Bóng đời, một thời với cố đô Huế |
Tác Giả: Trần Quốc Phiệt |
Thứ Bảy, 09 Tháng 7 Năm 2011 17:43 |
"Tôi ở đường Đặng Dung ,
Lâu lắm rồi, tôi chưa một lần trở về thăm lại mái nhà xưa. Theo như lời kể và hình ảnh được xem thì cảnh vật nay đã thay đổi quá nhiều. Cũng rất buồn ,dù biết rằng theo lẻ thường thì “thương hải biến vi tang điền”. Ai có thể ngăn được sự đổi hình thay dạng qua thời gian, đặc biệt là một thời gian dài đằng đẵng hơn nửa thế kỷ đã qua với nhiều biến chuyển thời sự bằng những vết thương đau tận cùng của dân tộc. Nếu như ở một xứ sở văn minh, người ta xem cái gì thuộc về dĩ vãng đều là dấu tích văn hóa, dù nằm ở khuynh hướng nào. Còn xứ sở mình đã nghèo lại lạc hậu về cách suy tưởng, thôi đành chấp nhận những mất mát to lớn, đó là một sự thật đau xót quá phũ phàng. Nhưng dẩu sao thì cái địa chỉ ở đường Đặng Dung,Thành Nội, Huế thuở nào vẫn còn ăn sâu vào trong trí nhớ, với biết bao kỷ niệm buồn vui tuổi đời học trò không dễ gì phai nhạt, dù là một tí nhỏ nhoi nơi tôi, và nỗi nhớ cũng mãi tăng lên mỗi lần nhắc lại. Đã nhiều lần tôi viết về nơi ấy, văn vần, văn xuôi, ký sự và cả chuyện vui buồn…vẫn chưa đủ để tải hết nỗi niềm, thế thì bài viết này như là một lời nhắc lại những hoài niệm hoặc chắp nối các dòng chảy dở dang khi ẩn khi hiện, tựa cái bóng đời của người đi trong ánh nắng lùm cây, hay vầng trăng mờ ảo che bởi những đám mây, và cứ như thế để suốt cuộc hành trình không thể tách rời ra được với chính mình, bóng và hình. Vâng, tôi đang nói về căn nhà ấy mà tôi đặt tên là “căn nhà tuổi thơ”. Nó nằm trêm khoảnh đất có diện tích khá lớn, trên một trong những con đường “quý tộc,” với những cái tên biểu thị sáu cơ quan đầu nảo quyền lực một thời vàng son của cố đô Huế, đường Bộ Tham là tiền thân tên gọi của Đặng Dung. Tôi hơi dài dòng như vậy vì vào thời tôi lưu trú nơi ấy, những người trong nội thành vẫn còn gọi đường bằng tên cũ ví như : Hiển Nhơn, Bộ Thị, Bộ Học, Bộ Tham…Hơn nữa, gọi tên cũng là cách ôn về quá khứ một thuở một thời…chứ thật ra lớp người già nua ấy hầu như đến nay đã ra thiên cổ. Căn nhà xa xưa đó,những người chưa hề đến Huế, hoặc là dù người gốc Thừa Thiên nhưng không tìm hiểu nhiều, chắc gì đã biết về nó,và kể cả một ít người dù cư trú trong khu Nội Thành rất lâu, chưa chắc đã để ý đến, cũng có người biết đến với tên gọi, và một cách nhìn không mấy thân quen. Tại sao, cơ duyên nào đã đưa đẩy tôi có mặt nơi ấy, với thời gian dài bảy năm đèn sách, tuổi học trò là dấu ghi đậm nét nhất trong đời người. Tuy ở vùng quê, nhưng là một gia đình quan lại, với hàm tứ phẩm của triều đình, “gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung”. Đó là cái nề nếp phải giữ. Thân phụ tôi, một người thông thạo cả hai nền cổ và tân học, tôi muốn nói đến chữ Hán ,tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ. Nơi đây tôi không muốn dẩn chứng những bộ sách người đã dịch, những bài thơ người đã để lại, vì đã có lần đăng tải trên những trang báo, và tôi dự định sẽ còn viết về những điều ấy vào một đề tài khác, mang tính gia đình. Sinh ra trong một gia phong như vậy, nhưng lại lớn lên và trưởng thành trong hoàn cảnh khó khăn đầy khắc nghiệt. Mẹ mất năm vừa lên tám. Cha bị tù vì tội yêu nước. Anh em trong nhà, người lớn nhất chỉ mười bốn tuổi, nhỏ nhất mới bảy ngày sinh. Chú em út được bà cô chăm sóc, chỉ ăn cơm