Home Văn Học TRUYỆN NGẮN Các Tác Giả Nhìn Lại Mảnh Đời

Nhìn Lại Mảnh Đời PDF Print E-mail
Tác Giả: Phạm Khắc Long   
Thứ Ba, 10 Tháng 1 Năm 2012 07:42

Năm 54 khi di cư vào Nam, tôi mới lên bảy, chưa đủ tuổi để rên rỉ câu hát “tôi xa Hà-Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu”.

1954 …
 

        Năm 54 khi di cư vào Nam, tôi mới lên bảy, chưa đủ tuổi để rên rỉ câu hát “tôi xa Hà-Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu”. Lúc bấy giờ tôi chỉ là thằng bé con hỉ mũi còn chưa sạch, thậm chí tối ngủ thỉnh thỏang vẫn còn đái dầm và ỉa đùn, ấy thế mà khi rời xa Hà Nội dường như trong lòng tôi đã mang nặng trĩu hình ảnh con Quán, “cô láng giềng” nhóc tì của tôi.
        Nhà con Quán ở sát vách nhà tôi. Lúc gia đình tôi vừa dọn đến phố Lò Sũ là cha mẹ nó đã ghé qua chơi và kết thân ngay với ba mẹ tôi. Ban đầu tôi chê nó là gái cho nên không thèm kết bạn, mãi sau tìm quanh xóm không ra thằng nhóc nào thì tôi mới chịu làm quen với nó. Quán bằng trạc tuổi tôi, cặp má nó phúng phính trắng hồng, đôi mắt tròn xoe, to như hạt nhãn, môi dưới nó lúc nào cũng trề ra trong giống như đang nũng nịu. Mấy tháng cuối cùng ở Hà Nội chị em tôi đang nghỉ hè cho nên hàng ngày khi ba mẹ vắng nhà, hai bà chị được giao nhiệm vụ giữ em, tôi với thằng em hai tuổi. Con Quán thường được cha mẹ cho qua nhà tôi chơi, có khi từ sáng đến chiều. Nó hay mang đồ chơi qua, bắt tôi chơi những trò chơi của con gái như chơi búp bê, chơi nấu nướng bằng những nồi niêu soong chảo nhựa bé tí teo của nó v.v…Tuy không thích các trò chơi “thị mẹt” này nhưng tôi luôn luôn chìu theo ý nó. Vì là con trai đầu trong gia đình, được ba mẹ nuông chìu như “ông vua con” cho nên tính tình tôi rất ương ngạnh, luôn luôn bắt mọi người phải theo ý mình, thế nhưng đối với con Quán tôi lại “nhún nhường” đến độ nó nói gì tôi cũng răm rắp nghe theo. Kể cũng lạ, không lý hãy còn bé mà tôi đã có máu dại gái !? Thỉnh thỏang hai đứa tôi thay đổi trò chơi, chuyển qua thi tập đọc, tập viết. Tuy đọc chữ giỏi hơn con Quán và viết chữ đẹp hơn nó nhưng khi chấm điểm, lúc nào tôi cũng cho nó điểm cao hơn, mỗi lần được vậy con Quán cười nhe cái hàm răng sún, gương mặt nó rạng rỡ hẳn ra. Chơi trong nhà lâu đâm ra chán cho nên có lần tôi đã lén hai bà chị, rủ con Quán băng đường qua bên bờ hồ, chui ra phía sau đền Ngọc Sơn xem người lớn câu cá. Báo hại hôm ấy hai bà chị tôi đã hốt hỏang đổ xô đi tìm, lúc hai đứa tôi mò về nhà là bị hai bả cú cho muốn lủng cả sọ, đã vậy chiều về lại còn bị bố mẹ quất cho mấy roi oằn cả mông. Dạo ấy con nít ở Hà Nôi hay bị “mẹ mìn” bắt cóc bán qua Tầu cho nên không cha mẹ nào dám thả con cái ra ngòai đường một mình. Cũng may là hôm ấy tôi với con Quán không gặp mẹ mìn chứ nếu không thì biết đâu chừng giờ này hai đứa tôi đã là “chú chệt” với “a xẩm”!
        Tình bạn giữa tôi và con Quán càng ngày càng thắm thiết. Hôm nào không thấy con bé qua chơi là tôi lại “ngẩn ngơ nỗi sầu”. Chả lẽ tôi biết yêu sớm thế sao !? Chắc là không ! Tôi mới bảy tuổi, còn con nít ranh, yêu đương cái nỗi gì !!! Con Quán có vẻ  “mết” tôi, hễ có món gì ngon ngọt nó đều chia hai, nửa cho tôi, nửa cho nó. Nói với tôi, nó luôn miệng “mày mày, tao, tao” thế nhưng đôi khi nó “dở chứng” dịu ngọt gọi tôi bằng “cậu” và xưng bằng “mợ”, giống như bố mẹ nó xưng hô với nhau. Đúng là con bé ranh con, thích tập tành chuyện người lớn !
