Home Văn Học Tùy Bút Tôi Ra Xứ Huế.

Tôi Ra Xứ Huế. PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn-Phú-Long.   
Thứ Hai, 20 Tháng 12 Năm 2010 22:17

     Khoảng tháng 10 năm 1888, khi viên tổng trú xứ ở Huế là  Etienne Richaud vừa nhậm chức toàn quyền ít lâu, dịp này triều đình Việt-Nam mới thành lập một ban đại diện gồm cả ông Nguyễn-Văn-Mại tháp tùng.

 Ông Mại là người vừa được thăng làm tự vụ, sung hành tẩu, trực thuộc binh bộ thượng thơ cơ mật viện Hoàng-Hữu-Tường. Phái đoàn có nhiệm vụ tổ chức, liên lạc, định ngày đem vàng bạc châu báu, của hiếm vật lạ, sang chúc mừng quan tân toàn quyền Pháp tại Việt-Nam. Nhân tiện, dịp này Hoàng-Thái-Hậu Từ-Dũ cũng gửi hai viên ngọc Như Ý làm quà tặng người khách viễn phương.

     Bên ni sông là kinh thành của vua Đồng-Khánh, bờ bên kia có tòa tổng trú xứ, sự qua lại còn phải dùng đò ngang chòng chành diệu vợi. Hôm ấy chẳng may lại gặp mưa to, gió lớn, các đồ tặng phẩm chia làm mấy chục thứ để ở long đình, lập danh sách, sắp xếp, kiểm tra, canh gác, rồi cắt đặt nhiệm vụ người nào việc nấy, cẩn thận che đậy đem xuống thuyền, vậy mà chẳng may mọi người lật đật nhiều việc cũng đã quên hai viên ngọc như ý.

     Đến tòa thì các quan chia nhau bưng tặng phẩm vào mà kiểm kê thì  không thấy hai tráp đựng ngọc. Trưởng đoàn Nguyễn-Hữu-Độ hỏi đi hỏi lại, các quan đều sợ hãi bồn chồn lùi ra đổ lỗi cho Nguyễn-Văn-Mại. Ông Mại bình tĩnh, một mặt ủy cho hai người thừa phái về viện kiếm tìm, ông nghĩ trong viện lẽ nào có kẻ dám ăn trộm ngọc, một mặt vào toà thưa rằng:

     “Hai tráp đựng ngọc ấy để riêng một long đình, đem xuống một long thuyền nhỏ, nhân vì mưa gió nên chưa tới.”

     Đình thần lấy làm lo lắng, biết là lời khai không thực, may sao, lát sau người thừa phái bưng ngọc đến, các quan mới vui mừng vào tiệc, rượu tây mới được khui ra, bồi bàn mới chạy lăng quăng, phong tục tuy khác biệt, ngôn ngữ lại bất đồng, chẳng thấy nói ở đó có vị thông ngôn nào làm việc hay không, nhưng có hay không thì nhằm nhò gì, gặp nhau đây, chủ khách đều hiểu vị trí của mình nên đã đãi ngộ thù tạc nhau trong tinh thần “Pháp Việt đề huề” thực thà tha thiết thoải mái.

     Đây là một sự việc nhỏ, nhưng cũng gây nhiều hồi hộp, giữa chốn quan quyền vua chúa, sơ xuất mất đầu như bỡn, cái tóc cái tội. Về sau chính ông Nguyễn-Văn-Mại có kể trong tập “Lô Giang Tiểu Sử.” còn lưu truyền đến bây giờ. Ngày đó các quan hỏi, nếu tìm không ra thì nói sao? Ông Mại trả lời: “Thì tôi nhận chìm một con thuyền và đổ cho mưa gió.” Mọi người nghe vậy ai nấy trợn mắt kinh ngạc trước mưu toan, sắp đặt to gan của đương sự.

     Nguyễn-Văn-Mại (1858-1945) bút hiệu Tiểu-Cao, quê làng Niêm-Phò, huyện Quảng-Điền, đậu phó bảng hai lần (năm 1885 và 1889) sau được cử làm quản giáo chuyên về Hán văn song song với cụ Ngô-Đình-Khả làm quản giáo về Pháp văn cùng trường Khải-Định. Ngoài cuốn Lô-Giang Tiểu Sử cụ Mại còn là tác giả tập Việt-Nam Phong Sử cắt nghĩa rành mạch 100 câu phong dao lịch sử từ thời Hồng-Bàng. Đường công danh thênh thang, sáng lạn, cụ lên tới chức án sát tỉnh Quảng-Nam và rồi về hưu với hàm tổng-đốc, thọ gần 90 tuổi.

     Việc quên ngọc Như-Ý chỉ là một sự kiện hãn hữu, nếu chẳng phải quá giang, phái đoàn sẽ tránh được nhiều phiền toái, lỉnh kỉnh và biết đâu nhờ đó đã không sẩy ra việc quên ngọc. Tuy nhiên chẳng phải vì lý do quên ngọc mà người ta mới rõ sự ích lợi của việc xây cầu làm cống.

