Xe ôm PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon cô nương   
Chúa Nhật, 15 Tháng 5 Năm 2011 07:17

Với tính chất đơn giản và tiện lợi của nó thì nghề xe ôm ngày càng phát triển.

 

Tôi đi công việc về phía Tân Định. Dắt chiếc xe gắn máy ra cửa bị xẹp lốp, lại vội vã quay vào nhà cất xe.

Nếu chuyển sang đi xe buýt, tôi phải mất hai chặng. Từ nhà trong hẻm đi bộ ra đường nhỏ, tới trạm xe buýt ngoài đường cái là chặng thứ nhất để đón xe lên Saigon. Một chặng thứ hai từ Saigon đi Tân Định, xe buýt ngừng tại Hai Bà Trưng, vào nhà bạn thêm một quãng đi bộ qua mấy con hẻm nữa e không kịp giờ.

Kêu taxi thì... không thể. Sau mấy đợt tăng giá xăng, taxi đã trở thành quý tộc! Tốt hơn hết nên gọi xe ôm.

Nghề xe ôm không biết có từ thời nào nhưng chắc chắn phải xuất hiện sau 1968, vì vào năm đó, ông Kỳ cho nhập cảng xe gắn máy về bán trả góp cho công chức và quân nhân. Những đợt xe đầu tiên nhập về mang nhãn hiệu Honda nên người dân gọi mọi xe gắn máy là Honda dù sau này có Yamaha, Suzuki, Kawasaki...

Càng ngày càng nhiều nhãn hiệu nên xe gắn máy được gọi phổ biến cho các xe nhập cảng ồ ạt từ đó về sau, không kể tới hai loại xe trước là Vespa và Velosolex.

Nghe tên gọi hình dung ngay thực tế thế nào. Tức là người đi xe này cần phải... ôm! Muốn chắc chắn thắng gấp không bị té thì người ngồi sau nên ôm bác tài hơn là vịn hờ yên trước hay đưa tay lui giữ chặt yên sau! Dĩ nhiên khách đi xe chẳng ai ôm trừ người già cả.

Tên gọi này có vẻ vi phạm thuần phong mỹ tục quá nên dưới quê, người dân gọi xe ôm là xe đò, còn loại xe đò mấy chục ghế chạy đường dài thì gọi là xe khách. Thành thử dân thành phố mới xuống quê đôi khi nghe không kỹ, rất dễ bị lầm.

Xe ôm nhanh hơn buýt và rẻ hơn taxi. Vả lại với đường phố thường xuyên kẹt xe như hiện nay, taxi cùng ô tô nối đuôi nhau dài dằng dặc, xe ôm thuận tiện hơn rất nhiều vì dễ luồn lách. Mấy ông xe ôm rất thạo đường tắt, thấy trước mặt xem chừng có vẻ kẹt xe, ông quẹo hẻm này, rẽ ngõ khác rất nhanh để thoát ra một con đường trống ngắn nhất, chứ đâu có đứng đó đợi nhích từng chút một vừa mất thời giờ hít khói vừa hao xăng.

Khách hàng quen có số điện thoại của xe ôm. Khách muốn đi tới đâu, kêu một cú điện thoại, xe ôm đến tận cửa đón. Nếu không biết đường, xe ôm ngoằn ngoèo đi vào tận đường cùng, lối kiệt kiếm ra đúng chỗ thì thôi trong khi taxi chịu thua đậu ngoài hẻm lớn và trạm xe buýt ngừng tại đâu đâu.

Bởi vậy, ai muốn tìm đường cứ rề vào vỉa hè hỏi thăm ông xe ôm thường trực ở đó sẽ được chỉ dẫn tường tận. Thậm chí nếu nói số nhà, ông sẽ cho biết nó nằm khúc nào, khỏi cần đi dò từ đầu đường.

Xe ôm là một phương tiện chuyên chở rất linh động. Thông thường bác tài chở một khách nhưng nếu hai người khách cùng đi với nhau mà vắng bóng cảnh sát thì nhậm lẹ lén tống ba ngay.

Xe ôm chắc chắn phải đồng thời là một loại xe thồ. Người bán lẻ thường nhờ xe ôm đi lấy hàng quen mà không cần phải đi cùng. Chỉ cần dặn hàng qua điện thoại, bác tài sẽ đến đúng địa chỉ lấy hàng mang về tận nơi không suy suyển. Xe ôm chở người riêng, hàng riêng hoặc vừa người vừa hàng. Xe không cần phải chở người, chỉ chở hàng thôi cũng gọi là xe ôm. Nó đã trở thành một danh từ chung cho chiếc xe gắn máy chở thuê kiếm tiền.

Trước kia xe ôm thường cà tàng nhưng nay chỉ trừ xe chở hàng ngoài chợ búa mới cũ kỹ, còn xe chở khách đều mới mẻ, sạch sẽ cả. Khách hàng mặc quần áo đẹp đi xe ôm không ngại chiếc xe xấu xí làm giảm giá trị của mình.

