Home Văn Học Tùy Bút ‘Made in China’

‘Made in China’ PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phan   
Thứ Hai, 02 Tháng 8 Năm 2010 11:12

Nhưng Trung Quốc không chấp nhận một tiêu chuẩn nào của thế giới cả, và mọi sự hầu như chỉ có mục đích tối hậu là được lợi tối đa, bất cần luân lý đạo đức. Như vậy làm sao họ tiến xa được?

 
Bình thường nhãn hiệu ‘Made in’ là một sự tự hào. Một sản phẩm được làm ở một quốc gia mà được tín nhiệm là một niềm kiêu hãnh. Người Ðức đã làm hết sức để bảo vệ sản phẩm mang nhãn hiệu Made in Germany. Người Nhật đã phổ biến một huyền thoại về sản phẩm Made in Japan. Còn Made in the USA có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Nhưng người Hoa có vẻ không thấy đó là một chuyện quan trọng.

Sở dĩ tôi dám khẳng định như vậy là vì một kinh nghiệm cá nhân. Hôm tuần rồi, chúng tôi cần mua một cái bóng đèn energy efficient, cái loại bóng đèn ở Âu Châu gọi là bóng long life. Ðây là loại bóng đèn hơi đặc biệt, với số công suất cao hơn bình thường, mà hôm đó ông tiệm điện gần nhà lại hết. Chúng tôi tìm đến một trong những cửa hàng lớn. Chúng tôi chọn mua một bóng đèn mang nhãn hiệu GE. Nghĩ là với uy tín của GE đàng sau đó hẳn bóng đèn tốt. Nhưng về thắp được chưa đầy một tuần bóng cháy. Khi nhìn kỹ lại mới thấy là tuy bóng đèn GE nhưng sản xuất là Made in China. Ngạc nhiên quá vì bóng mang tên là long life mà còn chưa “sống lâu” bằng loại bóng thường. Cái bóng trước đó chúng tôi mua sáng bốn năm mới bắt đầu yếu đi phải thay. Khi nhìn lại thì cái bóng đèn cũ đó là sản phẩm Made in Germany.

Dĩ nhiên phải công nhận cái bóng Made in China rẻ bằng nửa và kiểu mẫu trông rất đẹp mắt. Cái bóng Made in Germany thô hơn và đắt gấp đôi. Nhưng là người tiêu thụ, tôi vẫn cảm thấy bị đánh lừa. Mà có lẽ không phải chỉ riêng tôi cảm thấy như vậy. Sản phẩm Made in China nay có tiếng là không tốt. Nhưng cái điều bực mình hơn là qua sự khinh thường phẩm chất, người Hoa đã tỏ thái độ bất cần uy tín.

Mà nào phải chỉ trong lãnh vực sản xuất. Bầu không khí bất cần uy tín, giả mạo, ngụy tạo lan tràn trong giới đại học Trung Quốc. Số tuần rồi của tạp chí The Economist có một bài kể lại điều mà tờ báo nói là sự bành trướng phổ biến của giả mạo, gian dối trong giới khoa bảng.

Chủ Tịch Hồ Cầm Ðào thường xuyên nói đến nhu cầu cần phải thúc đẩy sáng tạo. Ông biện minh là muốn duy trì phát triển và sức cạnh tranh, Trung Quốc phải vượt ra khỏi các ngành kỹ nghệ tận dụng nhân công và đi vào các lãnh vực kỹ nghệ kiến thức để đi đến khám phá, phát minh và các phát triển khác. Nhưng theo The Economist, muốn đạt được điều đó sẽ rất khó bởi Trung Quốc đã trở thành nổi danh là thiếu uy tín đạo đức khoa bảng. Các nhà khoa bảng, cả Tây phương lẫn Trung Quốc, nói là giả mạo vẫn còn phổ biến, và những hành vi từ sửa data đến nói láo về văn bằng, giả mạo kết quả thử nghiệm và ăn cắp sản phẩm trí tuệ của người khác một cách vô tội vạ là chuyện thường xảy ra.

Nổi tiếng nhất gần đây là một doanh gia rất thành công, một người tự mình làm giàu, và đã từng viết sách để bảo mọi người là ai cũng có thể bắt chước ông làm giàu. Nhưng ông này khoe là tốt nghiệp tiến sĩ ở Học Viện California Institute of Technology. Thực ra, ông tốt nghiệp ở một trường của California nhưng ít uy tín hơn nhiều. Khi bị vặn hỏi, ông ta bảo đó là lỗi của nhà xuất bản.