     Thực tế đâu lạ gì, xưa nay hễ có sông có dân cư ngụ hai bên bờ là thường có cầu. Cầu cống là rất cần thiết. Nó giúp ích qua lại nhanh chóng, thuận lợi trong việc mưu sinh, tiện nghi. Tiện nghi mau chóng thôi, chứ tình hình Việt-Nam hồi đó mà  nói rằng cầu cống còn góp phần làm tăng trưởng kinh tế, văn hóa có lẽ hơi sớm. Dân làng giầu có làm cầu sắt, cầu bê-tông, cầu ngói…nếu nghèo làm cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo. Thậm chí kiếm mấy thân cây dài cắm xuống nước buộc lại thành hình chữ X rồi để thêm một cây nữa bắc ngang như cái giây phơi gọi là cầu khỉ cao chênh vênh cũng được.

     Khúc sông Hương chẩy qua kinh thành Huế là vùng đất quan trọng hơn nơi nào khác, với lâu đài, thành quách bên ni, với tòa trú xứ của quan đại Pháp bên kia, với “nhiều bà đầm ngoi đít vịt, lắm ông cử ngỏng đầu rồng.” thì lại càng cần có cầu để tiện việc sinh hoạt qua lại hàng ngày. Nên nơi đây về sau xuất hiện cây cầu khá quan trọng, khá nổi tiếng đó là cầu TrườngTiền thì cũng chẳng có gì ngạc nhiên.

     Theo sách Cố-Đô Huế của học giả Thái-Văn-Kiểm thì cầu Trường-Tiền làm từ năm Thành-Thái thứ 9 (1897) cầu dài 400 mét và sở dĩ có tên Trường-Tiền vì ngày trước gần đấy có một xưởng đúc tiền.

                     Nhớ bến Trường Tiền có cây đa bóng mát,
                     Gần bến Bồ-Đề có bãi cát phẳng lỳ

     Đại-Nam Nhất Thống Chí nói rõ hơn, “Trường Tiền Thiết Kiều”  ở đông nam kinh thành, bờ phía bắc thuôc về phường Đệ Nhất, tổng Phú-Xuân, huyện Hương-Trà, bờ phía nam thuộc phường Đệ Bát. Khởi làm năm Thành Thái thứ 9, cầu có sáu gian, mỗi gian 66 thước 8 tấc 5 phân; Bề ngang 6 thước 2 tấc, trọn bề dài 401 thước một tấc đến năm Thành-Thái thứ mười một mới xong.

     Lại theo cuốn L’Empire d’ Annam của capitaine Ch. Gosselin thì cầu khởi công tháng 5 năm 1889 hoàn thành tháng 10 năm sau, sàn cầu lát bằng gỗ lim, ra đời chưa được mấy năm bị gió bão năm Thìn, ngày 14 tháng 9 năm 1904 đánh xập, thế là phải “đúc lại xi moong!”

                     Chợ Đông-Ba đem ra ngoài giại,
                     Cầu Tràng Tiền đúc lại xi moong!

     Từ ngày “đúc lại xi moong”  tưởng chiếc cầu sẽ bền vững dễ dàng cho cư dân hai bờ đi lại thân tình, cho “em tôi qua lấy chồng làng bên” hạnh phúc, nào dè nó vẫn còn nổi trôi theo vận nước bấp bênh:
 
                      Cầu Tràng Tiền bấy nhiêu năm qua lại
                      Kể từ đời Thành Thái đến nay.
                      Chạnh lòng biết hỏi ai đây
                      Việc chi nên nỗi đang tay giựt cầu.
                                                    Ưng-Bình.

     Nhân tiện đến đây xin kể một giai thoại trong tập hồi ký của Đặng-Thái-Mai ghi lại như sau:

     “Một tin đồn rằng, ngày cái cầu Trường Tiền bắc qua sông Hương, được khởi công lần thứ nhất thì lão khâm sứ, hôm bắt đầu đặt hòn đá móng cho công trình đã nói với vua:

     Khi nào cái cầu này gẫy thì nhà Bảo-Hộ sẽ trả lại nước An-Nam cho bệ hạ 

     Nào ngờ đâu, cái trận bão năm Thìn 1904 đã xô ngã nhịp cầu đầu tiên xuống sông. Thế là mấy ngày sau, khi nhà vua gặp lại Khâm-Sứ trong một buổi lễ, đã hỏi ngay hắn ta: “Thế nào! Cái cầu gẫy rồi đấy!” Làm Khâm Sứ chỉ còn nước xanh mặt, cười nghê, đánh trống lảng.”

     Trường-Tiền là một cây cầu lớn, lâu đời và nổi tiếng ở cố đô nước ta, so với cầu Long-Biên (Cầu Paul Doumer) tại ngoại ô Hà-Nội nếu xét về mặt thâm niên
nó còn là bậc đàn anh sinh trước tuy không dài, rộng, bề thế bằng. Cầu Long-Biên do hãng Daydé&Pille xây cất, không phải công ty Eiffel như cầu Tràng-Tiền. Cầu dài 2.500 mét rộng 30,6 mét có đường sắt và hai lằn đường dành riêng cho khách bộ hành cao khoảng 40 mét so với mặt nước sông, khánh thành ngày 26 tháng 2 năm 1902 bằng một màn trình diễn với chuyến xe lửa đầu tiên  chở vua Thành-Thái, toàn quyền Paul Doumer, vua Mã-Lai, đại diện Campuchia, Lào, Trung-Hoa…khởi hành từ ga Hàng Cỏ Hà-Nội sang Gia-Lâm rồi về…

     Cầu Trường-Tiền có cái lợi hơn cầu Long-Biên là chiều dài vừa phải, lại nằm giữa đôi bờ dân cư đông đúc, chỉ có 400 thước, nên khách bộ hành đủ loại như các học sinh, thầy thợ, kẻ buôn thúng bán bưng có thể dùng cầu làm phương tiện di chuyển tạo nên một cảnh tượng nhộn nhịp tấp nập sáng chiều làm nhiều  người nhớ mãi trong lòng, “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh.”

