Home Văn Học Tùy Bút NỖI NHỚ KHÔN NGUÔI

NỖI NHỚ KHÔN NGUÔI PDF Print E-mail
Tác Giả: Kha Lăng Đa   
Thứ Năm, 16 Tháng 2 Năm 2012 10:10

 Đã hơn 37 năm rồi mà tôi vẫn không quên được những kỷ niệm êm đẹp của tôi và đứa em “cột chèo” ở miền Trung, nơi quê hương có núi Ấn, sông Trà.




Tôi là người Nam, ở miền biển mặn gần Vũng Tàu, đến tuổi lớn khôn, đi lính, phiêu bạt ra miền Trung và cưới vợ ở “ xứ kẹo mạch nha”- Quảng ngãi. Vợ tôi vào Nha Trang để đi học. Lúc tôi còn là Sinh Viên Sĩ Quan ở Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân đã vướng phải lưới tình của cô gái Quảng “pha” Nha Trang và đã yêu nàng tha thiết! Lúc ra trường, tôi được ưu tiên chọn nơi phục vụ tại xứ biển nầy.

Sau 2 năm ở Nha Trang, trời xui khiến tôi đổi ra trấn”Ải Địa Đầu” của lính tàu bay là Không Đoàn 41 – Đà nẳng. Nàng theo tôi trở về quê cũ, thật đúng là duyên nợ!
Đứa em “cột chèo” của tôi tên là Châu Đình Phúc, sĩ quan phòng 3 của Sư Đoàn II Bộ Binh ở trại Hoa Lư – Quảng ngãi. Phúc cưới cô em vợ của tôi tên Ái Phương lúc cô nầy mới đúng độ “ trăng tròn lẻ”, xinh đẹp, dễ thương và còn đang đi học. Sau Ái Phương, còn 2 nàng nữa tên Thủy và Liễu. Lúc tôi cưới vợ tôi thì Phúc và Phương đã có 2 đứa con gái tên Lệ và Tuyền. ( Hai tên nầy ghép lại thành Lệ Tuyền có nghĩa là suối lệ!! ). Hỏi nhau mới biết, tôi và Phúc cùng thụ huấn tại “Quân Trường Mẹ”- Trường Bộ Binh Thủ Đức. Phúc học khóa 18. Tôi học khóa 19, được tuyển chọn qua Không Quân.

Phúc có tầm vóc trung bình, cao khoảng 1m65, tóc hót cao, khuôn mặt rắn rỏi, kiên nghị, nhưng Phúc rất vui tính. Điểm đặc biệt là Phúc có một cái răng vàng. Tôi nhớ lại trong Nam ở thập niên 60, trai gái miền quê hay bịt một cái răng vàng để làm tăng thêm sự duyên dáng cho nụ cười. Bởi vậy nhạc bản “Khúc ca ngày mùa” của nhạc sĩ Lam Phương bị các cô, các cậu sửa lại câu đầu để ca, chọc quê nhau: “ Cười lên đi cho răng vàng sáng chói!”. Điểm đặc biệt thứ hai là tôi chưa bao giờ thấy Phúc mặc đồ “civil”, hầu như nó mặc quân phục suốt ngày.

Phúc cùng tuổi với tôi, nhưng luôn xưng hô bằng em với tôi rất ngọt. Vì gốc người Quảng Trị và hay nói nhanh, nhiều khi tôi ngơ ngẩn sau câu nói của Phúc và bảo nó lập lại. Nhớ lúc từ Phi Đoàn 114 ở Nha Trang đổi ra Phi Đoàn 110 - Đà Nẳng, hôm nọ bay yểm trợ cho cuộc Hành Quân Lam Sơn 54 ở vùng hỏa tuyến, khi liên lạc máy vô tuyến với cánh quân thuộc đơn vị Nhảy Dù, anh hiệu thính viên người Quảng Trị “gởi công điện” mà tôi nghe không được, yêu cầu anh ta lập lại nhiều lần. Cuối cùng đơn vị bạn phải tìm một anh hiệu thính viên khác thuộc dân “nam cờ” chánh tông liên lạc với tôi. Trước khi bàn giao nhiệm vụ, anh hiệu thính viên Quảng Trị nói với tôi:

_ Bạn ơi! Tôi đã tìm ra người xứ bạn để nói chuyện với bạn cho dễ hiểu!

