Home Văn Học TRUYỆN NGẮN Các Tác Giả Thương nhớ Sàigòn, thương nhớ lề đường

Thương nhớ Sàigòn, thương nhớ lề đường PDF Print E-mail
Tác Giả: Ðào Như   
Thứ Tư, 29 Tháng 2 Năm 2012 12:58

Lề-đường-Sàigòn chịu đựng hai mùa mưa nắng

 

Về thăm nhà, có người thấy lề-đường-Sàigòn ngày nay bị kinh tế thị trường tăng tốc xâm lấn quá nhiều, trở nên xô bồ, nên xuôi lòng nhớ lề-đường-Sàigòn xưa.



Lề đường Sàigòn bây giờ. (Nguồn: Google)

Lề đường Sàigòn xưa có hàng me, có sông Sàigòn có Bến Bạch Ðằng, có những quán kem ,quán càfé, quán ăn vỉa hè, lúc nào cũng bu quanh bởi đám học trò, sinh viên, giới trí thức, các thầy, các cô, giới lao động, giới taxi, giới xích lô, ba gác, bang bù và cả lính tráng, sĩ quan nữa. Họ ăn đứng, ăn ngồi, những tô hủ tiếu, tô phở, bún riêu, bún ốc, bún bò, những đĩa ra-gu bánh mì, cà ri bánh mì thơm phức...

Những ly café đá. Những ly chè đậu xanh, đậu đỏ, sâm bổ lưỡng... vun đầy đá bào, đá nhận. Sàigòn mà không còn ba món này, không có mấy hình ảnh này thì không còn là Sàigòn nữa.

Những sinh hoạt bình dị này nhiều lúc lấn át cả những nhà hàng, những hotels: Continental, Caravelle, Pacific, Pagoda, Imperial, Givral... vì những thực khách của những quán ăn sang trọng theo kiểu Tây này cũng là những giới hâm mộ thường trực tại các quán cóc trên vỉa hè Sàigòn.

Ngoài những giới trí thức, nhà giàu người Việt, còn có cả những “ông Tây bà đầm,” những người ngoại quốc, Chà Và, Tàu, Campuchia. Họ đến ăn ở đây, không phải chỉ vì nơi này họ mới có thể thưởng thức những món ăn thuần túy Việt Nam, thuần túy Á Ðông, mà chính tại đây họ còn khám phá ra được nét đặt thù của Sàigòn, của người Sàigòn, “Saigonais.”

Lề đường Sàigòn còn có những gánh hàng rong.

Thương nhớ làm sao những tiếng rao hàng lúc nửa đêm trên lề đường của khu Bàn Cờ, Nguyễn Thiện Thuật, Vườn Chuối, Chùa Kỳ Viên: “Bánh ú hột vịt lộn, hôn?,” “Bánh bò giò cháo quẫy bánh tiêu, hề.”

Mới nghe thì không hiểu món gì, khi mua rồi, ăn thì cũng không thấy gì là tuyệt vời lắm, nhưng hương vị thật là gần gũi thân thương. Người ăn và món ăn gặp nhau như sự kết nghĩa. Có người xa xứ lâu năm, khi trở lại Sàigòn gặp lại những món ăn này mà hồn nhớ về những người bạn của tuổi học trò sau chùa Kỳ Viên, khu Nguyễn Thiện Thuật, khu Bàn Cờ với những Kim Cúc, những Bích Hằng, những Quỳnh Liên (1)... những mối tình đầu của quá khứ xa xưa.

Thế mới hay, những lề-đường- Sàigòn không kiêu sa, không hương sắc màu mè nhưng đậm đà tình nghĩa.

Xa Sàigòn, không mấy ai xa được những ngã ba, ngã tư, ngã năm, ngã sáu, ngã bảy.

Làm sao quên được lề đường của Ngã Tư Quốc Tế. Cái lề đường ấy quốc tế thật. Quốc tế quá cỡ! Cứ vào lúc gần giờ giới nghiêm, các vũ trường Lido, Baccaret, Côte d'Ivoire... gần đó đóng cửa, các cô cave thoát ra choáng gần hết chỗ lề đường Ngã Tư Quốc Tế. Mặt còn bự son phấn hai tay bê tô cháo lòng, tô bún ốc nóng, thơm và cay mùi tiêu, các cô húp vội vào lòng để thỏa mãn cơn đói. Thế mới biết với các cô, “nhảy” chỉ là một nghiệp dĩ lao động dành cho cuộc sống độ nhật nuôi thân.

Sàigòn có nhiều ngả. Ðường Sàigòn có nhiều lề. Người Sàigòn đi trên nhiều lề đường. Sàigòn có nhiều ngả đi cũng như ngả đến. Người Saigòn chưa từng bị bắt buộc đi trên một lề đường nào nhất định. Người Sàigòn phóng túng đi trên đường Tự Do, Công Lý, Ðộc Lập, Thống Nhất... Lề-đường-Sàigòn xưa đã từng mang những tên nói lên niềm ước mơ của thời hiện tại.

Lề-đường-Sàigòn chịu đựng hai mùa mưa nắng. Nắng Saigòn trong như thủy tinh như Trịnh Công Sơn thường ngợi ca.

