Home Văn Học Tùy Bút Lá thư gửi Mẹ

Lá thư gửi Mẹ PDF Print E-mail
Tác Giả: LM. Nguyễn Quốc Hải, Ph.D   
Chúa Nhật, 11 Tháng 4 Năm 2010 10:14

 Mẹ Ơi! Chiều nay mưa Giao-Mùa

Cơn mưa thoảng nhẹ, buông cánh tím trên thành phố bao la, như vị sứ giả mang tin vui cho nhân thế. Tuyết trắng và băng giá đã tung cánh bay xa. Mùa xuân nắng ấm đang về. Nội cỏ chợt xanh ngây thơ. Từng nụ lá đầu mùa như mgậm đầy hy vọng trên cành cao chờ đợi. Vạn vật bỗng reo vui và lòng người chợt hân hoan, nhưng mẹ ơi, nào có ai hay một nỗi buồn câm nín đang dâng ngập hồn con, người lữ khách cô đơn!

Những hạt mưa tan vỡ trong lòng chiều mênh mông như tiếng nhạc buồn đưa hồn con đi tìm hình bóng quê hương!. Còn nhớ lắm mẹ ơi! Những chiều mưa tháng Tư của đời con. mhững chiều mưa tháng Tư huyền thoại cùa quê hương Việt Nam! Một chiều mưa tháng tư nào đó thật xa sôi, khi con biết cầm bút làm thơ, bài thơ đầu mùa tuổi dại, mẹ đứng nhìn con mà mắt hoen mờ lệ. Con đã hỏi mẹ tại sao con yêu trời mưa? Tại sao hồn con thấy xao xuyến như muôn ngàn giây tơ linh thiêng của đất trời đang rung phím giữa lòng con? Mẹ đã ôm con vào lòng và nói thật khẽ chỉ đủ con nghe: Bởi vì mẹ cưu mang con trong chiều mưa và mẹ đã sanh con vào một chiều mưa! Ngày đó không hiểu hết lời mẹ nói, con chỉ thâm tín rằng: vì được sinh ra trong trời mưa, cho nên con yêu trời mưa, và thích làm thơ khi trời mưa, và con khẩn nguyện trời đất rằng con hằng có mẹ khi trời mưa để nhìn con làm thơ.

Nhưng mẹ ơi, mưa tháng Tư chỉ là mưa giao mùa, mưa của định mệnh bi đát. Đất miền Trung vẫn muôn đời cày lên sỏi đá. Mùa mưa năm 1952 sông Lam-Giang đã đỏ lên màu máu, núi Hồng-Lĩnh cháy rực đêm ngày. Từng đoàn khu trục cơ của thực dân Pháp thi nhau nhào lộn bắn phá thiêu rụi vùng Đô-Lương Nam-Đàn, thành phố Vinh chỉ còn là đống gạch vụn. Mùa mưa tháng tư năm 1953 khi phong trào đấu tố chinh trị lên cao điểm tại tỉnh Nghệ-An, mấy ngàn con người bị dập chết tức tưởi trong huyện Nghi-Lộc, và làng ta 5 người bị lưỡi cày của cán bộ hạ tầng nướng cháy, trong số đó có cậu Bảy. Mùa mưa năm đó, mẹ khóc, ba khóc, cả nhà ta khóc và cả làng ta khóc. Thánh đường dâng lễ cầu hồn suốt cả tháng tư. Trong đêm mưa giao mùa, thanh niên và trung niên làng ta bỏ trốn vùng đất máu tanh. Bến đò làng ta bỗng trở nên trống vắng. mẹ gạt lệ, cơm nắm muối vừng tiển biệt ba đi. Hai giờ sáng súng nổ lớn tại “Cửa-Lò”, Ca-nô của Pháp đổ bộ. Ba đã mất khuất sau giờ phút kinh hoàng. Rồi từ ngày đó quang gánh nặng trên đôi vai, mẹ tần tảo sớm chiều nuôi con. Những tháng cuối cùng của năm 1953, trọng pháo của Tây từ các tàu chiến bắn vào bừa bãi, làng ta đổ nát tơi bời, những đêm mưa di tản từ làng này qua làng khác, cơm muối pha bùn, mẹ khuyên con chịu khó cầu nguyện cho ba.

