Home Văn Học Tùy Bút Quán biên thùy Dresden, nhớ lại hai mươi năm...

Quán biên thùy Dresden, nhớ lại hai mươi năm... PDF Print E-mail
Tác Giả: Ðinh Quang Anh Thái   
Thứ Ba, 10 Tháng 11 Năm 2009 06:29

Một buổi chiều của Tháng Mười Một năm 1989, Hồ Văn Hải và tôi đến Dresden khi hàng quán tại khu vực biên thùy này đã thưa thớt khách.

 
Ðinh Quang Anh Thái, với vài ly bia tại quá biên thùy Ðức-Tiệp, 20 năm trước. 

Gọi Dresden là biên thùy thì không đúng, vì thị trấn thuộc nước Ðức này nằm cách biên giới của Czech (vào thời điểm 1989 còn gọi là Czechoslovakia - Tiệp Khắc) khoảng gần 100 cây số.

Hai đứa chúng tôi rời thủ đô Praha của Tiệp Khắc lúc xế trưa. Hải sang Tiệp với tư cách “du sinh” (du học sinh), lấy vợ Tiệp và có một bé gái mang hai giòng máu xinh tuyệt. Nhờ quốc tịch vợ, Hải thong dong lái xe giang hồ đó đây.

Ngồi uống cốc bia tại một quán “biên thùy” ở Dresden, chúng tôi nói với nhau về những điều “tưởng như trong mơ:” lần lượt các nước Ðông Âu, và ngay cả cái nôi của Cộng Sản Quốc Tế là Liên Xô, vỡ tan từng mảng như cơm nguội gặp mưa.

Hình ảnh Ðông Ðức khi hai đứa tôi vừa vượt biên giới Tiệp sang, và từ đó đến nhà ga xe lửa Ðông Bá Linh là xứ sở với những con đường nứt nẻ, xe cộ đơn điệu một kiểu một màu, nhà cửa nhếch nhác, từng đoàn xe lửa thả khói than mù mịt chạy trên các đường ray rỉ sét. Dân chúng thì nét mặt đăm chiêu như lúc nào cũng đang tìm kiếm một cái gì.

Nhà ga xe lửa Ðông Bá Linh hầu như ai cũng lao về phía trước. Mọi cửa hầm lên xuống xe điện, từng đoàn từng lũ, tay nặng trĩu những túi hàng, người người lớp lớp lao đi như những con thoi.

Thì ra, Bức Tường Ô Nhục - Bức Tường Bá Linh đã bị phá sập, dân hai miền đi lại và chỉ dân phía Ðông thồ hàng từ phía Tây về.

Nét nổi bật trong sinh hoạt tại sân ga là hằng hà sa số người “đầu đen” bán thuốc lá lậu. “Ðầu đen” là cách gọi người Việt từ các nước cựu Cộng Sản trong khối Ðông Âu túa về kiếm sống ở Bá Linh. Và sống hùng sống mạnh nhất là bán thuốc lá lậu.

Tiếng Việt râm ran ơi ới gọi nhau. Hải chỉ một nhóm gồm ba cô và bảo tôi, “trông bọn nó cực kỳ mông má.” “Mông má” nghĩa là chưng diện, đỏm dáng, cách nói của đồng bào mình từ miền Bắc đến các nước Ðông Âu sinh sống. Và cũng chính ba cô “mông má” này, đêm hôm đó, cứu đói hai đứa tôi bằng những tô mì gói nóng hổi tại khu nhà tập thể công nhân của các cô.

Ngồi như bó giò trong gian phòng chật của các cô, Minh bảo tôi, bọn em thấy xứ người ta thống nhất mà buồn cho nước mình; bọn Ðức “nó” có đổ máu như nước mình đâu.

Minh sang Nga làm lao động, rồi từ Nga vượt đường rừng qua Ba Lan để từ đó vào Ðức. Minh kể, em bị bọn biên phòng nó bắt nhiều lần, nhưng như “cóc bỏ đĩa.” Hỏi Minh thế hệ trẻ như Minh lớn lên ở miền Bắc, có thần tượng ông Hồ Chí Minh không, Minh cười, bảo: “Bọn em lúc bé xem ông ấy như thần, ngày Bác mất, bản thân em khóc như cha chết; nhưng lớn lên, đi học rồi đi Nga, bọn em nghĩ khác.” “Khác gì?” hỏi Minh thế, Minh trả lời: “Bọn em hay truyền nhau mấy câu thơ: ‘Chú bộ đội thức dậy/thấy ba lô mất rồi/mà sao Bác vẫn ngồi/trông Bác nghi nghi lắm/chú bộ đội dấm dẳng/bảo Bác trả đi thôi/Bác Hồ miệng mỉm cười/nhân danh tình đồng chí/Bác khuyên chú điều này/nội nhật trong đêm nay/lấy ngay của thằng khác.’”

Minh kết luận: “Tư tưởng của Bác đấy!”

Ba ngày ở Ðông Bá Linh, quan sát một đất nước vừa thống nhất sau nhiều năm trời phân tranh nghiệt ngã, tôi cảm được suy nghĩ của Minh, “thấy xứ người ta thống nhất mà buồn cho nước mình.”

