Home Văn Học Tùy Bút Mùa Trăng

Mùa Trăng PDF Print E-mail
Tác Giả: Quỳnh Giao   
Thứ Năm, 16 Tháng 9 Năm 2010 09:53

Có lẽ câu chuyện hôm nay phải bắt đầu bằng hai chữ “ngày xưa” thì mới đúng cách.

Người viết nghĩ như vậy vì liên tưởng tới những ngày thơ ấu của mình. Việt Nam bị ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa và trẻ em cũng không ra khỏi ảnh hưởng đó nên rằm Trung Thu là ngày hội của tuổi thơ, chỉ thua sự tưng bừng của ba ngày Tết mà thôi.

Từ bé, mình đã nhìn ánh trăng như một thiên đàng treo trên cao. Qua bao truyện cổ tích, em bé Việt gọi mặt trăng bằng nhiều danh từ mỹ miều, nào là cung Quế, cung Quảng, chị Hằng hoặc Hằng Nga, mà không rõ xuất xứ từ đâu.

 Rồi thì các em cũng loáng thoáng biết là trên cung Quảng có chú Cuội già, có khi lại là thằng Cuội, vì mải chơi mà bị đầy lên đó!

Các em đã nghe ông bà cha mẹ hoặc thầy cô kể như vậy. Và nghe nhiều hơn cả là qua... những bài hát trên các làn sóng phát thanh mỗi dịp Trung Thu.

Ðến mùa Trung Thu, ngoài cái thú được ăn bánh dẻo, bánh nướng đến sún cả răng, trẻ con thích nhất là đêm xuống, cả nhà đã ăn uống xong xuôi, được cha mẹ cho đi hóng mát bằng xe hơi một vòng ngoài phố.

Có khi cha mẹ hứng chí cho đi xuống tận Chợ Lớn để xem đèn. Một rừng đèn đầy mầu sắc và hình thù khác nhau cứ làm cho con trẻ sướng mê. Nào là đèn bươm bướm, đèn con cá, đèn ông sao, đèn tầu thủy, đèn máy bay... Nhưng con bé thì mê nhất đèn xếp đủ mầu, và ngây mắt nhìn đèn kéo quân, tưởng tượng cảnh tiên giới hiện ra trước mắt mình nơi trần thề.

Trong khi đó thì các bài hát về Trung Thu vang lên từ góc phố, từ lối xóm vọng lại. Yêu nhất là bài “Thằng Cuội” của nhạc sĩ Lê Thương. Nhất là thằng Cuội đó lại “ôm một mối mơ.” Vừa ôm cái gối ôm, vừa nghĩ mình là thằng cuội ở trên cung trăng:

Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ....
Cuội ơi, ta nói cho Cuội nghe
Ở trên cung cấm làm chi?

Các em thích cười, muốn lên cung trăng
Cứ hỏi ông Trời cho mượn cái thang
Mười lăm tháng Tám Trời cho
Một ông trăng sáng thật to...

Cùng một chủ đề, Phạm Duy viết bài “Chú Cuội” với nội dung khác hẳn, tình tứ mà ỡm ờ.

Chú Cuội của Phạm Duy là người lớn, không phải thằng Cuội của trẻ con. Chú Cuội này yêu cô Hằng năm xưa xuống trần, rồi vì tương tư cô nên để trâu ăn lúa mà quên đường về. Cô Hằng này lại không phải là nàng Hằng Nga trên cung Quảng Hàn của chúng ta. Cô Hằng này là nàng Thái Hằng mà ông đang tán tỉnh ở dương thế.

Ta yêu cô Hằng năm xưa xuống trần
Nàng ơi, nàng về dương gian tìm đường nuôi nấng
Cung đàn Hằng Nga.
Xin đôi cánh vàng, mượn chiếu mây non
Cuội ơi, Cuội theo cánh gió
Cuội lên cung vắng, Cuội không về làng...

Tụi nhóc tì chưa biết yêu là gì, cho nên không thích chú Cuội, mà chỉ thích thằng Cuội!