Do tiện lợi như vậy nên đi đâu cũng thấy xe ôm. Trước mỗi đầu hẻm dù nhỏ hay lớn đều có ông xe ôm cho tới đầu đường, ngã tư làm sao thiếu. Xe ôm xếp hàng ở chợ, nhà ga, bệnh viện... chắc chắn phải có. Thế nào họ cũng đậu dưới tàng cây, cạnh tủ thuốc lá, trước phòng mạch tư... Hay là cứ đứng khơi khơi trên vỉa hè mà không cần gần một vị trí đặc biệt nào cả vì thế nào cũng có người khách từ đâu đó hiện ra kêu xe. Chuyến xe đò vừa rề tới chưa kịp dừng, ít nhất một chục ông ùa tới tận cửa chặn khách hỏi đi đâu.

Hầu như xe ôm có mặt mọi nơi. Nếu chỗ đó cấm đậu thì chỉ cần đi bộ một quãng thế nào cũng bắt gặp không xa, một ông xe ôm trực chờ sẵn. Xe nào khó kiếm chứ xe ôm lúc nào cũng sẵn sàng. Chỗ đông cũng như chỗ vắng, nơi xa hay nơi gần. Xe taxi giữa khuya, giữa trưa, giờ cao điểm có khi khó kêu nhưng xe ôm vô số. Không có xe chỗ này, kiếm chỗ khác có ngay.

Những nơi đông khách, xe ôm đều phải tổ chức thành nghiệp đoàn mặc đồng phục, đeo bảng tên để luân phiên nhận khách, không thì giành giật cãi nhau to. Chỗ đông đúc không kể, ngay cả nơi nào vắng vẻ cũng rải rác đây đó một hai xe ôm đợi khách vãng lai.

Ông Mai, bảy mươi tuổi nói:

- Tôi lớn tuổi rồi nên không vào nghiệp đoàn đứng suốt ngày ngoài trời được. Buổi sáng tôi phụ vợ dọn cá bán ngoài chợ, trưa phụ bà ấy dọn về. Nội trong ngày, hễ rảnh lúc nào tôi ra ngã ba dưới cây trứng cá ngồi. Khi mệt hoặc nhà có việc bận thì về. Như thế phù hợp với sức khỏe và cuộc sống của tôi.

Sau này xăng đắt nên xe ôm chỉ trụ một chỗ cố định đợi khách chứ trước kia xe ôm còn chịu khó chạy rong để bắt khách. Xe chạy vòng vòng thấy ai đứng ngóng hoặc đi rảo một mình là ngoắc tay. Các bác tài xe ôm nhận mặt khách rất hay, cứ ngoắc như thế mà thường là bắt được khách.

Bây giờ tuy không chạy rong nhưng sau khi thả khách, trên đường về, thấy ai đi lơ ngơ là ngoắc, thế mà thường cũng được một mối đi tiếp.

Xe ôm có vẻ tự do nhưng thực ra có bến ngầm. Nếu không vào nghiệp đoàn, vài ba xe tụ tập gần bưu điện, trạm xe buýt... nhưng rừng nào cọp đó, tài lạ không thể xen vào hay đứng gần cướp khách. Tốt hơn hết nên tìm nơi khác đậu hoặc quen biết có lời xin nhập hội. Dù chỉ vài người với nhau nhưng nếu khách không chọn tài quen thì họ sẽ thay phiên theo thứ tự.

Một số hãng xe khách đi tỉnh không vào bến xe chung như Bến xe Miền Đông ở Bình Thạnh hay Bến xe Miền Tây miệt Chợ Lớn mà có văn phòng bên ngoài. Sau khi đặt chỗ qua điện thoại, tới gần giờ đi, nếu khách ở gần văn phòng đồng thời cũng là bến, nhà xe sẽ cho xe ôm đến từng nhà rước. Ngược lại, khách dưới tỉnh rải rác các huyện, xã... chứ không tập trung gần nhau như thành phố. Khi đó nhà xe phải dùng xe bảy chỗ hoặc chín chỗ chạy vòng vòng để gom. Tuy nhiên, khi trở về đến thành phố, nhà xe lại cho xe ôm chở khách từ bến trả về tận nhà mỗi người.

Giới xe ôm hành nghề từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp. Lai rai chở vài người khách quen trong xóm hay trực suốt ngày ngoài đường.

Trước kia, xe ôm chỉ được coi là công việc làm thêm. Rất nhiều giáo viên, nhân viên văn phòng... sau giờ hành chánh mang chiếc xe ra lề đường ngồi mấy tiếng đồng hồ kiếm vài cuốc thêm tiền chợ. Nay thành một nghề hẳn hoi, nằm đàng hoàng trong danh mục thuộc ngành giao thông vận tải.