     Không ai trối cãi là những cây cầu dù hùng vĩ, dù đơn sơ, ngoài sự ích lợi thiết thực, nó cũng góp phần làm tăng vẻ đẹp thiên nhiên, như chứng tỏ có sự hòa hợp của thiên nhiên và sự kiến tạo của bàn tay con người. Các văn nghệ sĩ, hơn ai, đã nhìn thấy rõ và họ dư biết là những vẻ đẹp này, nếu lợi dụng làm bối cảnh sẽ tô điểm thêm cái lãng mạn, cái tình tứ, nên thơ…tức là cái giá trị nơi tác phẩm của họ. Chẳng biết có đúng vậy không mà đoạn kể lúc chia tay của “Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt,” cùng “Khách má hồng,” bên cầu trong tác phẩm Chinh-Phụ-Ngâm của bà Đoàn-Thị-Điểm mô tả thì ai nghe, ai đọc chỉ mấy câu cũng thấy thật là “Nhiều nỗi chuân chuyên” vậy đó!

                          Ngòi đầu cầu nước trong như lọc
                          Đường bên cầu cỏ mọc còn non
                          Đưa chàng lòng dặc dặc buồn
                          Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền.

     Đến đây ta sẽ mang tiếng là vô tình biết mấy vì nói tới Huế mà cứ kể lể về cầu Trường-Tiền sao chẳng đả động, nhắc nhớ chi đến sông Hương. Thử tưởng tượng coi, nếu không có sông Hương thì làm gì có cầu Trường-Tiền, thì Huế lấy gì để mà hãnh diện là Huế đẹp, Huế thơ, là non xanh nước biếc như tranh họa đồ, để hấp dẫn mọi người từ hàng dân giả tới các vị tài tử phong lưu, từ người địa phương lúc nào cũng ăn nói nhỏ nhẹ đến hàng du khách nhìn đâu đâu cũng mê mẩn tâm thần:

                          Học trò trong Quảng ra thi,
                          Thấy cô gái Huế chân đi không rời!

     Sông Hương bắt nguồn từ núi Tường-Động và núi Chấn-Sơn đổ xuống hợp lại từ ngã ba sông Bằng-Lăng, quanh co trước Cơ-Thánh, núi Ngọc-Trản đến ngã ba Long-Hồ, cầu Gia-Hội, Bao-Vinh, Triều-Sơn, Thanh-Phước, bến Thái-Dương, thành Trấn-Hải rồi phóng ra cửa Thuận-An tổng cộng khoảng 55 dặm.

     Theo một vị rất có tư cách để nói về Huế là học-giả Nguyên-Hương Nguyễn-Cúc thì, ngày xưa, không lâu lắm dọc theo bờ sông Hương cỏ cây hoang dại còn nhiều, từ đồng nội hoang sơ, hay những đám đất vồng thoai thoải, lưng chừng, mọc lên một loài hoa, hương thơm nhè nhẹ gọi là Dã-Cúc, sau này các nhà nho thích chữ nghĩa đặt thêm tên Hán-Việt Khổ-Ý-Nhĩ.

     Từ trường Chaigneau đến trường Jeanne d’Arc và gần đó dọc theo sông Hương từ ngã ba tòa Khâm xuống đến Đập-Đá, hoa Thầu-Đâu nở thênh thang và cũng có ngày hoa rụng tràn đầy. Hương thơm hoa Thầu-Đâu không được dịu lắm Người dân địa phương cho là hơi hắc.

     Có thể vì những mùi thơm rải rác dọc đôi bờ hay trên những vồng đất thoai thoải lưng chừng mà con sông được mang tên sông Hương. Rất có thể là như vậy. Nhưng ai là người đặt tên “Sông Hương” cho con sông có mùi hương thơ mộng ấy? Thật khó trả lời, và nguyên do mùi thơm đó từ đâu thì mỗi người giải thích một khác, tiện đây cũng xin ghi lại bài thơ “Hương Giang Hành.” Nói về nguồn gốc danh từ “sông Thơm” của cụ Vân-Bình Tôn-Thất-Lương (1887-1951)  cảm tác lúc cụ tòng sự tại tòa Khâm-Sứ Huế:

                          Hương Giang Hành.
                   Cỏ thơm có giống Thạch Xương Bồ,
                   Sanh ở hai nguồn tả hữu trạch.
                   Hoa thơm dầm nước, nước trong veo,
                   Hợp thành “Sông Thơm” chẩy róc rách.
                   Quanh co rộng hẹp dài muôn sải,
                   Thấm mát ruộng vườn ghềnh với bãi.
                   Êm đềm theo dọc tỉnh Thừa Thiên
                   Chẩy về Thuận-An ra Đông Hải.
                                      Vân-Bình Tôn-Thất-Lương.

