Ghen |
Tác Giả: Song Thao | ||
Thứ Tư, 14 Tháng 1 Năm 2009 21:32 | ||
Nói tới ghen là trăm cái đầu như một nghĩ ngay tới Hoạn Thư. Người đàn bà ở đất Hà Đông bên Tàu này còn cõng theo chú sư tử cho thêm phần dữ dằn nữa chứ! Trăm tội cứ đổ lên cái tài đặt vần của cụ Nguyễn Du. Cụ nỉ non sao mà nhân vật này biến thành cái biểu tượng không được các ông chồng ưng ý. Thực ra ở ngoài đời còn nhiều vụ ghen đầy sáng tạo mà Hoạn Thư chỉ đáng xách dép. Ghen có đính kèm tí lửa như cái ghen của cô Quờn, đính kèm tí át xít như cái ghen mà vũ nữ Cẩm Nhung là nạn nhân, đính kèm lưỡi dao ngọt sớt mất chỗ đi tè của chồng đang như một phong trào lan rộng trên khắp ta bà thế giới… Ghen máu lửa như vậy thì Hoạn Thư có đáng chi! Hoạn Thư ghen như thế nào? Bà bắt Thuý Kiều về làm oshin hầu hạ bà mẹ, chờ cho chồng là Thúc Sinh đi Lâm Truy thăm cha về mới bảo mẹ cho mang Thuý Kiều sang hầu hạ nhà mình. Buổi gặp gỡ giữa hai người tình Thúc Sinh và Thuý Kiều, giờ đã một bên là ông chủ, một bên là Hoa Nô, là một cuộc gặp gỡ “người ngoài cười nụ người trong khóc thầm” rất chi là cay đắng. Nhà đạo diễn tài tình Hoạn Thư đã đẩy nghệ thuật ghen lên hàng thượng thừa: Làm cho nhìn chẳng được nhau Trí thức như vậy dễ có mấy tay. Ngày nay nhiều phụ nữ cũng có những chiêu ghen lạ lắm. Như cái ghen của chị Minh, ngụ tại phường Tân Thuận Tây, quận 7, Sài Gòn. Chồng chị là anh Phụng vốn có tính lăng nhăng. Cuối năm 2002, chị Minh nghe đồn chồng có bồ với một phụ nữ ở quận Bình Thạnh, chị mới bắt đầu để ý mỗi khi chồng ra khỏi nhà. Đêm giao thừa Tết năm 2003, anh nói với chị là đi chúc tết sếp. Nhưng khi anh đã ra khỏi nhà thì một đồng nghiệp phôn tới hỏi mọi người đang chờ mà chẳng thấy anh đâu. Chị sinh nghi. Bèn nhờ một đứa cháu chở sang căn nhà của anh chị mới xây bên Quận Nhì. Chị bấm chuông, anh ra mở cửa. Đằng sau anh là một cô gái trẻ đẹp. Chị liền quay về và… khóc. Vậy mà vô chiêu thắng hữu chiêu, anh chồng hối hận, thương vợ và… cải tà quy chính. Cũng như cái ghen của chị Vân ngụ tại Vũng Tàu. Chồng chị là anh Khánh, nghệ sĩ, vì công việc phải sống ở Sài Gòn. Vợ chồng sống xa nhau, anh nghệ sĩ giở trò chơi tuồng “xa vợ hiền cặp gái tơ”! Một bữa cuối tuần, chị bất thần lên Sài Gòn thăm chồng, bắt gặp một cô gái lạ trong nhà. Anh Khánh vội giới thiệu là một đồng nghiệp tới… tập tuồng. Chị không một mảy may nghi ngờ. Tối ngày hôm sau, nghe tiếng gõ cửa, chị ra mở và cô gái tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi: “Chị chưa về à?” Hỏi như vậy thì có ngu tới đâu đi chăng nữa cũng biết là hai… nghệ sĩ này chơi tuồng gì rồi. Chị Vân tỉnh bơ, mời cô gái vào chơi, nói chuyện vui vẻ, lịch sự tiễn chân khi cô gái ra về. Anh Khánh bụng đánh lô tô đón chờ cơn bão sắp sửa ập tới. Nhưng trời vẫn lặng gió, chẳng bão bùng chi cả. Anh Khánh vừa sợ, vừa thương vợ, bèn tự ý… hồi chánh!