Ngày chiến thắng Điện-Biên, làng ta có 36 người bị trói, Vị lãnh đạo tinh thần mất tích trong đêm. áo kaky vàng ngập cả đình làng. Dép Bình-Trị-Thiên dẫm nát sàn cỏ xanh khu vực giáo đường. Dân làng ta ngơ ngác nhìn trời mưa. Mùa mưa năm 1954, tin hiệp định Génève chia đôi đất nước chợt về, dân làng ta nhìn nhau bằng con mắt ái ngại, làm sao ra đi, dứt được mà đi, khi chỉ còn ông già, bà lão, phụ nữ và trẻ con. Cuối cùng một buổi chiều mưa, chuông giáo đường báo động liên hồi, đoàn lũ người kéo về giáo đường. Bài Thánh – ca “Lạy Mẹ Là Ngôi Sao Sáng” được hát dưới trời mưa. Ông chánh trưởng già cầm cờ vàng trắng dẫn đầu đoàn người tìm tự do. Đường ra biển Cửa Lò đã phong tỏa tuần trước đề phòng người trốn đi. Thế nhưng đoàn người khao khát tự do vẫn ùn ùn kéo tới. Kẻ gồng, người gánh, tiếng hát, tiếng đọc kinh và rồi tiếng súng liên thanh bắn trực xạ. Người chết, kẻ bị thương, tiếng la, tiếng khóc. Ôi một chiều mưa kinh hoàng khi mẹ dẫn con trốn xa cơn tàn sát. Những người còn sống sót chạy tản mác vào rừng phi lau trực chỉ “Cửa-Hội” tìm thời thoát. Mẹ ơi! Con thấy mẹ mạnh mẽ phi thường. Mẹ gánh chạy suốt ngày và thâu đêm. Trên vai mẹ nặng trĩu một gánh không phải tiền bạc hay báu vật của nhà ta. Nhưng là hai đứa con của mẹ. Con Tư lên bốn, thằng Năm lên hai. Mẹ phải gánh chúng vì mẹ không thể một lúc vừa bế vừa dắt ba đứa con của Mẹ. Mẹ bảo con chạy theo mẹ. Con đuổi chạy hết nổi, vì đói và khát. Mẹ vẫn gánh hai em chạy và kéo con theo, ba ngày sau mới đến “Cửa-Hội”

Chiếc tàu Ba-Lan trống rỗng và lạnh lẽo. Họ xếp người lên tàu như sắp cá mắm. Từng cơn mưa lê thê ngày nối tiếp ngày, mẹ con ta ngồi trên boong tàu như đoàn chó đói dưới trời mưa…

Năm ngày lênh đênh trên biển cả, các em lên sưởi, đau thương hàn, chiếc áo nâu bạc màu của mẹ không đủ đắp cho hai em và che thân mẹ. Nhưng mẹ can đảm lạ thường, Mẹ hay đọc kinh và mẹ bảo con đọc theo mẹ. Thỉnh thoàng con thấy mẹ gạt nước mắt, môi mẹ hé cười hy vọng. Mẹ hy vọng gặp lại ba và các bác các cậu. Nhưng mẹ ơi! Khi tàu cập bến Đà Nẵng, Chẳng có ai tìm mẹ con ta, Người ta nói hai cậu đã bị tử trận Ninh Bình. Ba thì lạc trong chiến trận Bình Xuyên!

Chiều mưa Đà-Nẵng bơ vơ trên bến tàu, mẹ ôm con vào lòng, mẹ khóc tức tưởi, lần đầu tiên con thấy mẹ khóc. Nhưng Chúa đã thưởng công cho mẹ. Chỉ một tuần sau gia đình ta sum họp vui vầy. Ba được giải ngũ, đưa gia đình về lập nghiệp tại Phan Thiết, một thị trấn ngư nghiệp phồn thịnh của miền Nam.