Phi Đoàn 110 có một biệt đội ở Quảng Ngãi gồm 3 phi cơ L19 để bay yểm trợ hành quân cho Sư Đoàn II Bộ Binh và Tiểu Khu Quảng ngãi. Nhân Viên Phi Hành của Phi Đoàn luân phiên nhau đi biệt phái, mỗi kỳ là 15 ngày. Lần nào tới phiên tôi đi Quảng ngãi, tôi cũng xin phép ở lại cả tháng, có khi 2, 3 tháng. Sau một ngày làm việc, chiều nào tôi cũng cùng Phúc và người anh bà con chú bác của vợ tôi, tên Bích đi uống bia ở những quán nem nướng trên đường Võ Tánh hay những quán nhậu gần đầu cầu sông Trà Khúc. Thỉnh thoảng, ba anh em lái xe “ jeep” xuống tận sông Vệ ăn mì Quảng. Có khi tôi đi nhậu với anh em đồng đội của Phúc ở Trại Hoa Lư. Khi “ tửu nhập tâm như hổ nhập lâm”, họ thường thách nhau cụng đầu để tranh chức..vô địch ( Chơi trò gì kỳ cục quá!). Phúc luôn giữ chức vô địch vì đầu nó quá cứng. Tôi ngồi nhìn họ cụng đầu nhau mà cười chớ không nhập cuộc.

Có khi tôi và Phúc đối ẩm với nhau, không có bạn bè nào khác ngồi chung, Phúc thường tâm sự với tôi là nó muốn xin ra tác chiến. Tôi hỏi nó có chuyện gì buồn không? Nó trả lời:

_ Em không có chuyện gì buồn cả, nhưng em thấy bạn bè em gian khổ ngoài chiến trường mà mình ngồi văn phòng hoài em cảm thấy mình hèn quá!

Tôi khuyên Phúc:

_ Chiến đấu thì ở vị trí nào cũng là chiến đấu, miễn sao tinh thần của mình luôn tích cực với nhiệm vụ. Cấp chỉ huy đã cắt đặt Phúc ngồi ở phòng 3 chớ đâu phải mình cầu xin hay mua chỗ ấy đâu mà hèn. Em hãy bỏ ý định mạo hiểm ấy đi, vợ trẻ, con thơ đang cần Phúc ở gần chúng nó.
Phúc không nói thêm nữa, mắt nhìn xa xăm nghĩ ngợi. Trong ánh mắt ấy, tôi đọc được niềm ước mơ tung hoành nơi chiến địa cho thỏa chí tang bồng. Tôi thương Phúc như tình đệ huynh ruột thịt vì tánh tình của nó cương trực, biết lo cho gia đình, đối xử với bạn bè chân thật, đậm đà tình nghĩa. Tôi thương Ái Phương như đứa em gái của tôi vì nó rất đoan trang, phúc hậu.

Trong thời chinh chiến, có biết bao thiếu phụ chít khăn tang, khóc chồng trước cảnh tử biệt sinh ly, duyên tình gãy đổ nửa chừng xuân. Tôi không muốn nhìn đứa em vợ của tôi và đàn cháu thơ dại, tóc xanh chưa vướng bụi đời phải sớm chuốc lấy nỗi khổ hận, đau thương khi Phúc xông pha ra chiến trận và không bao giờ trở lại. Nhưng, Phúc xem thường chuyện tử sanh. Nhiều lần nó nói với tôi:

_ Nếu một mai em bị lọt vào tay Cộng Sản, em sẽ tự sát hoặc là kháng cự cho chúng nó bắn em chết chớ không để chúng nó dẫn em đi.!

Tôi trấn “Ải Địa Đầu” của Không Quân được 2 năm thì về miền Nam đầu quân vào Phi Đoàn tân lập 122 theo đà phát triển của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa từ cấp lớn nhất là Không Đoàn tăng lên cấp Sư Đoàn.

Kễ từ đó, tôi xa đứa em cột chèo và miệt mài với nhiệm vụ bay yểm trợ hành quân khắp miền đồng bằng sông Cửu Long và chiến trường ngoại biên Campuchia. Ba năm sau, tôi xin phép đặc biệt, đưa vợ con về thăm cha mẹ vợ tôi ở Quảng ngãi. Tôi vui mừng gặp lại Phúc. Nó đã được thăng cấp Đại úy như tôi và đã ra đơn vị tác chiến là Tiểu Đoán 1/5 thuộc Sư Doàn II Bộ Binh, với chức vụ Tiểu Đoàn Phó.