Các nhà học giả Tây phương có thể kể lại nhiều những cơn ác mộng khi làm việc chung với các đồng nghiệp Trung Quốc. Một giáo sư về xã hội học than là dự án nghiên cứu của ông đã bị phá hỏng vì khi ông trao việc thu lượm dữ kiện cho một công ty Trung Quốc, người của họ tự động điền vào bản questionnaires, không thèm đi hỏi ai cả.

Tiến sĩ Cong Cao của viện đại học State University of New York, chuyên môn nghiên cứu về xã hội học của Trung Quốc, giải thích có lẽ chính tại lề lối “tính điểm” của chế độ. Các nhà khoa học, hay khoa bảng tại Trung Quốc thăng tiến nhờ số lượng chứ không phải phẩm chất của tác phẩm của họ. Thành ra, họ có thể thăng quan tiến chức nhanh chóng mà chẳng cần phải sản xuất ra những tác phẩm có giá trị. Ấy là chưa kể các vị niên trưởng trong khoa bảng chả bao giờ bị trừng phạt vì gian dối, tạo gương xấu cho thế hệ trẻ.

Vấn đề là sự gia tăng bằng cớ về gian lận trong giới học giả và khoa bảng đã ảnh hưởng đến sự tín nhiệm về mọi công cuộc nghiên cứu khoa học ở Trung Quốc, và làm tăng cường cho cảm tưởng chung đây là một quốc gia không có an toàn sản phẩm và thông tin không tin cậy được.

Khi tin tức lộ ra là chính các nhà khoa học của Hàn Lâm Viện Khoa Học Trung Quốc là những người đã nghiên cứu ra được cái “mánh”, sử dụng melamine để “đánh lừa” việc thử nghiệm làm cho sản phẩm tưởng như là có nhiều protein, rồi đem bán cho các doanh nghiệp, nhiều nhà khoa học càng ngao ngán. Không một nhà khoa học biết tự trọng lại đi dạy người ta đánh lừa thiên hạ, nhất là trong lãnh vực thực phẩm. Mà điều đau lòng hơn nữa là các ông này biết rõ đây là một cách ăn gian.

Và điều này dẫn đến việc là các học giả ngoại quốc nay ngần ngại không dám hợp tác với các học giả Trung Quốc sợ mang tiếng. Mới đầu năm nay, khi khám phá ra 70 phúc trình về các cơ cấu tinh thể nộp cho một tập san quốc tế là hoàn toàn ngụy tạo, tập san The Lancet, tập san nổi tiếng về Y khoa của Anh, đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Trung Quốc hãy “có vai trò chỉ đạo mạnh hơn về uy tín khoa học.” Cho đến nay, nhưng biện pháp đưa ra không giải quyết được gì cả.

Sự gian dối này còn có một cái hại nữa, đó là với các sinh viên Trung Quốc muốn tìm chỗ học ở các viện đại học danh tiếng. Các vị trong ban tuyển sinh thường nghi ngờ khi thấy điểm hầu như là quá tốt và những bức thư giới thiệu ca tụng người học trò này, vốn là chuyện bình thường xảy ra với các đơn xin học từ Trung Quốc. Họ không hiểu có phải là thực hay tất cả chỉ là ngụy tạo. Thành ra có thể có những sinh viên thật sự xuất sắc bị từ chối vì ai cũng sợ gian dối.

Một nhà nghiên cứu về Á Châu học nhận xét “Nhật Bản, trong giai đoạn cố tìm một chỗ đứng trên thị trường quốc tế, đã cố gắng làm đồ rẻ tiền. Ðiều họ không làm là ăn gian. Họ không bắt chước sản phẩm của các quốc gia khác mặc cho tác quyền, và họ không gian dối trong cách làm. Hơn thế, ít nhất các nhà khoa bảng Nhật giữ phẩm chất của mình. Nhưng Trung Quốc không chấp nhận một tiêu chuẩn nào của thế giới cả, và mọi sự hầu như chỉ có mục đích tối hậu là được lợi tối đa, bất cần luân lý đạo đức. Như vậy làm sao họ tiến xa được?