Tháng Tư |
Tác Giả: Hồ Phú Bông | ||||
Thứ Ba, 26 Tháng 4 Năm 2011 06:43 | ||||
Tháng Tư ở quê nhà là đang vào Hạ. Tháng Tư ở quê người lại chớm sang Xuân. Thả Kim xuống tại tiệm làm tóc, Khanh định lái xe một vòng rồi quay lại đón nhưng không hiểu sao lại đỗ vào bãi đậu. Bên kia đường là một thân cây thật lớn, những nhánh to còng xuống, già cỗi và gãy gục như đã chết từ lâu. Vỏ cây sần sùi, loang lở, nhưng thật bất ngờ, từ một hốc tối trên thân cây có một nhánh thật mảnh, trơ ra xương xẩu, lại lác đác vài chùm lá nhỏ non mượt, vàng óng! Mặt trời buổi sáng còn ngái ngủ, lướng vướng mây nơi chân trời, chiếu thứ ánh sáng mong manh phía sau làm mấy chùm lá non nổi bật, long lanh. Đẹp đến không ngờ! Khanh chết lặng với phút giây của mùa Xuân vừa mới chớm về thì cửa xe bật mở! Kim bảo khách đông quá, cứ đứng phân vân, nửa muốn chờ, nửa muốn đi loanh quanh một vòng vì hiếm khi có được một buổi sáng đẹp và thỏa mái! Khanh chỉ mấy cụm lá non, quay sang Kim: Nhìn kìa, đẹp không? Giữa tóc dài và lá non chẳng có gì liên hệ nhưng sao cứ lãng đãng trong đầu! Tháng Tư ở quê nhà là đang vào Hạ. Tháng Tư ở quê người lại chớm sang Xuân. Tháng Tư năm 1975 Kim còn trong bụng mẹ mà bây giờ đã là gái một con. Mẹ Kim ngày đó trẻ hơn Kim bây giờ! Khanh nói: “Kim giống mẹ.” Kim nhìn Khanh: “Được như vậy Kim mừng lắm, chỉ cần giống cái đảm đang và hy sinh cho chồng con là đủ rồi.” “Không muốn giống cái đẹp?” Kim liếc xéo: “Cái đó thì Kim thua xa.” “Tức là thua cả bà cụ bây giờ?” “Hì hì... Khanh lại đưa cái móc câu vào câu nói!” Khanh cười cười, lấy tay phải để lên đùi Kim, vỗ vỗ. Kim cũng vỗ vỗ lên tay Khanh: “He he.. đừng có lợi dụng à nghen.” Khanh biết cô nàng đang hạnh phúc. Hạnh phúc khi bỗng dưng có người nhắc đến mẹ. Khanh nói: “Da Kim ấm lắm, thế mà đêm ngủ cứ than lạnh, bấu riết, gác nặng muốn bể...ngực!” “Kim ngủ gác quen rồi, ngày đó mẹ may một cái gối lớn, thay cho cơ thể mẹ, để Kim ngủ gác, vì mẹ phải thức khuya và dậy sớm lo vườn tược heo gà. Ở kinh tế mới mà!” “Ở mấy năm?” “Cho đến ngày ba về.” “Là bảy năm?” “Bảy hay tám năm chi đó.” “Rồi sao?” “Ba ra tù, xách một túi nhỏ đi bộ từ đường nhựa men theo đường rừng, vô đến chỗ mẹ con Kim ở cả chục cây số.” “Kim biết ba không?” “Biết gì, thấy một ông già khô queo khô quắt cứ lớ ngớ nhìn em, em hỏi ông tìm ai.” “Ba trả lời ra sao?” “Ba không trả lời mà thả cái túi rơi xuống đất, rồi ngồi xổm nhìn Kim trâng trâng.” “Kim sợ không?” “Mới đầu sợ chớ nhưng thấy ông già hiền quá và lặng lẽ đưa tay quẹt nước mắt thì Kim nghi ngay.” “Mẹ thường nhắc đến ba nên Kim nghi?” “Trong hình đám cưới thấy ba khác hẳn. Lúc đang phân vân thì nghe ba nói: Nhìn con giống mẹ quá nên ba biết ngay là ba đã tìm được nhà mình rồi!” “Kim có cho ba ôm không?” “Không, Kim bỏ chạy, chạy thông báo cho mẹ. Đến khi mẹ nhào ra ôm ba khóc, Kim mới khóc theo. Hôm đó lần đầu tiên Kim có quà của ba, cái lược bằng nhuôm ba chạm trổ thật công phu và đẹp. Cái lược có