Tấm hình cũ PDF Print E-mail
Tác Giả: Đỗ Trường   
Thứ Tư, 26 Tháng 10 Năm 2011 06:41

 - Đến bây giờ tao đã tin, mỗi con người đều có số phận riêng. Có những sự việc, những con người, tưởng chừng như đã đi vào dĩ vãng, nhưng chẳng hiểu sao nó lại như bóng ma hiện về.

Vậy là hắn đã đi vào cõi vĩnh hằng. Hắn nằm thẳng rẵng trong quan tài kính, xung quanh chất đầy hoa, và những mảnh giấy bạc do các con hắn cắt với những dòng chữ yêu thương, và không bao giờ quên hắn (PaPa, Wir lieben Dich und werden Dich nie vergessen). Bốn cây đèn cầy cao lêu nghêu được đặt hai bên. Hắn nằm đó mặc kệ sự đời, mặc kệ những tiếng gào khóc xót thương của vợ con, gia đình và bạn bè. Khuôn mặt hắn vẫn thản nhiên vô tư như vốn có.
 
Vợ hắn lúc nhoài người về phía quan tài, có lúc mềm oặt như chực đổ. Thấy vậy, hai bà bạn đến xốc nách, kẹp chặt vợ hắn vào giữa. Bà Ba mẹ vợ hắn, ôm chặt hai đứa cháu ngoại, bờ vai đang rung lên. Ông Ba (nguyên là sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa-bố vợ hắn) thỉnh thoảng lấy khăn lau kính, hai mắt đỏ hoe. Ông An (đồng chí Sáu An nguyên là sĩ quan quân đội) bố hắn, đứng cạnh ông Ba, hai má tóp lại, đôi mắt đờ đẫn khô khốc, thỉnh thoảng ông lại đưa tay lên bóp vào mặt. Tôi cầm tay ông, một bàn tay lạnh ngắt, cảm tưởng người ông đang run lên như bị sốt rét rừng.
Người ta từ từ đẩy chiếc xe chở hắn về hướng nhà hỏa táng. Những chiếc lá vàng đầu thu đã trải vàng lối đi. Hai ông già dìu nhau xuống cuối con dốc, ánh nắng nhạt cuối chiều làm bóng họ đổ xuống thành những vệt dài. Sau lưng họ có một vài cơn gió xoáy nhẹ cuốn ngược những chiếc lá vàng lên rồi rơi xuống như những quân bài được ai đó tung ra.
Vài tuần trước, tôi tạt vào quán của hắn, thấy hắn đang xóc chảo hùng hục trong bếp. Vợ hắn khoe, ông nội (tức bố hắn) mới từ Việt Nam sang chơi. Tôi không phải là bác sỹ, và là người không tin tướng số, nhưng trong lòng dường như có một linh cảm nào đó không ổn khi nhìn hắn. Tôi buột miệng hỏi:
- Vẫn khỏe đấy chứ, nhìn ông hôm nay, tôi thấy kỳ kỳ, thế nào ấy!
Hắn cười hơ hớ, nhìn xéo sang vợ:
- Lại đến lúc bác phải đến bác sỹ đổi kính rồi, bảo đảm với bác tuần nào em cũng phải bắn bốn, năm phát.
Vợ hắn đỏ mặt, buông dao thái, chạy đến đấm vào lưng hắn thùm thụp.
Vậy mà tuần sau nghe tin, chỉ một cơn đau thắt ngực trong đêm đã quật ngã hắn. Hắn bỏ lại vợ con, gia đình, bỏ lại bạn bè và rất nhiều những dự định chưa làm được. Hắn ra đi còn quá trẻ vào cái độ chín nhất của một đời người.
Ở Việt Nam đang thời kỳ đói vàng mắt, quanh năm chỉ cạp khoai, củ mì khô, sang đến Đức được vào làm việc ở xí nghiệp liên hiệp thực phẩm, nghe nói ai mà chả thích, đúng là chuột sa chĩnh gạo. Nhưng liên hiệp có nhà máy giết mổ gia súc lớn nhất nước Đức. Tôi được xếp vào dạng to cao đen hôi, nên điều về làm ở dây chuyền giết mổ lợn, công việc vô cùng nặng nề (người Việt ta quen gọi: lò mổ). Cứ đến cuối tuần chỗ tôi nhộn nhịp lắm, các tay bợm nhậu khỏi nói, từ các bác Tiến sỹ, các ông du học sinh đến anh em lao động và cả các em chân ngắn, chân dài ở đội bên cạnh, nguyên là các diễn viên, ca múa nhạc của Hà Nội, Sài Gòn cũng dập dìu đến với cái khoản tiết canh cổ hũ của tôi. Mệt thì mệt nhưng vui, sinh nhật, cưới xin, hội hè nào cũng có tôi. Có lẽ lúc đó tôi còn quan trọng và nổi tiếng hơn nhà văn Đoản mắm ở Đức hiện nay cũng không chừng.
 
