Home Văn Học Tùy Bút Phong sương cùng vịt chạy đồng

Phong sương cùng vịt chạy đồng PDF Print E-mail
Tác Giả: Phóng sự Hà Tường Cát /Người Việt   
Thứ Tư, 04 Tháng 11 Năm 2009 23:03

VIỆT NAM - Dân gian nói: “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”,

tuy nhiên không vì thế mà nghề này không tồn tại.

Theo hồi ức, nghề nuôi “vịt chạy đồng” đã có mặt ở miền Tây nước ta từ những năm 1950. Lúc bấy giờ người ta gọi là “vịt hãng”. Ăn thịt loại gia cầm này, ai cũng chê “hôi lông”, thua xa vịt xiêm, vịt ta, vịt tàu nuôi thả vườn. Nhưng, vịt thả vườn không đủ cung cấp thị trường nên vịt chạy đồng phát triển.

Vịt chạy đồng

Gọi “vịt chạy đồng” vì giống loài này được người nuôi thả ăn rông trên các cánh đồng, có hai loại: vịt thịt và vịt trứng. Vịt thịt nuôi khoảng ba tháng bán. Hồi sơ thời, vịt chạy đồng thả lan trên các cánh đồng không mất tiền, trái lại chủ ruộng còn cảm ơn vì nó đã giúp họ diệt trừ sâu bọ phá hoại lúa hiệu quả trong khi lúc bấy giờ thuốc trừ sâu chưa có. Ngày nay, vịt “chạy” tới cánh đồng nào là phải chuẩn bị “đàm phán” giá cả với chủ thửa ruộng đó. Anh Huỳnh Văn Nhựt, 28 tuổi, giữ vịt cho ông Út Công (Long Xuyên, An Giang) cho biết: “Vịt này được chở ghe từ Long Xuyên tới đây (Phú Tây, Thoại Sơn, An Giang) ăn ruộng nhà.

Ðể được thả vịt trên ruộng người lạ phải thỏa thuận trước, thường thì khoảng 80,000 đồng 1 công”. Tiền đưa trước cho chủ ruộng, vịt ăn tới khi nào hết lúa rụng thì chuyển sang thửa ruộng khác. Hỏi làm sao biết hết lúa rụng, anh cười thổ lộ: “Dễ ẹc, rờ bầu diều biết liền hoặc chiều tối về chuồng vịt kêu om sòm vì đói”. Ðàn vịt anh Nhựt đang chăn là 1,000 con vịt đẻ. Vịt con mua ở các lò ấp về nuôi khoảng 7-8 tháng thì đẻ. Trứng vịt bán khoảng 15,000 đồng/chục, 3-4 ngày thương lái tới tận ruộng mua một lần.

Anh Trịnh Thanh Tú, 28 tuổi, ở xã Tân Phú (Thanh Bình, Ðồng Tháp), đang trông coi đàn vịt trên mảnh ruộng nhà, cho biết bầy vịt của anh chỉ có 440 con, toàn vịt cò. Ăn đủ sức, vịt đẻ nhiều. Vịt đẻ ban đêm tuy nhiên cũng có vài con đẻ rớt trên đồng. Vì vậy người chăn vịt phải “quần” nhặt trứng rơi. Ðể vịt đủ sức đẻ trung bình 1 tháng khoảng 20 trứng, chiều, khi về chuồng phải cho chúng ăn giặm. Ngoài ăn lúa, còn cho ăn ốc tự đi cào. Nếu không thì cho ăn thức ăn gia súc, khoảng 3,700 đồng/kg. Thường, vịt đẻ 1 lứa từ 1 đến 2 tháng. Thấy vịt đẻ thưa, bứt lông, khi lông mọc lại, vịt lại đẻ dầy. Hết giai đoạn nầy, vịt đẻ yếu, rã bầy, bán cho lái. Bấy giờ mỗi con vịt nặng chừng 2.5kg, bán cho lái 20,000đ/kg.