Phan-Thiết những chiều mưa thanh bình, thuyền nhà ta thường chở đầy cá vô bến vào những chiều mưa thân thương. Con ưa giang nắng thả diều và đi bắt cá hơn là đi học. Mẹ phải khuyên con hoài:”Đời ba con như rứa là hết, con phải cố gắng học hành để dìu dắt các em d8i lên”.

Mùa thu năm 1957 Phan Thiết gió bão kinh hoàng. Nhà cửa ven sông Xã Đức Thắng sụp đổ tơi bời, ghe thuyền chìm lật ngoài cửa lạch. Thuyền nhà ta mắc nạn, 2 người chết, ba bị thương nặng, Cũng ngày đó, con được giấy gọi nhập trường triểu chủng viện. Mẹ cáng đáng lo lắng mọi sự. Mẹ đưa ba vào nhà thương buổi chiều, đêm mẹ phải về soạn hành trang cho con đi học xa. Mẹ nói ngày sinh con ra mẹ đã thề hứa rằng sẽ dâng cho Chúa. Đêm đó con xao xuyến không ngủ vì biết phải xa mẹ, xa nhà. Mẹ thức trắng đêm bày dạy cho con mọi điều cần thiết. Sáng ra mẹ thức dậy sớm thổi xôi, phần cho con ăn, phần gói đi đường. Chuyến Xe đò Lưu-Văn đưa về Sài Gòn dưới trời mưa. Xe chạy xa rồi, mẹ còn đứng nhìn theo con sau làn mưa! Những tháng năm Tiểu Chủng Viện của đời con êm đềm trôi với giấc mộng thiên thần. Con càng ngày càng lớn, càng tha thiết học và cầu Chúa cho con bước trọn con đường mà mẹ đã cầu khẩn. Vì phải săn sóc cho ba bệnh hoạn và lo lắng cho các em, mẹ mỗi ngày một tiều tụy hao mòn. Tóc mẹ bạc đi thật nhiều. Người ta vẫn chào mẹ là bà Cụ, trong lúc mẹ chưa quá 50.

  Ba đau, mẹ yếu. Các em bơ vơ, tình trạng kinh tế nhà ta sa sút, nhiều đêm con trằn trọc muốn tìm một quyết định nào đó để đáp đền chữ hiếu. Mẹ đã đọc được nổi ưu tư của con, và mẹ khuyên con hãy biết tín thác nơi Chúa và dạy con thâm tín rằng: người nghèo vẫn dễ gần Chúa hơn. Mẹ muốn con gần Chúa và tận hiến cho lý tưởng cao hơn là cuộc sống cơm áo tầm thường.

   Mồng 2 tháng 11 năm 1964 ngày lễ các Đẳng linh hồn, một ngày sau cuộc đảo chánh 1, cả nhà ta về Sàigòn dự 8 đám tang. Tang của Chú và 7 người trong họ. Sàigòn chiều đó mưa thê lương như khóc thương cho người anh hùng phận bạc. Đêm đó ở trại gia binh thành Onjiemè, cả nhà ta khóc, cả họ ta khóc. Xong lễ tang, Ba đưa con ra bến xe  MinhTrung. Con lên đường đi Đà-Lạt nhập học college Pontifical. Ba về Phan Thiết.Mẹ thì còn ở lại an ủi thím, các dì và săn sóc các cháu trong lúc cô đơn.

  Con về Đà-Lạt, mẹ ạ, mưa chiều phơn phớt lạnh. Nắng Cao Nguyên nhạt nhòa trên cỏ xanh. Rừng thông vi vu như lời tình ca muôn thưở! Người ta vẫn gọi Đà-Lạt là vùng đất của tình sử. Đà Lạt với rặng núi Lambiang trải dài như tiên nữ giang tay với trời xanh. Đà -Lạt với đêm trăng mờ huyền thoại của Hàn Mạc Tử. Đà-Lạt với hoa Anh Đào thơ mộng, với thác Cam-ly, với hồ Than thở. Đà-Lạt như một trang thơ của Việt Nam mến yêu. Người ta vẫn gọi Đà-Lạt với nhiều tên rất nên thơ: xứ hoa anh đào, xứ sương rơi, chốn ngàn thông!

