khám. Phục vụ tận tình, trang thiết bị đàng hoàng, giá rẻ, chẳng hút hết bệnh nhân từ bệnh viện huyện ấy à. Vào đó nào có ít tiền đâu mà bị hạch cho lên bờ xuống ruộng. Mình có làm thế thì mới để được phúc lộc cho con..."

Cái sự toan tính của người đang hy vọng thật dễ nghe. Nhưng cả người ở lẫn người đi đều không biết rằng sự làm giàu ăn vào cái số.

Tốt số hơn bố giàu. Chàng sang Đức, về định cư ở một làng heo hút, ra ga phải mất nửa tiếng chạy bộ, còn đi bus thì một chuyến một ngày. Hai năm trời, chàng chưa hòa vốn vé máy bay cộng tiền cho dịch vụ đưa người. Chàng không thể ngồi tính toán lẩn thẩn như anh bạn cùng phòng: "Thế này còn hơn chán vạn ở nhà. Ăn uống tiết kiệm, mỗi tháng cũng để dư ra được trăm rưởi mác. Hòm hèm cũng là một triệu ở nhà. Bằng vợ tớ nuôi lợn thành công cả năm giời". Trong trí chàng, còn nguyên vẹn hình ảnh căn nhà ba tầng chưa xây mà tầng dưới sẽ là phòng khám.

Ả gặp chàng vào dịp ấy. Sau đó thì ả biết là chàng lúc đó đã sắp phải lên máy bay hồi hương lúc nào không biết. Sau đó thì một cô em họ của chàng thầm thì: "Hay là chị giúp anh ấy. Khổ! Hồi đi, thật anh ấy cũng chỉ nghĩ đi cứu vợ cứu con. Nay tiền vào không thấy mới chỉ thấy tiền ra. Mà về thì sợ. Gì thì gì cũng là thằng trí thức vượt biên, khéo về đã chẳng lo gì được cho vợ cho con mà vợ con còn bị lụy".

Cái sự "giúp" ấy ả nghe hiểu ngay. Nghĩa là làm đăng ký kết hôn với nhau và chàng sẽ được ở lại. Ấy là một dịch vụ đang sôi nổi trong cộng đồng người Việt, giá dao động từ mười bảy đến hai mươi ngàn mác.
Cô em họ của chàng lại thầm thì: "Anh ấy ở ngần ấy năm không có việc làm, cũng chẳng móc đâu ra tiền. Nếu chị có lòng, bọn em sẽ dồn tiền giúp anh ấy theo giá chị định. Rồi khi có Pass anh ấy được chuyển vùng, được đi làm thì cũng chả mấy nỗi... Mười bảy ngàn được không chị?"

Ả không nhận đồng nào của chàng. Thành thử cuộc hôn nhân giữa ả và chàng đâm ra làm cho cả hai bối rối. Nó chẳng ra thật chẳng ra giả. Nó thiếu cái sòng phẳng cần có trong mọi dịch vụ, nó thừa cái lương tâm thời buổi này chẳng ai tin. Mà ả thì thật lòng. Ả nghĩ tới cái tương lai gần của một gia đình sắp sum họp: Chồng bác sĩ mất việc; vợ giáo viên cấp hai kiêm bán xôi sáng; Thỉnh thoảng công an tới gọi chồng lên đồn hỏi về những việc đã làm khi ở lại nước ngoài trái phép; người vợ và đứa con sẽ nhớn nhác; người chồng thì buông xuôi...

Ả nhận lời kết hôn với chàng. Biết là một trò chơi. Vậy mà lúc đứng trước nhân viên của Standesamt (1) ả bất chợt bồi hồi... Rồi ả mơ màng. Dù thế thì cũng rấr ít khi ả dám nghĩ về đêm đó. Chàng xách vali về Wohnung của ả. Ả đã tính với chàng như thế. "Anh cứ ở tạm nhà em. Vùng này dễ kiếm việc, có Pass rồi thì xông đi làm ngay. Rồi anh kiếm chỗ ở khác sau. Làm sao cuối năm có một khoản gửi về cho chị ấy nuôi cháu. Rồi cũng phải có một khoản khác để chị ấy mua lấy một căn nhà, bằng cái nhà cũ đã bán đi cũng được. Chứ lấy chồng rồi mà lại mang con về nhà cha mẹ đẻ khi các em đã nhớn thì cũng rách việc lắm".