Chuyển vịt từ cánh đồng này sang cánh đồng khác, nếu gần thì khỏe, còn xa, tiện đường sông lùa xuống ghe, đường bộ đưa lên xe. Ðể đưa hết bầy vịt lên xe tưởng khó khăn, nhưng không. Chỉ với tấm lưới cước trải mặt đường, ba người níu giữ ba mặt lưới cao lên chừa lõm trống để một người lùa vịt vào, bấy giờ ba người kia túm lưới “thảy” vịt vào thùng xe.

Chăn vịt thuê, anh Nhựt và các bạn anh được chủ trả công 1 triệu 500 ngàn đồng/tháng. Chủ cung cấp gạo và tiền thức ăn, các anh đi chợ và tự nấu nướng, nên thường đem vợ con theo. Vợ họ phụ trách nấu nướng, riêng họ vừa chăn vịt vừa tranh thủ bắt cua bắt cá để tăng cường thức ăn mỗi ngày được phong phú. Họ sống trong chòi cao su thấp lè tè, rất nóng nực. Anh Nhựt tâm sự trước kia anh làm công nhân ở Sài Gòn lương 3 triệu đồng tháng không đủ sống nên đành về đây làm nghề này. Ðâu phải ai cũng xin được việc, phải là người thân thích và có uy tín mới được chủ tin dùng. Chiều, khi lùa vịt về chuồng phải đếm từng cặp một. Ðủ số thì ngủ yên, thiếu 1 con bị trừ lương 70,000 đồng. Mất vịt chưa sợ bằng việc vịt bị thuốc do cạnh tranh. Vịt bị thuốc, người chăn vịt coi như trắng tay... Nhìn vợ và đứa con trai 2 tuổi của anh Nhựt “lang thang” quanh mấy cây còng tỏa bóng mát sao mà tồi tội. Nhưng anh Nhựt nói có vẻ an phận: “Sống có vất vả nhưng cơm cháo ngày ba bữa yên thân hơn hồi ở Sài Gòn cực nhọc”.

Những “hiểm nguy

Nghề chăn vịt vất vả trăm bề. Ngủ trong cái chòi nhỏ. Phơi sương phơi nắng dầm mưa dãi nắng. Hồi xưa, đỉa đeo là chuyện thường. Bây giờ đồng ruộng không còn loài thủy sinh này vì người ta phun thuốc trừ sâu dữ quá khiến chúng bị tiêu diệt. Nhưng dư lượng thuốc trừ sâu tác hại tới đàn vịt và cả con người. Anh Lê Văn Tâm, 45 tuổi, đang nằm võng nhâm nhi ly cà phê đá quán bà Lựu lên tiếng: “Ngâm mình trong nước lâu ngày bị ghẻ, lác, đáng sợ nhứt là có người bị run tay chưn (bệnh parkinson) vì thuốc trừ sâu”. Chăn vịt rất cực. Ðàn vịt của Nhựt còn có 2 người nữa trông coi. Sáng sớm, khi mặt trời lên, với cái quần xà lỏn và manh áo cũ, cầm “cây bẹo” lùa vịt ra đồng. Ðó là lúc anh em “sống” cùng với vịt. Phải “quản” chúng sao cho không ăn lan sang đồng người khác, không để chúng lạc bầy.

Anh Thanh Tú cho biết: “Vịt thường đi thành bầy. Nhưng cũng có lúc có một con ‘chứng’ chạy tùm lum, phải rượt đuổi đưa về bầy rất cực”. Nhưng khổ nhất là khi vịt ‘cầm đồng’ sát bên nhau. Lúc đó vịt thường chạy lạc bầy, xảy ra cự cãi, lắm lúc đưa tới việc ấu đả. Ðể tránh sự cố này, những lúc như thế, người ta thường phết màu lên lông vịt làm dấu. Ðâu đã hết nỗi lo, vì bên cạnh đó còn nạn ‘mãi điền.’”