Nguyên Sa-Trần Bích Lan đã từng đi dưới nắng của Saigòn mà cao hứng: “Nắng Sàigòn anh đi mà chợt mát/Bởi vì em mặc áo lụa Hà đông...” Nắng Saigòn trong như thủy tinh như Trịnh Công Sơn thường ngợi ca. Thế mới biết có sự liên kết trong tâm tưởng của Nguyên Sa giữa cái nắng của Sàigòn và màu trắng của lụa Hà Ðông năm nào. Cả hai đều để lại trong lòng người xa xứ những hoài niệm.

Sàigòn có những cơn mưa rào chợt đến chợt đi. Khi đến thì rạo rực như thác ngàn, như tình yêu “Em Sàigòn,” khi đi thì lặng lẽ như mơ, để lại những lề đường ướt át, một chút ủ dột trong lòng người.

Lề đường Saigòn cũng rất 'thơ ': “Mưa Sàigòn mưa Hà Nội” nghe như niềm thổn thức của Phạm Ðình Chương, đứng dưới mưa, trên lề-đường-Sàigòn, nhớ về năm cửa Ô Hà Nội! Thế mới hay, các nhà thơ, các văn nghệ sĩ đã nhìn thấy một Hà Nội giữa Saigòn thuở ấy... Nói đến lề đường Sàigòn mà không nói đến Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Nguyễn Hiến Lê, thì coi như trớt quớt. Những ông già này đã hóa tra người thiên cổ. Nhiều người Saigon không tin là mấy ổng đã chết. Mấy ổng còn đâu đó ngày ngày đi lại với họ trên lề đường Sàigòn bán sách sole. Nhất là ông già Vương Hồng Sển, ông già này mới thật là ngộ. Ăn ở đời với Cô Năm Sa Ðéc hơn nửa thế kỷ mà chưa phỉ tình, ông còn bóng bẩy viết thành chuyên ký: “Năm Mươi Năm Mê Hát.”

Duyên Anh thấy vậy mới bảo ông này già mà còn ham. Duyên Anh và cụ Sển đã về trời. Không hiểu họ đang ở đâu đâu? Mấy đời mà hai ông này chịu xa Sàigòn. Biết đâu họ đang ngồi chồm hổm trên lề đường Sàigòn bàn chuyện thế tục: “Sàigòn Ngày Dài Nhất,” “Sàigòn Tạp Pín Lù,” “Saigòn 31 Tháng Tư.” Mấy “cha” ở Hà Nội nghe mấy cái này chắc giận. Họ sẽ la bài hãi đâu có “31 Tháng Tư”...

Nói đến lề đường Sàigon thì nhớ cụ Phạm Duy. Mỗi khi nhớ cụ Phạm Duy thì phải nhắc tới lề đường Sàigòn. Cụ Phạm nghe chắc cụ sẽ rầy rà: “Bỏ đi Tám - ‘tao’ mà thuộc bọn lề đường hả?” Xin lỗi cụ Phạm, cụ ắt hẳn là người của lề đường Saigon rồi. Mời cụ nghe lại chính cụ: “Nghèo mà mình không ham. Xin cô em đừng nên quá đáng. Nghèo mà mình không ham. Xin anh hai đừng nên làng chàng...” Sau khi xa xứ hơn 30 năm, có đứa hơn 35 năm, đã hơn hai thứ tóc trên đầu, tụi nầy thỉnh thoảng vẫn nghêu ngao bài hát này của cụ, đôi khi thấy mắt mình cay xè, không hiểu tại nhớ cụ hay nhớ nhớ lề đường Sàigòn.

Lề-đường-Sàigòn có những hình ảnh đẹp khó quên, có bác xích lô ngủ trưa ngay trên chiếc xích lô của mình dưới bóng cây me trên lề đường Sàigòn, sau khi uống chai la de Trái Thơm-La Rue, và loáng thoáng nghe những bản nhạc tình cảm “Mùa Thu Chết” hay “Gái Lội Qua Khe” từ một quán cóc hay quán càfé gần đâu đó.

Có người khách nhìn bác xích lô đang ngủ, họ lắc đầu, họ không dám đánh thức bác xích lô mặc dầu họ đang cần bác... Ðó là tinh thần của lề đường Sàigòn xưa. Ðó là phong cách của người Sàigòn xưa.

Cuộc sống trên lề đường Sàigòn siêu thoát, phàm tục, trắng đen, xanh đỏ, chan hòa màu sắc và cảm xúc tạo thành bức tranh lề đường Sàigòn ngộ nghĩnh không giống ai hết, cũng không chịu cho ai giống mình.

Sàigòn trước 75, Sàigòn thời chiến tranh, có biết bao biến động lịch sử xảy ra trên vùng đất quê hương này. Ấy thế mà mỗi khi chúng ta nhớ lại những kỷ niệm ở Sàigòn, những lề đường Sàigòn chúng ta cứ như nhớ về một vùng đất nước thanh bình, thời vàng son của một đời người trong một xã hội ổn định.

Nhớ về Sàigòn, nhớ đến sông Sàigòn như giải khăn sô vắt ngang vầng trán, đêm đêm chảy vào lòng người Sàigòn xa xứ.

Oak park. ILL. USA, một ngày tuyết rơi Tháng Giêng, 2012

Ghi chú:

(1) Tên những nhân vật nữ này hoàn toàn hư cấu, nếu có trùng hợp xin đừng ngộ nhận. Tri ân. (Nguồn: Bat Thuyet; This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it )