răng khá dày nên khi chải đôi lúc chí cũng rơi xuống nữa. Cái lược đã khoe với Khanh đó. Mẹ cũng có cái trâm nhưng hoàn cảnh và tóc mẹ đã qua thời cài trâm rồi nên mẹ nói giữ làm quà cưới cho Kim. Ba bảo trong tù ba chẳng sợ mất cái gì hơn là hai kỷ vật nầy, vì cứ đến mỗi trại tù là công an khám xét đồ đạc rất kỹ và tịch thu bất cứ thứ gì mà họ thích, từ cái cắt móng tay đến lưỡi dao cạo râu. Những thứ nầy họ mê lắm nên ba phải cất giấu rất cẩn thận từ trong Nam ra đến ngoài Bắc mà thoát được là cả kỳ công! Đêm đó là đêm Kim hạnh phúc nhất vì có cha có mẹ. Buổi tối lại được nằm ngủ giữa cha mẹ trên cái giường tre ấm ru!” Khanh khều: “Ai lại kỳ vậy?” Kim nhéo Khanh một cái thật đau: “Rồi, lại lòi ra cái lưỡi câu nữa! Hồi đó nhỏ quá đâu biết gì. Ờ nhỉ, mà cái vụ đó không biết ba mẹ làm sao nữa.” Nói xong, Kim nhìn Khanh, ánh mắt long lên, đôi gò má như mới thoa thêm một lớp phần hồng. “Ghé bác Kỳ không?” “Khanh muốn thăm hai bác?” “Lâu quá không viếng và cũng tiện thể mời hai bác tuần tới đến nhà mình mừng thôi nôi cho cái Nhã.” “Ờ, lâu quá mới nghe lại hai tiếng thôi nôi, nghe lạ thiệt! Bây giờ đâu còn nôi nữa mà thôi?” “Khanh cũng không ngờ buộc miệng lại nhắc đến hai tiếng đó, nó từ tiềm thức rồi!” “Nhưng nghe lại mình có cảm tưởng như đang còn ở nhà quê. Có sự ấm cúng.” “Ở quê nhà thời buổi nầy cũng đâu còn nôi niếc gì nữa!” “Có đúng thế không? Kim nghĩ nhà quê chắc cũng thế thôi. Họ vẫn nghèo rớt mồng tơi mà lại chiếm đến ba phần tư dân số.” “Hưừưmm.. cũng theo dõi tin tức kỹ à nghen!” “Gì thì gì cũng không thể quên được Khanh ạ. Tuổi thơ như trang giấy trắng, mà trang giấy trắng của Kim đã đậm đặc hình ảnh kinh tế mới về muỗi mòng, đói rách rồi. Hình ảnh áo quần vá chằng vá đụp, đôi tay tấy ghẻ của mẹ thì làm sao Kim quên được?” Khanh bấm chuông nhà bác Kỳ, không có ai trả lời. Kim gọi phone, phone reo không ai bắt. Kim gọi số nhà chị Khuê, con gái lớn của bác, cũng không được. Khanh nhắc: “Kim gọi số cell coi.” Tiếng chị Khuê: “Chị đang ở bệnh viện. Đêm qua má chị khó thở nên phải đưa đi cấp cứu. Tình trạng đã ổn, ba chị cũng đang có ở đây. Cũng sắp đến giờ bác sĩ trực vô khám rồi, hy vọng sẽ được cho về sớm” “Tụi em sẽ đến bệnh viện ngay bây giờ!”. Kim cúp máy. Là buổi sáng cuối tuần nên vắng xe. Hai bên đường cũng những hàng cây xanh, cũng lá non, cũng nắng sớm nhưng cái thú thưởng ngoạn cái đẹp, cái yên bình, bỗng tan biến bất ngờ. Vợ chồng bác Kỳ ra đi từ năm 1975 còn ba mẹ Kim qua diện H.O. khá trễ, vì bị kẹt ở vùng kinh tế mới. Hai gia đình khá thân tình, như đã biết nhau từ trước. Đón khách, ba Kim vừa cười vừa nói: "Chị Kỳ mà bịnh hoạn gì, trông chị còn trẻ đẹp như ở tuổi ô mai, anh Kỳ coi chừng, chị giả bộ để nhắc khéo anh phải biết săn sóc đó!” “Anh nói đúng ý tôi. Tôi cũng nghĩ vậy nhưng chưa nói ra được” ông Kỳ vừa bắt tay vừa trả lời. Bà Kỳ không chú ý chuyện của hai ông, sà lại ngay với Nhã. Cô bé đang ngồi huơ hai cánh tay tròn múp, với với