Home Văn Học Tùy Bút Xương Rồng và Sa Mạc

Xương Rồng và Sa Mạc PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Nghi Hoàng   
Thứ Ba, 27 Tháng 7 Năm 2010 20:46

Giữa xương rồng và sa mạc là một bài thơ. Giữa sa mạc và xương rồng là một bài thơ khác.

Giữa xương rồng và sa mạc và con người lại là một bài thơ khác khác khác nữa! Antoine de Saint Exupéry khi viết Terre des Hommes, có bản Việt dịch tuyệt vời của Bùi Giáng là Cõi Người Ta, kể lại chuyện ông bị rớt phi cơ giữa sa mạc, dường như vắng bóng những cây xương rồng.

Saint Exupéry, hoa tiêu lái phi cơ chuyển thư băng sa mạc Sahara và Andes.

 Năm 1935, phi cơ ông bị rớt trong một chuyến chuyển thư ở vùng sa mạc Libyan Sahara, giữa Benghazi và Cairo. Saint Exupéry và viên hoa tiêu đồng hành André Prévot bơ vơ giữa sa mạc gần như không có nước và thực phẩm hay một cơ hội được giúp đỡ cứu cấp để sống sót nào từ thế giới con người!

Và đây là bài thơ chỉ giữa con người và sa mạc! Cuốn sách vẽ lại cái nhìn của nhà-văn triết-gia hoa-tiêu Saint Exupéry về thế giới và những suy nghĩ của ông là cái gì làm con người chúng ta sống có giá trị hơn.

Sau đó, một hội từ thiện ra đời, đã lấy tên tác phẩm này của Saint Exupéry làm tên của Hội: Terre des Hommes.

Tại Hội Chợ Thế Giới năm 1967 ở Montreal, cả thế giới biết đến Hội Từ Thiện Terre des Hommes, “con người và thế giới của hắn ta”.

Bài thơ giữa con người và sa mạc là bài thơ khốc liệt. Saint Exupéry đã viết lại sau khi sống sót rằng (Chú thích của người viết: tôi chỉ nhớ đại ý, và không chắc đúng lắm, lại không có tác phẩm này trong tay. Tôi đã đọc Cõi Người Ta Bùi Giáng dịch hồi hơn 35 năm truớc!):

“Suốt một đời của mỗi con người, hầu hết anh (hay chị ta) chỉ sử dụng nhiều lắm là một phần ba những khả năng hay kỹ năng sâu thẳm của chính mình. Những khả năng hay kỹ năng này, nếu không có cơ hội và không được đào bới kiếm tìm, nó dường như sẽ không xuất hiện! Hoặc người đó không biết rằng nó tồn tại trong chính mình.”

Như vậy, những khả năng tiềm ẩn trong mỗi con người chỉ “lộ diện” khi con người đó bị “dồn đẩy” vào chân tường, vào đường cùng của bối cảnh. Như cái thế “bối thủy”, tựa lưng vào sông của một trận đánh. Để không có đường rút lui. Để nhất quyết phải tìm ra “kế sách” mà đương đầu!

Trong công việc sáng tạo, chính người sáng tạo phải tự đẩy mình vào cái “đường cùng” để tìm ra sinh lộ. Ở trạng huống này, sẽ có sự xuất hiện của cái gọi là sự hòa nhập trọn vẹn (integration) để làm nên một cái khác, cái mới mẽ và thống nhất!

Ở giữa một sa mạc mênh mang, cây xương rồng là cái integration đó!

Cứ tưởng tượng bạn đang vượt đại mạc Gobi ngày cực nóng và đêm cực lạnh. Nóng chảy máu mũi và lạnh chảy máu mũi. Nóng bốc hơi và lạnh bốc hơi. Chiếc lưỡi cứng giữa hai hàm răng. Hơi thuốc lá quánh lại giữa đại mạc không bờ bến và trong đêm sao trên cao kia cũng không bến bờ. Bạn một mình hay dù có đi cùng với ai đó!!! Dù có đi cùng với ai đó, thì cảm giác một mình vẫn vô cùng bên trong bạn.

Cho đến lúc, bạn tình cờ hốt nhiên nhìn thấy một cây xương rồng trơ trọi dưới ánh sáng sao và giữa hai hơi thuốc lá lập lòe của bạn! Cây xương rồng! Quán trọ ven đường! Kẻ đồng hành phút chốc! Niềm an ũi vô biên.

