Home Văn Học Tùy Bút Chợ chiều...

Chợ chiều... PDF Print E-mail
Tác Giả: Vương Tỷ/Người Việt   
Chúa Nhật, 21 Tháng 2 Năm 2010 17:20

 “Một Mùa Thu trước, mỗi hoàng hôn/ Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn”.

Hồi nhỏ, năm nào tôi cũng đi “nhặt hoa”, nhưng không phải đi nhặt hoa ti- gôn “dáng như tim vỡ” để rồi ngẩn ngơ tiếc nhớ, bâng khuâng cho một mối tình; mà cứ đến ngày 30 Tết Nguyên Ðán, từ trưa đến giao thừa, tôi cùng lũ bạn hàng xóm lang thang ngoài đường chờ chủ hàng hoa dọn hàng, vất hoa đi thì chúng tôi chạy a vào nhặt lấy, lựa những chậu cúc vàng, vạn thọ, đồng tiền, hướng dương, trường sanh (phát tài)... còn tươi tốt mang về chưng ở nhà mình. Có lúc, chúng tôi còn thầm cầu mong người ta bán ế để mình có thể nhặt được nhiều hoa đẹp. Cái đói, cái nghèo nó làm “bần cùng hóa trái tim”, lúc đó tôi không ý thức được rằng sự cầu mong của chúng tôi là tàn nhẫn và ích kỷ.


Ngoài các loại hoa, cây kiểng trồng trong nước, nhiều loại cây kiểng, hoa ngoại quốc nhập về bán. Như trong hình là cây phát tài xuất xứ Ðài Loan. (Hình: Vương Tỷ)

Tết Canh Dần năm nay, từ 10 giờ sáng ngày 30, tôi đã thấy các chợ hoa “bình dân” ở đường Quang Trung, đường Nguyễn Thái Sơn (công viên Gia Ðịnh) quận Gò Vấp, đường Hoàng Văn Thụ (công viên Hoàng Văn Thụ) quận Tân Bình, đường Hai Bà Trưng (công viên Lê Văn Tám) quận 3 bắt đầu lác đác có những chiếc xe tải lái vào để chở kiểng “hồi đầu cố quận” trong ánh mắt buồn bã của người chủ hàng hoa. Hoa kiểng thì nhiều, gian hàng cũng nhiều, mà người đi mua hoa kiểng thì thưa vắng. Hàng hàng, lớp lớp những chậu mai vàng phương Nam, đào Hà Nội đứng ngồi buồn bã trong sự thờ ơ của khách qua đường.

Tại một gian hàng ở công viên Gia Ðịnh, người thanh niên khoảng 27 tuổi đứng rao: “Mai một chậu mười lăm ngàn, mười lăm ngàn, chậu nào cũng mười lăm ngàn. Bán rẻ không lẽ cho không! Bán rẻ không lẽ cho không!” Chợt thấy tôi nhìn vào gian hàng, anh hàng hoa vồn vã: “Mua mai đi chị, mua mai đi anh. Giá này rẻ lắm, em cố bán bớt chớ mướn xe chở về lỗ thêm tiền xe”. Tôi mỉm cười hỏi: “Nếu còn dư thì đem đi đâu?” Anh hàng hoa nói: “Chậu thì lấy lại đem về, bông thì mướn xe đổ rác đem đi đổ. Mai nguyên cây này bán không hết chở về vỗ nó lại, sang năm bán tiếp”.

Tôi hỏi: “Nhà em ở đâu? Năm nay bán khá hơn năm ngoái không”. Anh hàng hoa cười buồn: “Em chở hàng ở Sa Ðéc, Ðồng Tháp lên đây, bán không hết thì chở về. Năm nay bán ít hơn năm ngoái, lỗ tiền công trồng, tiền mướn xe chở đi lên đi xuống rồi”. Quan sát những chậu mai vàng nho nhỏ cao khoảng năm tấc anh chàng đang rao bán, tôi thấy nếu mua riêng cái chậu đất nung cũng mất ít nhất năm ngàn đồng rồi. Tiếc rằng hoa đã nở hết và có dấu hiệu sắp rụng, mua về qua mùng Một chắc chỉ còn trơ cái nhánh, nên sau khi lựa chọn, đắn đo thì tôi quyết định ra chợ hoa “quý tộc” đường Phạm Ngũ Lão (công viên 23-9) quận 1.

Không khí mua bán hoa kiểng ở chợ “quý tộc” có phần còn “thê lương” hơn mấy nơi tôi vừa kể. Chủng loại hàng hóa càng phong phú, càng nhiều, càng cao cấp thì càng lắm “bẽ bàng” khi đối diện với một thực tế phũ phàng: Người tiêu dùng không mua nên người bán lỗ càng nặng.