Mừng ngày tái ngộ, Phúc lái xe chở tôi cùng 5 anh em đồng đội của nó đi ăn nhậu, hết quán nọ, sang quán kia. Sau đó, Phúc chở tôi ra thăm hậu cứ Trung Đoàn của nó ở Tuần Dưỡng. Phúc lấy cái nanh heo rừng bọc trong túi vãi đỏ, có dây để đeo vào cổ cũng màu đỏ, đặt trên cái trang thờ trong phòng của nó, trao cho tôi và nói:

_ Em “chuộc” cái nanh heo rừng nầy với giá 2 chỉ vàng để dành tặng anh vì em đi hành quân, thấy phi cơ L19 mỗi lần bay thấp,xuống, bị Việt Cộng bắn dữ lắm, không biết phi công có nghe súng nổ hay không chớ tụi em dưới đất thường nghe loại súng phòng không 12 ly 7 nó bắn rát lắm! Anh đeo cái nanh nầy để làm bùa hộ mạng vì đạn và lửa sẽ tránh anh!

Tôi cầm cái nanh heo rừng ngắm nghía và nhớ lại huyền thoại của nó do môt bậc chú, bác của tôi kễ: “Cái nanh heo rừng chỉ linh nghiệm khi nào con heo già nua sắp chết, nó đánh vào gốc cây khô cho đôi nanh ghim sâu và gãy trong đó để giấu báu vật của nó. Sau đám cháy rừng, người nào ( biết rõ chuyện linh nghiệm của nanh heo rừng ) thấy một gốc cây và cỏ chung quanh không bị cháy thì sẽ lấy được cái nanh quý. Những cái nanh khác thì không có sự linh nghiệm”. Tôi nghĩ đến Phúc phải xông pha ngoài mặt trận, trước lằn đạn của quân thù, cần có một chiếc nanh quý để hộ thân nên trao chiếc nanh lại cho Phúc

_ Phúc cần cái nanh heo rừng nầy hơn anh vì em cận kề với sự hiểm nguy ngoài chiến tuyến, còn anh thì bay ở trên trời dù sao cũng an toàn hơn, VC bắn khó trúng phi cơ lắm! Cám ơn em đã yêu thương và lo cho anh. Có điều anh khuyên em là đừng quá tin tưởng vào cái nanh nầy mà không ẩn núp trước hỏa lực của đối phương!
Phúc năn nỉ mãi, nhưng tôi vẫn không chịu nhận cái nanh.
Sau đó, Phúc chở tôi ra Tam Kỳ, ngồi quán cà-phê, nghe nhạc lính tới chiếu mới trở vô Quảng Ngãi.

Hết phép, tôi phải trở về đơn vị, nhưng vợ con tôi còn ở lại Quảng ngãi. Tôi hẹn tháng sau sẽ trở ra Trung, đón vợ con tôi về Cần Thơ. Tôi đi biệt phái ra Đăc Khu Phú Quốc, mua đăc sản cá khô thiều, tôm khô với dự định làm quà tặng Phúc và anh em đồng đội của nó khi tái ngộ với họ. Tôi có ngờ đâu, ngày tôi trở lại quê hương núi Ấn, sông Trà thì được tin Phúc bị mất tích khi căn cứ “West Quế Sơn” của nó bị thất thủ. Ái Phương, vợ Phúc vẫn tin tưởng rằng Phúc còn sống và bị bắt làm tù binh. Riêng tôi cảm thấy buồn muốn khóc như đã mất một người thân và theo linh cảm của tôi thì Phúc khó mà sống sót được. Tôi chỉ biết an ủi em vợ tôi hãy nén đau thương và can đảm vượt qua sóng gió cuộc đời để lo nuôi dưỡng 3 đứa cháu thơ cho khôn lớn, nên người.

Năm 1973, tôi được về Sài Gòn dự đại lễ mừng Ngày Quân Lực 19-6. Trong bữa tiệc do Tổng Thống khoản đãi 211 chiến sĩ xuất sắc tại Dinh Độc Lập, tôi nhìn sang bàn bên cạnh, thấy một quân nhân mang phù hiệu “Con cá hóa long” của Trung Đoàn 5 ( tức là Trung Đoàn của Phúc ). Tôi vội đến hỏi thăm tin tức của Phúc thì được anh lính ấy cho biết:

_ Căn cứ West Quế Sơn bị Cộng quân tràn ngập, nó bắt Đại úy Phúc dẫn đi. Đại úy Phúc kháng cự lại nên bị chúng nó bắn ổng chết tại chỗ.

