Home Văn Học TRUYỆN NGẮN Các Tác Giả TÌNH ĐẸP NHƯ ÁNH SAO XANH

TÌNH ĐẸP NHƯ ÁNH SAO XANH PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Tiểu Thư - Thái Quốc Mưu   
Thứ Tư, 02 Tháng 11 Năm 2011 20:19

 "Tôi nghẹn ngào! Ngày tôi đến vui và hạnh phúc biết bao, giờ quay về lòng đau như dao cắt. Tôi đã để lại Atlanta một nửa hồn mình."

 

 
Từ Tòa Lãnh Sự Mỹ đi ra, trên tay cầm Visa đến nước Mỹ tôi thấy lòng vui mừng như đang bay bổng lên… Nhìn mọi người chung quanh, tôi mỉm cười thân thiện vui vẻ như để san sẻ niềm vui đến với họ.

Cảnh vật quanh tôi như thay đổi, tươi mát hơn. Quãng đường tôi đi hàng ngày mất hàng năm mươi phút, giờ sao ngắn thế! Cây cũng xanh nhiều hơn và người người thì đáng yêu làm sao! Thế mới biết tâm trạng vui sướng hạnh phúc quan trọng đối với chúng ta dường nào! Đây là lần đầu tiên tôi được đi ra nước ngoài mà lại là nước Mỹ - Một đất nước văn minh, có nhiều phong cảnh đẹp. Nhưng điều làm tôi vui sướng nhất là tôi được gặp lại người chồng thân yêu sau những tháng, ngày xa cách.

Đưa tôi đến phi trường Tân Sơn Nhất là các em của tôi - lúc ấy đã 10pm ở Sàigòn. Tôi quay lại giơ tay vẫy chào tạm biệt gia đình lần cuối, bước nhanh vào phi trường với lòng rộn vui pha chút hãnh diện trong lòng trước những cặp mắt ngưỡng mộ của những người đưa tiễn thân nhân khác (vì mình cũng được đi Mỹ mà!)

Không phải lần đầu tiên tôi đặt chân đến phi trường Tân Sơn Nhất, những lần trước đó, tôi đến đây chỉ để đưa tiễn, hoặc chào đón thân nhân, bạn bè đi, về từ phương xa. Lần nầy thì khác, hoàn toàn khác! Chính tôi là kẻ lên đường!

Những thủ tục xuất cảnh làm cho tôi hơi bỡ ngỡ, nhưng rồi mọi việc cũng êm xuôi. Tôi thở phào nhẹ nhỏm ngồi chờ giờ lên máy bay với sự nôn nao, háo hức chưa từng có.

Chiếc Boeing khổng lồ đưa tôi xa dần đất nước Việt Nam bé nhỏ thân yêu! Một cảm giác vừa vui, vừa bồn chồn lo lắng. Một chút bất an khi phi cơ lên khỏi mặt đất, tôi hoàn toàn giao phó sinh mạng mình cho khối sắt bay. Khi bay, người ta chẳng kiểm soát được gì trọn vẹn, ngoài những suy tưởng, mộng mơ...

Đặt chân xuống phi trường Hàn Quốc, cảm giác mới lạ lẫn thán phục, nhìn quanh tôi thấy tất cả nhân viên làm việc trong phi trường đều mặc đồng phục màu đen. Ở đây hành khách quá cảnh phải làm thủ tục tranfer và chờ đợi tám, chín tiếng đồng hồ (tùy hãng máy bay) để chuyển chuyến bay, trong thời gian chờ đợi, những hành khách có Pastsport Mỹ trong chuyến bay được đưa đi tham quan Seoul bằng xe Bus. Phần tôi, dù mang Hộ Chiếu Việt Nam, song, nhờ lý do đặc biệt, tôi cũng được đi tham quan thủ đô Hán Thành.

Ở Seoul đường phố tuy không mới nhưng rất sạch sẽ, phố xá sang trọng, các phương tiện chạy trên đường phố hầu hết đều là Auto. Ở đây, họ chạy xe theo đúng luật giao thông, rất trật tự. Hoàn toàn khác với Việt Nam chúng ta.