Anh Trần Thôi (Vĩnh Long) mô tả: “Ði xe gặp nạn mãi lộ, chăn vịt gặp nạn mãi điền. Người chăn vịt đến cánh đồng nào thì phải ủng hộ quỹ xóa đói giảm nghèo của địa phương đó một ít tiền. Họ vừa ‘cặm quân’ hôm trước thì hôm sau có người đến quyên góp rồi. Nói là vận động ủng hộ chớ thật ra không thể không ủng hộ. Nếu không móc tiền ra tức đồng nghĩa với việc phải lùa vịt đi nơi khác. Nói là tùy hỉ lòng hảo tâm, của ít lòng nhiều nhưng thật ra có sự quy định rõ ràng tuy không thành văn. Năm kia tính bình quân mỗi con vịt chủ phải ủng hộ hai trăm đồng, năm ngoái ba trăm đồng và năm nay vào thời điểm Tháng Sáu năm 2001 là bốn trăm đồng.”

Như vậy nếu người chăn vịt nuôi một ngàn con thì phải ủng hộ bốn trăm ngàn đồng, số tiền không nhỏ so với hoàn cảnh của người làm nghề chăn vịt.

Trần Thôi cho biết tiếp rủi ro của nghề này trong thời cúm A H5N1 hoành hành: “Có khi chỉ trong một đêm ngủ dậy thấy vịt chết nằm sắp lớp trong chuồng. Nếu không kịp thời cứu chữa để tiếp qua đêm thứ hai kể như hết sạch bầy. Cảnh trắng tay, nợ nần chỉ trong phút chốc ập xuống làm điêu đứng một gia đình. Mấy năm gần đây cơ quan khuyến nông của tỉnh in tài liệu phát hành rộng rãi, đưa kỹ sư xuống tận đồng ruộng hướng dẫn nông dân về kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng chữa bệnh nên tỷ lệ hao hụt do dịch bệnh có giảm chút ít”.

Còn một nỗi sợ khác, chỉ có vợ các anh chàng chăn vịt mới âu lo, anh Trần Thôi cho biết: “Nỗi sợ kế tiếp là nỗi sợ của những người phụ nữ có chồng đi chăn vịt mà tôi phải gặng hỏi đôi ba lần chị Năm Bé mới chịu nói ra. Dạo này công an văn hóa truy quét gắt gao ở các quán karaoke trên chợ tỉnh nên mấy cô gái buôn phấn bán hương buộc phải chuyển địa bàn đổ bộ về vùng sâu vùng xa! Chiều chiều các cô bao honda ôm từng tốp từng tốp năm bảy cô, lòe loẹt áo xanh áo đỏ chạy rảo rảo dọc triền đê. Cánh đàn ông trong từng lều trại rậm rịt thò cái đầu bờm xờm, quắc đôi mắt đỏ ngầu men rượu ra nhìn dáo dác. Mặt trời vừa lặn mấy cô nhanh chóng lẩn khuất vào các lều trại... Mờ sáng, các cô mặt mũi bơ phờ, quần áo xốc xếch từng tốp từng tốp mò ra bờ đê đón xe ôm ra chợ. Do mấy ông chăn vịt chẳng mấy khi có tiền mặt nên cô nào cô nấy tay cũng xách một giỏ trứng đầy ắp. Vì nỗi sợ này mà chị Năm Bé quyết bám theo. Chị sợ mất bầy vịt lẫn ông chồng, và ngành y tế cảnh báo bệnh AIDS đã về tới vùng sâu”.

Xưa kia nuôi vịt đâu nhiêu khê vậy mà ông bà đã cảnh báo “muốn nghèo nuôi vịt”. Còn bây giờ nuôi vịt phải đối phó bao điều phiền toái, vậy mà vẫn có người đeo. Cuộc sống mà!