Home Văn Học Tùy Bút Chuyện Học và…

Chuyện Học và… PDF Print E-mail
Tác Giả: Việt Tâm   
Thứ Tư, 23 Tháng 6 Năm 2010 09:40

Phải nói không nơi đâu cái sự học bị “hành” đến khốn đến khổ như ở bên nhà. Ngố tôi cố đào sâu tim óc để thử xem nguyên lai từ đâu mà có, vậy mà tịt, nói theo kiểu thời thượng bây giờ “biết, chết liền”.


Nào phải việc “hành” các cháu được áp dụng sàn sàn cho các lớp ra ngô ra khoai hẳn hoi thì nói làm gì, đằng này các cháu bé tị bé tẹo (còn đang ham kẹo hơn ham học) mà cũng bị “hành” thấu đáo.

Chẳng qua bố cu mẹ đĩ các cháu phải lo “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm rền luôn chủ nhật” là vì cái bụng thiếu quá, các cháu đòi đủ thứ, tiền nhà, tiền ăn, hầm bà lằng xắn cấu, đầu óc cứ muốn vỡ bung ra, đành vẫn phải cố lết đưa những cháu “đêm qua em mơ gặp bác Hồ” giúi vào cái lớp mẫu giáo cho được việc.

Nào có rẻ rúng gì cho cam, học phí đến mấy trăm nghìn một tháng nào ít, phải nhịn, phải khem, gì cũng chịu được, chứ để lũ cháu ngoan của bác ở nhà thì - giời ạ - ai trông, chẳng lẽ cả ngày rủ nhau xuống hố.

Xin cho được các cháu vào mẫu giáo hay tiền mẫu giáo cũng chẳng dễ gì đâu nhé, dù là trường tư hẳn hòi. Không khéo lại đi nhầm tuyến, cứ đăm đăm lo làm chẳng tơ hào để ý, có khi trường khai giảng đến nơi, vẫn chạy đôn chạy đáo, là xôi hỏng bỏng không vì con chẳng được nhận cho học. Ấy vậy, nhưng nếu có ai đó thân quen (lại thêm có tí ti chức tước) hoặc vớ được tay cò cỡ như loại khóa vạn năng (mở bất cứ cửa nào cũng xong hết) cho dựa dẫm, hoặc vẽ đường cho nai chạy thì xong tuốt.

Có trái tuyến, lạc khu vực mấy thì cũng được. Chả thế các vị chủ trường đang từ hầm hầm nét mặt cũng ngọt lịm ngay mà đon đả ối dào, chỗ chị em trong nhà cả, sao không cho em biết trước.. Chao ơi, cái sự đời đổi trắng thay đen sao mà nó nhanh nhẩu và ầm ào đến vậy.

Gửi được cu tí vào trường, mặt các bậc phụ huynh hớt ha hớt hải như vừa bị công an hỏi. Mừng trong lòng, chỉ muốn ca toáng lên: cuộc đời đẹp làm sao, ít ra từ nay thoát được thằng cu, cái đĩ phút nào đỡ phút ấy, khỏi nhọc.


 
 

 
                                                 Tháp giáo dục Việt Nam (2000)
                                         Nguồn: The World Bank Group & International Futures
Thế mới đọa. Phụ huynh giao con em cho cô thì không “hành” mới lạ, bởi vì chẳng lẽ các cô công không đi lo con cái các bà à? Học chưa nóng đít, mùa tựu trường còn hôi hổi thì cậu ấm cô chiêu đã về ỏn ẻn với mẹ “măn ơi, cô kêu đóng góp sửa sang lớp.” Bỏ bu, thế là bộ mặt đăm đăm hốt hoảng vừa tưởng giãn ra được lại vội thun còn hơn miếng móp bị đốt lửa.

Vợ chồng thỉ thẩm thì thầm, bực bội, vặc lẫn nhau, gay cấn đến độ tưởng ngay ngày mai cho con nghi học. Dào chẳng học thì thôi, “hành” kiểu này tức lắm, thời buổi này học sao mà khổ thế. Rồi lại thấy nhủng nha nhủng nhẳng bọn nhỏ ngồi sau xe đạp mẹ lọc cọc đến trường. Bà via giật mình thon thót, chỉ sợ con cái nhanh mồm nhanh miệng kể lại với cô về sự cố của bố mẹ hôm qua thì chết một cửa tứ.

