Home Văn Học Tùy Bút Nàng Thủy Tiên

Nàng Thủy Tiên PDF Print E-mail
Tác Giả: Quỳnh Giao / Người Việt   
Thứ Năm, 11 Tháng 2 Năm 2010 18:54

Người ta cứ hay nói rằng Ðông và Tây ít khi gặp nhau bao giờ. Có lẽ cũng phải nói thêm là càng khó gặp nhau trong một ngày Tết.

 Hoa Thủy Tiên (Hình: fireflyforest.net)

Một thí dụ có đầy hương và sắc chính là hoa thủy tiên.

Tây phương gọi hoa thủy tiên là “narcissus,” loại hoa mọc từ củ tựa như củ hành. Ðấy là nói về thảo mộc học rất khô khan thô kệch. Chứ về văn hóa, “narcissus” là một chữ có nguồn gốc Ba Tư, có nghĩa nguyên thủy là con mắt. Chẳng ai thấy chuyện ấy là hấp dẫn cả, cho tới khi mình biết tới truyền thuyết của thần thoại Hy Lạp.

Xưa kia, Narcissus là đệ nhất mỹ nhân, nhưng của nam giới. Người đẹp trai nhất xứ Hy Lạp. Nhưng các thần linh đã quyết định rằng chàng Narcissus này không bao giờ được nhìn thấy bóng của mình. Trên cõi thiêng liêng ấy, các thần linh oái oăm cũng nặn ra một mỹ nữ tên là Echo. Nàng chỉ được phép nói... “vuốt đuôi,” là nhắc lại những câu cuối mà mình được nghe. Thế rồi, éo le chừng nào, nàng Echo lại phải lòng chàng Narcissus mà nhân vật tuấn mỹ đẹp trai này thì chẳng yêu ai hơn là chính mình. Bị cự tuyệt, nàng Echo bèn... trả thù, cũng lại bằng bàn tay của các thần linh. Chàng Narcissus thấy bóng mình trên mặt nước và yêu mình say đắm, yêu đến chết rồi biến thành thảo mộc, thành củ hành mọc hoa! Còn nàng Echo đắc thắng thì cũng tuyệt vọng lao mình từ trên đỉnh núi xuống, thành một tiếng vang...

Vì sao truyện thần linh của Tây phương hay có những sự độc ác bi thảm ấy... Xuân về, xin cứ vọng lên một câu hỏi cho những người thích tìm hiểu những lý do sâu xa cho đến... Tết.

Còn người viết thì xin trở lại với hoa thủy tiên của mình.

Ngày xưa còn bé, người viết nhớ nhất và yêu nhất không khí của những ngày trước Tết, khi bà ngoại ngồi tỉa những củ Thủy Tiên trắng muốt và sai con cháu rửa thật sạch mấy hòn đá cuội để bà lót trong chậu bát tiên đựng hoa. Mỗi ngày bà theo dõi tiến trình kết lá, đâm nụ và nở hoa. Khi thì bảo trẻ bỏ thêm đá lạnh để hãm cho nở muộn hơn, hoặc pha nước ấm vào chậu nếu sợ hoa chậm nở. Ðêm 29 ngồi canh nồi bánh chưng ngoài sân, gió càng lạnh thì lòng càng ấm vì mùi khói tỏa qua ánh lửa bập bùng, hòa với mùi thơm của bánh vừa chín tới.

Khi ấy, mình chỉ mong giây phút ngừng lại kẻo ngày vui qua mau. Chiều mùng Một Tết thì con bé đã buồn vì tiếc nuối, thấy như đã hết Tết rồi...

Bà mất đúng năm 1975, vào ngày 28 tháng 4, khi đứa cháu đang trôi dạt ở đảo Guam. Khi ấy, người viết thấy lòng bần thần như mất hồn vì chỉ đi được tiểu gia đình, còn mẹ và các em vẫn kẹt lại, không biết bao giời mới thấy nhau...