        Hai đứa tôi quen nhau được vài tháng thì đến ngày gia đình tôi di cư vào Nam. Ngày ra đi, Quán cùng bố mẹ tiễn đưa gia đình tôi đến tận Nhà Hát Lớn, địa điểm tập trung trước khi gia đình tôi ra phi trường Gia Lâm đi máy bay vào Nam. Lúc giã biệt mọi người đều ngậm ngùi bịn rịn, con Quán ôm tôi khóc sướt mướt. Khi xe rời bánh, ngóai nhìn lại tôi thấy con bạn vừa mếu máo khóc vừa vẫy tay chào, chào nhau lần cuối để rồi mãi mãi không còn thấy nhau !!! 
        Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua tôi chưa một lần về thăm Hà Nội. Còn sót lại trong ký ức “tù mù” của tôi Hà Nội dường như chỉ vỏn vẹn có hồ Hòan Kiếm gần nhà mà tôi hay lẽo đẽo theo chân ông anh họ đi nhặt quả sấu thiên hạ hái bỏ sót dưới gốc cây quanh bờ hồ, hay quán kem Mụ Béo mà ba thường dắt tôi đi ăn vào những trưa hè nóng bức, hay các rạp xi nê Lạc Hồng, Olympia mà thỉnh thỏang chị em chúng tôi được ba cho đi xem v.v…Hà Nội trong nỗi nhớ của tôi, ngòai cái hương vị của món cốm vòng ăn với chuối tiêu, của món canh sấu nấu với mẻ và thịt nạc, còn có các trái cây đặc biệt của miền Bắc như quả sấu, quả nhót, quả soan trà v.v…Mọi thứ tôi chỉ thoáng nhớ thế nhưng cái gương mặt nhòa lệ của con Quán hôm ấy thì tôi nhớ rõ mồn một !
                                                                  ***
 
        Lúc mới vào Nam, gia đình tôi cùng một số gia đình di cư khác đã được chính phủ đưa về tạm cư tại xưởng xà bông Trương Văn Bền ở trong Chợ Lớn. Dạo ở Hà Nội tôi thường được mẹ cho ăn phở điểm tâm bởi vậy nên mới vào Sài Gòn có mấy ngày là tôi đã thấy thèm phở và đòi ăn. Mẹ sai chị Vân Anh dắt tôi đi ăn phở. Hai chị em đi tìm hàng giờ mà vẫn không thấy tiệm nào bán phở, hỏi thăm người đi đường thì họ đều nhướng mắt hỏi ngược lại : “phở !? phở là cái gì dzậy ???”  Mãi sau khi vào một tiệm ăn nọ, thấy một người khách đang ngồi ăn một tô “giông giống phở” chị tôi bèn gọi chủ tiệm, kêu một tô “giống vậy”, đó chính là tô hủ tíu đầu tiên của thằng bé Bắc Kỳ, và vì không phải là phở cho nên tôi chỉ ăn có vài miếng là bỏ dở !
        Gia đình tôi ở trung tâm tạm cư có vài tuần lễ, sau đó ba tôi thuê được một căn nhà ở hẻm Đỗ Thành Nhân bên Khánh Hội; ba chị em tôi bắt đầu đi học lại, tôi vào lớp tư trường tiểu học Vĩnh Hội. Lúc mới đầu, đám học sinh Bắc kỳ di cư được dồn vào những lớp học riêng, hòan tòan tách biệt với đám học sinh Nam Kỳ. Do khác biệt về giọng nói các học sinh gốc Bắc thường hay bị các học sinh gốc Nam chọc ghẹo chế nhạo “Bắc kỳ rau muống”, “Bắc kỳ ăn thịt chó” v.v…cho nên vào giờ ra chơi đôi lúc đã xẩy ra những màn chửi nhau hay ấu đả giữa hai nhóm học sinh Nam Bắc.
