Quanh truyện Liêu Trai Từ Tản Ðà, Ðào Trinh Nhất tới Phạm Lệ Oanh |
Tác Giả: Viên Linh | ||
Thứ Sáu, 16 Tháng 3 Năm 2012 06:45 | ||
"Liêu Trai Chí Dị đã đem lại cho chúng ta những giây phút thích thú, phiêu diêu, trong khung cảnh kỳ bí, huyền ảo, đầy hồ ly yêu quái.” “Thuở nhỏ, tôi đã say mê đọc Liêu Trai Chí Dị qua các bản dịch của Tản Ðà và Ðào Trinh Nhất. Sau này lại đọc thêm nhiều truyện dịch giá trị của ông Nguyễn Hoạt. Với tài phiên dịch “mỗi người một vẻ” của các dịch giả này, Liêu Trai Chí Dị đã đem lại cho chúng ta những giây phút thích thú, phiêu diêu, trong khung cảnh kỳ bí, huyền ảo, đầy hồ ly yêu quái.” (Trần Trọng San*)
“Tôi đọc Liêu Trai từ cái tuổi chưa biết đến tên tác giả, cũng chưa biết thế nào là văn chương. Truyện của Bồ Tùng Linh từ thời xa xưa ấy đối với tôi là một thứ truyện kỳ lạ, nhưng mà tôi tin là có thật, một cách tự nhiên. Ma quỉ có thật, dù không ai thấy chúng. Hồ ly cũng có thật, dù không ai thấy chúng.” (Nguyễn Mạnh Côn*) “Tôi thích đọc Liêu Trai không phải vì chuyện ma quỉ ở trong đó... Người đọc Liêu Trai nên hiểu Liêu Trai dưới khía cạnh che đậy của tác giả là chống đối ngầm nhà Thanh. Có một truyện về cắt đuôi con chồn là ngụ ý cái đuôi sam của người Tầu thuở ấy vì Bồ Tùng Linh còn thương nhớ nhà Minh hơn nhà Thanh - là buổi ông đang sống.” (Vương Hồng Sển*) Ba nhà văn nhà giáo tên tuổi kể trên đã viết như thế khi Tạp chí Thời Tập của tôi phỏng vấn các ông một câu duy nhất: “Nên hiểu truyện Liêu Trai như thế nào?” Bài phỏng vấn đã đăng báo từ tháng 2, 1974 tại Sài Gòn. Tới thuở ấy, ba dịch giả dịch Liêu Trai của Bồ Tùng Linh nổi tiếng nhất là Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu, Ðào Trinh Nhất, và Hiếu Chân Nguyễn Hoạt. Người thích đọc loại truyện hồ ly diễm tuyệt, mà nhiều khi tả chân một cách tự nhiên, không khỏi có lần thắc mắc: nhà văn Bồ Tùng Linh trước sau viết được bao nhiêu truyện Liêu Trai, và ba dịch giả nói trên đã dịch được bao nhiêu truyện, và còn bao nhiêu truyện nữa chưa được dịch ra? Câu hỏi ấy độc giả chỉ tìm thấy khi đọc truyện Liêu Trai của dịch giả thứ tư, một nữ dịch giả, là Kim Y Phạm Lệ Oanh. Kim Y Phạm Lệ Oanh (1902 - 8 tháng 3, 1999) người Thường Tín, Hà Ðông, sáng tác cùng thời với nữ sĩ Tương Phố, năm 1940 đã xuất bản cuốn tiểu thuyết Tình Lụy, và năm 1968 đã hoàn tất cuốn Tân Chinh Phụ Ngâm Khúc, tái bản tại hải ngoại năm 1984 trong Tuyển tập Tiếng Quyên của Tổ hợp Xuất bản Cành Nam. Bà là người đồng cảm với một nữ dịch giả Việt Nam từ thế kỷ XVIII, là Ðoàn Thị Ðiểm. Với nền nếp Nho phong của một đại gia đình sĩ phu nổi tiếng từ năm sáu thế kỷ trước ở Miền Bắc, Phạm Lệ Oanh viết văn làm thơ trong truyền thống ni sư Diệu Nhân đời nhà Lý, bà tinh thông Hán học và chữ Nôm, từng sống bằng nghề dịch tiểu thuyết kiếm hiệp Trung Hoa sang Việt ngữ trước 1975 tại Sài Gòn, ký nhiều bút hiệu khác nhau như Lão Sơn Nhân, Mộng Tiên. Năm 1965 bà đã dịch trọn bộ Thi Kinh Quốc Phong của Trung Hoa, mà học giả Nguyễn Ðăng Thục, nguyên khoa trưởng Văn Khoa Sài Gòn, đã nồng nhiệt viết lời giới thiệu: “Bạn tôi sẵn có hồn thơ, vốn dòng Nho phong, từ nhỏ đã được nghiêm phụ giảng dạy Hán học,... có cho tôi xem bản thảo dịch Kinh Thi Quốc phong ra quốc âm, chú thích đầy đủ, lời thơ nhẹ nhàng và sát nghĩa. Ðược lời ủy thác (viết lời giới thiệu), tôi không ngại vụng