Anh Floyd John chơi màn ghen như vậy là đúng sách vở. Người ta cứ bảo ghen là biểu hiện một tình yêu quá đậm đà nhưng thực ra ghen chỉ là biểu hiện của sự lo sợ bị mất mát. Không có ai yêu cái kiểu… dùi lỗ như vậy. Hành động của anh Floyd John chỉ là nỗi sợ mất cái độc quyền canh tác nơi… nhất thốn thổ! Như vậy ghen là tốt hay xấu? Cũng tuỳ! Ghen hợp lý thì tốt, ghen không hợp lý thì xấu. Thế nào là hợp lý? Nếu bạn thấy đức anh chường có những thay đổi rõ ràng trong sinh hoạt hàng ngày, bạn nên đặt một dấu hỏi. Hỏi không có nghĩa là gây chiến nhưng cái dấu hỏi này là bước khởi đầu để tìm hiểu. Khi có chứng cớ cụ thể thì mới hỏi han anh chồng, cứ tuần tự nhi tiến. Đừng mất bình tĩnh cho bom nguyên tử nổ tiêu diệt hết cả nhân loại! Tiến ra sao thì mỗi người tuỳ hoàn cảnh mà xử sự. Cũng coi như là hợp lý khi trước mặt vợ mà đức anh chồng cứ tỉnh bơ có những cử chỉ không đúng mực với những phụ nữ khác. Lại phải khôn khéo chuyển được thông điệp của bạn tới chồng một cách nhẹ nhàng trước khi dùng tới những chiêu nặng hơn. Thế nào là không hợp lý? Đó là ghen kiểu xúc phạm tới chồng khi chẳng có chứng cớ gì rõ rệt. Binh pháp gọi kiểu ghen này là đánh phủ đầu cho biết tay! Cũng không hợp lý là ghen với quá khứ của chồng. Chỉ nguyên việc anh ta bỏ hết tất cả những người đàn bà khác để rước mình về… dinh đã chứng tỏ mình trên cơ rồi. Ghen sẽ không xảy ra nếu cả hai bên đều có tình yêu và sự tế nhị. Đừng có dồn nhau vào chân tường cho thoả tự ái. Bạn có quyền biết vợ hay chồng mình làm gì, ở đâu nhưng đừng làm như công an điều tra tội phạm. Chính sự tế nhị và tôn trọng lẫn nhau sẽ tạo ra sự thông cảm và, với sự thông cảm, chẳng cần phải hỏi thì “đối phương” cũng tự động khai báo rõ ràng hành tung của mình một cách vui vẻ và tự nguyện. Nếu cuộc đời cứ xuôi theo dòng nước lặng lờ thì làm gì có ghen. Nhất là cái kiểu ghen thành thơ như cái ghen của nhà thơ Nguyễn Bính. Tôi muốn mùi thơm của nước hoa Tôi muốn những đêm đông giá lạnh Tôi muốn làn hơi cô thở nhẹ Tôi muốn, tôi muốn như vậy thì nên sắm một chiếc hòm kính bỏ cô vào cho chắc ăn. Cũng chưa chắc ăn! Phải tẩy não nữa. Cũng chưa chắc ăn, phải triệt tiêu bộ óc nữa. Khi đó nhà thơ của chúng ta sẽ chỉ còn có một con búp bê! Nhiều chục năm sau, nhà thơ Quan Dương cũng ghen ngang ngửa không kém gì đàn anh Nguyễn Bính. Ông ghen với trăng. Em đang thiêm thiếp giấc nồng Nhà thơ ghen và công khai bảo là mình đang ghen nhưng thực ra đàn ông có ghen không? Hỏi các ông thì ông nào cũng lắc đầu lia lịa. Ai chơi cái trò… đàn bà đó! Nhưng cô nào đang có bồ ruột, thử vui miệng nhắc tới những người tình trước của mình coi xem bom nguyên tử có nổ không? Nổ là cái chắc. Không nổ lớn thì cũng có màn hậm hực, khó chịu, lơ là cho bõ ghét! Theo các nhà tâm lý học thì các ông thường tỏ ra rất anh hùng mã thượng nhưng khi rơi vào một tình huống mà họ cho là bị lừa dối thì lại dễ bị sụp đổ hơn phụ nữ. Trong khi đó phụ nữ thì nước sôi rất dễ dàng sủi bọt ào ào khi bị lừa dối cũng như khi tưởng mình bị lừa dối. Vậy thì ông hay bà cũng… hoạn thư tuốt. Đó là