        Lúc ban đầu, người Bắc di cư không ít thì nhiều đã gặp khó khăn trong việc hội nhập vào đời sống mới, cái khó khăn chính có lẽ là vấn đề ngôn ngữ. Trong hẻm Đỗ Thành Nhân chỉ có mỗi gia đình tôi là người Bắc bởi thế mỗi lần ra đường hễ tôi mở miệng ra là người ta lại cười chế nhạo cái giọng “Bắc kỳ dzốn” của tôi, và ngược lại đôi lúc có những cái người ta nói thì tôi “ú ớ” chẳng hiểu họ nói gì !? Dần dần tôi cố sửa giọng nói cho bớt đặc sệt Bắc Kỳ và đồng thời học thêm những ngôn từ mới của người Nam, ra đường tôi tránh xử dụng những từ ngữ địa phương của miền Bắc, thay vì “cái cốc, cái bát, cái thìa, bánh tây, năm hào v.v..” tôi nói lại thành “cái ly, cái chén, cái muỗng, bánh mì, năm cắc v.v..” Dần dần tôi đã làm quen với các món ăn miền Nam như chuối chưng bột báng nước dừa, chè đậu đỏ bánh lọt, nước đá nhận xi rô v.v…Bà con trong hẻm đã mở rộng vòng tay thương yêu đón nhận gia đình chúng tôi, người lớn gọi tôi bằng “thằng nhỏ Bắc kỳ”, một cách âu yếm chứ không có vẻ nhạo báng kỳ thị như lúc ban đầu. Tôi bắt đầu kết bạn với lũ trẻ trong xóm, tôi chơi thân nhất với thằng Châu ở phía trước nhà. Châu học ngang lớp và cùng trường Vĩnh Hội với tôi, hàng ngày hai đứa tôi cùng đi bộ đến trường. Những ngày nghỉ học Châu hay rủ tôi đi tắm ở mé sông gần nhà, có khi hai đứa lội bộ tuốt qua bên sở thú hay vườn “Bờ Rô”. Từ ngày quen Châu, giờ ra chơi tôi ít bị đám học sinh Nam Kỳ chọc ghẹo nữa. Châu mồ côi mẹ, nó có người chị tên Trinh, hơn tôi khỏang bốn năm tuổi. Chị Trinh thương tôi lắm, chị hay gọi tôi bằng “cưng”. Có lần đi chợ về chị mua cho tôi trái Ô Môi, tôi chưa hề thấy trái này lần nào cho nên không biết ăn làm sao, chị lấy dao róc vỏ cứng chung quanh, tách ra đưa cho tôi một “mắc” tròn cỡ đồng bạc cắc, tôi nếm thấy vị ngọt nhưng mùi thum thủm, khăm khắm nên nhăn mặt, tính nhè ra, chị Trinh vừa cười vừa lấy tay bịt miệng tôi: “ăn đi cưng, ngon mà, sao nhả ra dzậy!?”. Tôi nhắm mắt nhắm mũi cố ăn, miếng Ô Môi dường như ngọt hơn và hết còn mùi thum thủm.Tôi thấy chị Trinh dường như đẹp hẳn ra.Tôi biết ăn trái Ô Môi từ dạo ấy ! 
        Ở Sai Gòn chưa đầy một năm thì ba tôi được lệnh thuyên chuyển ra nhiệm sở mới tại Nha Trang. Lúc gia đình tôi dọn ra Nha Trang, tình hình ở Sài Gòn đang lộn xộn vì có đánh nhau giữa quân đội chính phủ và nhóm Bình Xuyên. Hẻm Đỗ Thành Nhân ở gần khu vực giao tranh cho nên đa số đồng bào trong xóm đã đi lánh nạn ở những nơi khác. Gia đình thằng Châu về quê cho nên tôi đã không gặp được nó và chị Trinh để từ giã. Bảy tám năm sau nhân chuyến nghỉ hè trong Sài Gòn, tôi quay về xóm Đỗ Thành Nhân mong tìm gặp lại bạn xưa thế nhưng cảnh vật đã hòan tòan thay đổi. Nghe kể thì sau một cuộc hỏa họan lớn, nhà cửa trong hẻm đều bị cháy rụi. Con hẻm sau đó được chỉnh trang thành con đường lớn và nhà cửa được xây cất khang trang hơn xưa. Tôi tìm không ra nhà thằng Châu, có thể gia đình nó đã dọn đi nơi khác.
                                                                                                                                    
                                                                  ***
     
        Lúc mới ra Nha Trang gia đình tôi thuê nhà ở Xóm Giá trong Phường Củi. Vợ chồng ông Sáu chủ nhà chuyên nghề làm giá. Ngòai khu vườn ươm giá, ông Sáu còn có khu vườn thật rộng quanh nhà trồng nhiều lọai cây ăn trái như mít, ổi, cam, khế, đu đủ, cây lý v.v…Ông bà Sáu không có con cho nên rất thương tôi, tôi được ông bà cho phép tự do leo trèo và hái trái cây trong vườn. Mỗi buổi sáng tôi thường ra gốc cây lý, tìm nhặt những trái chín bị dơi ăn rụng đêm trước, đem vào rửa sạch và cắt bỏ những chỗ hư. Trái lý cùng họ với trái mậm, tròn và mỏng cơm hơn mận nhưng thơm và ngọt hơn. Tôi nhớ nhiều đến trái lý nơi khu vườn nhà ông Sáu bởi lẽ lần đầu tiên mà cũng là lần cuối cùng tôi ăn trái ấy, sau này đi khắp chốn tôi không hề thấy lại cây lý. Năm ấy tôi vào học lớp ba trường Nam Tiểu Học Nha Trang. Thằng bạn tôi kết thân đầu tiên là Khuất Nguyên Dũng. Nhà Dũng ở đường Bạch Đằng, tan học về nó hay ghé nhà tôi chơi và lần nào cũng như lần nấy phải đầy một bụng trái cây cu cậu mới chịu về. Dũng “hoang đàng” rất sớm, tôi “hư” cũng tại nó (!) năm học lớp nhất nó dụ dỗ tôi trốn học đều đều. Dũng bỏ học rất sớm, sau đăng lính không quân, dạo nó đóng ở Nha Trang thỉnh thỏang có ghé nhà tôi nhưng sau đó thì bặt tin luôn.