Bây giờ là mùa đông dù đã vào khoảng mười một giờ sáng, nhưng thời tiết rất lạnh, gió lạnh tấp vào da thịt buốt như cắt, tất cả những cây hoa trồng ở ven đường đều rụng lá trơ cành. Đứng trên đất nước người mà tôi cảm thấy ngậm ngùi cho quê hương yêu dấu của mình. Vì cũng là đất nước châu Á nhưng những người dân Việt có trên bốn ngàn năm văn hiến lại không có ý thức giữ gìn vệ sinh sạch đẹp, còn giao thông thì mạnh ai nấy chạy không ai chịu nhường ai, góp phần làm cho một xã hội vốn xô bồ, hỗn độn, càng trở nên hỗn độn, xô bồ, lộn xộn hơn.

Trên chuyến xe Bus tôi có dịp làm quen với một vài người bạn đồng hành là kiều bào hải ngoại, chẳng mấy chốc chúng tôi thân nhau, nói chuyện vui vẻ và cùng đi dạo quanh khu trung tâm bán hàng ở Seoul, phải nói những thứ trưng bày ở đây rất đẹp nhưng giá cả mắc vô cùng. Sau đó, chúng tôi dùng bữa trưa tại một nhà hàng bản xứ, tuy không sang trọng lắm nhưng ấm cúng vô cùng. Thực khách được mời ngồi vào bàn theo phong tục của Hàn Quốc, ngồi sát đất trên một tấm nệm nhỏ. Món ăn của Đại Hàn không hợp với khẩu vị tôi...

Đến giờ hẹn, xe đến đón chúng tôi trở về sân bay để chuẩn bị cuộc hành trình kế tiếp.

Rời Hàn Quốc chúng tôi đến Los Angeles bằng chuyến bay của hãng Asiana. Hành trình thứ hai nầy khá xa, khoảng mười ba, mười bốn giờ bay. Khi bay trên tầng khí quyển tôi nhìn ra cửa sổ chỉ thấy toàn màu trắng của mây. Mây ơi là mây! Mây bay lửng lờ nhẹ nhàng như những khối bông trắng xóa, tôi có cảm giác như mình đang đi vào biển mây lên thiên đường.

Lúc nầy, phi hành đoàn yêu cầu tất cả mọi cửa sổ phải đóng kín, và chúng tôi lại chìm vào không gian tranh tối tranh sáng hết ăn, lại ngủ. Dù tôi có nôn nóng bồn chồn chăng nữa nhưng sự mệt mỏi cũng kéo đôi mắt tôi sụp xuống và tôi đã thiếp đi trong giấc ngủ nửa tỉnh nửa mơ… Tôi đang mơ đến giây phút được gặp chồng tôi. Tôi hình dung gương mặt người đàn ông tôi yêu trong ánh sáng mờ ảo của bóng đèn trong khoang phi cơ. Đó là người đàn ông có khuôn mặt phúc hậu với đôi mắt khi làm việc thường hay đăm chiêu, suy nghĩ xa xăm. Gương mặt, ánh mắt ấy bỗng trở nên xa mờ hệt như ánh sao xanh nhấp nháy trên nền trời không trăng trong một lần tôi về thăm quê Mẹ. Ngôi sao ảo ảnh ấy, vẻ đẹp xa xăm ấy đã khiến tôi lúc nào cũng khắc khoải đợi chờ, ao ước, ngóng trông, tìm kiếm...

Mất cả đời đi tìm người đàn ông hợp ý mình, như một thứ hạnh phúc rực rỡ, lung linh, lộng lẫy... Chẳng dễ chút nào!

Dường như, trong đời người, mọi cái bắt đầu từ tình yêu. Và có lẽ tình yêu là thứ tình cảm đẹp nhất, thiêng liêng nhất, đau khổ nhất và cũng vĩnh hằng tồn tại với con người nhất.

Phi hành đoàn báo tin sắp đáp xuống phi trường Los Angeles, tôi giật mình nhỏm dậy nhìn ra cửa sổ. Phi cơ đang bay trên vùng biển mênh mông. Ô kìa! xa tích bên kia bờ, bãi cát trắng tinh lấp lánh ánh nắng, hừng lên, lung linh, chói rọi bao sắc màu tuyệt đẹp...

Ô cửa sổ nhỏ hắt vào màu nắng vàng nhạt cuối chiều. Màu nắng trên bầu trời có lẽ luôn rực vàng như thế! Ở độ cao này, nó không bị vẩn đục như khi xuyên qua những khối mây ô nhiễm khổ hạnh và lờ đờ trôi bềnh bồng dưới kia. Màu nắng cũng biết mơn trớn những vẽ đẹp khó cưỡng.