  Và Mẹ ơi, con của mẹ đã được Đà-Lạt mở rộng vòng tay huyền sử đón vào! Collège Pontifical, Học Viện Giáo Hoàng trông thật hùng vĩ, hoành tráng trên một khu đồi cao nhìn xuống hồ Xuân Hương. Lối kiến trúc thật tân kỳ như một hòa điệu giữa hai nền văn hóa Tây-Âu, và Đông Phương. Những đường thẳng, những góc cạnh ăn hợp với nhau. Collège Pontifical có thư viện khoảng 300 ngàn cuốn sách được phối trí bằng phương pháp khoa học hiện đại. Ai thăm viếng đều có nhận định rằng: Học Viện Giáo Hoàng là tiêu biểu cho một nền văn hóa Việt Nam đang vươn lên.

  Mẹ ơi! mẹ đã có mặt nơi đây, ba mẹ và các em lên Đà-Lạt chiều trước con thụ phong Linh Mục. Chiều đó Mẹ ơi; ngày 16 tháng 12 năm 1972, Đà-Lạt mưa thật nhẹ nhàng, nhẹ cho khách phương xa cái cảm giác lành lạnh đáng mến nhớ.

  Mẹ đi dự lễ con với áo dài nhung màu đen, đầu trùm khăn cũng màu đen, ba và các em con thì run lạnh vì không mang theo áo lạnh, Cả nhà ta lưu lại trong phòng khách Học Viện suốt cả buổi chiều. Ba mẹ đã cho con một vật kỷ niệm mà ba mẹ đã mơ ước từ lâu: Chiếc Chén Thánh mạ vàng. Mẹ trao Chén Thánh cho con mà tay mẹ run run, mẹ nói cho con nghe vàng trên chiếc Chén quý báu này do nhẫn cưới của Ba, giây chuyền của mẹ, và thánh giá của bà ngoại. Bà ngoại trao cho mẹ cây Thánh giá vàng lớn, trước khi bà tắt thở, mà muốn cháu ngoại bà dùng báu vật này dâng cho Thiên Chúa.

  Mẹ trao chén Thánh cho con, con thấy mắt mẹ sáng lạ thường, như ánh sáng niềm tin đã thắp sáng mắt mẹ, soi dẫn suốt cả đời mẹ. Mẹ bảo con: “con ơi! Ngày nào con nâng chén Thánh nầy, con hãy nhớ là bạn hữu của Chúa. Con được gọi đễ chia sẻ chén đắng của Ngài. Đau khổ và hy sinh sẽ là lễ hiến té của đời con. Ngày nào con chấp nhận uống chén đắng của Chúa thì ngày đó con mới trung thực là con,. Người được Chúa gọi”.
Mẹ ơi! Lời mẹ nói thật sâu xa, mẹ chỉ là một người đàn bà nhà quê, nhưng lời mẹ dạy con chiều đó hàm chứa đầy tư tưởng Triết lý và Thần học. Con đã đọc nhều Teichard de Chardin, một Triết gia sâu xa, có cái nhìn siêu việt vể vũ trụ vật thể. Con đã chiêm niệm tư tưởng cua Martin Heideddger, triết gia Hiện Tương Luận, Karl Rharner, một Thần học gia công giáo hiện tại. Nhưng Teichard de Chardin, Martin Heiddeger và Kark Rharner đã không ghi đậm cảm-thức của con bằng lời mẹ dạy con chiều đó.

  Ngày vinh quy, con về làng giữa với muôn ngàn cờ xí tung bay, cả làng ta vui mừng như như một ngày lễ hội lớn! Ngày đó ba mặc chiếc ào dài xanh chữ thọ, mẹ vẫn mặc chiếc áo dài nhung đen. Ôi khôn mặt đáng kính của ba mẹ ngày đó suốt một đời cầu nguyện, suốt một đời hy sinh cho con, để thấy một bông hoa thiên triệu con nở trọn vẹn.