Tôi không có thì giờ hỏi người lính nầy thêm nữa. Giữa tiệc vui đầy cao lương mỹ vị mà tôi bỗng nghe tê đắng cả vị giác và cõi lòng mang nặng nỗi đớn đau, thương tiếc một đứa em “cột chèo” dũng cảm, bất khuất trước kẻ thù. Những lời nó nói với tôi trước kia như một lời nguyền. Nó đã giữ đúng lời nguyền ấy như đinh đóng vào cột!
Trong lần về phép ở Quảng ngãi, tôi đã thuật lại tin tức tôi biết được về Phúc cho em vợ tôi nghe. Ái Phương trả lời:

_ Không phải vậy đâu anh.! Anh Phúc vẫn còn sống mà!

Tôi nhìn vào đôi mắt của Ái Phương, tuy em không khóc, nhưng tôi cảm nhận được ánh mắt ấy sấu thăm thẳm và chắc là em đang khóc trong lòng. Tôi hối hận vì mình đã gieo thêm nỗi buồn đau cho Ái Phương. Đáng lẻ tôi không nên khuấy động tâm tư của Ái Phương bằng những tin buồn mà tôi đã nhận được để cho đứa em đáng thương kia nuôi niềm hy vọng mà sống với đàn con thơ dại cho đoạn tháng, qua ngày.

Trong ngày trao trả tù binh sau Hiệp định Paris, tôi đã dò danh sách tù binh VNCH trên những tờ nhựt báo, được Cộng sản trao trả, nhưng không thấy tên Châu Đình Phúc đâu cả. Tôi nghĩ Ái Phương chắc cũng đã chăm chú, hồi hộp dò từng tên tù binh được thả về từ ngục tù Cộng sản và thất vọng não nề khi chẳng thấy tên chồng.

Hơn 16 năm sống trên đất Mỹ, vợ tôi vẫn còn liên lạc với Ái Phương và được biết em vẫn ở vậy thờ chồng, nuôi đàn con 2 gái, 1 trai, bây giờ đứa nào cũng lớn khôn, lập gia đình, làm ăn phát đạt. Đứa con gái tên Tuyền đã cùng chồng vượt biển tìm tự do, hiện đang định cư ở Canada.

Vì muốn biết rõ rang sự hy sinh dũng cảm của đứa em “cột chèo” Châu Đình Phúc, tôi đã nhờ Đài Truyền Hình VHN nhắn tin cùng chiến hữu đồng đội của Phúc, yêu cầu họ cho tôi biết tin tức về Phúc. Tôi dược Cựu Trung Tá C. của Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Quảng Tín trước kia, hiện định cư ở Texas, thuật lại rành mạch biến cố của “Mùa Hè Đỏ Lửa” mà căn cứ West Quế Sơn, còn gọi là Đồn Liệt Kiểm là mục tiêu của địch quân:

Trung Tá C. ra căn cứ West Quế Sơn nằm giữa Việt An và Hiệp Đức để bàn định kế hoạch phòng thủ vì có tin địch sẽ tấn công căn cứ nầy.
Bỗng 5 giờ sáng ngày 12 tháng 3 năm 1972, Đặc công Việt cộng tấn công căn cứ. Chúng đột nhập và làm chủ tình hình, kêu gọi lực lượng ta đang ẩn núp trong công sự phòng thủ, hầm truyền tin hãy ra đầu hàng. Trung tá C. bị thương, trốn trong một lô-cốt cùng với một người lính truyền tin. Ông hoàn toàn bị mất liên lạc với Thiếu tá Nguyễn văn Bê – Tiểu đoàn trưởng và Đại úy Châu Đình Phúc- Tiểu đoàn phó. Những ngày ấy, mây mù bao phủ vùng trời, phi cơ không bay đến oanh kích, yểm trợ được. Pháo Binh ta bắn liên tục chung quanh căn cứ nên Trung tá C. không thể nào ra khỏi nơi ẩn trốn được.

Đến ngày hôm sau, Việt Cộng đem công binh đến kêu gọi sĩ quan và lính còn ẩn trốn hãy ra hàng, nếu không, chúng sẽ đặt chất nổ phá hủy căn cứ.Trung tá C. cùng 5 sĩ quan ra đầu hàng, bị chúng bắt, dẫn đi. Trên đường đi, ông gặp Thiếu tá Bê – Tiểu đoàn trưởng cũng bị bắt làm tù binh. Thiếu tá Bê cho Trung tá C. biết, Đại úy Châu Đình Phúc và một sĩ quan Đại đội trưởng bị chết trong tiếng nổ đầu tiên khi đặc công VC đột nhập và khai hỏa. Tất cả tù binh bị đưa về trại tù ở ranh tỉnh Kontum và Quảng ngãi.
Bị giam cầm một thời gian, Thiếu tá Bê kết hợp vượt thoát cùng 5 sĩ quan của Sư Đoàn 22 Bộ Binh. Thừa lúc đi làm lao động khổ sai, 2 tên cán bộ võ trang sơ ý, Thiếu tá Bê chém chết chúng nó, đoạt vũ khí rồi chạy vô rừng. Chẳng may trên đường tẩu thoát, Thiếu tá Bê cùng anh em gặp một đơn vị của Việt cộng. Hai bên bắn nhau, Thiếu tá Bê cùng 2 sĩ quan bị tử thương còn 3 người kia bị bắt sống. Sau đó, chúng hành hạ tù binh trong trại đủ mọi cách để trả thù.