         Độ một năm sau thì nhà tôi dọn về đường Phước Hải, Xóm Mới, ngay trước vườn ươm cây của ty nông nghiệp (sau này là trường tiểu học Âu Cơ). Dạo ấy khu Xóm Mới chưa phát triển, nhà cửa còn rất thưa thớt, nhà tôi ở cuối đường, kế đó là bãi cát hoang vu đầy cây xương rồng xa xa là khu rừng thấp chạy dài tuốt lên tận Bình Tân. Đám con nít chúng tôi thường hay lên khu rừng này hái trái ma dương, cam đường, du dẻ, sim v.v…Sau vườn ươm là bãi cát lớn gọi là khu Đồng Dưa vì có dạo người ta trồng dưa hấu ở đó. Bãi cát có vô số kỳ nhông, hồi đó tụi tôi ít khi đặt bẫy nhông, thường thường chỉ đi rình gỡ những bẫy đã xập sẵn của thiên hạ, đem kỳ nhông về, xẻ thịt, bằm nhỏ rồi gói lá chanh đem nướng, ăn với bánh tráng, ngon hết biết ! Vườn ươm cây do hai ông bà cụ gốc Bắc Kỳ cựu trông nom, cụ ông là ba của chị Mận, bạn của chị Vân Anh tôi. Khu vườn có rất nhiều chim chóc, nhiều nhất là chim sẻ và chim sâu, tôi hay qua bên đó bắn chim, mỗi lần giết được chim là lấy máu chim bôi vào chạc ná để lấy hên! Trong khu vườn có cây soan rất lớn, vào những buổi trưa hè nóng bức tôi hay trèo lên cây, ngả người nơi cành ba chạc, nằm đón gió mát. Thỉnh thỏang mẹ hay sai tôi hái lá soan đem về dú trái cây. Bạn bè tôi nhiều người chỉ biết cây soan qua bài hát (“Hoa Soan Bên Thềm Cũ” của Tuấn Khanh) hoặc qua tiểu thuyết (“Mưa Trên Cây Sầu Đông” của Nhã Ca), tôi may mắn hơn vì đã từng được trèo lên cây soan ! Bên cạnh vườm ươm là nhà của ông biện lý, tên gì tôi quên mất. Chung quanh nhà ông có ngôi vườn thật rộng trồng nhiều cây sa pô chê và mãng cầu, thỉnh thỏang tôi hay chui rào vào hái trộm mãng cầu, có lần xém bị chó cắn! Huân, con trai ông lớn hơn tôi bốn, năm tuổi và hồi đó học trên tôi mấy lớp, chả hiểu anh chàng này học hành “thâm cứu” ra sao mà sau này lại vào học chung với tôi năm đệ nhất Võ Tánh !?
         Cách nhà tôi chừng độ vài trăm thước, đi băng qua đường rầy xe lửa là Xóm Dương. Ban tối trong xóm hay có sòng lô tô, có lần tôi chơi trúng đâu được vài chục bạc, tưởng bở về khoe với mẹ bị mẹ đánh cho một trận vì tội cờ bạc. Thỉnh thỏang có cả ca bài chòi, diễn viên là dân trong xóm, ban ngày họ làm lao động, đạp xích lô hay buôn thúng bán mẹt, tối đến tụ tập lại nơi khỏang đất trống, vẽ mặt vẽ mày, ca diễn các tuồng tích ngắn, không thâu tiền vé, khán giả chỉ tùy tâm ủng hộ tiền, đám con nít chúng tôi được dịp coi “chùa”, khóai tỉ cho nên lúc nào cũng ồn ào tán thưởng.  
        Trên đường Nguyễn Hòang, ngôi chợ Xóm Mới lúc chưa xây, ngay mé sau trường Giu Se Nghĩa Thục là bãi đất trống (sau này là hông chợ Xóm Mới); vào những đêm trường Giu Se chiếu phim tôi và lũ bạn rủ nhau trèo tường leo rào phía sau vào xem phim “cọp”. Các frères thường thường chiếu phim hay, đa số là thuyết minh để cho các khán giả nhóc tì hiểu chuyện phim.