  Tháng Tư năm 1973, Phan-Thiết chiều mưa giông, sóng vang, biển động. Cả nhà ta họp mặt suốt đêm. Người bàn ra, nói vào việc con tình nguyện chấp nhận đi nhiệm sở Tánh Linh, một quận lỵ vùng giới tuyến địa đầu của tỉnh Bình-Tuy. Nơi đây chiến trận tàn khốc vừa xảy ra. Các em con khóc nhất định không để cho con đi. Họ hàng ai cũng phản đối, họ nói con còn trẻ, không dại chi cáng đáng một  trách nhiệm quá khổ và nguy hiểm. Ba thì ngồi trầm ngâm, con hỏi ba chỉ ngần ngại: Việc đó tùy con. Nhưng mẹ đã thắp sáng can đảm cho con: “Con cứ nhận lời của bề trên, hãy tin rằng Chúa ở với con và phù trợ con.” Thế là sáng mai con lên đường, Rừng lá bị địch quân án ngự. Xe đò may mới lọt được một chiếc, Từ ngã ba Ông Đồn trở vào quận lỵ Tánh-Linh, đường đầy dẫy những mìn bẫy và hầm hố. Và trên cuộc hành trình gian khổ đầu đời này, mẹ đã đi với con. Trong vùng giáo đường đổ nát hoang vắng vì chiền tranh này. Mẹ đã cầu kinh với con trong những sáng tinh sương khi họ đạo đang say ngủ với núi rừng. Mẹ đã giúp con đem lại niềm tin cho mấy ngàn giáo dân quận Tánh Linh lạc lỏng nơi địa đầu chiến tuyến.

  Mồng 9 tháng 12 năm 1974, quận lỵ nầy bị bao vây suốt 2 tuần, không tiếp tế, không yểm trợ, vì  họng súng phong tỏa của địch đã chặn đứng mọi nẻo tiếp viện. Quân ta chiến đấu trong tuyệt vọng cho đến đêm 23 tháng 12 năm 1974, một đêm mưa phùn và giá lạnh. Một thứ giá lạnh núi rừng. hang ngàn trái hỏa tiễn của giặc đã san bằng quận lỵ nầy.

Sáng 24 tháng 12, giặc tràn ngập quận lỵ, xác chết quân ta rải rác trên đường, 14 ngàn dân đói rách liều chết tập trung khu vực giáo đường. Đại bác địch vẫn nổ đều vào những công thủ còn lại. Tin Tánh Linh thất thủ được truyền đi khắp nơi, Con và 14 ngàn dân bị dẫn vào tại mật khu Suối Kiết- Bà Tá và sau cùng Hiếu-Lễ. Những đêm cuối cùng tháng 12, trời rừng núi Tánh Linh lạnh buốt đến xương tủy, nhưng con không sợ cái lạnh của trời đất. Con không thấy cực khổ khi phai đi học tập giữa đêm lạnh trong rừng sâu, nhưng người dân nghèo luôn ở bên cạnh con. Họ là niềm vui và an ủi cho con. Chỉ tủi một điều là phải vĩnh biệt ba mẹ và các em.

Một tháng sống giữa rừng con ngã bệnh trầm trọng. Cách Mạng tha cho con khỏi đi học tập cải tạo. Họ cho một gia đình người Chàm săn sóc con, như trời xui khiến, gia đình người Chàm Cọng này thương xót con, họ hỏi con muốn gì họ giúp, con ái ngại nói với họ, con muốn trốn đi về vùng quốc gia. Họ sửa soạn một cỗ xe bò, họ giấu con vào đó!  Rồi ngày đêm vượt rừng núi Huy-Khiêm xuyên đồng bằng Vỏ Xu. Cuối cùng con đến quận Vỏ Đất, một quận lỵ trong tình trạng xôi đậu, ông quận trưởng Nguyễn Văn Xinh đưa con về ẩn trú dưới hầm bộ chỉ huy tiền phương.