mem và thỉnh thoảng mới có dịp ẩm đi quanh xóm bú vú nhờ. Những hình ảnh như vậy không thể phai mờ, và mỗi lần nhớ lại vẫn tràn trề cảm xúc. Chị tôi, mới mười hai tuổi, người nữ duy nhất trong nhà , đảm nhiệm nội trợ. Trong một bài thơ nhan đề “Viết cho chị” của tôi có những câu như sau: “Xa cách bao lâu rồi chị nhỉ ! Gia đình một nhúm toàn con trẻ , Căn nhà nhỏ ra vào hôm sớm , Ngọn đèn dầu từng đêm leo lút , Chị thấy đó hết mưa thì tạnh , Vài năm sau thì chia hai đất nước, Ba tôi trở về với thân xác tiều tụy còm cõi, gia đình quyết định chúng tôi phải được đi học bằng mọi giá, đó là lý do hai anh em tôi phải rời xa mái ấm để vào Huế, “Căn nhà tuổi thơ” là nơi lưu trú của chúng tôi. Chính nơi đó là căn bản bước đầu cho cả một cuộc đời và sau này có thể nói là đã thành đạt. Uống nước nhớ nguồn, chúng tôi vô cùng trân quý những hình ảnh và tình nghĩa bao la mà tha nhân đã dành cho. Nơi đó, là thiên đường tuổi thơ của tôi, nói vậy không quá đáng, nếu không tôi cũng chỉ là thằng bé con lam lũ ruộng đồng, lớn lên thành một nông gia nơi xứ quê nghèo nàn kham khổ. Nơi đó là chỗ nương thân cho tôi học hành, có mái nhà giữa chốn đô hội để trú thân, có bát cơm hai bữa mỗi ngày, có anh em bằng hữu đồng cảnh cùng thi đua học tập. Có lớp đàn anh đã thành đạt vinh hiển, thành danh, có lớp đàn em tình nghĩa khăng khít, tất cả đã mở ra con đường thênh thang vào đời bằng những tri thức thu gặt được trong thời gian lưu trú, với một kinh nghiệm dạn dày cuốc sống tập thể, đó là lý do cho họ có những vị trí tương xứng trong xã hội, từ giáo sư đại học cho xuống giao viên tiểu học, từ giam đốc cho chí nhân viên đủ mọi lảnh vực, từ ông đại tá cho đến anh chuẩn úy tò te trong quân đội. Lớp trước, lớp sau… tất cả là anh em có thứ bậc dưới: “căn nhà tuổi thơ”. Nhắc lại những điều này như là lời tri ân một xã hôi nhân bản, mà chúng tôi những kẻ thừa hưởng có lương tâm, thì chắc chắn không thể trở thành những tên phản bội lại “căn nhà tuổi thơ”. Người ta thường nói Huế là thành phố của mộng mơ, thành phố của những vần thơ. Ở thì buồn đi thì nhớ, nhớ thì muốn về, về thấy buồn rồi lại muốn đi. Tôi không có dịp để thử nghiệm điều này. Tôi ở Huế hơn mười năm, xem như suốt cả tuổi học trò, với biết bao kỷ niệm. Khi tôi rời Huế vào Sài Gòn, nhớ Huế vô cùng, nhưng nhớ nhất vẫn là “căn nhà tuổi thơ” của tôi, cho chí bây giờ tôi vẫn còn nhớ, rất rõ. Cho nên trong một bài “tạp nhạp ghi” dài lê thê viết về nơi ấy, hầu như tôi đã vẽ lại được một bức tranh đầy đủ từ cảnh trí đến nhân sự, đủ mọi giờ khắc trong ngày, trong tuần, kèm theo những ghi chú hoặc lời tâm tình gởi gắm . “Căn nhà tuổi thơ” và thành phố buồn muôm thuở ấy, nơi mà tôi đã trải qua chặng đời học trò kham khổ nhưng được học hành, làm sao có thể quên những ngày tháng thân thương, những ngày hè oi ả đi dưới làn hoa phượng đỏ rực trời, nghe tiếng ve rộn ràng trên cành réo gọi. Mùa thu lá vàng rơi trên những nẻo đường nhè nhẹ mưa rơi, trên ghế đá công viên, trên những mái ngói lầu uốn hình long phụng, dày lớp rêu phong. Những mùa đông lạnh lùng mưa phùn gió bấc, Những ngày xuân hoa sắc muôn màu… Những đền đài cổ kính, lăng tẩm uy nghiêm, Đại Nội bí huyền, Tịnh Tâm mơ mộng mùa sen rộ…Nơi đó có “căn nhà tuổi thơ” in dấu bóng đời một người, dù lâu rồi biền biệt phương xa, với hành trang mang theo còn nguyên nỗi nhớ…
|