Home Văn Học Tùy Bút Cô Bạn Học

Cô Bạn Học PDF Print E-mail
Tác Giả: Phương Triều   
Thứ Tư, 09 Tháng 6 Năm 2010 10:04

  Trăng xóm lui đèn:
Hỏi hoa phượng cũ rụng đầysân đâu ?

Quê tôi Xóm Cửi, làng Tân Vĩnh Hòa Sa-đéc có nghề dệt chiếu gia truyền, và nếu tôi nhớ không lầm thì Xóm Cửi không có hoa phượng mà có một loại hoa trẻ con yêu thích được trồng nhiều là bông bụt (còn gọi là bông bụp hoặc bông lồng đèn). Ngoài ra còn có rải rác một vài loại hoa khác như huệ, bông giấy, vạn thọ, mồng gà...

Mùa nước nổi, rạch Sa-đéc nằm giữa thành phố đưa phù sa lên tràn ngập ruộng vườn. Nhiều nơi trồng cây không cần bón phân vẫn tốt, nhứt là cây ăn trái. Từ đầu trên xuống tới xóm dưới đều có các loại cây ăn trái như vú sữa, xoài, mận, chùm ruột, ổi... Cây nào cũng oằn trái.

Khi học hết Tiểu học tôi lên Sàigòn vào Trung học. Một hôm cô bạn cùng lớp hỏi, "Anh có thích hoa phượng không?".

Tôi bần thần, "Hoa phượng là hoa gì?".

Cô bạn ngạc nhiên cười, "Là... hoa quê một cục! Hoa phượng mà cũng không biết!".

Tôi đổ quạo, "Nhưng mầy có biết bông bụt và bông ô môi không?".

Cô bạn cũng nổi sùng, trề môi, "Tao cần gì biết những thứ bông nhà quê đó! Hứ!...".

Rồi cô bạn ngoe nguẩy bỏ đi chỗ khác.

Ở xóm tôi, con trai con gái cùng trang lứa thường xưng hô mầy tao, không có chuyện anh anh em em hoặc gọi tên và xưng "mình"". Lớn hơn một chút thì con trai xưng là "tui" và gọi con gái là "nhỏ". Chẳng hạn tôi nói với cô bạn cùng xóm, "Mai mốt tui lên Sài-gòn học chắc tui nhớ nhỏ lắm!".

"Nhỏ" vặn hai bàn tay, "Tui cũng nhớ người ta chớ bộ!".

Chị tôi trợn mắt, "Hai đứa bây còn mũi dãi lòng thòng, ngày nào cũng "mút cà - lem cây hít nước đá nhận" mà bày đặt nhớ nhớ thương thương! Đồ tiểu yêu!...".

Bị chị la rầy, nhưng hai đứa vẫn lén gặp nhau và tặng ảnh cho nhau. Sau lưng bức ảnh có chữ đề nắn nót:

Thương nhau mới tặng ảnh nầy
Không thương ai tặng ảnh nầy làm chi?

(Ở Sàigòn, câu thứ hai có khác: "Để làm kỷ niệm những ngày xa nhau". )

Không biết tác giả hai câu nầy là ai, nhưng chúng tôi đứa nào cũng thuộc nằm lòng, hễ có dịp là đề sau bức ảnh.

Bởi vì hai câu đó hay ho quá chừng! Sau nầy lên Trung học, mỗi lần viết lưu bút có tặng ảnh là tôi chêm hai câu đó vô!

Ở quê tôi thời đó, ảnh là một báu vật của đời người, không phải đụng ai cũng tặng, cũng... đề thơ! Mỗi lần muốn chụp ảnh (thường là vào dịp Tết) thì trước đó phải chắt mót để dành tiền. Tới ngày chụp ảnh (quê tôi nói là "chụp hình") phải tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo mới. Con trai đầu chải bảy-ba sao cho phồng ổ gà và có trét "bin-tin" để tóc khỏi xù vì ở quê gió mạnh lắm. Con gái thì tóc xức dầu dừa ướp bông lài, kẹp tóc bằng cái kẹp dẹp bằng nhôm chớ không buộc bằng dây thun như ngày thường. Quan trọng nhứt là khi ngồi trước ống kính phải "gò" sao cho khuôn mặt đẹp trai đẹp gái. Đặc biệt là không cười vì sợ phô ra hàm răng sún hoặc răng càng dế!