Mẹ được đem đến tiểu khu Bình Tuy để gặp con qua điện thoại siêu tần, Mẹ ơi! mẹ có biết con sung sướng mức nào khi nghe tin mẹ gọi con. Mẹ chỉ kêu tên con và mẹ khóc. Nước mắt con tràn trụa. Chưa bao giờ trong đời con cảm thấu tình mẫu tử sâu xa thắm thiết cho bằng lúc đó.

  Tòa Giám Mục Nha Trang hay tin con còn sống gọi điện chia mừng. Đức Cha Nguyễn Văn Thuận nhờ Tướng Nguyễn Văn Hiếu đáp trực thăng đón con.
 
Con được đưa về bệnh viện Binh Tuy điều dưỡng, Người ta vào nhiều chai nước biển cho, họ nói với con con chỉ bị kiệt sức chỉ cần điều dưỡng ít lâu la khỏi. Nhụng con biết con bị đau gan nặng vì nhiễm độc bởi nước suối. Con lên cơn sốt liên hồi, khi tỉnh khi mê. Khi con tỉnh dậy, y tá cho con hay mẹ đã ở bên cạnh giường con suốt những giờ con mê sảng. Theo lệnh bác sĩ con phải dưa vào Saint Paul Sài Gòn để điều trị lâu ngày. Cơn bệnh con chưa dứt thì nghe tin điện đánh về tỉnh Phan-Thiết thất thủ! Con như điên như loạn suốt ngày đi săn tin tìm gia đình ba mẹ và các em. Anh em hải thuyền cứu gia đình ta, họ đưa ba mẹ vào Vũng Tàu. Con xuống Vũng Tàu ngày 20 tháng Tư. Mẹ ơi! ba trông thật tiều tụy, còn mẹ thì trông già. Mẹ gọi mình con mẹ hỏi: Tình hình nước nhà đến đâu rồi con? Nếu con đi đâu con nhớ giúp dân làng đi với. Con về lại Sài Gòn, hai hôm sau đường Sài Gòn Vũng Tàu bị cắt, con tìm cách chạy chữa để xuống Vũng Tàu đưa ba mẹ về Sài Gòn. Con đã tận sức, nhưng đã bất lực.

Sáng 22, sau thánh lễ cho các bệnh nhân, Souer Giám đốc Saint Paul trao cho con bức thư nhỏ của mẹ viết cho con từ Vũng Tàu, một nhân viên y tế đưa về tối qua, mẹ cho con hay: người trốn từ Bình Tuy nói với mẹ rằng: địch quân ra lệnh truy tầm gắt gao những người có liên hệ trong mặt trận Tánh Linh-Bình Tuy. Mẹ bảo con tìm cách ra đi càng sớm càng tốt, đừng lo cho ba mẹ và gia đình. Con bàng hoàng vâng lời mẹ dạy, 12 giờ trưa hôm đó, ông Giám đốc nhi đồng ghé Saint Paul, ông đưa con ra phi trường Tân Sơn Nhất, thủ tục 10 phút là xong xuôi, con đi nhập với một gia đình Mỹ-Việt. Khi bước chân lên chiếc máy bay U.S air forces, con thấy mặt mày tối tăm, tim con đập mạnh, con muốn khóc, muốn ở lại, tôi ở lại với ba mẹ, với quê hương Việt Nam. Nhưng một sức mạnh vô hình nào đó lôi kéo con đi! Cánh cửa máy bay đóng sầm lại, bầu trời Sài Gòn Việt Nam cũng đóng lại trước mặt con. Tiếng động cơ rên la đưa cả khối sắt khổng lồ lên cao, cao thật cao, con mong muốn tìm một cửa sổ để nhìn lại hình ảnh cuối cùng của SàiGòn. hòn ngọc của Viễn Đông, nhưng một sĩ quan người Mỹ đã đẩy con ngồi xuống. Con bồi hồi hồi buột miệng khẻ đọc câu thơ như một lời tiên tri:

    “Còn đâu thành phố Sài Gòn!
    Trái tim dân tộc, linh hồn tự do!”