mấy con vật nhỏ treo đong đưa trước mặt, hai chân chòi đạp trên nền thảm làm cái xe 4 bánh nhích tới nhích lui. Má Kim nhấc ghế lại gần cho bà Kỳ: "Chị ngồi đây. Coi, coi.. mới tí xíu mà nó quậy hết biết. Tôi mệt muốn đứt hơi với nó mà sao cũng cứ nhào vô, ngày nào không thấy mặt nó là không chịu nổi. Con Kim đôi lúc cũng muốn cản bớt tôi nhưng thương nó quá rồi mình quên. Chỉ đến tối về đặt lưng xuống mới thấy ê ẩm!” Ba Kim chen vào: "Chỉ khổ cho tôi thôi chị Kỳ ơi. Về nhà rên quá nên tôi phải bóp tay bóp chưn, đấm lưng đổ mồ hôi... anh Kỳ có gặp nạn như vậy không?” Bà Kỳ tiếp: "Tôi cũng vậy thôi. Con Khuê có hai đứa. Cũng quậy tưng bừng nhưng thương chúng quá biết làm sao hơn. Còn ổng? Ở đó mà đấm với bóp, đâu phải được như anh!” “Đó, đó... anh chị xem, nói xấu tôi công khai như vậy mà không nhìn lại chính mình, nhờ ai mà bà “vẫn đẹp như tuổi ô mai” như anh nói ban nãy?” ông Kỳ phản đối. Má Kim cười: "Con nít ở Mỹ mà chị, tụi nó là nhứt, mà đúng y như vậy. Chỉ có tụi mình mới khổ thôi!” Khanh và Kim lo dọn thức ăn. Chụp đèn trên bàn tỏa thứ ánh sáng vàng như ánh đèn cầy thật ấm cúng. Đồ đạc trong nhà từ phòng khách, phòng ăn đến nhà bếp được trang hoàng khá đơn giản nhưng sang trọng. Màu sắc thật hài hòa. Ông Kỳ buộc miệng khen cháu: "Con Kim thằng Khanh sắm sửa đồ đạc hay quá. Vừa đẹp, vừa sang, màu sắc lại trang nhã. Bác ghét kiểu kiểu cọ cọ chưng khắp nhà, rờ đâu đụng đó, choáng hết chỗ. Tụi bay có học nên biết cách trang trí hợp thời...” "Kim sắp xếp và chọn lựa đó bác.” Khanh trả lời. "Mầy nói vậy chắc để nịnh con Kim chớ tụi bay coi bộ ý hợp tâm đầu lắm. Được như vầy người lớn đều mừng.” Bà Kỳ hỏi Khanh: "Ba mẹ con ở trển không xuống kịp sao?” "Dạ, ba má Khanh bay qua New York thăm gia đình chị Hai rồi đi tiếp xuống đây nhưng lỡ rồi! Chuyến bay bất ngờ bị hủy vào giờ chót, phải dời lại ngày mai nên không kịp dự thôi nôi Nhã mà lịch làm việc của tụi con không đổi được.” Kim trả lời. Chuyện về Nhã như không bao giờ dứt, bà Kỳ chợt quay qua Khanh, hỏi: "Tụi con đẹp đôi quá và điều kiện như thế nầy mà còn đòi hỏi chi hơn nữa? Sao chưa cưới?” “Bác hỏi Kim đi” Khanh nháy mắt. Bà Kỳ quay sang Kim: “Sao con?” Nhã ngồi trên cái ghế cao, loại đặc biệt dành cho trẻ nhỏ, tay chân huơ loạn xạ. Kim đang vất vả tìm cách đút táo xay cho con, chợt ngưng lại. Ngẫm nghĩ: "Khó cho con kể ngắn gọn quá bác ạ!” Lúc Khanh sắp ra trường, Kim mới vào đại học. Quen nhau, cũng tưởng chỉ tình cờ nhưng không ngờ sau đó cứ kéo dài. Những ngày đầu ở đại học Kim bỡ ngỡ và gặp vô vàn khó khăn nhưng luôn có Khanh bên cạnh. Khanh giúp rất tận tình và vô tư, vì lúc đó Khanh đang có bạn gái, Jeannie. Jeannie sinh trưởng tại đây, so với Kim thì khác nhau hoàn toàn. Jeannie cũng giúp Kim nhiều việc nên Kim tự xem mình như em gái. Xe Kim hư, Khanh đón đi học và đưa về. Gia đình Kim gặp khó khăn trở ngại việc hội nhập đều có bàn tay Khanh giúp đỡ. Thời gian dài thấy vắng Jeannie, Kim hỏi