Home Văn Học Tùy Bút Đi Tìm Lại Cuống Nhau

Đi Tìm Lại Cuống Nhau PDF Print E-mail
Tác Giả: Lý Lạc Long   
Chúa Nhật, 06 Tháng 6 Năm 2010 10:00

Mọi việc trên đời đều vô thường. Nhưng dường như có một thứ luôn luôn tồn tại đó là LÒNG MẸ, hiện diện từ thuở sơ khai của con người cho tới ngày nay và có lẽ mãi về sau.

 
Trong "Cung Oán Ngâm Khúc", Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã nhắc đến tiếng khóc chào đời của đứa bé sơ sinh, tiếng khóc của một con người khi vừa đứt cuống nhau, bắt đầu cuộc hành trình của một đời người bất kể sang hèn, giàu nghèo, đẹp xấu, giới tính ...
"Thảo nào khi mới chôn nhau,
Đã mang tiếng khóc bưng đầu mà ra!"
Lời thơ như xoáy sâu vào tâm khảm, nỗi khắc khoải triền miên của con người trong suốt cuộc hành trình đi tìm lại cuống nhau đã một lần bị cắt .

Trong phim tài liệu "Kỳ diệu của sự sống" (The miracle of life), người ta dùng những phương pháp tân kỳ nhất của khoa học kỹ thuật để ghi lại diễn tiến việc hình thành một con người, từ lúc thụ thai cho đến lúc chào đời. Xem phim như đang xem chính mình trong cuộc hành trình vài mươi năm về trước. Từ cái cục thịt bé tí ti , bắt đầu có tứ chi, cái đầu cựa quậy... bơi lội trong dòng suối tình yêu của lòng mẹ. Cuống nhau nối liền sự sống của người mẹ và thai nhi. Tôi đã được nuôi từ chất sống của mẹ, từ chính nhịp tim của mẹ, từ tình yêu ấp ủ của mẹ ... Tôi đã ở đó và chắc cũng đã ca vang:
"Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào,
Tình Mẹ tha thiết như giòng suối biển ngọt ngào,
Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào.
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu."
(Lòng Mẹ -Y Vân -)

Cho đến một ngày, tôi phải khóc "oa oa" để phản đối vì bị kéo ra khỏi thiên đường lòng mẹ. Cuống nhau truyền sự sống cho tôi từ lòng mẹ đã bị cắt. Thật đúng là một mâu thuẫn "sự sống lại bắt đầu từ việc mất sự sống". Từ đó, trong vô thức đứa bé trong tôi đã luôn đi tìm lại cái cuống nhau bị đứt. Cuống nhau có thể nói là một biểu tượng khởi nguyên cho mọi thứ biểu tượng khác của cuộc đời. Cuống nhau có thể là hình ảnh một đám mây, một dòng suối, một đốm lửa... Những mục tiêu chân-giả ta đang cố đuổi bắt trong đời sống thế nhân .

Nếu đi trọn kiếp nhân sinh thì cuộc đời của một người có bốn lần khóc chính. Tiếng khóc đầu tiên là lúc lọt lòng mẹ. Tiếng khóc thứ nhì là lúc rời xa mái ấm gia đình để tự sống, tự lập thân. Tiếng khóc thứ ba là lúc bước sang tuổi trung niên, phải rời tuổi thanh xuân đầy nhựa sống thường là một sự khủng hoảng cho một người. Các nhà tâm lý học gọi thời gian này là sự khủng hoảng của tuổi trung niên (middle life crisis). Nói nôm na là tiếng khóc tuổi sồn sồn , một tiếng khóc mang tính chất giẫy dụa. Vì cảm giác mất mát và trống rỗng, "đứa bé sồn sồn" sẽ hung hăng tìm cách gỡ gạc lại từ đời sống bằng nhiều hình thức như tìm thêm một chỗ đứng để bớt hụt hẫng bên trong, kiếm thêm vài món "trang sức cuộc đời" để che dấu cảm giác trần trụi bên ngoài... Còn tiếng khóc cuối cùng là tiếng khóc "mùa thu lá bay" của cuộc đời. "Đứa bé già" không khóc thét được như trẻ sơ sinh, một tiếng khóc âm thầm ẩn trong những giọt lệ long lanh trên khóe mắt khi nhìn chiếc lá vàng mùa thu lặng lẽ rớt lìa cành . Cái cảm giác của sự "nhận biết" cuống nhau của cuộc đời hiện tại sắp bị cắt để đi vào một thế giới khác.

Nói đến tình mẹ, thì dường như ai cũng dễ dàng cảm nhận được. Bởi tình mẹ, một tình thương ngọt ngào, gần gũi và thân quen với chúng ta . Mẹ, bằng cử chỉ âu yếm, vỗ về, nâng niu, bảo bọc với những ngôn từ nhẹ nhàng, trìu mến v.v... luôn đem đến cho con một cảm giác êm mát, dịu hiền. Mẹ, lúc nào cũng quấn quýt bên con, luôn chia xẻ với con những vui buồn, được mất, những nỗi niềm tâm sự nhỏ to, đáp ứng hầu hết những yêu cầu và ước muốn của con.