một điều tốt vì nếu không ghen tức là nuốt cái ghen vào trong lòng để nó chi phối trong tiềm thức thì còn nguy hơn nữa. Đó là kết luận của ông vua tiềm thức Sigmund Freud. Chúng ta hãy đi vào một trường hợp cụ thể. Một anh chàng luôn luôn tự hào mình không bao giờ thèm ghen. Ghen làm gì nhỉ? Nếu người yêu tôi mà lăng nhăng thì tôi không yêu nữa. Tôi khinh bỉ cô ta. Chấm hết! Khi các nhà tâm lý học đi ngược lại thời tuổi nhỏ của anh chàng này mới phát hiện ra anh là con trưởng của một gia đình có năm anh em. Ngay từ khi đứa em đầu tiên ra đời, anh đã cảm thấy mình bị bỏ rơi. Lần ghen tuông đầu đời này đã gây cho anh một chấn thương kinh khủng khiến sau này, từ trong vô thức, anh đã chối bỏ cảm xúc ghen với kinh nghiệm là mình đã không đủ sức để chịu đựng nó. Điều này tạo cho anh cái cảm giác là mình không biết ghen. Nhưng thực sự cái ghen của anh đã biến thái thành một thái độ đối kháng ngược lại: anh lạnh lùng và căm thù đối tuợng ghen của mình! Cái ghen của trẻ em khi người lớn quá chú ý và săn sóc đứa em của nó mới ra đời là điều mà chúng ta chắc ai cũng đã trải qua. Vì vậy các bậc cha mẹ nên để ý, đừng có mới nới cũ quá đáng mà có hại cho đứa nhỏ sau này. Bởi vì khi trưởng thành có nhiều nguy cơ đứa trẻ này sẽ trở thành một người ưa đối kỵ, khó hoà hợp được vào cuộc sống xã hội. Đố kỵ là không muốn thấy người khác có những gì mà mình muốn có. Nó cũng họ hàng hang hốc với ghen. Tiếng Hy Lạp zelos có nghĩa là “tình cảm ức chế khi nhìn người khác hơn mình”, diễn nôm ra là đố kỵ. Zelos cũng chính là gốc của chữ jealousy trong tiếng Anh và jalousie trong tiếng Pháp đều có nghĩa là ghen. Nếu bảo ghen mang lại lợi ích thì chắc có nhiều bạn tỏ vẻ nghi ngờ. Cái thứ khó chịu như thế thì lợi ích cái chi? Theo nhà tâm lý học David Bush thuộc Đại học Texas thì ghen tuông là một dạng tình cảm giúp cho con người dò tìm, nhận biết và ngăn cản sự không chung thuỷ. Ông tâm lý gia này đã nghiên cứu chuyện ghen tuông trên 40 quốc gia ròng rã trong 20 năm trường mới đi đến kết luận: ghen không phải là một thói xấu! Ghen là sự khôn khéo trong tình cảm mà tổ tiên chúng ta đã truyền lại cho các thế hệ sau. Ông David Bush đã khẳng định: “Chúng ta kế thừa tính ghen tuông, và điều này có thể tìm thấy trong mọi nền văn hoá. Cơn ghen của chúng ta ngày nay cũng giống hệt như của tổ tiên ta vậy!” Trong cuộc nghiên cứu của Giáo sư David Bush, ông đặt câu hỏi với những người tham gia cuộc thí nghiệm gồm những người cư ngụ ở các quốc gia khác nhau như Đức, Hoà Lan, Hoa Kỳ, Nam Hàn và Zimbabwe. Có tới 67% nam giới cho rằng lăng nhăng trong tình dục là tồi tệ trong khi chỉ có 44% nữ giới đồng ý như vậy. Sau đó, những người này được yêu cầu tưởng tượng ra cảnh vợ hay chồng của mình phản bội lại mình. Ngay khi đang sống trong cảm giác bị phản bội đó, họ được kiểm tra nhịp tim, số nếp nhăn trên trán, lượng mồ hôi thoát ra từ hai tay. Kết quả, giữa đàn ông và đàn bà, tỷ số được lặp lại tương tự như nhau trong cả hai thí nghiệm. Bush giải thích tại sao đàn ông lại hận những cuộc lăng nhăng tình dục hơn đàn bà