Tôi quen hắn trong một lần như vậy. Hôm đó đang ngồi lai rai với mấy ông bạn đội dệt ở ngoài hành lang ký túc xá, thấy có tay chơi mặt lạ hoắc, ăn mặc luộm thuộm, tay cầm can 3 lít đến thẳng chỗ tôi:
- Em ở đội tầng trên, mới sang được mấy tháng, nhớ tiết canh quá, thứ sáu này đại ca cho em đầy can được không?
Tôi bảo:
- Tuần này nhiều người xin quá, tuần sau nhé.
Hắn nhăn nhó:
- Khó mà cưỡng được sự thèm khát, đại ca xem bớt của thằng nào đó cho em nửa can cũng được, nhớ cho thằng em mấy cái cổ hũ.
 
Thấy tôi gãi đầu, hắn bỏ can lại, cười cười văng tục:
- Đại ca đ. cho tuần này, tối buồn buồn, em xuống chọc bánh xe đấy!
Hắn nguyên là sinh viên đại học bách khoa Hà Nội, vì can tội đánh người gây thương tích trong sân bóng, nên bị đuổi. Hắn bảo: Sự việc không như vậy, hai thằng đánh nhau, thằng nào cũng bị sứt mẻ, nhưng bố thằng đánh nhau với hắn là cán bộ to ở Hà Nội, trên hàng cấp tỉnh của bố hắn, nên hắn chịu thua, ôm hận trở về quê. Mẹ hắn bắt năm tới phải thi lại đại học, chiều theo ý mẹ, hắn chuẩn bị cho kỳ thi. Nhưng gần đến ngày thi, mẹ hắn lăn đùng ra chết. Buồn chán hắn đề nghị với bố hắn cho sang Đức lao động.
Mấy năm sau ngày hắn sang, bức tường Berlin sụp đổ, báo hiệu nước Đức thống nhất đã đến gần. Người Việt ở ký túc xá phân tán khắp nơi, cuối tuần lại càng trở nên vắng vẻ. Lúc này ở trong nước, phe cứng rắn của bố hắn đang trỗi dậy và ông đã đoạt chiếc ghế phó chủ tịch thường trực tỉnh trở lại. Hắn dồn dập nhận được thư của ông yêu cầu phải về nước ngay. Nhưng hắn dứt khoát không chịu, mặc dù nhà máy hắn đã đóng cửa, một số bạn bè đã nhận tiền đền bù về nước. Lò mổ vẫn còn ngắc ngứ hoạt động, nên tôi còn ở trong ký túc. Hắn ôm quần áo xuống phòng tôi xin ngủ ké. Tôi hỏi:
- Bố làm phó chủ tịch, con một, sao không về?
Hắn bảo:
 
- Bố em rất muốn vậy, em về ông sẽ cài cắm, sau này ông có về hưu, em đã có vị trí ổn định. Nhưng em đ. muốn như thế.
 