Lúc hát ban nhi đồng của bác Kiều Hạnh, Quỳnh Giao này còn giữ tên thật và có lần được hát bài “Hình Ảnh Một Ðêm Trăng” của Văn Phụng. Nói theo ngôn ngữ ngày xưa là con bé liền “mết” bài hát này liền. Văn Phụng viết ca khúc trên nhịp Boston dìu dặt, cung Fa trưởng trong sáng, bâng khuâng man mác. Trẻ con tưởng được chắp cánh bay:

Khi ấu thơ, ngồi trông bóng trăng, nhìn theo áng mây đưa
Nghe má ba, kể trong ánh trăng, Cuội đang sống say sưa
Rồi thôn xóm hừng lên tiếng reo, hòa theo khúc ca ngân
Tiếng ngây thơ, bầy em múa ca mời trăng thu xuống trần

Lưng trời mây trắng trôi lững lờ
Mơ hồ tiếng sáo ru hồn thơ
Ngắm trăng thanh và nghe tiếng tiêu đưa câu mơ màng
Lòng tôi mong ước tiên ban cặp cánh bay lên vừng trăng...

Nhưng rồi lại có năm 75 tan tác.
Rồi phải sang Hoa Kỳ tị nạn.

Khi ấy, gia đình mất vầng trăng cũ và đến tiểu bang Virginia tạm trú nhà người anh cả đã du học từ năm 1950.

 Lúc đó, anh Bửu Dương đã xong bằng tiến sĩ từ Harvard và làm giáo sư dạy Pháp ngữ và Văn Hóa Trung Hoa cho Ðại Học Bridgewater, cùng tên thị trấn ở miền Ðông, cách thủ đô Hoa Thịnh Ðốn hai giờ lái xe. Cả thị trấn hiền hòa này chỉ có độ 2,000 dân, phần lớn là sinh viên và gia đình của giáo sư dạy trong trường. Bridgewater có vỏn vẹn một trường đại học, một nhà thờ, hai siêu thị Mỹ bằng chợ Anh Minh gần phở Nguyễn Huệ của ta, và một rạp ciné nhỏ xíu tựa cái hộp quẹt.

Lúc mới tới, con gái của người viết mới lên năm, vừa đủ tuổi vào kindergarten. Cả vùng chỉ có anh Bửu Dương là người Á Ðông duy nhất. Nay thêm một gia đình tỵ nạn là có thêm ba người Á Châu. Mỗi khi ra đường, thiên hạ trố mắt nhìn. Người Mỹ có lòng bác ái thiết thực, họ tấp nập đem cho nào khăn tắm nào nồi niêu. Trong nhà có đến mấy chục bộ khăn và mấy bộ comforter cho giường ngủ. Ðôi khi họ đến nhà đón hai mẹ con đi ăn lunch, những món ăn vẫn chưa thể quen, như hot dog hay tuna salad.

Cả hai mẹ con chỉ mong được về ăn cơm nguội với nước mắm!
Tới Mỹ vào tháng 6, 1975, đến tháng 9 hoàn hồn nhìn tấm lịch là lại lẩm bẩm “bây giờ bên ấy đang là rằm Trung Thu.” Con bé con bỗng níu áo hỏi mẹ: “Mẹ ơi, thế cái ông Việt Nam ở trên moon, ông ấy còn đó không?” Phải vài giây sau mới kịp hiểu là cháu nó nhắc đến thằng Cuội! Và muốn khóc òa.

Nó ra đi mà hồn còn đầy ắp hình ảnh mùa trăng cũ. Cứ tưởng là người lớn mới hoài niệm quá khứ, nào ngờ con trẻ cũng như mình, vầng trăng năm xưa vẫn rạng rỡ trong trí nhớ.

Bây giờ, nhìn trăng mới mà nghĩ đến trăng xưa, ngày cũ, mình mới thông cảm với Nguyễn Du. “Vầng nguyệt trời Nam còn một mảnh, đêm về soi thấu dạ đôi nơi...” Ông viết bài này để từ biệt một người bạn trong thời ly loạn. Hai người đôi nơi cùng nhìn lên vầng nguyệt mà nhớ nhau.

Phải chi vẫn còn một lũ trẻ rồng rắn rước đèn, cho mình vui thêm được một chút...