Trong cái nắng gay gắt của Sài Gòn, cả một khu đất khoảng hơn vài trăm mét vuông lớp lớp hoa đào khô cong, cháy sém, hoa đổi thành màu nâu xỉn khô cứng bám trên từng nhánh khẳng khiu. Có lẽ thời tiết Sài Gòn năm nay quá nóng khiến đào không chịu được. Thấy một ông trung niên đang cầm trên tay khoảng mười nhánh hoa đào còn chút chút nụ hoa, mỗi nhánh dài khoảng 6-7 tấc, tôi ngạc nhiên không hiểu ở đâu ra loại “đào tí hon” như thế, bèn chạy theo hỏi: “Anh ơi, anh mua đào đó bao nhiêu tiền vậy?” Ông ta nhìn tôi, sầm mặt xuống rồi đi thẳng không nói câu nào. Tôi ngạc nhiên vì cái sự sầm sầm bất lịch sự kỳ quặc của ông ta. Ði tới thêm vài bước nữa thì, trời ơi, cả đám đông mấy chục người đang nhao nhao tranh nhau vặt nhánh một đống to tướng những cây đào mà chủ hàng đã bỏ, chỉ chờ xe rác đến thu dọn. Họ chọn những nhánh còn sót lác đác nụ đào, bẻ ngang rồi cầm từng nắm trên tay. Hèn gì đào nhánh nào nhánh nấy ngắn ngủn. Hóa ra ông nọ tưởng tôi thấy ông ta đang “lượm mót” hoa đào nhưng hỏi mỉa mai, nên tỏ ý tức giận đối với tôi.

Ðây là loại hoa đào dài từ 1.3m trở lên, nhà vườn bứng nguyên gốc rễ rồi dùng ny-lông bọc riêng từng cây một chở vào Nam, nên khi không bán được, hoa héo, chủ hàng bỏ mặc cho người đi “nhặt hoa” tha hồ lựa rồi bẻ ngang lấy những nhánh còn sót lại vài nụ hoa hồng hồng nhợt nhạt.

 Hôm 23 Tết, tôi nghe người bán nói đây là đào Nhật Tân Hà Nội, mùa đào năm nay cũng là vụ cuối, vì làng đào Nhật Tân đã bị giải tỏa, nhà vườn cố trồng thêm một vụ đào tạm bợ trong khu quy hoạch. Thương hiệu làng đào Nhật Tân nổi tiếng trong các tác phẩm của Tự Lực Văn Ðoàn thời những năm 30 phải chăng bây giờ đang từng phút lụi tàn theo những cành đào tội nghiệp nơi này.

 Sang năm, người Sài Gòn nói riêng, người dân Việt Nam nói chung sẽ không còn được thưởng thức vẻ rực rỡ của hoa đào Nhật Tân, và hình ảnh đào Nhật Tân chỉ còn đọng lại trong ký ức??? Nghe nói, năm ngoái thị trường hoa Tết ở Cần Thơ đã xuất hiện đào Trung Quốc. “Việt Nam Trung Hoa núi liền núi, sông liền sông”, “vừa là đồng chí, vừa là anh em” mà, thôi thì, có nhớ Nhật Tân người Việt hãy ngắm đào Trung Quốc (!)Cuối cùng, tôi cũng mua được một chậu mai vàng “hoành tráng” mà giá có một trăm ngàn đồng, hai chục hoa lay-ơn đỏ cao khoảng 1.3m giá 40 ngàn/chục, thứ này lúc bình thường phải đến 7-8 chục ngàn/chục. Trưa 30 rồi, không hạ giá bán thì có nước đem về nhà “ăn”.

Trưa về, vừa ăn cơm vừa xem kênh VTC của nhà nước ta, thấy một MC nam còn trẻ nói giọng Hà Nội đang lanh chanh “mồm năm miệng mười” quảng bá, ca ngợi làng đào Nhật Tân mà tôi muốn nổi khùng, nếu anh ta đang ở ngoài chắc tôi đã lấy cùi bắp phang vào mặt anh ta. Lý do tại sao tôi nổi khùng thì bạn nào đã đọc đoạn trên chắc không cần tôi giải thích thêm.

Buổi chiều, chen vào chợ đến ngộp thở vì người đông như kiến cỏ. Ông bà ta có câu: “Ðói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết” cho thấy tập quán người Việt dù nghèo khó đến cỡ nào cũng phải cố mà sắm sửa đồ ăn thức uống đầy đủ trong mấy ngày Tết cổ truyền. Nếu gia đình nào khá giả, người ta đã chuẩn bị, sắm sửa thức ăn trước đó cả tuần tích trữ vào tủ lạnh, chỉ những người không có tiền dự trữ, chờ lãnh lương, chờ thưởng Tết, chờ đủ thứ... mới đi chợ ngày 30 Tết.