Khanh. "Tụi mình broke up rồi!” Khanh cho biết. Kim ngạc nhiên: “Sao vậy? Anh Khanh và Jeannie đẹp đôi quá mà! Kim rất ngưỡng mộ.” "Cũng bình thường thôi.” "Có dính gì Kim trong đó không? Hay tại anh Khanh tốn nhiều thời gian với Kim làm Jeannie buồn?” "Khanh không chắc lắm.” Rồi Khanh chậm rãi tiếp, như nói với chính mình: “Nhưng giúp người mới đến là bổn phận của người đi trước. Nếu vì thế mà Jeannie buồn thì đành chịu thôi.” Khanh hơi nhún vai. Chuyện đó cứ làm Kim bâng khuâng và tự hỏi, có phải Kim cũng là người trong cuộc? Kim tìm cách giảng hòa giữa Khanh với Jeannie nhưng không được ai đón nhận. Biển Fort Desoto trong nắng chiều thật đẹp. Cứ tưởng chiều xuống sẽ vắng hơn nhưng người càng lúc càng đông. Khu vực picnic của nhóm sinh viên Việt Nam khá vui nhộn nhưng tiếng hát, tiếng vỗ tay, tiếng guitar dù nhịp nhanh cũng không át được tiếng sóng đang quyến rũ. Không khí sôi nổi chìm dần. Đến giờ sinh hoạt tự do, một số xé lẻ, một số tản bộ. Kim cùng nhóm bạn gái đi thay đồ bơi. Kim thích bơi nhưng đồ bơi rất đắt tiền, không kham nổi. Thế mà Khanh biết, mua làm quà sinh nhật Kim. Hôm đó, khi mở gói quà Kim ngỡ ngàng nhìn bộ bikini hai mảnh! “Khanh nghĩ Kim sẽ đẹp rạng rỡ trong bộ đồ tắm nầy” Khanh tránh hai chữ bikini. Còn Kim thì vừa thích thú, vừa ngại ngùng. Thấy vậy, Khanh tiếp: "Khanh thích cái bối rối của Kim. Cái bối rối còn rất phương Đông”. Nhìn những phụ nữ bản xứ rất tự nhiên trong phòng thay quần áo cũng giúp Kim can đảm hơn khi nhìn nhân dáng mình trong bộ đồ tắm hai mảnh. Nhưng đôi mắt của ai đó cứ dán vào bộ đồ tắm thì cũng bối rối vô cùng! Kim cẩn thận buộc kỹ từng mối dây và muốn kéo dài thời gian bước ra ngoài, mong bóng tối hoàng hôn che giấu thêm phần nào. Kim quấn khăn tắm quanh người bước ra. Nhóm bạn trai đang đứng đợi. Ánh hoàng hôn đỏ sẫm. Từng đợt, từng đợt những ngọn sóng vàng, cam lấp lánh, xô đuổi nhau, tản mạn. Gió biển lùa trong tóc. Gió biển mơn man da thịt. Gió biển như bàn tay phù thủy âu yếm. Chẳng ai để ý riêng. Cả nhóm ùa nhau xuống nước. Gom tụ lại thành cụm, té nước rồi dãn ra, rồi gom lại. Khanh cứ ngụp lặn bên cạnh Kim, té nước hỗ trợ, cản từng đợt tấn công của đối phương. Một lần dãn ra, Khanh dụ dỗ: "Khanh lặn xuống, Kim ngồi lên vai cao hơn dễ tấn công tụi nó” Kim hiểu ý. Muốn lắm. Thèm lắm. Nhưng vẫn không dám, mà cảm giác lại nóng bừng. Ngụp lặn đã đời rồi cả bọn kéo nhau lên bờ, nắm tay kết thành vòng tròn. Kim dang hai tay ra nhưng không ai chịu nắm lấy. Khanh cũng vậy. Khi vòng tròn khép kín thì Kim và Khanh bị nhốt vào giữa. Kim vừa nhận ra điều bất thường, chưa kịp phản ứng thì vòng vây đã biến thành hình trái tim. Khanh bất chợt quỳ xuống, hai tay cầm chiếc nhẫn, đắm đuối ngước nhìn Kim: "May you marry me!”