Một hôm thấy hắn tha ở đâu đó về mấy thùng thuốc lá các loại. Thấy tôi trợn mắt nhìn, hắn cười:
- Vừa mua ở chỗ mấy thằng lính Nga về, nó bán có 10 DM một cây, mai mang ra chợ, thế nào cũng được 30 DM, nằm mãi em cũng chán rồi.
 
Qủa thật hắn là con người của công việc, sáng sáng thấy hắn khoác đầy balô thuốc lên đường, chỉ mấy tiếng sau hắn đã bán sạch trơn. Thời kỳ này hắn rủng rỉnh lắm, tối nào tôi không phải làm ca đêm, hắn cũng rủ ra quán ngồi. Hắn bảo thời kỳ này thuế vụ bắt đầu quần thảo rồi, có lẽ phải mua ô tô, để giấu hàng. Mấy hôm sau hắn mua đâu đó được cái giấy phép lái xe của Việt Nam, và mang lên sở công chánh đổi sang giấy phép lái xe của Đức. (Cái giấy phép lái xe của Việt Nam hai năm sau bị sở công chánh kiểm tra lại, phát hiện ra là giả, nên đã thu hồi lại giấy phép lái xe của Đức, buộc hắn phải học lại. Cũng may hắn không bị truy tố ra tòa.)
 
Hôm mua xe ngoài chợ, tôi phải lái về cho hắn. Điếu đóm cho tôi một tuần, hắn cũng tự lái được xe. Chỗ đứng bán thuốc của hắn trước cửa Konsum, hay khu chợ ngoài trời. Thỉnh thoảng có đoàn kiểm tra, hắn vơ vội thuốc chạy chối chết, có nhiều lần mất hết cả thuốc. Triết lý của hắn, không bị bắt là may rồi. Một hôm thấy hắn thất thểu đi về, tôi chưa kịp hỏi, hắn đã bảo, có lẽ giải nghệ bán thuốc. Thì ra buổi sáng hắn vừa ra chợ, chưa bán đã bị kiểm tra liên ngành, thuế vụ, công an đuổi bắt. Bọn hắn chạy tứ phía. Người cảnh sát trẻ đuổi theo hắn. Chạy khá xa, nhưng người cảnh sát hình như không buông tha hắn thì phải. Đang mùa đông âm dưới chục độ, ấy vậy mồ hôi đã đổ ròng ròng, hai mắt nổ đom đóm, mệt quá không thể chạy tiếp, hắn chui vào bụi cây, co ro ngồi. Đợi cho mấy người thuế vụ chạy vụt qua, người cảnh sát từ từ tiến về chỗ hắn:
- Anh đừng sợ, hãy ra đây!
Sợ quá, hắn không dám quay lại, cứ chúi đầu rúc sâu vào bụi.
- Cứ ra đây, tôi không bắt anh đâu.
Chần chừ một lúc, hắn mới lồm cồm bò ra.
- Anh hãy thật bình tĩnh, đưa túi thuốc cho tôi.
Đưa vội túi thuốc cho người cảnh sát, hắn định chạy tiếp, người cảnh sát nắm chặt tay hắn, bảo:
- Tôi chỉ thu túi thuốc này thôi. Tôi sẽ không lập biên bản, nếu làm biên bản buộc phải truy tố ra tòa, ảnh hưởng đến việc gia hạn thẻ cư trú của anh. Đừng bán thuốc lậu thuế nữa, nguy hiểm lắm. Tôi đã từng sống ở Việt Nam quê anh. Tôi tên Bernd Wittenberg, nhà khu lắp ghép Grünau... phòng 703 nhà số 3. Nếu anh cần sự giúp đỡ có thể đến tôi bất cứ lúc nào.
Hắn cảm ơn, vội bước đi thật nhanh trong tâm trạng sợ người cảnh sát đổi ý.
 
Tuần sau, hắn rủ tôi đến nhà người cảnh sát nói tiếng cảm ơn, nhưng thật tình muốn thăm dò người cảnh sát có thể giúp cho hắn cái giấy phép bán hàng rong hay không, vì thẻ cư trú của hắn ghi không được phép hành nghề.
 