Hầu hết chúng ta thường gần gũi và thương yêu Mẹ hơn Cha, ai cũng nhận thấy như vậy và công nhận chuyện này cũng như đồng ý là nếu không có Cha thì Mẹ cũng không tạo ra được mình. Từ xưa người ta đã thắc mắc tại sao đa số các đứa con trên trái đất này lại có một tình thương "không đồng đều" cho mẹ và cha như vậy? Người ta đã đưa ra nhiều giả thuyết rất hữu lý để giải thích cái hiện tượng "bất công" này nhưng phần lớn không có cơ sở để chứng minh được theo phương pháp khoa học thực tiễn nên lý thuyết ... ngày xưa ...chỉ là lý thuyết suông . Nhưng hiện giờ, những nghiên cứu với sự giúp sức của các phương tiện kỹ thuật tân tiến như trong phim "Kỳ diệu của sự sống" nói trên và rất nhiều công trình nghiên cứu khác của các nhà khoa học về lãnh vực này. Theo tôi thì bất cứ người đàn ông nào xem qua các công trình nghiên cứu khoa học (tài liệu, phim ảnh ...) này đều phải vui lòng chấp nhận cái sự "thiệt thòi" của người Cha. Vì những đứa con đã nhận tình thương từ lòng mẹ, đã vui buồn, đã vất vả cùng với người mẹ từ lúc tượng hình trong bụng mẹ. Tình thương của người cha thì những đứa con chỉ có thể cảm nhận được sau khi chào đời. Cuối cùng thì khoa học cũng đã giúp mọi người "hiểu" được và chấp nhận là tại sao tình thương của những đứa con dành cho mẹ nhiều hơn cha . Cái tình thương tưởng chừng như bất công nhưng thật ra rất là hợp lý lẽ và công bằng.

Ở bất cứ nơi nào trên thế giới, tình mẹ cũng đưọc vinh danh, người Âu Mỹ đặt ra ngày Hiền Mẫu ( Mother Day 14/5) để vinh danh tình mẹ . Nhưng có lẽ đúng như nhà văn Trà Lũ đã nhận xét trong cuốn Đất Thiên Đàng : "Ở đây, mỗi năm một lần, con cái mới nhớ tới cha mẹ, mới mua quà, mới mua thiệp, mới mời đi ăn tiệm. Việt Nam mình hơn hẳn họ mặt này. Chúng ta yêu mẹ quanh năm. Từ bé cho đến trưởng thành, chúng ta quấn quýt bên mẹ"...

Thắp một nén hương trầm trước di ảnh mẹ, một thoáng suy tư tìm về nguồn cội . So với tuổi đất trời, trăm năm đời người chỉ là một "sát na" . Lẽ trời sinh diệt, lịch sử như dòng sông, anh hùng như đợt sóng, mọi chuyện rồi sẽ qua đi, biến cố cũng chìm theo năm tháng, hơn thua thành bại rồi cũng hóa hư không. Mọi việc trên đời đều vô thường. Nhưng dường như có một thứ luôn luôn tồn tại đó là LÒNG MẸ, hiện diện từ thuở sơ khai của con người cho tới ngày nay và có lẽ mãi về sau. Lòng Mẹ là linh chất nhiệm mầu mà tạo hóa ban tặng cho loài người. Từ ngàn xưa, hằng bao nhiêu thế hệ tiếp nối nhau để duy trì và phát triển, bất chấp sự khắc nghiệt đến cuồng nộ của thiên nhiên, chịu đựng được sự bất công đến tàn nhẫn của con người ... Đó là nhờ Lòng Mẹ vẫn bao la, vẫn dịu dàng ấp yêu che chở cho đàn con khôn lớn. Để rồi chúng cuốn theo dòng trôi, làm chất liệu tiếp nối cho lịch sử tiến bộ đến ngàn sau. Đàn con ra đi có đứa không về . Lòng Mẹ đớn đau khôn xiết. Những đứa khác lại cứ mãi mê theo đuổi lợi danh, tình ái, ... quên hẳn mẹ già đang mong đợi ngóng trông. Lòng Mẹ vẫn bao dung không phiền trách. Cho đến một ngày mẹ già nhắm mắt xuôi tay, những đứa con mới hiểu rằng chúng đã vô tình, đã quên đi đạo hiếu : Phụ mẫu tại đường, tử bất khả viễn du.

Nỗi đau mất mẹ, xen lẫn niềm ân hận, dằn xé tâm hồn đứa con, lệ nhoà mặn đắng, không làm vơi đi những chất chứa chợt dồn về. Bàn thờ tổ tiên có thêm di ảnh mẹ, bên ngọn đèn thờ leo lét, mắt mẹ vẫn buồn xa xăm. Chén cơm dâng cúng mẹ nằm lặng lờ... Từ ký ức vọng về câu hát mẹ ru thuở trước làm tăng thêm nỗi niềm đau xót của đứa con lỗi đạo : "Ngó lên nhang tắt đèn mờ/ Muốn nuôi cha mẹ bây giờ còn đâu! "
...
Hôm nay biết đã muộn màng
Đường xa vạn dặm quan san dãi dầu
Tang thương bể hóa nương dâu
Dầm sương đội tuyết gối đầu gió sương
Bỏ quên đạo nghĩa cương thường
Đớn đau lòng mẹ tình thương vẫn đầy
Nén hương tàn, khói loãng bay
Nhìn di ảnh mẹ mắt cay lệ nhòa
Mẹ ơi, xin hãy thứ tha
Đứa con lỗi đạo bôn ba một đời
Mơ ngày con nước về khơi
Thái bình lòng mẹ nghe lời ru xưa .