Bây giờ đã gần bảy mươi tuổi, tôi vẫn không biết tác giả hai câu thơ trên. Nhiều khi tôi thầm nghĩ, cả đời cầm bút, gom lại hết bài vở đã viết của tôi cũng không thể nào có hai câu hay ho bằng hai câu đó. Nhứt là hai chữ "làm chi". Hỏi mà không trả lời được. Không thương thì tặng ảnh "làm chi"?

Bị chê là nhà quê, tôi ngượng ngập quay nhìn chỗ khác. Không những quê một cục mà còn quê xệ! Bình thường tôi hay cà rà theo cô bạn học nầy nhưng kể từ hôm đó tôi thường né mặt cô và để tâm tìm hiểu về hoa phượng.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về hoa phượng là như vậy nên "nỗi buồn hoa phượng" của tôi có khác với những người khác. Người ta nói những mối tình học trò thường kèm theo "nỗi buồn hoa phượng". Nhưng tôi và cô bạn đã mắng nhiếc xài xể nhau như vậy thì còn chi nữa mà có... "nỗi buồn hoa phượng"?

Cô bạn từng mắng tôi là nhà quê, sau nầy gặp lại đã vỗ vai tôi, "Ê, ông nhà báo!... Đã biết hoa phượng chưa?".

Tôi cười, "Còn bà kỹ sư điện... đã biết bông bụt, bông ô môi chưa?".

Trong lớp tôi còn một chuyện đáng nhớ nữa. Hôm đó, giáo sư Việt văn bị kẹt xe không tới lớp được. Trường cho lớp tôi được "tùy quyền". Bốn bàn đầu nói về chuyện Thạch Sanh - Lý Thông bỗng chia thành hai phe cãi nhau dữ dội. Một phe kể đúng theo chuyện cổ tích: Thạch Sanh chém chằn xong đưa công chúa lên khỏi hang trước. Và, Thạch Sanh chưa kịp trèo lên thì đã bị Lý Thông lấp hang, cướp lấy công lao.

Phe kia nói rằng không phải vậy. Rằng, có một sự nhầm lẫn. Công chúa vừa xấu vừa hung dữ lại nóng tánh (vì không phải công chúa nào cũng đẹp cũng thùy mị dịu hiền). Vừa thấy mặt Thạch Sanh, công chúa đã xáng cho Thạch Sanh một bạt tai nháng lửa, "Sao giờ nầy mới tới hả mậy?". Thạch Sanh chới với tưởng công chúa là chằn.

Còn chằn tự biết võ công của mình không bằng Thạch Sanh nên hóa thành một cô gái hiền lành dễ thương cười ỏn ẻn khiến Thạch Sanh "mê ly củ chìa" tưởng chằn là công chúa nên cứu chằn đưa lên khỏi hang trước. Thấy bản mặt gà mái lấm la lấm lét của Lý Thông, chằn phát ghét bèn "đục" Lý Thông một trận rồi lấp hang. Công chúa hối hận ở lại trong hang xin cùng Thạch Sanh kết tóc se tơ. Và, phe nầy kết luận rằng khi cuộc hôn nhân không có tình yêu thì chẳng khác gì ở trong hang không thoát ra được!

Thế là hai phe cãi nhau om xòm. Phe nào cũng có con trai con gái. Hai phe không dám oánh nhau vì sợ bị phạt "cấm túc", nhưng ám khí gồm có vỏ đậu phọng, vỏ hột dưa... bay đầy trời!

Thình lình cô bạn "hoa phượng" của tôi hùng hổ bước lên bục giảng điểm mặt cả hai phe, "Nè, cả hai câu chuyện đều là sản phẩm của sự tưởng tượng, hoàn toàn không có thật! Tại sao lại mất thì giờ cãi nhau vì một chuyện không có thật, hả? Hả, tụi bây? Chuyện có thật trăm phần trăm là bà bán cóc ổi chùm ruột đã tới ngoài cổng! Nếu "các em" huỡn thì hãy chạy ra cổng mua vài trái cóc trái ổi và gói chùm ruột vô đây chấm muối ớt nhai đỡ coi có vui hơn không?".

Cả hai phe đều nín khe. Về sau cô bạn được bầu làm Trưởng lớp. Dưới sự "lãnh đạo" của cô, cả lớp đều học giỏi, giáo sư nào cũng hài lòng.