     Nội dung Hương Giang Hành đại ý, từ hai bên bờ tận thượng nguồn sông Hương có một loài thảo dã tên là Thạch Xương Bồ, mọc nơi khe đá chìm dưới nước, toát ra hương thơm hòa tan khiến cho nước sông có mù thơm nên gọi là Sông Hương, nước sông Hương đượm mùi thơm của Thạch Xương Bồ chẩy róc rách thấm mát ruộng vườn ghềnh bãi dọc theo tỉnh Thừa Thiên về Thuận-An ra Đông-Hải.

     Trở lại nghi vấn, ai là người đặt tên sông Hương thì đến nay tôi cũng chưa tìm được tài liệu chắc chắn để trình bầy nơi đây, ước mong qúy vị độc gỉa, qúy vị cao niên nếu biết vui lòng chỉ bảo để tác giả và các bạn trẻ được học hỏi thêm thì thật là vinh dự,hữu ích cho việc mở mang kiến thức mặc dù hơn một lần nghe có người giải thích, thấy cũng hữu lý, tên sông Hương nó đã thành hình từ từ qua sự cảm nhận và sử dụng thường nhật của người dân trong vùng rồi lan rộng ra tới lúc được chấp nhận chính thức khi nào không hay. Cũng như ta gọi sông Hồng vì nước mang phù sa mầu hồng; Sông Cửu-Long vì có chín nhánh uốn khúc vòng vèo như chín con rồng trước khi ra biển.

     Bây giờ thì tôi chưa có cơ hội về Huế để trắc nghiệm lại những tài liệu quý báu vừa đề cập đến xung quanh cái tên gọi của sông Hương, nhưng tôi tin sự giải thích của hai vị Nguyễn-Cúc và Tôn Thất Lương đưa ra đều đúng và nay viết đến đây, thú thực, tôi chỉ đang bồi hồi nhớ tới khoảng thời gian cũ vì những năm trước 75 tôi đã đến Huế nhiều lần và rất tiếc là hồi đó tôi đã không có nhiều thời gian để lưu tâm, suy nghĩ về chuyện này.

     Những ngày công tác trong một đơn vị quân đội tổng trừ bị của tôi ở đó ngắn ngủi, công việc xong ít hôm lại trở về đàng trong, để rồi khi hữu sự lại vội vàng ghi tên với phòng 4 sư đoàn xin chỗ ngồi trên máy bay C130 trở ra làm việc vài bữa và hễ có dịp tới Huế như thế, nơi đầu tiên sau khi đáp xuống sân bay Phú-Bài hồi đó phần nhiều là dừng chân ở hậu trạm tạm thời đặt trong Đại- Nội, rồi từ đó mới ra Hương-Điền, Quảng-Trị bằng trực thăng bay trên phá Tam Giang hoặc bằng đường bộ qua quốc lộ số 1

     Khi tới Đại-Nội xen kẽ những bữa cơm xấy với thịt heo hộp thơm phức mùi vị húng lìu tịch thu được của quân địch, tôi thường rủ mấy anh em ra chợ Đông-Ba ở ngoài giại (Giại là giải đất trống dài dài dọc theo bờ sông và ngay trước mặt sông.) ăn cơm thịt heo luộc mắm tôm chua, con nào con nấy còn nguyên hình thù cong cong, đỏ như trái ớt chín, lại còn trộn những sợi riềng thái nhỏ, khiến chưa cầm đũa đã nghe hương vị đậm đà, rồi vừa ăn vừa thưởng thức tiếng râm ran như ong vỡ tổ của người mua kẻ bán, vừa ngửi mùi bánh đa nướng thơm lừng, tối về tụ tập trên sân Thế-Miếu bên hàng Cửu Đỉnh, cùng mấy quân nhân nằm ở hậu trạm ngổn ngang đây đó ba lô súng đạn và hàng trăm thứ quân cụ lỉnh kỉnh khác, khi thì đánh cờ, lúc binh xập xám trướng, chơi domino cho giết thì giờ, thực sự là giết thì giờ thôi chứ không phải tứ đổ tường vì:

                            Tôi ở nơi đây- chỗ tận cùng,
                            Dẫu là giữa phố vẫn đầu sông.
                                                  Trần-Vấn-Lệ.

     Một đêm trời thật nóng, vừa từ hành quân về tới hậu trạm, chúng tôi kiếm được bộ bài tổ tôm bèn quây quần chơi đánh chắn còm để thay đổi không khí. Đêm ấy mấy chân bài khác thay phiên ù tôm lèo rất vui, rất phấn khởi, mình thì cứ trơ ra, rồi lại còn biểu diễn một màn cười bể bụng vì chờ mãi mới tới được một ván thì lại xướng bạch định ra thập hồng thành thử thay vì lấy tiền về còn phải bỏ ra thêm. Thấy thế một ông gốc Bắc Kỳ ngồi chầu rìa, tới chậm hết chỗ, chắc cũng ngứa ngáy chân tay , đề nghị cầm hộ mấy ván để tôi đi tắm cái xả xui!