Chao ơi, các bậc phụ huynh bây giờ đóng kịch còn hơn cỡ Kim Cương, Thanh Nga, Bạch Tuyết, Lệ liễu rất nhiều. Lòng nát ngấu như dưa khú mà bề ngoài vẫn cứ ngọt lịm với nhau: thế này nhé, em đang kẹt. Cô cho thư thả, cái khoản góp sửa lớp, em sẽ lo đại lo đến đem nộp ngay.

Chưa được thêm vài hôm thì lại thấy con nhăn nhó như cắn phải ớt hiểm về níu áo mẹ: mẫu ơi, cô dặn góp mua đồ chơi vì mấy thứ hư rồi. Toát mồ hôi hột, cái đầu quay mòng mòng tưởng sắp nổi cơn điên loạn. Con bé còn thêm: mai kia làm kế hoạch nhỏ, ai không trực tiếp tham gia thì phải đóng tiền thay vào.

Ở cái tuổi các cháu, giá nhà có chút thừa, chút thải thì mẹ cháu ở nhà lo quách cho cháu yên thân. Giời này trên cao có thấu, con bé mới chập chững bốn, năm tuổi đầu đã biết gì mà kế hoạch nhỏ với lớn. Chợt nhớ ra hôm nào đoàn tàu chạy qua cái cổng ba ri e, dân đen ngẩn ngơ nhìn đầu máy mang tấm biển to tướng “đoàn tàu Thiếu Nhi tiền phong” với một toa sơn màu đẹp dẽ ghi “ tiền kế hoạch nhỏ do các cháu thu gom giấy vụn, đồng nát, giẻ rách, mảnh chai, v.v...” làm ra. Mèng ôi, hèn chi các cô “hành” để các cháu được bơm làm đẹp mày đẹp mặt xã hội.

Mà thôi, ấm ớ nói mãi chuyện các cháu thì bao giờ mới dứt. Mình còn phiên phiến chạy sang các cấp khác, kéo có đứa kêu ca bị bỏ rơi. Ngố có mấy đứa cháu nay lòn tòn học lớp bốn, lớp năm, nhà vô phúc ở xa trường chục cây số. Ngố về chơi vì bố mẹ chúng một hai dặn dò “cậu phải ở với anh chị, không được đi đâu hết.”

Ngố vào ở rồi mới thấy tội hai ông bà. Cơm tối phải quá 9 giờ mới đụng đũa vì chờ hết người này người kia, đông đủ mới dám nhập bữa. Thức ăn lèo tèo, kẻ ăn trước ăn sau, có người bị nhịn. Lũ nhóc về phờ cả người, uể oải, e chừng không nuốt cơm nổi. Bố mẹ chúng khụt khịt thấy buồn. Một đứa: bố ơi, hôm nay con giơ ngón tay xin quá giang xe mà chẳng ai dừng cho đi nhờ. Con vừa đi vừa lết, mỏi giò, mỏi lưng quá bố. Đã thế lại còn bị cô giữ lại trường làm vệ sinh nên con về trời cơ nhỡ muốn tối mịt.

Chao ôi, khốn khổ cho các cháu tôi. Sao nhà nước vẫn kêu oang oang khẩu hiêu “ trăm năm trồng người” mà trường ở xa tít xa tắp, trong khi tầng tầng ri sớt, khách sạn, sân góp, vũ trường, cà phê, sàn nhậu, hát hỏng mọc lên như nấm sau mưa.