Xuống phi trường Los Angeles tôi đã phải choáng ngợp vì sự quy mô, rộng lớn nơi đây. Kẻ đi người đến đông đúc, tấp nập… Tuy không ai để ý đến ai, nhưng trật tự và lịch sự vô cùng. Mỗi khi đi qua mặt nhau, họ đều nói: “Excuse me!”

Không kịp dừng lại để nhìn ngắm toàn cảnh một phi trường lớn và đẹp, tôi phải nhanh chân chạy theo đoàn người để kịp làm thủ tục nhập cảnh vào Mỹ. Tại đây, khi tiếp xúc với nhân viên người Mỹ đầu tiên, ông ta bật ra câu hỏi tiếng Anh làm tôi ngớ ngẩn. Thật là xấu hổ cho bốn năm ngồi trên ghế trường Đại Học Ngoại Ngữ (tôi chọn Anh văn)! Nghe không kịp, tôi còn đang lơ mơ chưa nhận định được ông ấy hỏi gì? Chợt một giọng nói từ sau lưng tôi vọng đến. May quá! đó là một người đàn ông Việt Nam, đang làm việc ở đây, thấy tôi còn lúng túng ông đã giúp tôi hiểu được những gì mà nhân viên người Mỹ muốn biết. Nhờ đó, tôi hoàn tất giấy tờ nhập cảnh.

Sau đó, tôi lại bay, chuyến bay lần này sẽ đưa tôi đến nơi mà tôi vẫn mong đợi từ bao ngày tháng qua, đó là thủ phủ Atlanta, Georgia, nơi cư ngụ của chồng tôi, và là nơi mà cuốn tiểu thuyết, được dựng thành phim “Cuốn Theo Chiều Gió” (Gone With The Wind), Thế Vận Hội Atlanta năm 1996 và Tổng Hành Dinh các đại công ty như Coca Cola, Delta Airline… đã đưa tiểu bang nầy đến gần gũi với mọi người khắp nơi trên thế giới.

Đúng tám giờ tối, phi cơ đáp xuống sân bay Atlanta. Xuống phi cơ tôi vội kéo chiếc valy chạy theo đoàn người lên xe điện ra chỗ nhận hành lý. Đến nơi, tôi đưa mắt tìm kiếm trong đám người đông đúc đang đứng ở đó và tôi hết sức vui mừng suýt phải reo lên như đứa trẻ khi thấy chồng tôi đang chạy đến dang rộng đôi tay ôm chầm lấy tôi. Người tôi run lên, sung sướng pha chút thẹn thuồng...

Giống như ở Los. tôi được nhìn ngắm phi trường Atlanta. Nghe đâu, đây là phi trường quân sự cũ thời Nam, Bắc chiến tranh, được tái tạo quy mô trở thành cảng bay quốc tế. Thú thật, tôi không ngờ nó rộng lớn như thế. Sao mà quy mô, đẹp đẽ đến thế..!

Trời về đêm, không khí giá rét đến tê người. Sau khi chồng tôi để hành lý vào cốp xe. Lên xe ngồi bên tay lái chồng, tôi quay nhìn anh. Anh vẫn như xưa, vẫn khuôn mặt hiên từ, đôi mắt đăm chiêu như khắc khoải những hoài bảo, những ước vọng...

Anh nhìn tôi, khẽ cầm lấy tay tôi, bóp nhè nhẹ… Tôi cảm nhận anh là điểm tựa vững chắc của đời mình, tôi cảm thấy lòng tràn ngập hạnh phúc. Xe chạy ngang qua thủ phủ Atlanta, tôi lại có dịp ngắm nhìn thành phố hùng vĩ, uy nghi, rộng lớn... về đêm. Xa lộ có cả hàng chục làn xe nối đuôi nhau, nhìn chuỗi đèn xe nhấp nháy như những dãy đèn treo trên những nhánh thông trong đêm Noel ở Đàlạt.

Ở Mỹ, sao mà cái gì cũng quy mô, cũng rộng lớn. Đường xá thênh thang, xa lộ mỗi bên sáu, bảy, tám, chín… lằn, tùy theo lượng xe ở mỗi đoạn đường mà người ta thiết kế từng đoạn khác nhau.