         Đến cuối thập niên 50, Xóm Mới đã bắt đầu phát triển, con đường Phước Hải  đã phóng dài đến tận hàng rào phi trường, đường Nguyễn Hòang đã mở rộng đến  khu Định Cư, khu Đồng Dưa nhà cửa mọc lên như nấm v.v…
        Những năm sau này, gia đình tôi dọn về đường Khổng Tử, rồi Âu Cơ và cuối cùng là đường Chi Lăng. Tôi cư ngụ ở đó khá lâu, một thời nổi tiếng phá làng phá xóm, tôi “quậy” quá cho nên dân trong xóm ai cũng “ngán”. Sau này tôi ăn học thành tài, có lần về lại xóm cũ, thăm bà cụ hàng xóm ngày xưa, bà cụ xoa đầu tôi nói:“Bây giờ mày nên người, tao mừng cho má mày, chứ hồi đó mày phá như quỷ cho nên tao cứ đinh ninh lớn lên mày chỉ đi ăn cướp !”
        Giờ này nhắc nhớ lại xóm cũ ngày xưa tôi vẫn chưa quên được tên của những “bông hồng” như chị Nguyệt (Chi Lăng), chị Vân (Phước Hải), hai chị em Ngô, Ngát (Mạnh Tử), Bùi thị Trường, Thanh Thủy (Cổ Loa), Thao Thao (Khổng tử), Thân Ngọc Huyền (Phước Hải), Xuân Mãn (Vạn Kiếp), hay các “chàng trai nước Việt”  Nguyễn Hòang Hiệp (Cổ Loa), Nguyễn Lục (Khổng Tử), Nguyễn Bé (Chi Lăng), Hà Duy Nhẫm (Âu Cơ) v.v…
         Nha Trang đã để lại trong tôi quá nhiều kỷ niệm từ cái thuở niên thiếu đầy hoa mộng cho đến mối tình thơ dại đầu đời. Tuy tôi sinh ra ở đất Bắc nhưng nếu có ai hỏi tôi người miền nào, tôi sẽ trả lời không một chút đắn đo: “tui” người “Nhe Treng” !  
 
 
1975 …
        Sau biến cố tháng tư, đời tôi coi như “banh ta lông”, công danh sự nghiệp, nhà cửa tiền tài bỗng chốc tan tành như mây khói. Tháng 06 năm 75 tôi hăng hái đi trình diện “học tập cải tạo”, ban đầu cứ đinh ninh là chỉ phải “học tập” mười ngày chứ đâu ngờ bị giam liền tù tì hai năm một tháng bốn ngày ! Thời gian ở tù, nghĩ lại còn lạnh mình! Chả trách sao người đời thường ví von: “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngọai”. Trong bốn tháng cuối cùng, tôi bị đưa về khám Chí Hòa, bị giam chung một khu với các ông tai to mặt lớn thời Việt Nam Cộng Hòa. Bốn tháng ở tù khủng khiếp nhất! Lúc trước khi bị giam ở các trại tù Trảng Lớn, Xuân Lộc, Kà Tum, đám tù chúng tôi đỡ bị tù túng vì còn có thể đi lại trong phạm vi của trại, ngòai ra thỉnh thỏang đi lao động chặt tre đốn gỗ còn lén lút mua được thịt thú rừng của đồng bào bên ngòai. Khi về Chí Hòa thì coi như bị bó rọ. Phòng giam chật cứng, năm chục tù nhân chen chúc trong cái phòng rộng có hơn chục thước vuông. Tù nhân mỗi tuần được đi tắm hai lần, mỗi ngày được cho ra ngòai hành lang mười lăm phút phơi nắng (cho đỡ bị phù thủng!). Khẩu phần cơm tù thông thường chỉ có vài củ khoai sùng hay chén cơm rau cho nên đám tù đói rã họng. Trước năm 75, tờ nhật báo Trắng Đen có đăng chuyện “con ma vú dài” trong khám Chí Hòa. Chuyện kể rằng ở tại một phòng giam nọ ban đêm có con ma vú dài thỉnh thỏang hiện lên chơi trò “cả vú lấp miệng” các tù nhân. Dạo trước khi đọc câu chuyện phịa đó tôi chỉ cười chứ đâu ngờ có ngày chính mình lại bị giam trong cái phòng ấy và rồi cũng chỉ vì đói quá tôi lại mong sao gặp được con ma để có thêm tí sữa thay cơm !!!