Bernd xuống tận cầu thang đón chúng tôi. Có lẽ chạc tuổi nhau, nên chúng tôi nói chuyện rất cởi mở. Trong nhà đồ dùng, trang trí hầu như xuất xứ từ Việt Nam. Thấy chúng tôi ngạc nhiên nhìn, Bernd kể, cha tôi trước làm ở hội chữ thập đỏ, nên khi còn nhỏ tôi được theo ông đi khắp nơi. Tôi đã sống ở Hà Nội và Sài Gòn khá lâu, kể cả trong thời kỳ chiến tranh. Tôi còn rất nhiều kỷ niệm về quê hương các anh. Chúng tôi ngồi chơi đến khuya, men đã ngấm, người cũng đã khật khừ. Bernd hứa dứt khoát sẽ giúp hắn có cái giấy bán hàng rong (Reisegewerbekater) vì có người bạn cũng vừa từ Hannover sang tăng cường cho sở ngoài kiều thành phố này. Thật tình, chúng tôi cứ tưởng lời hứa của rượu, bia nhưng không ngờ mấy ngày sau thấy Bernd đến bảo hắn, ra sở ngoại kiều (gặp người bạn Bernd) để xóa đi dòng chữ cấm hành nghề ở thẻ cư trú.
Chuyển sang bán hàng rong, hắn vất vả, thu nhập thấp hơn đi bán thuốc lá lậu rất nhiều, nhưng không phải lo nghĩ, chạy trốn khi có đoàn kiểm tra. Lò mổ của tôi cũng bắt đầu đóng cửa, sau tết âm lịch tôi phải chuyển sang làm việc tại nhà máy thịt gần thành phố Bremen.
 
Chưa có tết năm nào buồn thảm như năm đó, bạn bè tản mát mỗi người một nơi, ký túc xá vắng hoe. Ngoài sân những hàng cây trơ trụi, khẳng khưu, nhọn như những vết dao chọc thẳng lên bầu trời, tuyết không rơi nhưng trong lòng buốt lạnh.
 
Sáng mùng một, Bernd đến chúc tết. Tôi với chai rượu định mở, Bernd xua tay:
- Không uống, hai ông lên xe tôi chở về chùa người Việt ở Hannover, hôm nay trên chùa tổ chức đón tết cho bà con phật tử. Ngày tôi còn làm việc ở Hannover, tết nào cũng cùng đoàn của bộ nội vụ đến thăm chùa.
 
Chẳng biết chúng tôi có đồng ý hay không, Bernd kéo phắt tôi và hắn ra xe.
 
Chùa Viên Giác lúc này còn ở địa chỉ cũ, tuy chưa được khang trang nhưng bà con khắp nơi đổ về khá đông. Mùi hương thơm ngào ngạt, tiếng chuông, tiếng mõ như tiếng vọng hồn quê, làm lòng người thấy nao nao, đôi lúc như ấm lại. Có rất nhiều các bạn học sinh, sinh viên đang làm công quả ở trong và khu vực ngoài chùa. Bernd rủ tôi lên thăm thầy trụ trì, còn hắn mắt trước mắt sau biến mất tiêu. Lúc tôi quay trở ra, thấy hắn đang bưng bê, phụ dọn dẹp với một cô sinh viên. Hắn mồm miệng liên hồi, thao thao bất tuyệt, cô gái cười ngặt ngẽo.
Đã ba giờ sáng, tôi và Bernd mấy lần giục hắn ra xe, hắn và cô gái mới chịu dứt câu chuyện. Ngồi trên xe thấy hắn thỉnh thoảng tủm tỉm cười một mình. Bernd nháy mắt:
 
- Cô gái tên Vân, sinh viên năm cuối phải không?
 
- Sao ông biết! hắn hỏi lại.
- Không những tôi biết cô ấy, mà biết cả bố mẹ cổ. Dân Nam kỳ chính cống, hình như ông bố không khoái dân Bắc kỳ lắm đâu. Ông hãy cẩn thận.
 