Đêm ấy, đêm đầu tiên nơi đất lạ quê người được nằm bên chồng sau những ngày, tháng cách xa nhau, tôi sung sướng trong vòng tay của anh, hôn lên bờ ngực đượm nồng mùi thơm da thịt đàn ông mà lòng ngợp hạnh phúc. Thứ hạnh phúc trường cửu vĩnh hằng. Chồng tôi nhìn tôi đắm đuối, đôi mắt đó đã cuốn hút hết nghị lực của tôi. Tôi sung sướng run lên trong vòng tay xiết chặt của anh, chúng tôi quấn lấy nhau như loài rắn trong mùa động tình và những cơn rung động ngất ngây tột đỉnh dành cho nhau trọn vẹn quên cả đất trời, dưới ánh điện cô đơn.

Khi chồng tôi chìm sâu trong giấc ngủ say, tôi chồm lên hôn vào má anh và ngắm nhìn gương mặt thân thương ấy một cách say đắm như thay một lời cảm ơn.

Tôi nhớ lại lần đầu tiên gặp anh, khi anh dang tay định ôm tôi vào lòng để tỏ sự yêu thương trìu mến, tôi kinh hoàng run sợ và bỗng nhiên xòe hai bàn tay đưa thẳng ra trước như một hành động để bảo vệ mình, tôi khoát hai bàn tay, lắc đầu từ chối, rồi tôi chắp hai tay trước ngực, từ từ quỳ xuống van anh: “Gia đình em là gia đình danh giá, xin anh đừng nghĩ em như những người phụ nữ khác, đừng làm em phải tổn thương và xấu hổ với gia đình!” Nói xong, tôi xá anh liên tục. Anh có vẻ hốt hoảng, đỡ tôi đứng lên, dìu tôi đến ghế, chúng tôi ngồi nói chuyện nghiêm túc.

Tôi là chị cả trong một gia đình có nhiều người con, trước 1975, thân phụ tôi vừa là Kiến Trúc Sư vừa là thầu khoán, mẹ tôi là người phụ tá đắc lực cho cha tôi trong quan hệ xã giao ngoài xã hội. Những khi nhàn rỗi mẹ hay kể chuyện ngày xưa... Mẹ quen biết thân thiết với nhiều vị tướng lãnh, quý vị lãnh đạo cấp Nha, Bộ thời Việt Nam Cộng Hòa, nhờ đó mẹ đã giúp cha tôi thường trúng những lô thầu lớn. Tôi, và các em đều “bị đóng khung” ngay từ tấm bé. Khi đi học chúng tôi đều đi xe đưa rước của nhà trường hoặc do những bác tài xế của gia đình lấy xe đưa đón. Hiện các em tôi đều trở nên những người có danh phận độc lập trong xã hội

Phần tôi, khi đang học năm thứ nhất luật khoa, thì xảy ra chính biến 30/4/75. Chánh quyền mới thời đó, muốn nâng đỡ con em của họ và loại bỏ con em của các nhà tư bản và thành phần liên quan đến chế độ cũ ra khỏi các viện đại học. Họ buộc tất cả sinh viên năm thứ nhất phải thi lại hết. Phần tôi không được tiếp tục học vì lý lịch con của gia đình đại tư bản, trong khi con em của những người cách mạng được vào các giảng đường đại học với điểm 5. Tôi rời viện Đại Học.

Năm 1976, khi hăm mốt tuổi, tôi trúng tuyển cuộc thi nhân viên hành chánh tại Sở Công An Thành Phố. Sau một thời gian làm việc ở đây, tôi nhận ra ngành công an không thích hợp với bản chất của mình. Tôi rất khó khăn khi xin chuyển khỏi ngành - cũng như rất nhiều người bị khó khăn khi thi tuyển vào ngành. Cấp trên e ngại tôi biết quá nhiều điều bí mật, sau khi rời ngành những bí mật ấy có thể bị tôi tiết lộ. Nhưng chẳng ai hiểu tôi bằng chính bản thân mình. Tôi không thuộc típ người phản bội những người trót đã tin tưởng mình. Về điểm nầy tôi rất giống cha mẹ tôi.

Cuối cùng tôi cũng được chuyển qua làm ở Công ty Z. Đến năm 1984, tôi lần lượt đạt 3 bằng đại học: Ngoại thương, Sư phạm và Sinh ngữ 4 năm (môn Anh ngữ). Tháng Giêng năm ấy tôi kết hôn và một năm sau, cuộc hôn nhân đổ vỡ - khi đứa con đầu đời của tôi sinh ra bị bại não. Chồng tôi chán nản, nhẫn tâm bỏ đi. Cuối cùng chúng tôi ly dị.