như sau: người đàn bà bao giờ cũng biết chắc đứa con mình sinh ra là của mình trong khi người đàn ông không có niềm tin chắc chắn như vậy. Vậy thì lợi ích ở chỗ nào? Ở chỗ đó là thứ tình cảm giúp cho người đàn ông duy trì được dòng giống đích thực của mình. Chắc tại ngày xưa chưa có lối thử DNA nên cần phải cảnh giác cao như vậy. Ngày nay có DNA, cứ thử là chắc như bắp! Tính ghen kế thừa đó, tuy vậy, vẫn cứ hiển hiện nơi những đứa trẻ còn non tháng. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Texas đã quan sát một đứa bé 6 tháng tuổi. Khi cho người mẹ bồng một đứa bé khác hoặc một con búp bê, đứa bé mới 6 tháng tuổi này đã biểu lộ sự đố kỵ bằng nét mặt. Lớn hơn một chút, khi được 8 tháng tuổi, đứa bé thỉnh thoảng nổi cơn đập phá đồ chơi hoặc la hét um sùm cốt để gây sự chú ý của bố mẹ khi bố mẹ đang nói điện thoại hay làm chuyện khác không chú ý tới nó. Đó là chuyện bình thường. Nó chứng tỏ lòng ghen hay sự đố kỵ đã nằm vùng trong mỗi người chúng ta từ những ngày tháng mới chỉ biết bú tí! Lớn lên, nếu không biết tự chế, ghen sẽ vượt biên đi ra ngoài lý trí. Hai chàng nói chuyện với nhau. Một chàng tức tối: “Vợ tôi đang lừa dối tôi!” “ Sao anh biết?” Vẫn hậm hực, anh chàng cho rằng mình đang bị lừa dối tiếp: “Tối hôm qua cô ấy không về nhà. Khi tôi gạn hỏi thì cô ấy trả lời là cô ấy ngủ lại nhà cô bạn của cô ấy. Đời nào tôi tin, tôi hỏi nhà cô bạn nào, tên gì. Cô ấy bảo là cô Tâm. Anh thấy không, dối rõ ràng!” “Sao anh biết là vợ anh nói dối?” “Vì tối hôm qua, chính tôi ngủ ở nhà cô Tâm đó!” Lối suy nghĩ trưởng thượng như vậy rất hợp với xã hội nước ta ngày xưa, khi chế độ đa thê còn là một chuyện bình thường. Trai năm thê bẩy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng. Sự bình đẳng là một thứ xa xỉ. Lúc đó khi bị tình phụ, bị bội bạc, bị bỏ rơi, người đàn bà chỉ có thể trách. Mà trách cũng bâng quơ mang những thứ không có miệng như gió mây, sông nước ra làm cục kê. Trách người mà ở trên đời, Ca dao yếu ớt, nhũn nhặn như vậy đó. Than thân trách phận như vậy thì đi tới đâu? Chẳng cần đi tới đâu, mà cũng chẳng được phép đi tới đâu. Cứ thở than bâng quơ cho vơi nỗi niềm. Chỉ như vậy cũng đã là một niềm an ủi để sống còn. Nhưng, cũng ca dao, lại xác nhận cái ghen của người đàn bà, coi như một định luật. Ớt nào là ớt chẳng cay, Ca dao đã mang gia vị nêm vào món ghen. Nhiều người cho ghen là một gia vị của yêu. Thỉnh thoảng cũng nên rắc tí ớt tí tiêu vào tình yêu cho nó ngon miệng. Cứ ngủng ngẳng tí chút, giận hờn nhè nhẹ, lúc làm lành lại với nhau tình yêu như lên ngôi. Làm lành xong thường có màn… quan hệ. Cái quan hệ sau một cơn sóng nhẹ thường mãnh liệt và… ấn tượng hơn những lần quan hệ thông thường bội phần. Bạn nào không tin cứ thử khắc biết. Tôi lại một lần nữa minh định rằng đó là ý kiến của các nhà tâm lý sau khi đã nghiên cứu đàng hoàng chứ không phải kinh nghiệm của tôi. Vì vậy việc thử này tôi hoàn toàn không chịu trách nhiệm nếu có những trở ngại hay sự việc xảy ra ngoài ý muốn. Tính tôi vẫn chắc ăn như vậy, xin các bạn đừng lấy đó làm điều! |