        Đến tháng 07 năm 77 thì tôi được tha. Nhà cầm quyền cộng sản sợ tôi chưa “tiến bộ” hòan tòan cho nên đã bồi thêm cho tôi một hình phạt phụ : “quản chế một năm tại địa phương”. “Quản chế” có nghĩa là tôi bị giam lỏng tại gia, mọi di chuyển đều phải khai báo với nhà cầm quyền sở tại.  Còn “địa phương” chính là làng kinh tế mới Đồng Lác, thuộc xã Cam Phước, huyện Cam Ranh, nơi mà gia đình tôi đã bị ép buộc dọn vào sau năm 75. Căn nhà của gia dình tôi ở đường Hùng Vương Nha Trang đã bị nhà nước tịch thu. Cho dù đã chuẩn bị tinh thần rất kỹ nhưng tôi vẫn không khỏi bị “sốc” khi nhìn thấy cảnh nghèo của gia đình. Chao ôi, còn cảnh nghèo nào hơn, cuộc đổi đời bi thảm ngòai sức tưởng tượng của tôi !!! Của cải, tiền bạc của gia đình tôi bị tiêu hao một phần từ lúc di tản vào Sài Gòn hồi cuối tháng 03 /75, đã hòan tòan “ráo nạo” sau hai lần đổi tiền của nhà nước. Tội nghiệp các chị em tôi bao nhiêu năm sống nơi thành thị nay bỗng dưng phải làm quen với công việc đồng áng chân lấm tay bùn, cày cuốc bở hơi tai mà vẫn không đủ lúa gạo ăn. Chung quy đều do cái chính sách canh tác tập thể quá lỗi thời của nhà nước ! Ruộng tập thể cho nên bà con chỉ làm việc cầm chừng, thói đời “cha chung không ai khóc”, rốt cuộc đến mùa gặt, số lúa thu họach sau khi trừ thuế xã, thuế thôn, trừ tiền lúa giống, tiền phân bón vay của nhà nước v.v…chia cho nông dân chỉ đủ để nấu cháo hay nấu cơm độn mì khoai ăn cầm hơi !!! Quẫn trí trước cảnh hàn vi của gia đình, tôi quyết định ra Nha Trang kiếm sống bất chấp lệnh quản chế của nhà nước. Nhờ sự giúp đỡ của Sum, một bạn học cũ tôi xin được việc làm tại xưởng cưa của chú tư Hưng trong Phường Củi. Trong mấy tháng trời tôi cố
an phận với nghề thợ cưa, nhìn lên không bằng ai, nhìn xuống chẳng thấy hơn ai, nhìn quanh nhìn quẩn thấy ai cũng như mình, cùn đinh, mạt rệp ! Lương thợ cưa đủ cho tôi đóng tiền ăn nơi tạm trú, còn lại chút ít tôi mua rượu uống giải sầu.
Làm thợ cưa được vài tháng thì tôi bị mất việc. Xưởng cưa đòi hỏi tôi bổ túc tờ sơ yếu lý lịch để lập hồ sơ công nhân. Tôi về địa phương kinh tế mới xin tờ sơ yếu lý lịch, tên thôn trưởng an ninh chẳng những không cho mà lại còn đòi bắt nhốt tôi về tội đi làm xa mà không xin phép trước. Sợ bị rắc rối, tôi trốn ra lại Nha Trang, xin nghỉ việc xưởng cưa. Sau đó ít lâu tôi xin được việc làm trong đòan trắc địa tại một nông trường thủy lợi tuốt luốt trong rừng sâu Ban Mê Thuột. Đoàn đo đạc do anh Kính thành lập, quy tụ chừng khỏang năm mươi người, đa số thuộc thành phần học sinh con em “ngụy”, vừa tốt nghiệp trung học nhưng không vào đại học được vì “lý lịch xấu”. Anh Kính trước 75 làm việc cho công ty RMK của Mỹ, không hiểu bằng cách nào anh “thủ” được gần cả chục cái máy trắc địa, anh ký được khế ước đo đạc với ty thủy lợi Đắc Lắc là nhờ dây mơ rễ muống gì đó với tên “thủ trưởng”. Công việc tôi làm không có gì cực nhọc cho lắm, lương bổng khá hậu hỉ, chỉ hơi khổ là hàng ngày phải đi bộ cả chục cây số trong rừng và hơi sợ gặp cọp hay gặp mấy ông thượng Fulro. Hàng ngày mỗi tóan đo đạc gồm ba người vác máy đo, “mia” (thanh gỗ dài, sơn trắng đen, dùng làm dụng cụ đo đạc cao độ), cọc, dao rựa, thức ăn nước uống v.v…đi vào rừng đến những khu được chỉ định mỗi ngày. Xong việc, chiều về là tụ tập nhậu nhẹt, ca hát, chơi cờ tướng, cờ domino v.v…Đoàn chúng tôi ở gần một buôn Thượng (buôn E Sup), chúng tôi hay qua buôn để mua rượu cần hay gà vịt. Người Thượng hiền hòa, mộc mạc, rất dễ thương. Những ngày nghỉ cuối tuần tôi hay la cà qua bên buôn, nhờ vậy quen được một cô giáo Thượng, cô này tương đối nói khá tiếng Việt, bán rượu cần lại rẻ hơn những nhà khác. Thỉnh thỏang tôi hay xin chị Vân Anh (giữ nhiệm vụ nấu ăn cho đòan) một ít muối hay vài cục đường tán đem qua “xã giao” với cô giáo, đám trẻ trong đòan hay nói đùa “anh Long dê gái Thượng” khiến cho bà chị tôi lo. Bà dọa tôi :” Long à, coi chừng con nhỏ Thượng nó thư cho đó”. Thấy bà chị khéo lo, tôi chỉ mỉm cười trấn an : “Em không “thư” nó xình bụng thì thôi chứ sao mà nó thư em được !”. Thật ra tôi chẳng có tình ý gì với cô gái Thượng, tôi đâu có ngu đến độ tính chuyện mặc khố !!!