Vì thương con, thương sự bất hạnh đời mình, tôi ở vậy nuôi con suốt 24 năm qua. Mỗi khi thấy những trẻ em đi học ngang nhà, lòng tôi se lại. Tôi khát thèm ngày ngày được chở con đến trường, và những khi thấy phụ huynh học sinh đứng chờ con em trước cổng trường lòng tôi quặn thắt. Sự ước mơ của tôi nhỏ nhoi, đơn giản như thế nhưng chẳng bao giờ được toại nguyện. Hiện nay cháu vẫn tồn tại, nhưng tất cả mọi sinh hoạt đều nhờ vào sự giúp đỡ của người khác.

Cuộc đời buồn thảm, hiu quạnh tưởng chừng mọi thứ đã lắng sâu, bình an trong tôi. Đến khi, trong một tiệc cưới, tình cờ tôi gặp một người đàn ông, anh chính là chồng tôi bây giờ.

Từ công ty Z, tôi xin chuyển qua một trong những Công ty Doanh Nghiệp Nhà Nước, hiện tôi công tác nơi đây.

Trong đời thường tôi sống rất nghiêm túc, quy củ. Khi làm việc tôi luôn luôn tuân thủ chấp hành tuyệt đối nguyên tắc cơ quan, ở bất cứ cơ quan nào tôi cũng luôn là đối tượng kết nạp Đoàn - Con đường trải thảm nhung vào Đảng. Nhưng tôi đã nhiều lần viện dẫn nhiều lý do để không bị kết nạp. Vì thế, chức Trợ Lý Giám Đốc đến với tôi trong chặng đường dài mười hai năm. Trong khi, những người lãnh đạo tôi, vốn là đảng viên, yếu kém hơn tôi nhiều mặt - nhất là về học vấn, nhưng ở chốn quan trường họ tiến rất nhanh. Nhanh một cách phi thường, nhanh đến mức khó hiểu, khó tin, khó tưởng!

***

Do chịu ảnh hưởng sâu nặng từ sự giáo dục nghiêm khắc của cha mẹ tôi. Từ khi bắt đầu đi làm, đến ngay bây giờ, tôi vẫn giữ con đường độc đạo từ nhà đến công ty và từ công ty về nhà. Nhiều người thấy tôi không biết nhiều về Sàigòn, họ nghĩ rằng tôi từ tỉnh lẻ hoặc từ Bắc mới đến Sàigòn. Mãi khi họ biết gia thế và dòng tộc tôi đã nhiều đời sinh sống ở Sàigòn, cá nhân tôi được sinh ra và trưởng thành ngay tại trung tâm Sàigòn, họ rất ngỡ ngàng, ngạc nhiên!

Tôi không là người lãng mạn, nên tôi hoàn toàn tin tưởng có thứ tình yêu không vượt ngoài vòng lễ giáo, gia phong. Tôi thường nghĩ, người ta vẫn có thể vĩnh viễn thuộc về nhau bằng tâm hồn.

Chịu ảnh hưởng sự giáo dục và nếp sống thường nhật của hai bậc song thân, tôi cho rằng tình yêu không tình dục mới là thứ tình cảm đáng tôn thờ, vì cái gì xuất phát từ tâm hồn cũng thiêng liêng, khó lay chuyển.

Sự lạnh lùng và kiêu hãnh của tôi chính ở chỗ tình dục rất thiêng liêng, cao cả, chỉ thật tuyệt vời đối với tình yêu đích thực và sẽ rất tầm thường với những ai thiếu nghiêm túc.

Tôi đã không còn là cô gái mới lớn, nhưng không bao giờ tôi để mình bị cuốn trôi vào những bước phiêu lưu tình ái, tôi biết dừng lại những rung động và lý trí luôn giúp tôi tỉnh táo.

Trước khi được gia đình chấp nhận, khi chúng tôi chưa thuộc về nhau hoàn toàn, những lúc đi ăn, ngồi bên nhau tâm sự, chồng tôi thường bảo: “em đã bỏ quên điểm cốt lõi của tình yêu và hệ sinh lý của em đã ngủ yên!” Tôi biết anh chưa hiểu hết lòng tôi, nên chỉ nhìn anh mỉm cười...