Cuối tuần, thấy hắn không đi bán hàng, lau chùi xe rất sạch, một sự lạ chưa từng thấy. Gần trưa hắn biến mất. Không hỏi, nhưng tôi đoán hắn mò sang Hannover, nơi hẹn Vân. Có tuần quá nửa đêm hắn dẫn Vân về, làm tôi đang ngủ phải lồm cồm bò dậy, tìm nơi sơ tán.
Mấy tháng sau, lúc này tôi đang làm việc ở Bremen, hắn gọi điện báo, Vân muốn hắn về trình diện phụ huynh, và muốn tôi đi cùng, vì hắn hơi bị rét. Tôi không tìm ra lý do gì để từ chối, vì “ái tình đã đánh vỡ trái tim“ hắn lẩm bẩm như vậy.
Ông Ba ăn nói oang oang, nhưng ông lại có cái tính bụng để ngoài da. Gặp nhau lần đầu ông mày tao tuốt tuồn tuột, làm cho chúng tôi ngỡ như được về lại nhà của mình. Trong bữa ăn, tôi và hắn cứ tì tì nhấc lên nhấc xuống cùng ông, làm cho ông vỗ đùi đen đét… được…được, hai thằng bắc kỳ bay chơi được. Hắn đang định chơi tiếp nhưng bị Vân nháy mắt, kéo áo. Hắn đành lùa vội bát cơm, lủi ra phòng khách. Ông Ba ngớ người… Cái thằng này... mày định chạy hả.. Bà Ba liếc mắt lườm, ông quay sang tôi thì thào: Có các bà vào là rách việc …nào chúng ta chiến đấu tiếp.
 
Ông Ba rất mê bóng đá. Tất cả các câu chuyện của ông, rốt cuộc thế nào cũng được so sánh hoặc qui về bóng đá. Với ông ở Việt Nam biết đá bóng chỉ có Tam Lang và Phạm Văn Kiểm thời Việt Nam Cộng Hòa. Ông còn trách tôi, viết lách gửi bài đăng thường xuyên trên Hướng Việt, Diễn Đàn Forum do bác Phạm Văn Kiểm Phụ trách, không biết bác trước đây là cầu thủ tài danh, thật là quá xoàng. Rượu đã bốc lên đầu, tôi chống chế:
- Trước đây con không biết, nhưng bố đồng ý cho hai đứa cưới, con sẽ mời bác Kiểm làm đại diện cho họ nhà trai, vì bác Kiểm cũng gốc Bắc.
Ông cười ha hả:
- Chuyện đó mày phải hỏi bà ấy... còn tao..
Ông Ba nói chưa hết câu, Vân cầm bức ảnh đã cũ của ông chạy vào, nói như reo lên:
- Ba! Tấm ảnh này ba có chụp chung với bố anh Sơn (tức hắn) nè.
 
Ông Ba vội đặt bát cơm xuống, với chiếc kính đeo, hỏi giật:
- Ai là ba thằng Sơn?
Khi ông đã nhận ra Sáu An, người phụ trách đơn vị thời ông còn ở trong rừng là bố của Sơn, miếng cơm đang nhai dở chợt tuột ra khỏi miệng. Một lúc ông mới lấy được bình tĩnh, gọi Sơn vào hỏi:
- Thế bố con bây giờ làm gì và ở đâu?
- Sau năm 1975 bố con chuyển ra làm giám đốc, rồi phó chủ tịch thường trực một tỉnh miền tây Nam Bộ. Sau này hết nhập rồi lại chia tách tỉnh, nội bộ đấu đá, nên bố con được điều về Bắc làm phó chủ tịch tỉnh quê nhà. Bây giờ ông sống một mình vì mẹ con mất đã lâu. Còn bức ảnh này… Ba có phải đã từng là bạn của bố con?
Ông ba thẫn thờ, miệng nhệu nhạo:
- Bố con là bạn của ba… nhưng...
Bỏ lửng câu, ông Ba lảo đảo vào giường nằm, trước sự ngơ ngác của mọi người.
Sáng, khi tia nắng sớm đầu hè còn chưa kịp mang hơi nước còn đọng trên những trồi non của hàng cây trong vườn đi, ông Ba đã kê ghế ngồi nhâm nhi caffe dưới gốc táo. Có lẽ cả đêm không ngủ, nên nhìn người ông xọm hẳn đi. Tôi kéo ghế ngồi xuống cạnh, đột nhiên ông hỏi:
- Này Trường! Mày có tin vào số mạng, và qui luật nhân quả không?
Tôi chưa kịp trả lời, ông đã tiếp:
 