     Ở bên đầu hồi phía tả của Thế Miếu có một cái giếng đá ong nước rất trong và mát, đặc biệt lúc nào nước cũng đầy, không cần thả giây, cứ lấy cái nón sắt, lợi dụng chỗ thành giếng bể, cúi xuống múc cũng được, xung quanh giếng những bụi chuối xanh um, tình cờ làm thành một cái màn che thật tiện lợi, ban ngày chúng tôi thường tắm ở đó rất thoải mái, kín đáo, tự nhiên…nhưng ban đêm thì sợ rắn rết chẳng mấy an toàn. Nhiều người còn hù là, giếng ấy xưa kia để các mệ, các o, các cung tần mỹ nữ rửa ráy sạch sẽ trước khi vô hầu thiên tử, bây giờ có những đêm đang ngủ chợt nghe tiếng nước xối và tiếng cười khúc khích, xúc phạm tới có thể bị bóp cổ, chết nhăn răng.

     Nghe vậy tôi không tin. Các bậc quốc sắc nõn nà, sống trong nhung lụa, ăn trắng mặc trơn, sáng chiều được cơm bưng nước rót, lúc nào cũng ngong ngóng chỉ chờ vinh dự độc nhất là tin vui: được vời vô đón nhận “long chủng” của thiên hoàng…Các bậc quốc sắc thiên hương với những hàm răng đen rưng rức này đều quây quần ở trong cung Khôn Thái ngay sau điện Càn-Thành gần chỗ ở của vua, rất xa Thế-Miếu.

     Những mỹ nhân luôn luôn khao khát mong đợi thi hành nhiệm vụ như thế phải cư ngụ gần đó để khi động dụng quý quan thái giám túc trực, dễ dàng sửa soạn đúng thủ tục “Luật lâm hạnh”  rồi cõng trên lưng chạy thẳng tới đặt nằm trên long sàng mới tiện. Khi mọi việc xong xuôi, viên thái giám trở vào, lại cõng người cung nữ về phòng.

     Ngay lúc đó viên tổng thái giám cũng vào quỳ trước long sàng chờ lệnh.  Thái giám có năm bậc từ hàng tứ phẩm trở xuống. Ở bên Tầu hồi xưa, thái giám chia làm mười bậc gọi là thập thường và đã một lần các thái giám, dù đã cắt phăng cái của nợ, chẳng còn tha thiết chi cái sự đời cũng đã nổi giận, nổi loạn gọi là “Thập thường thị.” Sử sách còn ghi.

     Tổng thái giám quỳ trước long sàng yên lặng…Nếu vua nói “Lưu!” tổng thái giám sẽ ghi rành mạch ngày tháng tên tuổi người cung nữ vào một cuốn sổ để đối chiếu trường hợp sinh con cái sau này. (Theo tài liệu của Vũ-Đức Sao-Biển trong cuốn Oan Khuất Ả Q.)

     Nếu vua nói “Lưu” vậy tức là, dù ít dù nhiều cũng có đêm vua nói ngược lại đại khái “Không cần lưu.” Và khi vua nói không thì chuyện gì đã sẩy ra nhỉ ? Vời người ta vào làm gì nhỉ ? Chỉ thêm bực!

     Hồi đó chưa phát minh ra bao cao su. Mà vấn đề kế hoạch hóa gia đình thì cũng đâu thành…”vấn đề” đối với các bậc vua chúa. (Các vua triều Nguyễn, trừ vua Tự Đức vô hậu, người nào cũng nhiều con, vua Gia Long 31 con; vua Minh Mạng 142 con; Thiệu Trị 40; Đồng khánh 9…) Quan trọng là việc gì đã sẩy ra và chuyện sẩy ra có làm thất vọng, buồn lòng mỹ  nhân chăng? Chả lẽ mời người ta vào, làm người ta hí hửng đợi chờ, rồi để người ta mừng hụt, thất vọng, cơm treo mèo nhịn. Tâm sự của các nàng cung phi đã được giãi bầy khá đầy đủ trong “Cung Oán Ngâm Khúc” của  Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều (1741-1798) nhưng chẳng thấy tác giả đề cập tới điểm này.

     Mặt khác nghĩ lẩn thẩn thấy cũng tội, như thế các quan thái giám phụ trách việc “Kính sự phòng” của nhà vua thường phải làm việc ca nhì (Ban đêm) hoặc ca ba ( Cũng ban đêm, nửa đêm về sáng) và về đời Minh-Mạng các vị này nhiều phần cực nhọc hơn so với các đồng nghiệp triều đại khác vì nhà vua có khi cao hứng biểu diễn “hoàn thành hảo sự” tới sáu lần một đêm! (Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử.)

     Đêm hôm đó tôi nhường cho người bạn cầm giùm rồi, không nỡ lấy lại chân bài, sau khi ra ngồi chầu rìa mấy ván, bèn nhờ một chú lính trẻ chở ra bờ sông Hương, dọc theo đường Trần Hưng Đạo ngủ đò:

     Sông Hương gợn sóng khuynh thành,
     Đêm khuya một chiếc thuyền mành ngả nghiêng.