Mãi sau nầy khi chánh thức là vợ chồng, tôi nghĩ những gì chồng tôi nói trước kia đều có lý. Tôi đã bỏ quên cả thời xuân sắc, chịu ép mình sống như một nữ tu gần ba mươi năm qua! Và rồi từ đó, tôi mới biết thế nào là nỗi đam mê, thế nào là đỉnh tuyệt vời trong tình yêu! Từ đấy, khi xa nhau trong những đêm dài cô đơn, tôi nhớ anh vô cùng. Nỗi thèm khát được yêu thương nung nấu, dằn xé trong tôi. Vì thế, tôi lại nghĩ khác đi: “Hãy yêu thật say đắm, sâu đậm. Dù có thể bị “tổn thương”, nhưng đấy là cách duy nhất để sống thật trọn vẹn với mình!”

***

Tiếng xe chạy trên con đường trước sân nhà đánh thức tôi dậy. Mở mắt, tôi nhìn qua lớp kính cửa sổ, những tia nắng không nóng bức như Sàigòn, ngoài kia sương mù vẫn giăng giăng mờ ảo, thời tiết se lạnh. Hơi thở của mùa Đông vẫn còn đâu đây mặc dầu bây giờ đã là tháng Ba.

Sang phòng làm việc của chồng, tôi nhìn ra qua ô cửa sổ, con đường trước mặt đẹp làm sao! Con đường ngày Chủ Nhật sao yên tĩnh quá! Thỉnh thoảng một chiếc xe chạy ngang, lướt qua rồi mất hút. Không một bóng người. Cảnh vật thật yên ắng. Mấy hàng cây đổ hết lá trơ cành khẳng khiu đứng nghiêng nghiêng khe khẽ đu đưa, những âm thanh mơn man mơ hồ, heo may bay lơ thơ trong giờ phút giao mùa. Mùa Xuân đã trở về.

Tôi ngồi co ro trong chiếc ghế xoay trong phòng làm việc, xuýt xoa hai bàn tay rồi ủ vào trong lòng. Chồng tôi nhìn sang, mỉm cười âu yếm: “Vì em nói thích mùa đông, nếu em sang đây vào mùa xuân, thiên nhiên sẽ đẹp và ấm áp hơn!”

Nhưng tôi thích mùa đông, ở Sàigòn chịu cái nóng quá nhiều. Nóng oi ả, nóng cháy người, nóng như đứng trước cửa lò rực lửa... Tôi muốn được thưởng thức những làn gió lạnh buốt như cắt da, cái không khí giá rét đến tê người. Để tận hưởng cảm giác gió lạnh táp vào mặt. Ngước mắt nhìn anh tôi thầm nghĩ: “Mùa đông mang đến cho ta thật nhiều xúc cảm! Mùa đông không chỉ có cái thời tiết giá lạnh mà còn có sự ấm áp sâu lắng từ trong tâm hồn. Mùa đông còn có những xúc cảm tuyệt vời của hai người yêu nhau. Phải thế không anh?”

Thuở còn mài đũng quần ở bậc tiểu học, tôi đã mang những ấn tượng đẹp về cái gió lạnh đầu mùa trong trang văn của Thạch Lam, nhớ cái ấm áp của tình người, nhớ những tấm lòng bao dung và còn biết bao nhiêu điều khác trong cuộc đời khiến ta cảm thấy lòng mình không buốt giá! Mùa đông lạnh để thử thách lòng người và cũng chỉ có mùa đông mới cho ta thấy con người cần biết bao nhiêu ngọn lửa ấm, biết bao nhiêu trái tim nồng nàn biết vỗ về, biết yêu thương...

Mỗi buổi sáng tôi cùng chồng đi ra phố. Cảnh vật hai bên đường thật nên thơ và đẹp, giống như Đà Lạt, nhưng hùng vĩ mà bình yên hơn, người ta sống trong thiên nhiên nhiều hơn, nhà cửa rộng thoáng, không san sát như ở Việt Nam. Các building đặt những văn phòng làm việc được xây dựng sâu trong các khoảng đất rất rộng cách xa lề đường để có chỗ đậu xe. Những parking đầy ấp xe.

Một lần chạy trên xa lộ, ngang chỗ bán xe, chồng bảo tôi: “Em xem kìa, họ để xe bán chẳng khác nào những sạp bán dép bày hàng ở Chợ Lớn.” Tôi nhìn theo hướng anh chỉ, xe ơi là xe, có đến vài ngàn chiếc, xe ngập bãi, xe nằm yên chịu đựng trong nắng chói chang, dưới mưa rơi, tuyết dập... Tôi lại nhớ Việt Nam, những Salon Auto, chỉ một vài chiếc, được trang trọng đặt trong nhà kính đàng hoàng. Xe ở Mỹ bị xem thường, xe ở Việt Nam được trân quý. Rõ ràng hai phương trời khác biệt.