Cũng may, bọn cháu tôi còn lanh đã biết thủ thuật “ ô tô xì tốp” vậy mà dường như cái tuổi trẻ thuộc tương lai đất nước vẫn cứ bị xã hội lãng quên để “hành” cho sướng. Mỗi lần xem ti vi thấy tổng kết các buổi họp mà buồn. Ông Bộ, ông Thứ khoe thành tích trường mở thêm, chỉ tiêu giáo dục rất đạt, nhưng các cụ ơi, có khi nào con các cụ phải thức từ 4 giờ sáng (chưa nói tối học, làm bài bù đầu, còn giúp mẹ giúp cha, mãi rồi mới đi ngủ), ngốn vội ngốn vàng củ khoai, miếng cơm nguội rồi ba chân bốn cảng ra quốc lộ mà lết bước, để kịp đến trường đúng giờ vì xa quá, các cụ ơi!

Lại nữa, cỡ tuổi này mới bị “hành” thấy ớn. Giáo trình nào cũng được khen soạn công phu, bài giảng nào cũng được chấm điểm là giàu kiến thức, vậy mà bọn nhỏ cóc hiểu gì hết. Bởi thế nhà trường mới phải kêu gọi phụ huynh cho con học thêm, học nếm dài dài. Nhà nào có tiền, giúi con nhờ thầy cô dạy dỗ thì ư như thuộc vào loại giỏi, có khả năng.

Còn ai ăn chẳng ra lấy đâu đua chen học thì y như con cái ngày càng mụ và lơ lơ láo láo vì dốt. Thi cử, học ký gì, bài thầy cô đều là cỗ dọn sẵn ở lớp thêm lớp nếm nên bảo sao “ mầm non đất nước” không trở nên giỏi giang. Đúng là “hành” nhau tận mạng.

Sơ, rồi tiểu, tiểu rồi trung, trung rồi đại, đại rồi hậu, quả thật không nơi đâu lắm nhân tài như ở bên nhà. Thần đồng xuất hiện dăm thì bảy thuở, nói vanh vách mọi sự trần gian. Học sinh, sinh viên vùi đầu để được “hành” từ thuở còn thơ cho đến khôn lớn. Để rồi được gì?

Báo chí cho thấy càng học khôn thì càng thiếu cơ hội phụng sự. Mật ít ruồi nhiều, nên chân khó lọt. Công ty, vụ sở nào cần người, chỉ vừa nghe thông báo, chạy đến nơi đã hết nhận đơn, bởi vì các thân thế gửi hết cháu con vào rồi, còn đâu đến lượt sĩ tử khoa bảng nữa.

Được đào tạo trong nước phải nhận số hẩm hiu đã đành, đằng này tiếng là cầm nhà đợ ruộng, mượn nợ, thế sổ để con cái du học mấy năm. Về hí hửng ôm mảnh bằng nhất định không trệu đi đâu, vậy mà cũng trớt quớt. Tỉnh thông báo chiêu người đàng hoàng, nhưng bên cạnh kèm việc sút bóng cho nhau cũng rất hay ho. Chả thế, chờ long tóc gáy, chờ thuỗn cả mặt, cuối cùng đành chạy sang cái nơi đào tạo vì - chao ơi! - sao ở quê nhà “hành” nhau quá đáng đến vậy.

Cũng may còn một tí tẹo kẽ hở để các cháu này nhờ. Nguyên do từ ngày mở cửa, xem ra những kẻ thù xưa giờ quay lại rộn ràng à nghe. Họ mở công ty, xí nghiệp, công khai đưa cơ hội đến mọi người. Mèng gì cũng biết và rành tiếng nước họ thì mới mong cạnh tranh được một chỗ.

Khoản này thì cậu ấm cô chiêu xem ra thua, lép vế. Vì mảnh bằng của các khứa đều thuộc loại học đại, đều nhờ nhân thân mà gom tích được. Cho nên mới đến tay lũ học trò bị “hành” tàn tệ. Thản hoặc có tay vốn xuất thân từ các quốc doanh, công ty trách nhiệm hữu hạn, đầu tư may mặc nước ngoài cũng thở hồng hộc hết làm lại học.

Các lớp quốc tế mở ào ào, đâu cũng khoe thoáng mát, có thầy ngoại quốc và văn bằng y boong từ Oxford, Cambridge, MIT, Úc, Tân Tây Lan, Malaysia để thu hút học viên (hẳn nhiển học phí chẳng mềm chút nào). Thế nên, chân trong chân ngoài, nhấp nha nhấp nhổm tính đến việc dzọt.