     Cũng như cơm hến, nón bài thơ, cơm âm phủ, kẹo mè xửng…ngủ đò trên sông Hương là một nét độc đáo của Huế. Là nỗi tò mò, là niềm ao ước của hầu hết khách mày râu từ phương xa đến Huế. Không “dấn thân” một chuyến lúc về biết lấy mô kể chuyện làm quà. Câu chuyện có khi cần hư cấu, thêm mắm muối cho đậm đà hơn thực tế, cho “oai” hơn thực tế, mục đích làm ngơ ngẩn thèm thuồng quý thính giả chưa từng đặt chân tới chốn thần kinh “Đêm tàn bến Ngự.”

     Thường thường ngủ đò là phải có ca Huế.

     Riêng tôi ngủ đò bữa đó chỉ để biết, để có cảm giác căn bản vậy thôi, chứ hoàn cảnh không bì được và không thực hiện được đúng cách như các giới trẻ, quyền quý, quan lại lắm bạc nhiều tiền nghĩa là cần thêm ca Huế, một hình thức nghệ thuật với ca nữ, đàn địch xênh phách để thưởng thức những giọng ca, nhất là ca Nam như: Nam Cầm, Nam Bình, Nam Ai đầy réo rắt, nỉ non, man mác…với rượu chè, ngắm trăng, ngâm vịnh…mà nghe nói thú chơi tao nhã đó rất thịnh hành, nhất là vào thời cuối thế kỷ 19 ở đây, mặc dù có thể ca Huế đã xuất hiện từ thời chúa Nguyễn-Phúc-Chu (1691-1725) trên vùng đất mới chiếm của Chiêm-Thành này.

     Đức Khổng Tử viết “Nhạc giả thiên địa chi hòa giã.” (Nhạc là cái điều hòa của trời đất.) vì hoàn cảnh không thể thực hiện được sự hòa hợp âm nhạc và thiên nhiên để thưởng thức một chuyến cho đã, cho đúng điệu một đêm ngủ đò kể cũng tiếc!

     Suốt đêm trên con đò nhỏ cắm xào lơ lửng giữa đôi bờ cùng vợ chồng già chủ đò, nhớ lại, tôi không cảm thấy mùi hương của dòng sông phảng phất đâu đây, gió mát cũng không, gần xa thấp thoáng lờ mờ những chiếc thuyền nan bé tý teo bán chè, bán cháo cho khách ăn đêm với ngọn đèn trai leo lét…Có thể mùi hương đặc biệt ấy chỉ tỏa ra ở thượng nguồn sông Hương. Chỗ này đã thuộc đồng bằng, gần tới cửa bể, lòng sông rộng, thuyền ghe nườm nượp, ngay cả đám cỏ cây hoang dã không còn nhiều nên cũng chẳng có hương thơm nhè nhẹ của loài cúc dại và thật chẳng may cho tôi, lại nữa, bấy giờ chắc cũng chưa tới mùa hoa thầu đâu!

     Sóng chòng chành và không khí oi bức làm tôi không ngủ được. Hai vợ chồng chủ đò cũng rì rầm lục đục hoài, cuối cùng thấy tôi còn thức họ mời ra ngoài khoang cho thoáng, uống trà. Tôi chui ra qua cửa tò vò, hỏi:

- Mấy giờ ông bà mới đi ngủ?
- Ôi, già rồi, thức ngủ chập chờn có chi mô quan trọng.

     Nghe ông già nói vậy, tôi chưa biết trả lời sao thì ông lại tiếp:
- Sớm mai vắng khách ngủ cũng rứa, khác chi!
- Vậy cứ ở dưới thuyền tối ngày chẳng cần nhà cửa sao?

     Ông già cao giọng, hơi có vẻ kiêu ngạo:
- Có chớ! Con gái tôi nó bán giải khát trên bờ kia, tối về giữ nhà trông nom bốn đứa cháu ngoại, còn tôi thì bữa về bữa không
- Chắc con rể ông cũng ở đó?

     Tôi chợt thấy câu hỏi của mình hơi vô duyên, nhưng ông già chẳng để ý, trả lời có vẻ ngậm ngùi:
- Trước kia ở đó chứ ở mô! Nhưng nó đi lính sư đoàn 1 đã chết từ mấy năm rồi!

     Tôi bối rối, chẳng muốn nói gì thêm. Tôi chưa đến nhà của ông bà chủ đò, không biết ở đâu, nhưng tưởng tượng cũng hình dung được đại khái như thế nào. Đất cầy lên sỏi đá. Trời hành cơn lụt mỗi năm…

     Với quán nước của người góa phụ, với chiếc đò nhỏ trên sông Hương do cặp vợ chồng già lèo lái, với sự mất mát người trụ cột gia đình, gia đình bẩy miệng ăn, tương lai chẳng có gì tươi sáng, phấn khởi.  Sau một lúc im lặng, đến lượt bà chủ đò lên tiếng hỏi tôi:
- Chắc thầy trong Nam mới ra?
- Thưa quê tôi ngoài Bắc.

     Thật lạ, mỗi lần tới Huế, có dịp tôi lại muốn tự giới thiệu tôi người đàng ngoài.