Khi mẹ và các em vượt biên qua được Hoa Kỳ vào cuối năm 79, Tết đầu tiên sum họp ở miền Ðông, Mẹ khẽ nhắc, “Ngày xưa bà thích hoa thủy tiên nhất. Tết mà không có thủy tiên là không ra Tết!” Ðúng thật. Năm 1992, hai mẹ con đều đã sống tại Cali. Tết năm đó, khệ nệ mang thủy tiên đến cúng bà ngoại. Mẹ khen, “giỏi đó, bà thương!” Tự nhiên nước mắt cứ trào ra!

Như nhiều cụ bà thời xưa, thân mẫu người viết thường nói các cụ mình thích thủy tiên vì hoa đẹp như “đĩa ngọc chén vàng.” Cánh hoa trắng muốt như đĩa bạch ngọc, nhị hoa vàng rực như một chén vàng nhỏ xíu nằm ở trên. Hoa vừa có sắc lại vừa có hương. Thủy tiên bên mình thì vậy, còn thủy tiên bên Mỹ thì có lẽ lại giống anh chàng Narcissus tự mê, chỉ có sắc mà thiếu thần trí. Hoa không dầy cánh và hương lại hơi hắc, nhuốm mùi vô duyên!

Nói về thủy tiên thì không thể quên Lê Thương. Ông là một nhạc sĩ có tài kể chuyện.

Ngoài đời ông nói chuyện vừa uyên bác lại vừa dí dỏm duyên dáng. Thời phôi thai của tân nhạc Việt, Lê Thương là người cống hiến tài hoa và sự uyên bác của mình qua nhiều tác phẩm giờ này đã mai một vì ít người trình bày và chẳng còn mấy ai phổ biến. Chẳng hạn như bài “Hoa Thủy Tiên” của ông là một truyện ca cực kỳ cảm động và sâu sắc.

Hương thủy tiên ngày Tết nên dẫn mình về truyện ca của Lê Thương về nàng Thủy Tiên:

Một nghìn năm trước
Trong đời Trần Nam quốc
Có cô công chúa lòa
Cả đời nuôi nấng Hoa

Trời làm nắng gió
Sau một chiều giông tố
Các hoa trên gác lầu
Phải một cơn đớn đau

Nàng Bạch mẫu đơn
Trôi lạc mất con
Khấn xin công chúa lòa
Tạ đền nụ hoa cho bà

Lòng nàng công chúa
Thương người và hoa quá
Ðến đêm xin khấn Trời
Xin đền nụ hoa đã rơi

Nàng bầy trên gác
Ước chừng mười tô nước
Khấn xin ba tháng ròng
Nhưng Trời chỉ cho nước trong

Ngày tháng chóng qua
Thu Hè đã xa
Cuối Ðông năm đó Trời
Cho nàng Thủy Tiên xuống đời

Nằm chìm trong nước
Ðang chờ thời gian lướt
Thấy cô công chúa lòa
Cô nàng Thủy Tiên bước ra

Trình bày trên bát
Ba lòng vàng thơm ngát
Khiến cho đôi mắt lòa
Của nàng công chúa sáng ra

Nàng mở mắt xong
Trông vào tô nước trong
Thấy Xuân năm đó Trời
Cho nàngThủy Tiên xuống đời...

Nhớ lại lời ca thì chúng ta thấy Ðông và Tây quả là khác xa. Chàng Narcissus và cả nàng Echo đều vì tự yêu mà gây thảm kịch. Còn nàng Thủy Tiên thì quên mình mà cứu được người khác. Nhớ lại chuyện ấy thì mình thấy thủy tiên còn cao quý hơn loại hoa chỉ biết chết trong bóng mình.

Bài hát này, ngày xưa Thái Hằng rất thích và đã thu thanh vào đĩa nhạc 78 tour thời đó. Lúc nhỏ người viết thường được mẹ vặn cho nghe, cả bọn nhóc cứ hát “thuội theo”... Một nghìn năm trước, trong đời Trần Nam Quốc... và thấy hay hơn truyện Narcissus gấp trăm lần...

Ngày Tết, xin mượn lời ca của Lê Thương tặng nhau một chút hương thủy tiên của lòng vị tha và nguyện cầu cho một năm mới nhiều sắc hương và đầy ý nghĩa.