Khi đi chợ mua thức ăn, tôi thấy ở Mỹ gọi là chợ nhưng thực ra giống các siêu thị ở Việt Nam, cách trưng bày rất ngăn nắp, sạch sẽ. Hàng hóa được xếp gọn gàng từng loại, bảng giá cho biết từng món hàng. Ở đây có rất nhiều chợ. Chợ Tàu, Chợ Korean, Chợ Mỹ và Chợ Việt Nam... Các chợ chỉ cách nhau vài phút xe - Ở Mỹ người ta không tính khoảng cách bằng Mile hay Kilomet, chỉ tính bằng thời gian lái xe.

Không giống như ở Việt Nam, vào siêu thị khách hàng phải ký gởi xách tay hoặc bất cứ thứ gì mình đem theo. Ở Mỹ khách đi chợ không phải ký gởi bất cứ thứ nào cả. Thế mà, không ai có thể “cầm nhầm” món hàng chưa tính tiền bước ra khỏi cửa!

Chợ Sam’s Club nhân viên mặc áo đỏ có hàng chữ trắng khá lớn trên lưng “Can I help you?” Đi chợ, khách tự chọn hàng lấy để vào xe, khi tìm món nào chẳng được, hỏi nhân viên bán hàng, họ vui vẻ đưa tận nơi, giúp chọn hàng, giới thiệu mặt hàng cùng loại, xong họ lại hỏi: “You want me to help more?” Rất lịch sự! Các thu ngân rất vui vẻ niềm nở. Sắp hàng chờ lượt tính tiền, tôi thấy những người đến trước tôi đều được thu ngân viên nở nụ cười: “Hello” hoặc: “Hi! How are you?” Họ tiếp tôi cũng giống như người đến trước. Tính tiền xong, thu ngân viên - hoặc người khác, tùy theo chợ, sắp hàng gọn vào trong những túi nilon rồi đặt mấy túi hàng tôi mua để lên xe đẩy. Họ hoàn toàn khác xa với những cô bán hàng trong các siêu thị Việt Nam, khi khách đến tính tiền mặt mày hách dịch, sưng lên như vừa bị ai đấm vào mặt.

Các cô ấy không ý thức rằng, nhờ có khách hàng mang tiền đến mua hàng họ mới có đồng lương để sống. Việt Nam vẫn còn nhiều con sâu trong những bát canh ngon, như thế thì đến bao giờ đất nước chúng ta mới tiến bộ và phát triển được như các nước khác trong vùng? Đối với Mỹ, trăm năm sau, chúng ta vẫn là một trong những kẻ đi sau cùng…

Thỉnh thoảng chúng tôi được những người bạn thân của chồng tôi mời đi ăn nhà hàng. Đặc biệt, ở nhà hàng Buffet, khi đang ăn, tiếp viên đến tận bàn vui vẻ hỏi: “Everything OK?” hoặc: “You want more Tea, Coffee?” Nét mặt họ rất tươi vui khi chúng ta nhờ họ bất cứ điều gì. Cung cách phục vụ của họ cho tôi cái cảm giác “khách hàng đúng là vợ của Thượng Đế!”

Những thức ăn ở đây vẫn còn xa lạ với tôi nhiều lắm! Tôi nhớ cái cảm giác ngồi ở một quán ăn nào đó ở quê nhà xì xụp húp bát cháo nóng còn nghi ngút khói, thèm cái cảm giác xuýt xoa khi ăn những món ăn cay thè lưỡi, nhưng vẫn thích, vì khi ăn thấy thật là ấm cúng.

Sau những buổi ra phố trở về, tôi giúp chồng tôi đánh máy hoặc duyệt lại bản thảo những quyển sách sắp phát hành. Anh muốn gởi gắm, trang trải tâm tư mình đến với mọi người và để lại những sáng tạo từ tim óc của mình cho thế hệ mai sau.

Tôi thật sự hạnh phúc ở bên anh, được cùng làm việc với anh, cùng thở một bầu không khí mà cả hai chúng tôi đều cảm thấy yêu thương tràn ngập trong căn phòng ấm áp...

Cảm giác thật ấm cúng khi có người mình yêu thương ở bên cạnh, khi được tình yêu sưởi ấm tâm hồn mình.