     Sự thực đúng người đàng ngoài rồi! Mà đàng ngoài, đàng trong thì cũng rứa, cũng con Hồng cháu Lạc có khác chi mô! Bây giờ đàng ngoài đâu còn giữ độc quyền thưởng thức rau muống luộc chấm tương như xưa!

     Rau muống rỗng ruột như cây tre nên còn gọi là rau vô tâm, nhiều chất sắt, có thể dùng làm dược thảo. Tên khoa học của nó là Ipomoea Aquatica Nam Bắc đều biết, đều dùng như những món ăn trong bữa cơm bình thường: ăn sống, sào, luộc, nấu canh v…v…Vậy xin đi đến kết luận là chả có gì phân biệt Bắc Nam, nhưng tôi vẫn hay nói thế vì đó là sự thật và có lẽ cũng muốn nhắc nhớ cho phù hợp với hai câu thơ mà tôi rất thích

     Yêu em anh cứ anh vô
     Kệ chuông nhà Hồ mặc phá Tam Giang.

     Hai câu thơ trên lấy ý từ câu ca dao “Yêu em anh cũng muốn vô. Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam-Giang” trích trong bài thơ dài 88 câu của Tản-Đà nhan đề “Chơi Huế” trong cuốn Tản-Đà Vận Văn Toàn Tập do Sống Mới in lại ở Hoa-Kỳ. Chữ EM ở đây trỏ vào xứ Huế, tác giả cẩn thận ghi chú như thế. Vâng! Chữ EM trong hai câu thơ Tản-Đà dùng để chỉ cố đô Huế thì mình phải hiểu theo ý của tác giả. Nhưng với câu ca dao, với tinh thần bình dân, mộc mạc, chất phác…tôi nghĩ nó chẳng mang cùng nghĩa như vậy. Nó biểu chưng cho một người nữ, nó là “Em ngồi bên cửa mình em” (Thơ NPL), nó là Công Tằng Tôn Nữ đang nhìn nắng hàng cau v…v…

     Lần này thấy câu trả lời chưa rõ, có thể bị nghi là người anh em phía bên kia, hồi đó là sau mùa hè đỏ lửa 1972 bom đạn vẫn còn mù trời, nên tôi tiếp:
- Thưa ông bà, tôi người Bắc, nhưng di cư vào Nam từ 1954 và đúng vậy, tôi ở Sài-Gòn mới ra mấy hôm nay.

     Bà già rót thêm nước cho tôi rồi nói một hơi đầy thân tình.:
- Mà thầy đã vãng cảnh chùa Linh-Mụ chưa? Ai ra đây cũng nên tới, trước là lễ phật sau là cầu duyên nợ vững bền. Linh-Mụ thiêng lắm!

     Với giọng Huế trầm bổng dịu dàng nghe êm đềm quyến rũ, dưới ánh sáng lờ mờ, bà chủ đò trạc ngũ tuần, trông mảnh khảnh, quý phái, mộ đạo, không có vẻ là người lao động “nghiệp dư”. Có thể biết đâu trước đây bà chẳng là một nữ sinh Đồng-Khánh, “ngày ngày đi học, chiều chiều đi chơi.” Và hiện thời trong căn cước bọc nhựa, cũng như trên sổ gia đình với mộc son, chữ ký chứng thực của phường xã đàng hoàng. Tên tuổi bà biết đâu chẳng là Công-Tằng Tôn Nữ v…v..

Làm cho vô tình ai thấy sự đời dâu bể sẽ hơi ngạc nhiên giữa quá khứ và hiên tại, tiếc thay cũng chỉ vì thời cuộc, vật đổi sao dời…tôi như thức tỉnh, chợt khám phá rằng, thì ra có thể còn nhiều sự việc âm thầm ở cố đô mình vẫn chưa hay, tôi nhớ đến hai câu thơ của Lương Quân, nghĩ bụng giá được bà đọc lên cho nghe chắc cũng đúng, cũng vui:

     Ngẫm coi lầu các nắng mưa,
     Sông Hương núi Ngự đủ chưa, lắc đầu.

     Tôi và có lẽ rất nhiều người thích nghe giọng Huế nhỏ nhẹ, bình thản, đều đều…dấu sắc, dấu ngã thì xuống thấp, dấu huyền thì lên cao, khoảng cách cao thấp này nhạc sĩ Phạm Duy gọi là âm vực. Tôi đáp, cố bắt trước giọng Huế, nhưng không thành công:
- Duyên nợ mô chừ, vợ con đùm đề rồi mệ ơi!

     Bà già không chịu:
- Thầy nói chi lạ rứa, cứ cầu xin đâu thừa, các cụ nói tu nhân tích đức…

     Sáng hôm sau trở dậy tôi thuê xe ôm viếng chùa Linh-Mụ.