Không buồn sao được khi, Việt Nam thống nhất, đất nước tan hoang vì chiến tranh, lòng người ly tán lại tiếp tục ly tán, cả nước rơi vào cảnh nghèo đói và nhà cầm quyền thù hận không che giấu với đồng bào của một nửa nước - đồng bào miền Nam.

Nước Ðức, Bức Tường Ô Nhục phân chia Ðông-Tây bị chính nhân dân hai miền hạ xuống, khởi đầu một vận hội mới không người thắng-kẻ thua; có chăng là sự khác biệt giữa hai cung cách sống của hai xã hội, một bị kềm tỏa, một sống thênh thang; nhưng chắc chắn thời gian sẽ là liều thuốc giúp dân hai miền tương đồng.

Hôm rời Bá Linh để xuôi xuống vùng Tây-Nam thăm Leipzig, thành phố lịch sử năm 1989 đã khởi phát những cuộc biểu tình châm ngòi cho cuộc lật đổ trong hòa bình chế độ Cộng Sản Ðông Ðức, khi chia tay Hải và các cô bạn mới quen tại sân ga, Minh nói: “Mong gặp lại nhau tại Việt Nam!”

“Bọn mình lần tới sẽ tiễn nhau ở ga Hà Nội nhé,” “Cù Lần” nói với theo khi tôi ngồi vào chiếc xe cũ kỹ của Hồ Văn Hải để đi vào nước Ðức.

Gặp nhau tại quê nhà Việt Nam, đó không chỉ là ước mơ của riêng Minh, của riêng Cù Lần, mà của cả nhóm anh em Trương Tiến Dũng, Hồ Thanh Hải, Cường-Hà, Nông Ðình Bửu, Ngô Văn Chính, Cái Yến, Nhàn, Lan Béo... những người trẻ đã có công khởi động phong trào đấu tranh dân chủ tại Tiệp, rồi sau đó lan sang Ðức, Ba Lan, Bulgaria, Hungaria.

Cù Lần, tức Trần Hồng Hà thì chết rồi, năm 1995. Trương Tiến Dũng là người báo cho tôi biết về cái chết của Cù Lần. Dũng nói, người ta tìm thấy Cù Lần treo cổ trong một khu rừng ở ngoại ô Praha. Người ta đây là Tòa Ðại Sứ Cộng Sản Hà Nội. Dũng cả quyết, “Hà nó bị giết vì đã gầy dựng nên phong trào dân chủ tại Tiệp.” Trần Hồng Hà là tổng biên tập tờ Diễn Ðàn Praha, tờ báo quan trọng nhất trong số các báo chí độc lập đầu tiên của phong trào thanh niên sinh viên Việt tại Ðông Âu, ra đời ngay sau “Cách Mạng Nhung” 1989. Với bút hiệu khác là Hà Minh Thọ, Hà còn dịch sang tiếng Việt cuốn “Animal Farm: A Fairy Story” của văn hào George Orwell, với tựa bằng tiếng Việt là “Muông Cầm Trại.”

Nông Ðình Bửu thì sau này bỏ Tiệp sang Ðức sống. Vào những ngày diễn ra Cách Mạng Nhung ở Tiệp Khắc, gặp Bửu, lúc nào cũng thấy Bửu mặc độc một bộ quần áo Nhẩy Dù của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Bửu nói, em mà sống trong Nam thì em chỉ đi Dù thôi.

Ngô Văn Chính, người lúc nào cũng dùng chữ “góc độ nào đấy,” dù nói một chuyện hết đỗi bình thường, bây giờ sống mãi tận biên giới phía Nam của Czech, sát nước Áo.

Trương Tiến Dũng, vợ chồng Cường-Hà và Hồ Thanh Hải vẫn ở Praha, đã có cơ ngơi ổn định đời sống.

Nhớ hôm Dũng dẫn đi thăm khu chợ người Việt ở Praha, tôi được dịp trò chuyện với một anh đảng viên Cộng Sản làm nghề bảo vệ ngôi chợ. Trả lời câu tôi hỏi, rằng đã về thăm Việt Nam chưa, anh bảo “tôi kinh cái tổ quốc ấy lắm rồi, về làm gì cơ chứ?” Tôi hỏi Dũng, anh chàng ấy đảng viên sao lại nói năng “mất lập trường” thế, Dũng bảo, thế là thường đấy, “chúng nó vào đảng vì quyền lợi chứ chúng nó có yêu thích gì cái đảng ấy!”

 

Tấm “post card” Ðinh Quang Anh Thái gởi về California cách đây 20 năm.
Thời điểm này, Ðinh Quang Anh Thái đang làm việc cho báo Người Dân tại Costa Mesa, Hoa Kỳ.
 

Thấm thoát vậy mà đã 20 năm, kể từ buổi chiều ngồi uống cốc bia với Hồ Văn Hải tại Dresden. Cả bọn bây giờ, đứa nào cũng vợ con cả rồi. Chẳng bù thời gian gặp nhau thủa ấy, độc thân, liều lĩnh, chỉ có một con đường trước mắt dấn tới với ước mong khi Việt Nam thay da đổi thịt, sẽ có cơ hội tiễn nhau tại sân ga Hà Nội. Nhưng dù tóc mỗi ngày mỗi bạc, tôi vẫn tin sẽ có ngày mong ước của Cù Lần, của Minh, của cả bọn, sẽ thành sự thật.