. Cả bọn vỗ tay, huýt sáo cỗ vũ. Cách tỏ tình thật lãng mạn, đẹp như Kim mơ ước. Kim sững sờ đến rơi chiếc khăn tắm xuống cát, đưa tay sờ chiếc nhẫn chưa kịp nói lời nào thì Khanh đã lợi dụng ngay cơ hội, đứng hẳn dậy ôm chặt và đặt ngay đôi môi nồng cháy lên môi Kim, một nụ hôn đầu đời. Nụ hôn mà cứ tưởng phải xảy ra ở một nơi riêng tư nhất! Kim biết mình đang bị sắp đặt, đang bị tấn công nhưng là thứ tấn công và sắp đặt được mong đợi. Khanh và Kim thành đôi chim từ đó. Mỗi ngày qua đi là một ngày gom những cọng rác về xây tổ ấm. Khanh muốn cưới nhưng Kim ngần ngại. Kim muốn đợi ra trường và có công việc ổn định trước. Kim không muốn bị lệ thuộc, bị xì xầm “ăn bám” hay “đào mỏ” vì sự sớm thành công của Khanh. Với Kim, sự thành công đó cũng có thể là khởi đầu của đổ vỡ về sau nếu không tự kiềm chế. Kim đã nhiều lần tha thiết giải thích với Khanh: "Vì Khanh, vì tình yêu chúng mình, Kim đã thuyết phục ba mẹ để “move-in” với Khanh mà Khanh vẫn chưa mất sự tự do.” “Sao không cưới?” “Đợi. Đợi đến lúc tụi mình không còn thích có tự do riêng.” Ôm Kim vào lòng, Khanh thành thực: "Kim lớn lên từ kinh tế mới, giữa nghiệt ngã nên có sức chịu đựng vô bờ, điều mà Khanh không thể có được. Khanh hãnh diện và hạnh phúc có được Kim!” "Mình tựa vào nhau để trưởng thành, nghe Khanh!” Kim vỗ về. Cây nến màu hồng cắm giữa cái bánh, mừng sinh nhật một tuổi, được đốt lên. Cái bánh mà má Kim đã tỉ mỉ trang trí bằng hoa kem suốt cả buổi sáng. Tập cho Nhã thổi nhưng đôi môi cô bé chưa biết chúm lại mà cứ phì phì đầy nước bọt. Ông Kỳ đang quay video nói: "Hai đứa tụi bay hai bên cùng thổi cho Nhã đi. Hình ảnh đẹp lắm.” Khi những phần bánh được bày ra bàn bà Kỳ bắt đầu nhấp nhổm, liếc đồng hồ đeo tay mấy lượt. Má Kim tế nhị, gợi ý: “Thôi nôi thế là nhứt rồi. Thấy chị Kỳ có vẻ lo ra, nếu anh chị bận thì mọi chuyện cũng đã xong.” Ông Kỳ hiểu ý: "Nhà tôi đang đợi điện thoại đó!” Ba Kim tiếp: "Nếu thế thì không dám làm phiền anh chị nữa.” "Phiền gì, nhà tôi vốn làm nghề gái gọi nên cứ thấp thỏm đợi phone!” Ông Kỳ cười tiếp: "Còn job của tôi là trai bao!” Thấy mọi người chưa kịp hiểu, bà Kỳ giải thích: "Giờ nầy là giờ con Khuê thường gọi tôi, nhờ chạy đến nhà phụ coi hai đứa con nó. Bình thường giờ nầy là nó gọi rồi. Còn ổng thì tụi nó gọi bất cứ giờ nào, bất cứ chuyện gì. Ổng bao hết mọi chuyện linh tinh. Trai bao, gái gọi là vậy đó!” Ba Kim ồ một tiếng lớn, thích thú nói với vợ: "Thế thì tụi mình cũng thành trai bao gái gọi đến nơi rồi! Thì ra cái nghề nầy đâu phải dễ có!” Khanh chụp lấy cơ hội, nói với Kim: "Nhân dịp có vợ chồng bác Kỳ chứng kiến, có ba mẹ Kim, Kim có đồng ý làm đám cưới để Khanh được gọi ba mẹ Kim là ba mẹ không?” Gợi ý bất ngờ của Khanh làm Kim bối rối. Kỷ niệm thuở ban đầu bất chợt quay trở lại. Buổi chiều nhận nụ hôn đầu đời công khai trước bè bạn. Mọi người chợt yên lặng. Thứ yên lặng làm thời gian chờ đợi như dài thêm. Kim nắm tay Khanh, nhìn trong mắt, nói với mọi người: “Khanh thì lúc nào cũng biết lợi dụng cơ hội!” Ông Kỳ vui thấy rõ: “Đó.. đó.. thấy chưa!” Rồi quay qua nói với ba mẹ Kim: “Anh chị có cho phép tôi gọi phone báo tin vui nầy cho ba má thằng Khanh không?”
|