     Chùa Linh-Mụ thuộc làng An-Ninh, một kiến trúc lâu đời nhất ở Huế, theo sách “Ô Châu Cận Lục”, thoạt tiên từ năm 1553 về trước chỉ là một thảo am. Với câu chuyện Bà Già Mặc Áo Đỏ, rất thiêng biến lên trời, được dân địa phương về sau kể cho chúa Nguyễn Hoàng nghe khi qua đây năm Tân Sửu (1601) kết quả là ngài đã cho xây chùa. Mới đầu chùa có tên Thiên-Mụ (hay thực ra là Thiêng Mụ) rồi về sau năm 1850 sợ phạm húy với trời (Thiên) nên vua Tự Đức đổi là Linh-Mụ. Tuy nhiên nay vẫn còn nhiều người gọi là Thiên-Mụ. Chùa Thiên Mụ tọa lạc trên bờ sông Hương. Lại sông Hương! Khúc sông này thật rộng, xa xa bờ đối diện là gò Thọ-Cương, cây xanh bao phủ, khói tỏa êm đềm, tạo nên cảnh bên ni bên nớ hữu tình.

     Gió đưa cành trúc la đà,
     Hồi chuông Thiên-Mụ canh gà Thọ-Xương.

     Ngoài chùa có một cái tháp hình bát giác cao hơn 21 m đặt tên là tháp Phúc-Duyên gồm bẩy tầng, mỗi tầng đều thờ một đức phật. Chùa Linh-Mụ được kể đứng hàng thứ 14 trong 20 thắng cảnh của cố Đô Huế với bài thơ ca tụng của vua Thiệu-Trị (1841-1847) để lại trong cuốn “Ngự Chế Thi Tập” nguyên văn như sau:
 
              Thiên-Mụ Chung Thanh.
     Cao cương cổ sát trấn tiền xuyên
     Nguyệt tướng thường viên tự tại thiên
     Bách bát hồng thanh tiêu bách kết
     Tam thiên thế giới tỉnh tam duyên
     Tăng hoằng ngọ nhật u minh cảm
     Liêu lượng dần tiêu đạo vị huyền
     Phật tích thánh công thùy hải vũ
     Thiện nhân tăng quả phổ cai diên.
 
     Xin mạn phép tóm sơ đại ý: Chùa trên đồi cao trước sông, thờ tượng Phật phương phi phúc hậu, hãy tụng kinh, lần truỗi, đánh chuông để thức tỉnh đất nước, mang nhân lành quả tốt khắp cõi bờ.

     Ý nghĩa bài thơ đầy tình bác ái, nhân đạo hướng thượng, bao dung, rõ ràng là khẩu khí của bậc thiên tử. Chắc chắn thế nào “Thiên Mụ Chung Thanh” hàng ngày cũng là những âm vang hữu ích nhắc nhở, tạo nhân quả tốt lành cho, không những cư dân kề cận mà còn ngân nga ảnh hưởng khắp cõi bờ.

     Tôi hy vọng có ngày tái ngộ Huế để ngó lại cầu Trường-Tiền “Sáu vài mười hai nhịp” ; Để đi thăm lăng tẩm lòng vòng, những nơi mà ngày ấy chưa được tới vì thiếu an ninh, những nơi mà Phạm Quỳnh hết sức ngợi ca: “Không biết lời gì mà tả được cái cảm giác lạ, êm đềm, ảo não, nó chìm đắm khách du quan trong cái cảnh tịch mịch u sầu này.”

     Vã cũng là để làm một chuyến đò dọc, ngược dòng Hương Giang, hướng lên thượng nguồn cố gắng nhận biết cái hương thơm thoang thoảng của nước sông, để nghe xao xuyến âm vang Thiên Mụ chung thanh…và còn thật nhiều điều khác nữa mà tôi chưa có dịp.

     Ngẫm coi lầu các nắng mưa,
     Sông Hương núi Ngự đủ chưa? Lắc đầu.

     Thấm thoat vậy mà cũng mấy chục năm. Núi sông ngăn cách.Ông bà già chủ đò cho tôi tá túc một đêm chắc đã ra người thiên cổ. Mấy “chiến hữu” tụ tập đánh chắn đêm nào giữa sân Thế-Miếu, người còn, kẻ mất, phiêu bạt bốn phương, biệt vô âm tín. Mai sau, nếu hữu duyên có cơ hội trở về…lúc ngập ngừng bước chân vô Đại-Nội, dưới tàng phượng vĩ đỏ ối, chắc chẳng ai là cố nhân đón chờ, chẳng ai thỏ thẻ nhỏ nhẹ bên tai: “Ôi chu choa! Lâu quá hỷ?”

     Bây giờ mới tưởng tượng thôi, mà nghe đã ngậm ngùi chạnh nhớ hai câu thơ của Chu-Mạnh-Trinh:

     Tịch mịch tiên triều cung ngoại miếu,
     Đỗ quyên đề đoạn nguyệt âm âm.

Tùy bút của Nguyễn-Phú-Long.                                                                               

Nhắn Tin.
   Sau khi bài tùy bút này đã phổ biến.
Tôi nhận được bức thư ngắn ngày August 14-08:
   “Tôi là NHCP chủ biên tập san Nghiên cứu Huế, ở
Huế. Tôi vừa đọc xong “Tôi ra xứ Huế.” rất thích thú
và cảm động. Rất muốn liên lạc với tác giả.
Nếu được xin cho địa chi…”
   Tôi (NPL) đã phúc đáp ngay hai lần với địa chỉ:  
This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it nhưng không thấy hồi âm.
Cám ơn và ước mong được liên lạc với anh. NPL.