Saint Exupéry không thấy một cây xương rồng gai góc nào giữa vùng sa mạc Libyan Sahara. Bởi cây xương rồng trong “Cõi Người Ta” đã hiện thân thành những giọt sương trên tấm vải bạt còn nồng mùi xăng dầu mà Saint Exupéry và tay hoa tiêu đồng hành André Prévot đã căng ra giữa trời đêm để hứng những giọt “cam lồ cứu khổ cứu nạn”! Ở đây, những giọt xương hứng được trên tấm vải bạt nồng mùi xăng dầu là hiện thân của những cây xương rồng.

Tại Mexico, một quốc gia cũng nóng và đầy bụi chẳng kém Việt Nam, người Mexico đã sử dụng họ xương rồng Prickly Pear Cactus như một loại thực phẩm thông dụng. Prickly Pear Cactus có nhiều loại khác nhau. Nhưng chúng có cùng họ Prickly thì “thân lá” có thể to hơn bàn tay một người lớn, hình bầu dục, đầu trên hình cung tròn, đầu dưới dính với cuống nhọn; dày khoảng trên dưới một phân. Có loại nhiều gai nhỏ mịn.

Có loại gai thưa hơn và dài như những cây kim may loại lớn. Prickly Pear Cactus tên có chữ Pear nên cho trái… “lê xương rồng” màu đỏ thẩm bóng có những đốm trắng trông rất đẹp và ngon mắt. Bên trong trái Prickly Pear Cactus màu trắng sữa, có những hạt chấm đen như hạt é, cũng gần giống ruột trái thanh long của Việt Nam. Vì thanh long thực chất cũng là một loại xương rồng!

Người Mexico sau khi róc hết gai hai bên tàu lá xương rồng, bèn gọt lớp vỏ xanh bên ngoài, hiện ra một miếng “lá” màu xanh trong lục thúy. Họ sẽ chiên “miếng” lá này và… ăn rất ngon.

Tại California ở những phố nhiều dân Mexican, bạn sẽ thấy những xe đẩy bán món “xương rồng chiên” này cùng với những trái xoài gọt sẵn và nhúng vào nước muối, trước khi ăn vắt thêm chanh vàng lên. Còn nếu bạn băng qua biên giới Mỹ - Mexico ở San Diego và vào thị trấn Tijuanna của Mexico, ở đây sẽ có những nhà hang bán thức ăn Mỹ La Tinh, và thực đơn đặc biệt có nhiều món làm từ “lá xương rồng”.

Khoảng hơn thập niên gần đây, khoa học đã nghiên cứu và tìm ra rất nhiều “vị thuốc” trong cây xương rồng, cũng như trong cây “khổ qua” - “mướp đắng” của Việt nam. Người ta đã rút từ cây xương rồng ra những tinh chất và sau khi gạn lọc bào chế, họ đã vô chai bán đầy trong những cửa hàng Nutrition Foods Stores.

Bên phía Đông y cũng không chịu kém, các vị đã nghiên cứu ra là nếu lấy lá Prickly Pear Cactus và thay vì chiên sau khi gọt vỏ gai, cứ cắt nhỏ ra, bỏ vào ngâm trong một lọ mật ong nguyên chất. Rồi mỗi tối lấy ra một thìa canh hòa cùng với rượu… Cognac uống, thì sẽ trị được rất nhiều bệnh như tim, mạch, huyết áp, cholesterol v.v…

Bài thơ của sa mạc và xương rồng, của xương rồng và sa mạc, và của sa mạc xương rồng và con người… là bài thơ bất tận. Bài thơ của sa mạc và con người nếu thiếu bóng cây xương rồng sẽ là bài thơ khốc liệt.

Tuy nhiên, bài thơ của Con Người và Xương Rồng, đến ngày hôm nay lại đã là một bài thơ hài hòa với cái nhịp nhàng của khoa học và cuộc sống thiên nhiên.

Tôi đã từng khuyên một ông bạn mê trồng phong lan: “Ông trồng lan làm chi cho đắt đỏ và… công phu! Ông cứ sưu tập và trồng xương rồng cho tôi. Xương rồng dễ trồng, dễ nuôi mà lại cho hoa rất đẹp chẳng thua gì những giò phong lan nhà ông.”

Quả vậy, hoa xương rồng đẹp lạ lùng, và cũng kiêu sa cô độc chẳng thua chi bất kì loài hoa vương giả hay quý hiếm nào khác!