về, có mấy lời thô thiển giới thiệu cùng độc giả.” Tác phẩm dịch thơ thì như thế, về truyện, Kim Y Phạm Lệ Oanh dự định sẽ dịch tất cả, dịch hết, bộ Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh. Năm 1962, ba tập đã xuất bản ở Sài Gòn, năm 1987 ở hải ngoại ái nữ của bà là nhà thơ Trương Anh Thụy đã cho tái bản. Trong lời nhà xuất bản (Tổ hợp Cành Nam), có kiểm kê như sau: -Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh (1640-1715) in ra lần đầu năm 1776, gồm 431 truyện và chia thành tám tập (sau này có bản in thành 16 tập). -1938, Tản Ðà đã xuất bản tại Hà Nội tập truyện dịch Liêu Trai Chí Dị đầu tiên, không rõ bao nhiêu truyện. -1952 (?),Ðào Trinh Nhất cho phổ biến tập truyện dịch Liêu Trai thứ hai, do Bốn Phương xuất bản, gồm 51 truyện. -1958, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt cho phổ biến bản dịch Liêu Trai thứ ba, do Cơ sở Báo chí và Xuất bản Tự Do ấn hành, gồm 35 truyện. -1962, Kim Y Phạm Lệ Oanh (ký bút hiệu Mộng Tiên) cho phổ biến bản dịch Liêu Trai thứ tư, do Trường Sơn xuất bản, gồm 98 truyện. Bộ sau cùng này do Tổ hợp Cành Nam của Trương Anh Thụy và Nguyễn Ngọc Bích tái bản năm 1987, được chia làm 3 tập. Trong lời nhà xuất bản có viết: “Kim Y Phạm Lệ Oanh (trong khi) cho tái bản các truyện đã in từ Sài Gòn, và sẽ tiếp tục dịch nốt những truyện còn lại.” Nhưng dịch giả đã ra đi, mà độc giả của bà đã không được đọc hết các truyện Liêu Trai bà nói sẽ dịch hết. Bà Kim Y Phạm Lệ Oanh và chồng, nhà thơ, họa sư Tá Chi Trương Cam Khải, là những gương mặt Nho phong nghệ sĩ được kính trọng tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Ðốn trong ba thập niên cuối cùng của thế kỷ XX. Bà mất trong tháng này, mồng 8 tháng 3, năm 1999. Trong các tác phẩm của bà, có một cuốn sách cần thiết cho người đọc sách, là cuốn kinh số 1 trong Ngũ Kinh của Trung Hoa, là Kinh Thi (đứng trước các kinh Thư, Lễ, Nhạc và Kinh Xuân Thu). Trên mặt báo này, Người Việt số ra ngày 28 tháng 2, 1985, bản dịch Thi Kinh Quốc Phong của Kim Y đã được nhận định như sau: “Người dịch đã dùng thể ca dao Việt Nam để diễn dịch Quốc Phong của Trung Hoa. Mỗi bài đều có phần nguyên văn chữ Hán, phần phiên âm, dịch, chú thích, bình giải rất đầy đủ dễ hiểu; đồng thời còn là một tài liệu quí giá cho ngành khảo cứu nữa.” Với cách làm việc đó, bản dịch Liêu Trai của bà Kim Y cũng có thêm chú thích, mỗi truyện có một tấm hình chính dẫn đầu, với phần chữ Hán trong tranh đầy đủ. Bà còn dịch cả hai mặt tấm bia mộ của Bồ Tùng Linh, và nhấn mạnh: bản dịch Liêu Trai của bà là dịch theo bản khắc “Thanh kha đình” khắc theo nguyên cảo của tác giả: không có chấm câu. Vấn đề dịch xưa nay vẫn quan trọng, và “dịch không phải là phản” như một lối nói hàm hồ, nếu người dịch là một cây bút nghiêm túc, và có một “văn hóa dịch” cho riêng mình, chẳng hạn lối dịch của nhà văn, nhà thơ Kim Y Phạm Lệ Oanh. Xin dùng bốn câu thơ cảm đề Liêu Trai của chính bà để kết thúc bài này: Ðèn ai le lói canh chầy Ngoài song lất phất mưa bay lạnh lùng. Chuyện đời tai đã bưng bồng Thì nghe ma kể nỗi lòng buồn vui. (Tháng 3, 2012) * Trích phần trả lời phỏng vấn của Viên Linh (báo Thời Tập Sài Gòn): Nên hiểu truyện Liêu Trai như thế nào?” Phần trả lời có kèm thêm bài vở về Bồ Tùng Linh, và bổ sung vài truyện dịch mới, đã đăng lại trên Khởi Hành số 72, tháng 10, 2002.
|