Ði chợ ngày 30, một là bạn có thể mua được số thực phẩm ế thừa (gọi là đồ dạt) với giá rẻ mà bạn hàng cố bán tống bán tháo đi để còn kịp về nhà làm mâm cỗ cúng tiễn ông bà; hai là bạn sẽ bị “cắt cổ” không thương tiếc vì người bán biết rằng những ai đi chợ mua thức ăn vào giờ này là bắt buộc phải mua mà không có sự lựa chọn nào khác, và tôi đã bị rơi vào trường hợp thứ hai. Sau khi chọn mua một cái bắp cải Ðà Lạt khoảng 1 ký và 5-6 trái cà chua cũng nặng chừng ấy, cô chủ sạp hét giá hai món 65 ngàn đồng (mắc hơn bắp cải tím và cà chua nhập khẩu bán trong siêu thị Big C), tôi trả tiền cho cô mà có cảm giác mình vừa bị một “nhát chém chí mạng” bằng dao xắt chuối (cỡ dao lam là còn nhỏ bé lắm).

 Rời gian hàng rau củ, tôi cố chen lấn sang gian hàng nồi niêu để lựa mua một cái nồi đất nhỏ giá có mười một ngàn đồng. Kinh nghiệm “Sống lâu lên lão làng” của tôi cho thấy khi mà thưởng thức thịt, cá, nem, chả, bánh tét, bánh chưng... (ở nhà người quen) ngán đến tận bảng họng, thì món kho quẹt với tiêu hột trong nồi đất là “giải pháp tuyệt vời”, trong trường hợp không đi ăn chực được ở đâu hết thì món “nồi đất” này là tiết kiệm nhất. Bà chủ sạp tỏ ra khó chịu, cáu gắt khi thấy tôi cứ choán chỗ trong gian hàng của bà để thong thả, nhởn nhơ tìm kiếm cái nồi nào được nung màu thật đỏ, cái nắp nào đậy thật vừa. Tuy nhiên, xét thấy “tương quan lực lượng” giữa đôi bên thì tôi có phần “bề thế” hơn bà nên bà không dám quát tôi như đã quát khách hàng khác. Về nhà, bỏ ra hơn hai giờ đồng hồ đốt cho nó đen, để nguội rồi xối nước mài 3D (tương tự như phim 3D vậy đó) cái nắp nồi, tôi mới hài lòng với cái nắp đậy vừa vặn như ý.

Gặp cô bé hàng xóm, cô hí hửng khoe: “Em vừa mua được bông đẹp ngoài công viên Lê Văn Tám để trang trí trong quán em nè chị. Tắc (quất) trái néo hết trơn mà 5 ngàn một chậu. Cúc vàng bông bự bự 10 ngàn 4 chậu, hướng dương cao hơn 10 bông một cặp 10 ngàn. Bữa nay ra mua là giá rẻ lắm, đi sớm quá tiền đâu mà mua cho đủ”. Tôi chỉ cười khen bông đẹp, thấy cô bé sao giống tôi hồi nhỏ quá chừng.

Ðêm giao thừa, khi mà có rất nhiều người đang tập trung ở trung tâm Sài Gòn vui cười chờ đợi xem bắn pháo hoa, hay dạo chơi ở đường hoa Nguyễn Huệ lung linh, rực rỡ ánh đèn màu sang trọng; thì ở ngã tư Hàng Xanh (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đường Ðiện Biên Phủ), dưới ánh sáng lờ mờ, vàng vọt của vài ngọn đèn đường, vẫn còn một rừng hoa hướng dương, cúc đại đóa vàng rực rỡ, nhún nhảy theo từng cơn gió thổi qua như muốn trêu ngươi người chủ. Cái dáng vẻ co ro trong không khí lành lạnh lúc nửa đêm, ánh mắt buồn buồn sâu thẳm đang nhìn mông lung ra xa của những người chủ hàng hoa không có giao thừa làm xao lòng bất cứ ai trông thấy họ. Chỉ có người bán, không có người mua. Tôi chợt nhớ đến câu ca dao: “Chợ chiều thừa khế ế chanh/ Nhiều cô gái đẹp nên anh phụ nàng”. Hoa thừa, hoa ế không phải vì người ta “Thấy lê quên lựu, thấy trăng quên đèn”, mà có lẽ vì bây giờ có quá nhiều người phải chắt chiu tiết kiệm từng đồng lẻ giống như cô bé hàng xóm của tôi?!

Mùng 5 Tết, sáng sớm đường phố Sài Gòn vắng ngắt, không khí trong lành. Tôi lấy xe máy chạy bon bon lòng vòng hết các quận để “trả thù” những ngày kẹt xe không đi đâu được. Các tiệm buôn, quán xá hai bên đường năm nay khai trương muộn, còn rất nhiều cửa hàng kéo cửa sắt im ỉm. Vào tiệm bán DVD đường Nguyễn Huệ có mười mấy phút, trở ra thấy mất một cái kính bên trái của xe (kính trái thì bán được, kính phải ma nó mua). Lác đác thấy mấy quận tên chữ một số tiệm vàng đã mở cửa, kèm theo tấm bảng đề chữ to tướng “Cầm đồ” ló ra tận mặt đường.