Tôi đang cười trong dịp tái ngộ cô bạn "hoa phượng" nhưng bỗng hú hồn khi nghĩ ra một điều. Cô bạn nầy đẹp và học giỏi nhưng quá ư nóng tánh chỉ có thể để nhớ để thương để làm thơ thất tình hoặc đứng xa xa ngắm nghía thôi, chớ cưới "cổ" về, tánh "cổ" nóng như lửa cứ "oánh" mình thường xuyên thì mình chịu sao cho thấu?

Ngày nào em còn nhỏ
Vui năm tháng học trò
Hè về hoa phượng nở
Sân trường em nhởn nhơ

Lượm những hoa rơi rụng
Ép sách để làm quà
Có lúc chơi đánh búng
Bay nhảy chim sơn ca.
(Khánh Vân)

Chị Khánh Vân, tuổi thơ của chị thật đẹp! Nhảy cò cò, đánh búng, nhặt hoa rơi... Tuổi thơ của tôi ở quê không được như vậy. Giờ ra chơi, tôi thường dựa cột ngủ gà ngủ gật, tan học chạy u về nhà giúp ông bà ngoại đủ thứ công việc. Lên Sàigòn, bắt đầu Trung học đệ nhị cấp, ban ngày tôi đi làm tối đi học nên ít có dịp thấy hoa phượng trên sân trường vào ban ngày.

Sàigòn xưa, nhiều trường có trồng phượng vĩ nên Sàigòn thường rực rỡ sắc phượng hồng vào mùa hạ:

trong tôi thơm ngát phượng hồng
vây quanh tuổi nhớ nuôi lòng vấn vương
thương quê thương quá là thương
thương từ góc phố đến trường thân yêu.
(Song Vinh)

Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân từ biên cương về lại Bạc Liêu, hỏi thăm tin tức cô bạn học ngày xưa:

Ôi nhớ làm sao, tiếng sáo diều...
Đường xưa, nhà cũ, mái tường rêu!
Mấy mùa phượng nở, sân trường thắm,
Trang sách nào thơm, tuổi mới yêu!

Xóm Đạo, đường qua cầu mấy nhịp
Người em gái nhỏ, có còn không?
Tháng năm, tôi đã đi biền biệt,
Cô gái ngày xưa... chắc lấy chồng?
(Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân)

Tà Áo Nữ Sinh

Về sau cứ sợ bị con gái chê là nhà quê nên tôi cũng có làm vài bài thơ về hoa phượng. Nhưng sao nghe nó nhạt và gượng ép quá! Trong lòng tôi vẫn đậm đà hình ảnh bông bụt, bông ô môi! Và, khi nói về những mùa Hạ của tuổi học trò tôi vẫn thích nói về những tà áo nữ sinh. Những tà áo trắng, tà áo tím...

Tà áo trắng với Mùi Quý Bồng:

Em của những tháng năm hồng mộng ước,
Của những ngày trắng mát áo Trưng Vương.
Của những đêm sầu tím hồn thao thức,
Và những chiều vàng ấm tóc mây buông.
(Mùi Quý Bồng)

Và, tà áo trắng với Luân Hoán:

em có nhớ trong sân trường bữa ấy
giờ ra chơi em phơi nắng chiều đông
gió bấc khô làm đôi má se hồng
cùng chúng bạn em ngồi quanh gốc phượng

tà áo trắng xòe như đôi cánh lượn
trải dịu dàng trên cỏ mượt nà xanh.
(Luân Hoán)

Ông Luân Hoán, ông sướng nhé! Ông đứng ngắm một đám con gái ngồi quanh gốc phượng rồi ông làm những câu thơ hay quá chừng! Còn tôi, thấy cảnh đó thì vội vàng bét đi chỗ khác vì sợ con gái hỏi, "Ê, có biết gì về hoa phượng không?".

Tà áo tím:
chiều nay, lòng những bồi hồi
đón xuân đất khách, tuổi đời bảy mươi
nhớ thời áo tím xa xôi
thương người áo tím, ngoài khơi, xác vùi
đang xuân, lòng những ngậm ngùi
tình quê, áo tím khó nguôi nỗi buồn.