Chàng nhìn ả biết ơn. Hôm đó đi làm về, ả không đi loăng quăng cửa hàng cửa họ mà về làm cơm ngay. Cơm cá kho, rau muống luộc qua rồi xào tỏi, nước vắt chanh. Ả ăn ngon như chưa bao giờ ngon thế.

Đêm đó, ả trở thành đàn bà. Đàn bà khi ả ba bảy tuổi...
...Chàng không dám nhìn thẳng ả từ đêm đó. Đôi lúc ả có cảm giác ánh mắt chàng lướt qua mình. Ả không hiểu nổi chàng nhờm tởm ả vì ả quá xấu? Hay chàng nhờm tởm chính bản thân chàng? Chàng ân hận?

Nhưng "chuyện đó" thỉnh thoảng vẫn tái diễn. Và không hiểu sao, lòng ả muốn thế mà ả không thấy diệu kì như lần đầu. Lần đầu tiên, ả muốn rống lên như một con bò cái. Lần sau, những lần sau nữa, ả như một bó rạ. Chàng vần ả như một bó rạ, ghì siết ả như một gã nhà quê ghì buộc một bó rạ.

Một hôm, ả đi làm về đã thấy chàng cơm nước xong xuôi. Chàng ngồi bên bàn chờ ả. Dọn xong bát đũa, chàng nói ngay, bứt dứt, bình tĩnh, về sự chàng sẽ ra đi. "Tôi biết ơn Hoài vô cùng. Hoài đã cứu cả tôi lẫn vợ con tôi. Xin Hoài đừng hận tôi. Tôi đã xin làm tả chạp, ăn ở luôn tại quán. Nếu kiếm ra, tôi xin gửi dần Hoài số tiền lo giấy tờ mà trước Hoài đã có lòng..."

Ả há mồm. Muốn nói. Rằng chàng tính thế là tính vội. Rằng chàng có thể ở rốn thêm mấy ngày. Rằng có Pass chàng có thể kiếm việc ở hãng, chẳng nhàn gì nhưng cũng không đến nỗi đầu tắt mặt tối như làm quán. Nhưng ả không nói được. Ả cứ há mồm ra. Chắc lúc đó trông ả đã xấu càng thêm xấu. Và chắc là nhìn đần độn lắm.

Chồng ả không về nữa. Đôi lúc ả nghĩ tới vợ con chàng. Không ân hận. Chỉ thấy thương người đàn bà kia và thương thân hơn. Chị ta và ả đều đã từng được cưới.

Tính ra ả cũng được tới hơn mười lần gần gũi. Nhưng từ hôm kia, ả hốt hoảng vì cảm giác mình sắp có kinh.

Thiên hạ sao vô tâm. Gặp ả, có người hỏi: "Thế nào, tiền cưới chồng đã đủ mở Imbiss (2) chưa?"


Chú thích:

1. Standesamt: Phòng đăng ký kết hôn
2. Imbiss: Quầy ăn nhanh

Lời giới thiệu: Lê Minh Hà là một nhà văn nữ, gốc miền Bắc, hiện định cư ở Limburg, Germany. Bà viết đều tay, sở trường là truyện ngắn, và các nhân vật trong truyện của bà thường hiện lên với những đường nét xù xì đầy góc cạnh, qua lối văn phong tả chân tàn nhẫn, có phần tự nhiên chủ nghĩa của tác giả. Truyện ngắn Có Chồng thể hiện một cách ngắn gọn những bi kịch nội tâm đầy mới lạ của một người con gái Việt Nam trên chặng đường vất vả đi tìm hạnh phúc lứa đôi; và cuộc sống gian nan của người Việt nói chung khi phải xuất ngoại mưu sinh.