Kiếm thêm bây giờ thường là sinh viên. Phi trường cấm xe ôm đậu nên hành khách đi bộ khá xa ra tận vòng ngoài mới gặp vài chiếc. Ở đó có vài sinh viên và công nhân kiếm thêm ngoài giờ cho việc ở trọ thành phố. Một sinh viên trường Nông Lâm chạy cuốc xe từ phi trường về Trần Hưng Đạo, do không rành đường nên chỉ đòi ba chục ngàn thay vì giá đúng năm chục. May là gặp người khách biết điều cho thêm. Ngược lại, có nhiều ông ưa hét giá, nếu khách không hay đi xe, không biết rõ giá thì bị móc túi là chuyện thường.

Mấy ông về hưu, ở nhà không cũng buồn nên ra nghề xe ôm. May mắn nhất là nhận được mấy mối lãnh lương tháng chở học sinh đi học. Hiện nay, nhiều phụ huynh quá bận rộn, không thể đưa đón con hằng ngày nên nhờ xe ôm gần nhà là tiện nhất. Ngoài ra, còn chở mấy ông bà già hàng xóm đi lễ, đi thăm con cháu, chở bà hàng rau ra chợ... Cứ như vậy mà thành một số lương tháng đều đặn đáng kể.

Hay anh thợ hớt tóc, sửa xe, bán cà phê... nhân tiện đậu chiếc xe trước nhà. Có khách kêu thì quơ xe chạy một cuốc, không thì lại quay về cặm cụi hớt tóc, pha nước... Loại này có khách quen hay hàng xóm đến tận nơi kêu chở, khỏi cần phơi mình dãi dầu ngoài đường.

Làm tài xế xe ôm cũng vui. Đây là nghề tự do lương thiện, không cấp trên, cấp dưới, chỉ có khách hàng thuận giá thì chở. Vui thì làm, buồn bỏ về nhà nằm khoèo. Một nghề mà ai làm cũng được. Điều kiện duy nhất là... biết chạy xe gắn máy. Chạy ô tô mới khó chứ xe gắn máy thì con nít cũng chạy ào ào. Vì nhu cầu nhiều người muốn chạy xe ôm nhưng không có xe nên nảy ra chuyện cho mướn xe. Một người bỏ vốn ra mua vài chiếc xe để đó cho xe ôm thuê ngày, giống như ngày xưa thuê xích-lô vậy, cũng là một cách kiếm ăn.

Ông Mai nhăn nhó:

- Ngày nào tôi cũng để dành tiền mua một tờ vé số. Trúng độc đắc là tôi nghỉ ở nhà cho khỏe, chứ chạy xe mệt lắm.

Quả vậy, hình ảnh xe ôm bao giờ cũng là những người đàn ông nước da đen sạm do suốt ngày mưa nắng ngoài trời. Lúc rảnh họ ngồi ké chơi cờ tướng với nhau nhưng dễ nhận diện nhất là cứ góc đường có ông mặt mũi sương gió ngồi bó gối trên xe hay nằm ngay trên chiếc xe vật bất ly thân. Rời chiếc xe mất là chết nên họ khoanh tay nằm ngủ một giấc ngon lành ngay trên yên. Trên xe có áo mưa, thêm cái mũ bảo hiểm cũ mèm móc vào thì đích thực là ông xe ôm không sai.

Trên xe ôm bao giờ cũng có hai chiếc mũ bảo hiểm, một cho tài, một cho khách. Chẳng biết mũ của tài thế nào, chứ chiếc mũ của ông xe ôm gần bưu điện đưa cho khách chắc làm bằng giấy bồi hay sao mà gãy mấy đường, dán băng keo ọp ẹp. Ông ngượng nghịu gãi đầu phân bua:

- Đội đỡ đi có một khúc thôi mà! Chứ mua mũ thiệt thì mắc. Dạo này ế lắm...

Chạy xe ôm nhàn nhã thật nhưng cũng nhiều bất trắc. Từng có xe ôm bị khách cứa cổ cướp xe. Những người khá không hành nghề xe ôm dù là làm cho vui. Nghề này chỉ dành cho dân nghèo và tuy được coi là nhàn nhưng chỉ đàn ông mới làm nổi. Phụ nữ chạy xe ôm rất hiếm hoi, bến xe miền Đông có một chị.

Xe ôm tốn tiền xăng, tiền chiết cựu cho chiếc xe làm vốn, công chủ xe bỏ ra không tính. Vì thế trong thời bão giá, mọi thứ đều tăng nhưng xe ôm, không được trợ giá như xe buýt, vẫn không dám tăng giá cao.

Lý do là đa số dân chúng tiết kiệm cho nhu yếu phẩm và những khoản chi tiêu cần thiết trong đời sống. Dân giàu vẫn đi ô tô, taxi nhưng số khách trước kia dùng xe ôm nay hạ xuống xe buýt, xe đạp điện hoặc tự chạy xe gắn máy của họ chứ không tốn tiền cho xe ôm nữa. Xe ôm méo mặt dậm chân nhìn chung quanh mọi thứ tăng phi mã...

Với tính chất đơn giản và tiện lợi của nó thì nghề xe ôm ngày càng phát triển. Dù sao cũng giải quyết hữu hiệu một phần nhu cầu đi lại của dân chúng.