- Đến bây giờ tao đã tin, mỗi con người đều có số phận riêng. Có những sự việc, những con người, tưởng chừng như đã đi vào dĩ vãng, nhưng chẳng hiểu sao nó lại như bóng ma hiện về. Những đau thương, thù hận đã được chôn chặt bấy lâu, đang bị cầy xới lên….
Sông nước Miền Tây đã nuôi dưỡng ông Ba và ông Quân trưởng thành. Họ là đôi bạn thân từ thưở thiếu thời. Tuổi thơ của họ đã trải qua những ngày bắt tôm đánh cá, và cùng nhau cắp sách tới trường. Vừa thi xong tú tài, hai ông nghe lời người anh họ của ông Quân trốn gia đình vào bưng theo bộ đội. Sống ở bưng có ít ngày, hai ông đã bị hụt hẫng, nó không giống như sự tưởng tượng trước đây. Hai ông muốn quay về thành phố, nhưng không được. Sau khi học chính trị, huấn luyện ngắn ngày, hai ông được điều về đơn vị do ông Sáu An là dân Bắc kỳ nằm vùng phụ trách. Ngày mới về đơn vị, mấy tay lính mới người thị xã có mang theo máy ảnh (trước khi giao máy cho đơn vị quản lý) đề nghị đơn vị chụp một tấm hình làm kỷ niệm. Ông Ba khoác vai ông Quân đứng cạnh ông Sáu An, đó là bức hình cuối cùng của hai ông.
Trận đánh đầu tiên của hai ông với quân đội VNCH phải nói là trận đánh không cân sức. Pháo của của quân chủ lực VNCH nã ầm ầm, đơn vị các ông đã bị thương khá nhiều. Ông Sáu An tìm đường dẫn lính xông lên, nhưng không một ai bò lên được. Một lúc sau trực thăng của quân đội VNCH chở lính dù đến. Biết không xong, ông Quân kéo ông Ba rút lẹ. Hai ông men theo đầm, chạy sâu vào vùng đước thoát nạn. Ông Sáu An lúc này gần như bất lực, anh em tản mát chạy mỗi người một nơi. Lẩm bẩm chửi bới một hồi, ông Sáu An cũng men theo đầm lặn sâu vào vùng đước.
 
Hôm sau, mọi người cũng tìm được về nơi đóng quân, nhưng hầu như đều bị thương. Cơn tức giận của ông Sáu An trút cả lên đầu hai ông Ba, và ông Quân vì can tội cầm đầu chạy trốn. Đơn vị mang hai ông ra kiểm điểm. Ông Ba chịu không nổi văng tục:
- Tiến cái con mẹ gì, pháo nó nã ầm ầm, trang bị đầy đủ, có máy bay và lính dù. Đ.m không chạy chết cả lũ.
Sau cú phản ứng này của ông Ba, ông Sáu An hét cảnh vệ bắt nhốt ông Ba lại.
Đêm đó ông Quân lừa cảnh vệ, tháo cũi cho ông Ba:
- Tao rất ân hận rủ mày cùng vào khu cứ này. Như thế này trước sau cũng chết, tháo cũi cho mày, chúng ta chuồn về thành thôi.
Hai ông lần mò ra đến bờ kênh. Nghe tiếng chân lõm bõm, cảnh vệ đuổi theo quát đứng lại, nhưng hai ông cắm đầu chạy. Biết hai ông trốn, ông Sáu An lùa lính đi tìm bắt lại, vì nếu để hai ông thoát nguy cơ lộ đơn vị. Qúa nửa đêm ông Sáu An đuổi kịp, gọi hai ông đứng lại. Nhưng hai ông vẫn tiếp tục chạy, phát đạn đầu tiên của ông Sáu An làm ông Quân gục xuống, đưa bọc quần áo cho ông Ba, ông chỉ kịp hét: chạy nhanh lên, rồi tắc thở. Ông Ba lại vùng lên chạy. Có lẽ đêm đó ông Ba chạy bằng cả nghị lực, sức mạnh của ông Quân nên gần sáng ông cũng trốn được vào nhà của một người dân. Từ đây họ đưa ông về thành. Mối hận thù với Sáu An cứ day dứt trong lòng ông.
 