Thế là mẹ ơi! Vì lý tưởng tự do, vì biết mình trọn kiếp không thể đội trời chung với chủ thuyết cọng sản vô thần, con đành gạt nước mắt ra đi ra, đành bỏ lại đàng sau ba mẹ và gia đình. Đành bỏ lại đàng sau xứ đạo thân yêu, bạn bè cũ, mới. Đành bỏ lại quê hương Việt Nam mến yêu! Buồn ra đi mà không ước hẹn ngày trở lại!

  Con đến Guam sau chín giờ bay mệt mỏi, chán chường, Nắng đảo Guam như thiêu như đốt, nhưng người Việt bắt đầu học bài thứ nhất của cuộc đời tha-hương:”sắp hàng chờ ăn”.
Chiều 30 tháng Tư đã có chừng 1500 người Việt tại căn cứ Anderson. Sau Thánh lễ chiều chúng con hát bài Thánh ca:” Mẹ ơi đoái thương xem nước Việt Nam”. Người ta khóc như mưa, con cố cầm nước mắt cho cuộc lễ tôn giáo không mất sự trang nghiêm. Nhưng mẹ ơi! Tim con tan nát thành trăm ngàn mảnh, vì từ đây con đã đánh mất quê hương, trở thành một người vô tổ quốc!
 
Nắng đảo Guam như thiêu như đốt, như hất hủi. Mưa Florida như vùi ngập phủ phàng. Tuyết Chicago hờ hững lạnh lùng, đã xói vào tâm tư con nỗi niềm tủi hận vô cùng.

Những nhà chọc trời cao vời vợi, những phố phường lộng lẫy xa hoa. Cuộc sống văn minh tiện nghi chỉ làm cho con thấy mình xa lạ và lạc lõng bơ vơ.

Mẹ ơi, tuy con xa mẹ, xa nhà, quê hương con bỏ lại đàng sau mịt mù mây khói! Nhưng con luôn luôn ấp ủ quê hương trong trái tim mình! Tuy xa quê hương nhưng niền yêu mến quê hương mãi mãi canh cánh bên lòng! Con vẫn nguyện cầu ngày đêm là một mùa xuân năm nào, khi đất mẹ không còn bè lũ cọng sản cọn đồ, khi trên đất nước Việt Nam ta còn bóng cờ lá cờ đỏ hôi tanh mùi máu, con của mẹ sẽ trở về, không với danh phận một chú Việt kiều vô tư lự hoặc một du khác bàng quang, mà là một người con của mẹ đi xa nay trở về xây dựng lại một Việt Nam lành mạnh oai hùng, một Việt Nam không hèn nhát cúi luồn trước quyền lực ngoại bang, một Việt Nam ngạo nghễ nêu cao ngọn cờ vàng biểu trưng cho gía trị tự do, dân chủ và nhân quyền!

  Mẹ ơi! Viết đến đây, con thấy con chưa nói được gì lòng mình muốn nói. Vì con biết rằng trang thư này không bao giờ đến tay mẹ. Con viết lên là viết cho con, cho đồng bào con, cho những người anh em Việt Nam khắp nơi trên thế giới cùng chung lý tưởng tự do! Con viết cho vơi đi niềm đau nỗi nhớ, viết cho gió, viết cho mây, viết cho thời gian chập chùng, viết cho không gian vô tận.

Mẹ ơi! Con tin rằng lý tưởng tự do và dân chủ dân quyền và tình thương mạnh hơn vạn lần là sự xa cách phân ly! Tư duy về một quê hương Việt Nam tư do no ấm sẽ siêu việt trên sự chia cách biền biệt của gia đình ta và riêng trong trái tim con. Con mãi mãi tin không gian sẽ không phai nhòa và thời gian không biền biệt tình mẹ tình con.

Thiên Chúa gìn giữ cho ngọn đèn trông cậy luôn ngời sáng trong trái tim của mẹ và lòng hiếu kính của con! Trong niềm Tin Yêu và nỗi nhớ thương gắn bó ngút ngàn đó, con kính cẩn dâng về mẹ và quê hương Việt Nam mến yêu trọn vẹn cõi lòng con.

Con của mẹ

Nguyễn Quốc Hải