(Trọng Khang - Lan Châu)

Tà áo hoa cà:
Nhớ mùa nắng mới đung đưa
Cành xanh trĩu cánh phượng vừa nở hoa
Em đi mặc áo hoa cà
Trời hồng trên chiếc cặp da thắm màu.
...
Bốn mùa thu tím em ơi!
Hồn hoang theo gió mây trời về đâu?
Nhớ thương bạc nửa mái đầu
Phượng yêu năm cũ sắc mầu vẫn tươi?
(Nguyễn Thạch Kiên)

Nhớ tuổi học trò không những nhớ về hoa phượng mà còn nhớ những lá me bay. Sàigòn xưa có trồng nhiều cây me dọc theo những con đường lớn. Và, những người con trai thành phố ít nhứt cũng một lần thấy được lá me vướng trên tóc người yêu:

mây tháng tám em buồn như cỏ úa!
hạt mưa giăng mờ lối nhỏ trường xưa,
cành phượng nghiêng đợi nắng hạ trở mùa,
xao xác lá từng chiếc len song cửa.

đêm tóc rối em vùi trong gối lụa,
bỏ trường xưa quên những lối chân mưa!
bóng tàn cây soi xuống cốc nước dừa,
con đường cũ lá me rơi muôn thuở.
(Đỗ Bình)

và:

Tôi thương những sân trường
Những sân trường nhuộm vàng lá đổ,
Những sân trường ấm nắng mùa xuân.
Thương GIA LONG me lót bước chân
TRƯNG VƯƠNG cũ ngập hồng phượng vĩ
(Song Thi)

Với Hoàng Thượng Dung thì có đủ hình ảnh áo trắng, áo tím và lá me rơi:

hàng me rung lá đổ
áo trắng hồn Trưng Vương
Gia Long trời tím nhỏ
thương nhớ ngàn nhớ thương

Sàigòn ơi em ơi
đường xưa vắng chân người
Duy Tân sầu buông lối
ai về lá me rơi

Văn khoa công viên buồn
phấn bảng sầu tay thon
cổng trường ai đến muộn
nay dỗi hờn cô đơn
(Hoàng Thượng Dung)

Nói về mùa Hạ, về hoa phượng cũng không chỉ nói về lớp cũ trường xưa và những đồng môn giờ đã luân lạc bốn phương

Dù áo thư sinh đã bạc màu
Cuối trời lưu lạc vẫn tìm nhau
(Ngọc Hoài Phương)

mà còn nỗi nhớ khôn nguôi về thầy cô, những người từng một thời dìu dắt dạy dỗ ta trên con đường học vấn.

Thầy mãi nơi xa - cõi mịt mờ
Có hay con ghé lại trường xưa
Một thân - nghe nỗi đời hiu quạnh
Mây giạt về đâu trước gió mưa?
(Huy Trâm)

Mặc dầu không thích hoa phượng, nhưng một đời tôi cứ bị ám ảnh về hoa phượng. Mỗi lần nhìn thấy hoa phượng rụng đâu đó lòng tôi không khỏi nao nao. Nao nao không vì hoa phượng mà vì nhớ lại khuôn mặt đẹp mà dữ của cô bạn từng mắng tôi là nhà quê. Và hai hàm răng trắng bóng của cô bạn mỗi lần nhai cóc ổi chùm ruột là nghe rào rạo rôm rốp thật ớn óc!

Có phải trong nỗi nhớ, người ta thường lẫn lộn, tưởng nhớ cái nầy mà thật ra là nhớ cái kia. Người ta thường nhớ mối tình đầu không chắc là vì nhớ những chuyện hẹn hò thơ mộng mà có thể nhớ vì thường bị cô bồ nắm tóc nặn mụn ngắt véo để thẹo tới bây giờ! Cứ nhìn những vết thẹo là nhớ tới mối tình đầu. Nói vậy chớ con gái mà dữ như cô bạn học của tôi trên đời nầy thật không có mấy người. Xin quý bà đừng vội kết tội tôi vu khống!

Thì... như tôi đã nói, kỷ niệm của tôi về hoa phượng có khác những người khác!

Texas, tháng 6 - 2006
Phương Triều


HỎI THÊM

Ghé đêm hỏi nhỏ đêm dài
Chớ đêm lấn được chút ngày có vui?
Ghé cây hỏi lá ngủ vùi
Còn bao ổ lạnh ngậm ngùi bóng chim?

Ghé người hỏi mắt lim dim
Vực hoa đỉnh bướm rớt thêm mộng nào?
Kim đồng ngọc nữ lao xao
Chiều Thu mượn gió tạt vào cõi sương...

Ghé đêm thành thị ngủ đường
Choàng tay vạc ốm thảm thương ngực gầy
Ghé trường ngó mặt hây hây
Hỏi hoa phượng cũ rụng đầy sân đâu?

Hỏi nhân gian kiếp dãi dầu
Hỏi thêm bất quá lại rầu thêm thôi!...