         Làm việc trên Ba Mê Thuột được tám tháng tôi thấy nhớ Nha Trang cho nên xin anh Kính nghỉ phép. Hôm đi, tôi ghé chợ mua 5 kí cà phê sống tính mang về làm quà cho bạn Nha Trang. Khi về đến bến xe Sinh Trung, thấy các con buôn gạ mua giá cao tôi bèn bán luôn cho họ. Tôi mua 1 kí có 2 đồng, bán được 30 đồng, 5 kí tôi lời cả thảy 140 đồng, bằng cả tháng lương ! Đương không được mớ tiền, thấy ham cho nên tôi dự tính sẽ nghỉ việc đo đạc để đi buôn cà phê, vừa kiếm được nhiều tiền hơn mà  đỡ phải làm việc trong rừng. Sau 75, nhà nước cộng sản đã truất hữu tất cả các đồn điền cà phê của tư nhân trên Ban Mê Thuột và đồng thời kiểm sóat mọi việc phân phối cà phê trong nước. Ngòai ra do vấn đề hạn chế đi lại cho nên gíá cà phê ở các tỉnh khác đều rất cao. Hết phép, tôi lên Ban Mê Thuột xin anh Kính nghỉ việc, trước khi đi tôi đã không quên ghé văn phòng của đòan, lén “chôm” một xấp giấy công tác lệnh có đóng dấu hẳn hòi để dùng làm giấy đi đường sau này. Tôi đi buôn cà phê kể từ đó, mỗi tháng đi chừng ba bốn chuyến là tôi “rủng rỉnh”. Buôn cà phê càng ngày càng khó khăn vì bọn thuế vụ ở các trạm dọc đường dần dần đã khám phá ra các trò “ngụy trang” của con buôn chẳng hạn như chứa cà phê trong các quả bí rợ khóet rỗng, hay đựng cà phê trong giỏ nhưng mặt trên ngụy trang bằng lớp mắm ruốc, hay giả làm bụng chửa v.v… nhiều con buôn đã dở khóc, dở cười vì bị thuế vụ khám phá ra và bị tịch thu mất sạch vốn. Trong suốt thời gian đi buôn, tôi “bình chân như vại”, chưa hề bị bắt lần nào cả. Phần thì nhờ may mắn, phần nhờ tôi “đóng kịch” giỏi, cứ mỗi lần xe dừng ở trạm thuế là tôi xuống xe, xách cái ba lô đựng cà phê đi thẳng ngay vào trong trạm, ngồi hút thuốc lào, mặt tỉnh queo, chờ đến khi bọn thuế vụ khám xét xe xong thì tôi mới lững thững ra xe. Đi buôn đường Ban Mê Thuột được chừng vài tháng thì tôi ngưng vì sợ bị bọn thuế vụ quen mặt. Tôi đổi qua đi buôn đường Nhatrang-Saigon, ban đầu tôi chỉ mua cà phê từ NhaTrang đem vào Sài Gòn, tiền lời kiếm được ít hơn trước nhiều cho nên sau đó tôi bèn buôn hai chiều và ngòai cà phê ra tôi “khuếch trương” thêm nhiều mặt hàng khác như quần jean, dày dép, vải vóc, đồ điện, thuốc men, đô la v.v…Tôi kiếm  được khá tiền, đủ lo cho bản thân và giúp đỡ  gia đình. Trong thời gian đi buôn, trở ngại chính của tôi là vấn đề nhà cửa trú ngụ, tôi không có giấy tờ tùy thân hợp lệ, chỉ dùng tòan giấy tờ giả để đi lại, đã vậy ở cả hai nơi Nha Trang lẫn Sài Gòn tôi đều không có nhà. Vào thời buổi lúc bấy giờ, do chính sách kiểm sóat “hộ khẩu” chặt chẽ của nhà nước, người dân đâu có quyền tự do đi lại hay  muốn ở đâu thì ở. Nhiều hôm buôn hàng về NhaTrang bằng đường tầu lửa, tàu đến ga vào nửa đêm tôi đành ngồi lại trước ga, chờ đến sáng mới đi ra chợ giao hàng. Lúc ngồi ngoài ga, thấp tha thấp thỏm vì hết sợ lũ lưu manh đến sợ bọn thuế vụ, công an ! Nghề đi buôn tưởng dễ ăn chứ thật ra khổ cực vô cùng !!!