Về nhà được một thời gian, ông Ba đi lính, sau đó đi vào học sỹ quan Thủ Đức. Ra trường, ông được điều về chỉ huy một đơn vị công binh đóng quân tại Bình Định. Sau đó ông lấy vợ người Hoài Nhơn, nên thỉnh thoảng ông mới về quê Bạc Liêu. Trung tuần tháng 4-1975, ông Ba cùng đơn vị chạy vào Sài Gòn, vợ con còn kẹt ngoài Trung. Bạn bè kêu ông cùng di tản, nhưng ông quyết tâm chờ vợ con. Khi Sài Gòn thất thủ, ông không ra trình diện. Ông bảo: cũng nhờ có một thời gian sống với người anh em bên kia, nên ông hiểu khá rõ họ. Ông thay tên đổi họ, ra vùng kinh tế mới ngoài Cứ ba, gần ngã ba Dầu Dây làm nông phu. Ẩn dật một thời gian, ông tìm cách liên lạc với vợ con. Vợ ông đã móc nối đưa cả nhà xuống thuyền vượt biên. Sau đó gia đình được chính phủ Đức tiếp nhận.
Lúc đó tôi buộc miệng hỏi:
- Đã là sỹ quan VNCH, còn giữ tấm hình chụp ngày còn ở cứ, bố không sợ dị nghị sao?
Có lẽ cho là câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn, ông Ba cười khật:
- Sao phải sợ! trong hồ sơ quân nhân tao khai cả thời gian vào cứ đàng hoàng, bức ảnh này tao cũng chụp lại để trong hồ sơ, tất cả đều minh bạch. Mày nên nhớ, rất nhiều tướng tá VNCH trước đó là bộ đội, hoặc có dính dáng đến Việt cộng. Tao không phải là trường hợp cá biệt.
Ly caffe nguội lạnh, giọng ông Ba đã khàn đục, lộ rõ nỗi dầy vò và mâu thuẫn trong ông. Nhìn vào mắt ông, tôi những vòng quầng đen của thời gian, nhưng lành và ấm vô cùng. Tôi cảm thấy, dù ông có quyết định như thế nào đi chăng nữa, cũng mang lại không ít khó khăn choVân và hắn. Nhưng tôi vẫn tin vào tình người, lòng vị tha sẽ xóa bỏ hết mọi hận thù.
 
Sau cái giỗ một trăm ngày của hắn, ông Sáu An đòi về Việt Nam, vợ hắn và vợ chồng ông Ba cố giữ. Nhưng ông khóc bảo, đời ông coi như đã hết, nhưng dù sao còn mồ mả gia tiên, và của vợ ông vẫn cần sự chăm sóc của ông.
Hôm lái xe đưa ông ra sân bay, tôi có nhắc lại chuyện xưa giữa ông và ông Ba, ông không trả lời, nhưng mắt ông nặng trữu ưu tư. Trước lúc lên máy bay, ông nắm chặt tay tôi bảo:
- Cả cuộc đời, tôi chỉ thấy đưa thằng Sơn đi lao động ở Đức là việc làm có ý nghĩa nhất.
Rồi ông vội bước… Và trong dòng người đông đúc ấy, tôi thấy dáng đi của ông, liêu xiêu trong cái nắng quái của chiều chạng vạng.
Đức Quốc ngày 23-10-2011