Điều nghịch lý ở cái đất ngàn năm văn hiến là anh có học vị tiến, thạc sĩ lắm khi đồng lương thua hẳn thằng mặt trơn tay trắng. Ngố tôi có 2 thằng cháu, một đứa tốt nghiệp thạc sĩ và đang xum xoe để được gởi đi ra nước ngoài (dù chỉ là Indonesia hay Malaysia cũng oách chán), lương ngày nay của cháu hơn triệu bạc, có ngạch hẳn hoi. Lắm khi thấy cháu về ỏn ẻn thưa mẹ là y như cu cậu đang xin tiền.

Thằng em cháu học lơ mơ làng màng chỉ trung học rồi nghỉ vì chán (nhất định cứ đòi đi làm CSGT vì nghe nói chỗ ấy có ăn). Đùng cái, cháu quen con bồ vốn là cháu một đại gia có của. Thằng cháu ẫm ương chỉ võ vẽ dăm ba tiếng Mỹ khơi khơi, nhờ cậu vun quén cho thằng rể tương lai nên được nhận vào chân nhì nhằng dọn phòng khách sạn.

Thế mà phất. Lương thỉnh thoảng đôn lên theo thời giá, chức vụ lại rủng ra rủng rỉnh cất nhắc theo kiểu sống lâu lên lão làng, bây giờ nó là xếp của dăm tay dọn phòng khác, lương ngon ơ hơn 3 triệu. Chẳng phải học chi nhiều và nhất là sớm cất được cái gánh “hành” chí tử. Kiểu này nó còn lên lương nữa.

Chả thế mà thằng anh lâu lâu túng, vòi quấy mẹ lắm cũng kỳ nên quay qua địa thằng em. Cho thì nó vẫn cho, nhưng lại nói kháy: thứ gì mà một thạc sĩ đi gạ tiền thằng cu li nè trời! Ngố tôi nghe nhột làm sao và muốn khóc tệ!

Lại thêm, một cậu xuất thân ngành chăn nuôi thủy sản với điểm tốt nghiệp khá cao. Ra trường, chờ bổ nhiệm cứ như chờ cơn mưa ngày hạn. Mãi rồi được gạ gẫm: hay tạm thời cậu đi nhận trông mấy cái xà lan ở Viện Nghiên Cứu Biển nhé.

Đành vậy chứ sao! Thà có tí lương chứ chẳng hơn ăn bám mãi ông via bà bô. Thế là một ngày đẹp trời cậu đi nhận việc và thấm thoắt xuân, hạ, thu, đông đã mấy lượt qua, cậu vẫn bị bỏ quên vì chưa có việc. Cậu làm nhàn thôi, tự do, phóng khoáng, chả ai dõi, chả ai theo, miễn ba cái xà lan không trôi là được.

 
                                        Luận văn tốt nghiệp
                                            Nguồn: lookatvietnam. com
Hằng ngày cậu lình xình khoảng 9, 10 giờ mới tạt đến công sở. Nắn nắn mối dây để chắc là vẫn khít khao, rồi tấp vào quán cà phê vỉa hè gần đó, gọi là ngồi thăm chừng quan cách. Thi thoảng có đoàn đến thì ra, không thì rảnh, hết ngày này sang tháng khác.

Cậu có vẻ thả lơ cuộc đời, nhưng Ngố hỏi cậu: có cần thiết nhà nước bỏ công, bỏ của đào tạo đến 7 năm trời để rồi giao cho cái việc mà chỉ cần một tay đọc lơ mơ tờ báo cũng làm xuể (có khi còn giỏi và mẫn cán hơn cậu cũng nên).

Cậu có vẻ thua đậm nên đáp ùng oàng: ấy là việc của cấp lớn, chú ạ. Ngố ngẫm cái sự “hành” các chú nhỏ xem ra lưu đỡi ở kiếp, chừng nào mới ngóc nổi lên đây...

Ôi, học với chả “hành”!