Trong suốt thời gian đi buôn hàng chuyến, tôi đã được sự giúp đỡ của nhiều ân nhân như anh chị Lưu Trọng A (trước 75, tôi đã trọ học nhà anh chị ở trong SG), bác Nẫm, mẹ của Như Ý, bạn gái tôi, ông cai trường tiểu học Tân Phước (ba của Lê văn Dành, bạn học với Tú, em tôi), vợ chồng Tuyết Sum (bạn tôi) v.v…
Khi tôi vào Sài Gòn, anh chị A lúc nào cũng cho tôi ăn ở trong nhà mà không sợ an ninh phường khóm dòm ngó. Đến lúc tôi trở ra Nha Trang, ba của em Dành sẵn lòng chứa chấp tôi trong nhà nơi mé sau trường học mà không sợ ông hiệu trưởng để ý. Bác Nẫm thỉnh thỏang cho tôi tá túc qua đêm mà không ngại sẽ bị phiền lụy nếu công an xét nhà. Vợ chồng Sum Tuyết cưu mang tôi đủ điều, đãi đằng ăn uống, giúp đỡ tiền bạc khi tôi cần v.v…Tất cả những ân tình ấy tôi không bao giờ quên.
Xin cám ơn tất cả, cám ơn người, cám ơn đời !
 
 
1980…
      Năm 79 sau khi lập gia đình tôi ngưng đi buôn hàng chuyến, nhưng ngược lại tôi đi buôn một thứ hàng khác: buôn “tự do” !
        Tháng 06/79 vợ chồng tôi vượt biên tại Cửa Bé, đi ngay ban ngày, giả dạng dân ngòai Bảy Miếu, đi ghe nhỏ ra khơi chờ ghe lớn đón. Tổ chức bị bể ghe lớn không ra được, chúng tôi đành phải quay về. Hôm ấy hú hồn, may mà không bị bắt ! Sau đó vì ngòai Nha Trang biển động cho nên tôi vào Sài Gòn kiếm mối khác, tôi vượt biên ba lần tại Bà Rịa, lần cuối cùng vào đầu năm 80 mới đi chót lọt. Ghe tôi đi, bề ngang hai thước rưỡi, bề dài mười hai thước, tổng cộng 49 người ngồi xếp lớp như cá mòi. Mới đi được hai ngày thì gặp bão, ghe bị chết máy, nước ngập đầy ghe vì máy bơm hư, trời đang đêm cho nên khó có cơ may được tàu khác trông thấy để đến cứu. Coi như chết chắc ! Tôi bóp chặt tay vợ, lòng chùng xuống, hối hận đã đưa nàng vào cõi chết. Tôi nhắm mắt, nghĩ đến mẹ già, khẽ thầm gọi “mợ ơi” như thay lời tử biệt ! Người lái ghe bắn viên hỏa pháo (flare) cuối cùng lên không trung, cố cầu may ! Ánh sáng của hỏa pháo tắt lịm sau vài phút, bóng đêm lại bao trùm, trên ghe dường như đã có những tiếng khấn niệm nho nhỏ “Nam Mô A Đà Phật”, “Giê Su Ma Lạy Chúa Tôi”. Chừng độ nửa tiếng đồng hồ sau một con tàu đang tiến dần về hướng chúng tôi, pha đèn sáng rực. Đúng 12:30 đêm, ngày 31 tháng 01 năm 1980, con tàu Hòa Lan Smith Loyd đã vớt được tất cả 49 thuyền nhân ra đi từ hai ngày trước tại ấp Ngọc Hà, cây số 80 Bà Rịa. Hôm ấy, tôi xem như mình đã được tái sinh !  
        Chúng tôi ở trên tàu bảy ngày, đi một chuyến “cruise” thần tiên nhất trong đời !!! Thủy thủ đòan chỉ có bảy người, họ đối xử với chúng tôi hết sức tử tế. Ông thuyền phó cho biết đêm hôm ấy ông đang trực lái tầu thì nhìn thấy hỏa pháo trên trời, ông có linh tính là thuyền bè nào đó đang SOS cho nên vội vàng đổi tọa độ, quay tầu về hướng pháo sáng, chính nhờ vậy mới kịp thời vớt chúng tôi.  
        Chúng tôi được đưa về trại tị nạn Singapore, và hơn hai tháng sau thì vợ chồng tôi đi định cư tại Canada.
      Hiện nay, nói theo câu hát của nhạc sĩ Phạm Duy thì “tôi vẫn sống, tôi vẫn ăn và tôi vẫn thở”
       Quả thật vậy,
Tôi vẫn sống nơi xứ người, nhưng luôn luôn mơ ước “Nha Trang ngày về” !
Tôi vẫn ăn nhưng kiêng cữ đủ thứ, cái “đệ nhất khóai” đâm ra bị giảm đi một nửa !    
Tôi vẫn thở và đang thở cái không khí tự do của xứ người !
 
 
                                                                                             Phạm Khắc Long
                                                                                               Võ Tánh/ 65-66