Năm 1973, Trung tá C.được trao trả tù binh khi ông đã kiệt lực, đi không nổi phải nhờ Đại úy N.D.A – Pháo đội trưởng của căn cứ West Quế Sơn và 1 người nữa võng ông ta đi đến 7 ngày đường mới tới địa điểm trao trả tù binh.

Qua lời tường thuật của Trung tá C., tôi nghĩ nếu Phúc bị bắt làm tù binh thì chắc thế nào nó cũng kết hợp với Thiếu tá Bê – tiểu đoàn trưởng để vượt ngục và chắc Phúc sẽ cùng chung số phận với Thiếu tá Bê khi chạm súng với Cộng quân trong rừng.

Vùng ranh giới 2 tỉnh Kontum và Quảng ngãi núi non trùng điệp, chớn chở, rừng già rậm rạp, thâm u với ngọn Ngọc Lĩnh cao trên 9.000 feet. Ngày trước biệt phái cho Trại Biệt Kích B.15 ở bên kia đầu cầu DakPla của tỉnh Kontum, tôi thường bay qua vùng nầy và nghĩ rằng nếu bị hạ cánh ép buộc xuống nơi đây, may mắn được sống còn thì cũng khó mà mưu sinh thoát hiểm. Thiếu tá Bê thật là một sĩ quan của QLVNCH dũng cảm, can trường đã quyết không đội trời chung với quân thù. Việt cộng nắm vững địa thế vùng nầy vì là địa bàn hoạt động của chúng (“Rừng nào, cọp nấy”!). Thiếu tá Bê và 5 sĩ quan kia với hỏa lực ít ỏi làm sao chống nổi với đơn vị đầy đủ đạn dược của Cộng quân, như “mãnh hổ nan địch quần hồ”! Anh đã chết đi nhưng đã nêu cao tấm gương anh hùng bất khuất muôn đời, theo truyền thống của nòi giống Rồng Tiên.
Tôi nhận được tin tức chính xác về Phúc trong vòng một tháng thì Ái Phương được đứa con gái bảo lãnh sang Canada. Tôi gọi điện thoại thăm em ấy và kễ lại chuyện đồn Liệt Kiểm bị thất thủ theo lời Trung tá C. tường thuật. Lần nầy, Ái Phương không chống chế lời tôi nói nữa, nhưng chắc em cũng buồn nhớ, tiếc thương người bạn tình chung đã ra đi không bao giờ trở lại.

Vợ chồng tôi hứa sẽ qua Canada thăm em, nhưng chưa đi được. Mùa Xuân năm nay, ở miền lạnh giá, chắc em sẽ nhớ quê nhà và nhớ thương chồng em đã hy sinh vì chính nghĩa quốc gia, noi gương vị anh hùng dân tộc Hoàng Diệu, thành mất thì chết theo thành. Thân xác của Phúc không biết bị vùi dập nơi đâu!? Nó không được nằm trong cổ quan tài phủ cờ Tổ Quốc và không được an táng dưới “nấm mồ danh dự”. Theo quan niệm sống của tôi, người nào an ủi tôi lúc hoạn nạn, đau buồn, cũng đủ cho tôi mang ơn người ấy. Do đó, tôi không thế nào quên được ân tình của Phúc đối với tôi khi Phúc mua cái nanh heo rừng mà nó cho là bùa hộ mạng, nhưng không dùng báu vật ấy để che thân mà tặng cho tôi để tôi được an toàn trong những phi vụ bay yểm trợ hành quân. Nó chỉ nghĩ tới sinh mạng của tôi mà quên cả bản thân của nó! Riêng Ái Phương thật xứng đáng nêu gương một người vợ thủy chung, thủ tiết thờ chồng, nuôi con đến tuổi khôn lớn, thành nhân, vượt qua bao sóng gió của cuộc đời. Có lẽ dưới suối vàng, Phúc cũng đẹp lòng vì có được một người vợ hiền giữ tròn thệ ước và vẹn vẽ câu “tứ đức, tam tùng”.

Kha Lăng Đa