Cám ơn sự sống đã cho tôi bao điều bất ngờ, thú vị. Tình yêu không là một hiện vật, mà ta có thể nhìn hoặc cầm nắm. Tình yêu được cảm nhận bằng trái tim. Đôi khi sự yêu thương không thể hiện ra ngoài nhưng nó lại nồng nàn và sâu lắng hơn bao giờ hết. Phải thế không anh?

***

Một buổi sáng khi tôi thức dậy, lúc đó khoảng chín giờ sáng, nhìn qua cửa sổ, nắng không còn non như vầng hồng lúc mới lên, nhưng chưa già đến chói chang, nắng mới kết tinh vừa đủ cho tiết Xuân bừng nở, tôi đang trang điểm thì chồng tôi nói: “Honey! Chiều nay trời rải tuyết đón em đó!” Nhìn chồng, tôi vui sướng tặng anh nụ cười rạng rỡ

Trưa hôm ấy, bầu trời bắt đầu u ám, tối đến từ cửa sổ tầng trên nhìn ra, tôi thấy tuyết rơi, những bông tuyết trắng phau nhẹ nhàng đậu trên cây cỏ ngoài sân giống như những trái gòn, trái bông vải chín cây, vỡ ra tua tủa thả những đóa hoa bay trong gió... Không lâu sau, trên cành cây, bãi cỏ, đường xá phủ màu trắng toát.

Lần đầu tiên thấy tuyết, tôi xao xuyến trước vẻ đẹp lạ lùng của những ngày chớm xuân, những rừng thông vẫn xanh mướt mang đầy sức sống, tôi bắt gặp những ngày đầu xuân ở khoảnh khắc đẹp nhất, một vẻ đẹp trong suốt, vĩnh hằng...

Thấm thoát một tháng đã trôi qua, chỉ còn hai ngày nữa là hết phép, tôi sẽ phải quay về Việt Nam, về với những buổi trưa nắng oi ả, với bụi bặm, với khí thải ô nhiễm đầy đường. Trở về với những công việc cứng ngắt, nhạt nhẽo hàng ngày của công ty.

Những ngày sắp chia tay, chồng tôi đưa tôi đi xem phong cảnh, dọc theo các con đường, những bông hoa nở đủ sắc màu, vàng, đỏ, tím, trắng,... báo hiệu mùa xuân đã về. Xe chạy ngang qua những ngôi nhà cổ, dưới những mái nhà đã ngã màu thời gian, ánh đèn vàng hắt bóng dưới tán cây già tôi bỗng thấy sao mà mình nhỏ nhoi đến thế, cô đơn đến thế. Và tâm hồn tôi như chùn xuống nặng trĩu.

***

Buổi chia tay cuối cùng vẫn đến…

Tôi trở lại phi trường Atlanta vào một buổi sáng sớm, vội vàng…

Sau khi hoàn tất thủ tục, anh đưa tôi vào tận lane kiểm soát an ninh. Tôi đưa tay vẫy chào chồng, rồi vội quay lưng, dấu những giọt nước mắt sắp tràn xuống má. Tôi nghẹn ngào! Ngày tôi đến vui và hạnh phúc biết bao, giờ quay về lòng đau như dao cắt. Tôi đã để lại Atlanta một nửa hồn mình.

Tôi lủi thủi bước đi, không dám ngoảnh lại nhìn gương mặt thân thương của chồng tôi... Tôi biết, anh cũng đang dõi mắt nhìn theo từng bước tôi đi. Tôi sợ giây phút chia tay.

Chiếc phi cơ đưa tôi xa dần xứ sở của bình yên, có mùa đông lạnh lùng, mùa Xuân trải đầy hoa sắc, nơi đó người chồng yêu quý ngày đêm nhớ thương tôi và để tôi khắc khoải nhung nhớ.

Sự chia cách nầy khơi dậy lòng ao ước trong tôi. Tôi mơ ước thế giới hòa bình, mọi người vui vẻ, hạnh phúc. Hãy xóa hết chiến tranh, thù hận, ghen ghét, để không còn những cơn bão bom đạn lồng lộn thét gào sát hại nhiều người vô tội. Tôi cầu mong cho các loài cây trên đỉnh núi hoa nở tô hồng và những thung lũng đều ngan ngát xanh tươi.

Cầu mong cho tất cả mọi người rộn niềm vui, ngập tràn hạnh phúc! Cầu cho tâm hồn mọi người luôn thanh thản, bình yên, không có nước mắt, không có niềm đau!...

Hà Tiểu Thư viết cùng Thái Quốc Mưu